Tạp
chí Dân tộc học, số 01(241)2020
Tóm tắt: Hiện nay, vẫn tồn tại
định kiến đối với các cộng đồng dân tộc thiểu số rằng luôn có một dạng thức “bản sắc” có trước, bất biến và
không ngừng chi phối những cộng đồng đó. Bài viết này đề cập đến các định kiến về sinh kế truyền thống, về những
thực hành tín ngưỡng, về khả năng thích ứng
với kinh tế thị trường ở người dân tộc thiểu số như là những ví dụ tiêu biểu và
hệ quả của các định kiến ấy. Nó cũng đề cập đến
bài học rút ra cho việc tìm hiểu dư luận xã hội ở đối tượng này, đó là
không giữ cái nhìn định kiến, người nghiên cứu sẽ không tự tước đi của mình cơ
hội để thấu hiểu những hành vi của người dân liên quan đến dư luận xã hội từ sự
lý giải của chính chủ thể.
Từ khóa: Định kiến tộc người, dư
luận xã hội, dân tộc thiểu số, dân tộc đa số.
Đặt vấn đề
Có nghiên cứu đã chỉ ra rằng vùng cao Việt Nam không phải
là nơi ngoài lề, hẻo lánh và không có ảnh hưởng gì tới các sự kiện chính trị
của đất nước, mà ngược lại đóng một
vai trò quan trọng đối với toàn quốc gia (Jamieson và cộng sự, 1998). Nhưng
trong cái nhìn giản đơn hóa và nhầm lẫn của nhiều người Kinh, vùng cao thường
được xem là địa bàn của những con người bị
lịch sử bỏ rơi - cư dân sinh sống ở đó có trình độ văn hóa thấp, mê tín dị
đoan, có nền kinh tế nặng về tự cung tự cấp và là tác nhân chính gây ra suy
thoái môi trường (Jamieson và cộng sự, 1998, tr. 19-22). Cái nhìn mang tính
định kiến như vậy tồn tại từ quá khứ và biểu hiện dai dẳng ở hiện tại trong
truyền thông, cả trong các công trình khoa học, chính sách... và không ngừng
chi phối mối quan hệ giữa người Kinh với người dân tộc thiểu số (DTTS). Như một học giả nhận
định, quá trình hình thành định kiến bao gồm việc dán nhãn, mặc định nhóm bị
định kiến với một hệ giá trị gán cho, thiết lập ranh giới giữa “ta” và “họ”,
phân biệt đối xử và tạo cán cân quyền lực không công bằng (Link và Phelan,
2001). Quá trình đó đã gây ra nhiều hệ quả tiêu cực đối với người DTTS nước ta. Tuy nhiên, định
kiến là cái mang tính xã hội và có thể thay đổi (Phạm Quỳnh Phương và cộng sự,
2016).
Trên cơ sở tổng quan tài liệu, bài viết này đề cập tới
những định kiến chủ yếu đối với người DTTS ở Việt Nam. Đồng thời, qua nghiên cứu của đề tài khoa
học cấp Nhà nước “Những vấn đề lý luận và thực tiễn về dư luận xã hội ở vùng
dân tộc thiểu số nước ta trong bối cảnh toàn cầu hóa”[1], một số kết quả khảo sát bước đầu được đưa vào mô tả nhằm
giải định kiến và nhấn mạnh rằng bài học kinh nghiệm cần thiết được rút ra cho
việc tìm hiểu về dư luận xã hội ở nhóm DTTS trong bối cảnh hiện nay là điều đáng bàn luận.
1. Định kiến đối với người dân tộc thiểu số và
hệ quả
Một số dạng định kiến nổi bật về
người DTTS có thể kể đến là định kiến về hoạt
động sinh kế, định kiến về đời sống tâm linh và định kiến về khả năng thích ứng
với kinh tế thị trường.
1.1. Định kiến về hoạt động
sinh kế
Dạng thức định kiến đầu tiên có
thể nói đến về người DTTS ở nước ta là về hoạt động sinh kế, cụ thể là về việc đốt
rừng làm nương. Theo tiến hóa luận đơn tuyến của Morgan (1818 - 1881), cách
canh tác vừa nêu được xem là ở bậc thang thấp nhất, “nguyên thủy” nhất. Dưới
ảnh hưởng lâu dài của Morgan, nhiều người đã phê phán rằng nó chỉ đưa đến năng
suất rất hạn chế, từ đó dẫn tới một đời sống phiêu dạt đầy bấp bênh cho người
dân, trong khi lại tàn phá môi trường. Một số người còn cho rằng, việc loại bỏ nó sẽ mang
lại bước tiến có tính cách mạng cho người DTTS, vì nó là sản phẩm của tình trạng thiếu hiểu biết và kìm
hãm sự phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của đối tượng đang đề cập (Đặng
Nghiêm Vạn, 1975; Trần Mạnh Cát, 1975; Trần Nam và Trần Hữu Sơn, 1989; Nguyễn
Anh Ngọc, 1989). Tuy nhiên, thực tế cho thấy hình thức canh tác trên là kết quả
của việc vận dụng tri thức địa phương vốn được tích lũy qua
nhiều thế hệ và phù hợp với địa hình và thổ nhưỡng vùng cao. Guilleminet là
công sứ tỉnh Kon Tum thời Pháp thuộc và là một nhà dân tộc học, từng khẳng định
trong một công trình nghiên cứu của mình về người Ba-na (1952) rằng, chắc chắn các thành viên của tộc người này có cuộc sống
no đủ hơn nông dân ở đồng bằng Trung Bộ. Hình thức canh tác nương rẫy cũng
không khiến người dân phải du cư. Với việc luân khoảnh khép kín, người ta canh
tác một mảnh rẫy trong vài năm rồi bỏ hóa, lần lượt chuyển sang các mảnh kế cận
và quay trở lại mảnh rẫy cũ khi trạng thái ban đầu của nó đã được phục hồi.
Những mảnh rẫy này không quá xa nơi ở nên không phải là lý do để người nông dân
phải rời bỏ buôn làng của mình.
Trong điều kiện đất đai và dân số trước đây, hoạt động
canh tác nương rẫy cũng không hủy hoại môi trường. Dournes - một nhà truyền
giáo sống ở Tây Nguyên nhiều năm sau Đại chiến thế giới II, cũng là nhà dân tộc
học - đã nhận xét rằng, hình thức canh tác này không hề lãng phí hay gây tàn phá mà đảm bảo để con người
sinh tồn hài hòa bên cạnh các giống loài khác, và ông còn nhấn mạnh rằng các lỗ
hổng của rừng sẽ được lấp lại “nhanh chóng và mạnh mẽ đến kì lạ” sau khi những
lớp cây cối bị chiếc rìu của người nông dân đốn đi (2003, tr. 75). Với việc luân khoảnh khép
kín như trên đã nói, rừng vẫn hoàn toàn được bảo tồn. Bằng chứng là tỷ lệ che
phủ của rừng ở vùng cao nước ta luôn là rất lớn suốt nhiều thế kỷ qua cho đến ít nhất là
trước Cách mạng (1945) - thời điểm rừng còn chiếm tới 90% (Vũ Đình Lợi và cộng
sự, 2000), dù dân cư bao thế hệ đã không ngừng thực hiện những hoạt động sản
xuất nông nghiệp quen thuộc của mình. Nói cách khác, canh tác nương rẫy không
những không phải là một dạng canh tác làm tổn hại tự nhiên, mà ngược lại còn là một
hình thức khai thác bền vững với môi trường (Forsyth, 1999). Đó là chưa kể, các công cụ
lao động của nền nông nghiệp nương rẫy cũng là những công cụ phù hợp với việc
trồng trọt trên đất dốc, giúp hạn chế sự xói mòn của đất đến mức tối đa. Không
phải ngẫu nhiên mà chính sách của Nhà nước liên quan đến việc “định canh định cư” các cộng
đồng DTTS trong những thập niên
qua đã phải đối mặt với không ít vấn đề và kết quả chưa đạt như mong muốn -
trong đó việc áp dụng mô hình nông nghiệp chưa phù hợp, chưa kế thừa tri thức
của người dân tại chỗ là một lý do cơ bản.
Những chủ nhân lâu đời của núi rừng là những con người đã
tích lũy được một lượng đáng kể tri thức liên quan đến việc sử dụng tài nguyên
một cách bền vững, nhưng thật không công
bằng khi điều đó thường bị phủ nhận, đúng như đánh giá của Briggs và Sharp
(2004) rằng cho đến nay vẫn tồn tại một quan điểm thống trị là khoa học
phương Tây chắc chắn tiến bộ hơn hẳn những phương thức khác. Rõ ràng, người dân
không thực sự có lỗi trong việc mất rừng nhưng cuối cùng họ lại phải gánh trách
nhiệm bởi các diễn ngôn liên quan, mà cụ thể là diễn ngôn về sự “lạc hậu” của
hình thức canh tác đốt nương làm rẫy (McElwee, 2004). Vì mục đích của các chương trình phát triển là
thay đổi tư duy của người dân, họ hay bị xem là những người không có đủ nhận
thức (Jorgensen, 2006).
1.2. Định kiến về đời sống tâm
linh
Dạng thức định kiến thứ hai đối với người DTTS nước ta là quan điểm cho
rằng họ là những người đắm chìm trong các thực hành văn hóa - xã hội mang tính
mê tín dị đoan (Cửu Long Giang và Toan Ánh, 1974; Đặng Nghiêm Vạn, 1986; Trương
Minh Dục, 2005). Song, thành viên của các tộc
người này chỉ đơn giản là có nhu cầu về một đời sống tâm linh như mọi tộc người
trên thế giới, trong đó bao gồm người
Kinh. Diễn đạt cách khác, tương tự rất nhiều người, họ có những niềm tin và tập
tục không dựa trên cơ sở khoa học (Jamieson và cộng sự, 1998). Ngoài ra, theo
Phạm Quỳnh Phương và cộng sự, có những niềm tin và tập tục đã trở thành dĩ vãng
mà đến nay vẫn được gắn vào người DTTS đương đại như thể chúng đang diễn ra và có thể “quan
sát” được (2016, tr. 39), tức như thể bản sắc là cái không bao giờ thay đổi.
Bên cạnh đó, không ít thực hành mà chúng ta cho là kì bí/cuồng tín chỉ tồn tại
trong những lời kể chứ chưa có ai được chứng kiến (Phạm Quỳnh Phương và cộng
sự, 2016, tr. 73). Mặt khác, một số luật tục liên quan đến đời sống tâm linh
của họ thoạt nghe có vẻ phản nhân văn thực ra lại chỉ mang ý nghĩa răn đe hơn
là mang tính ứng dụng (Phan Đăng Nhật, 2002, tr. 193-194).
Mặc dù vậy, dưới con mắt của người Kinh, mê tín dị đoan vẫn được xem
là bản chất “hàng đầu” của các DTTS. Quan trọng hơn, nó còn
được xem là nguyên nhân khiến các dân tộc này không “tiến bộ” được do lãng phí tài sản, thời gian vào việc cúng
bái và tin vào các thế lực siêu nhiên hơn là bản thân. Nhận thức ấy đã góp phần
dẫn đến những chính sách bất cập về tín ngưỡng nói riêng và văn hóa nói chung
đối với đồng bào. Với chủ trương xóa bỏ “hủ tục” - được xem là những tàn dư của
xã hội cũ - trong cuộc cách mạng về tư tưởng và văn hóa do chính quyền thực
hiện, nhiều thực hành tín ngưỡng của người DTTS liên quan tới vòng đời người, tới sinh hoạt cộng đồng và
tới việc sản xuất đã dần bị loại trừ. Theo tổng kết của Bế Viết Đẳng từ nhiều thập niên trước:
“Trong công tác văn hóa, (...) bài trừ mê tín dị đoan, giải phóng các dân tộc
thoát khỏi những lề thói lạc hậu đã được đặt ra bằng nhiều hình thức cụ thể,
tích cực từ những năm 1961 - 1962 đến nay. Tại nhiều nơi một số hủ tục như: ở
rể, thách cưới to, làm ma kéo dài, kiêng kỵ nhiều ngày không đi sản xuất... đã bị bỏ hẳn. Ở nhiều
vùng, những người lớn tuổi không còn ai học làm nghề cúng bái” (1975, tr. 10).
Việc
bài trừ tập quán tín ngưỡng như trên đã dẫn đến mất mát một
phần đáng kể di sản văn hóa của đồng bào DTTS thông qua sự phai nhạt của một loạt các phong tục, tập
quán liên quan khác. Dù Nhà nước có chủ trương bảo tồn nhưng
các phong tục ấy đã mất đi môi trường mang
tính chỉnh thể để tồn tại hoặc nếu có xuất hiện thì cũng chỉ là dưới dạng sân
khấu hóa mà thôi. Đồng thời, sự bài trừ các thực hành tín ngưỡng như vậy đã để
lại khoảng trống vô cùng to lớn về mặt tâm linh trong đời sống của đồng bào.
Đây chính là một trong những tiền đề cho sự bùng nổ của niềm tin mới là đạo Tin
Lành trong cộng đồng các DTTS những thập niên gần đây.
Về vấn đề này, ta cũng cần lưu ý đến nhận định của Salemink (2009) rằng, việc chủ động tham gia
vào một tôn giáo có tính quốc tế và hiện đại còn là cách thức để những người DTTS thể hiện mình như là
những người “văn minh” hơn cả người Kinh. Điều này cho thấy phần nào tâm
lý của họ trước việc lâu nay vẫn bị một số người dán nhãn là “mê tín dị
đoan”.
1.3. Định kiến về khả năng
thích ứng với kinh tế thị trường
Một dạng thức định kiến khác về người DTTS ở nước ta là họ vẫn chỉ
sống trong hệ thống kinh tế tự cung tự cấp và không hưởng ứng việc thị trường
hóa. Ví dụ, có thể thấy điều đó trong nghiên cứu của Đặng Nghiêm Vạn (1986).
Thực ra, người DTTS trước đây cũng như hiện
nay đều có ý thức về việc sản xuất hàng hóa. Chẳng hạn, Dournes từng mô tả cụ
thể sự trao đổi sản phẩm dệt của người Mạ với bên ngoài như sau: “Công việc
trao đổi được tiến hành hoặc với người Việt ở chợ Di Linh, Blao hay Đà Lạt,
hoặc với người Tây Nguyên ở các tộc người khác, đặc biệt với những người sản
xuất lúa gạo. Khi những người đàn bà đã hoàn tất công việc vất vả của mình, đàn
ông mang vải trong những chiếc gùi, thường giấu những tấm đẹp nhất xuống dưới,
để chỉ giới thiệu trước những thứ hàng kém phẩm chất hơn. Đôi khi một vài người
đàn bà đi theo những cuộc buôn bán đó. Nếu một người Mạ cần muối và cá, họ sẽ
đi bán chăn của mình cho người Việt, những người Việt này lại đem bán lại cho
những người Tây Nguyên khác đến mua ở các cửa hàng của họ. Chợ Blao tập hợp sản
phẩm của các làng ở cạnh con đường lớn; chợ Di Linh thì ăn hàng của các làng ở
Daa Dông; chợ Đà Lạt thu hút người Mạ-Ja ở chân núi Liang Biang” (Dournes,
2003, tr. 102).
Bên
cạnh đó, không ít nghiên cứu chỉ ra rằng, với những sản phẩm đặc
trưng của vùng cao, người DTTS thậm chí đã tham gia một
cách tích cực vào nền kinh tế thị trường nhiều thế kỷ qua. Chẳng hạn, dân cư
Tây Nguyên có những quan hệ thương mại rất mạnh mẽ với vương triều Champa và
sau này là vương triều Đàng Trong (Tana, 1999; Salemink, 2008; Hardy, 2008).
Trong bối cảnh đương đại, người DTTS lại càng không thờ ơ với kinh tế thị trường. Có điều, do
sự chi phối của yếu tố văn hóa trong mỗi vùng địa lý, ở một số trường hợp họ sẽ
tham gia vào nền kinh tế này theo cách của họ (Escobar, 2001). Ví dụ như người
nông dân Hmông trong nghiên cứu của Tunner,
Bonnie và Michaud (2015) vừa có những tính toán duy lý lại vừa có những cân
nhắc duy tình trong các quyết định liên quan đến sinh kế của mình - họ đón nhận
các cơ hội, nhưng không để bị phụ thuộc quá nhiều vào thị trường. Như vậy, họ không có tư tưởng
tuyệt đối chống lại cái hiện đại mà chỉ chống lại những gì không phù hợp với họ
(Jamieson và cộng sự, 1998). Tuy nhiên, việc họ bị dán nhãn như là những người
từ chối nền kinh tế thị trường đã gián tiếp ảnh hưởng đến quyền được thông báo,
tham vấn và quyết định của họ trong những vấn đề liên quan.
2. Giải định kiến - gợi ý nắm bắt dư
luận xã hội ở người dân tộc thiểu số qua vài dữ liệu từ thực tiễn
Mặc
dù Hiến pháp Việt Nam thừa nhận vị thế bình đẳng giữa các dân tộc, nhưng cái nhìn mang tính định kiến của
người Kinh về người DTTS và
của một bộ phận người DTTS với bộ phận còn lại vẫn tồn tại và
gây ra không ít hệ quả. Điều đó dễ hiểu, bởi học thuyết vị tộc người (ethnocentrism) vẫn đang tồn tại ở các cộng đồng và cá nhân thường có vai trò chủ đạo
trong việc ra chính sách và thực thi chính sách. Định kiến của họ đối với các DTTS chính là một
trong những thách thức đáng kể cho việc gắn kết các DTTS vào quá trình phát triển
chung của đất nước ta, vì người DTTS sẽ luôn bị đánh giá bởi những gì họ thiếu
hụt theo quan điểm của người bên ngoài và bởi những khác biệt của họ trong sự
so sánh với văn hóa của nhóm đa số (Rambo và Jamieson, 2003). Sự định kiến ấy
còn có thể gây ra tâm lý tự ti khi các diễn ngôn được người DTTS nhập tâm ở một
mức độ nhất định và từ đó ít nhiều mất đi niềm tin vào nội lực của tộc người. Từ
việc xem lại hệ quả của cái nhìn định kiến đối với các DTTS, chúng ta cần rút
ra bài học cho việc tìm hiểu dư luận xã hội ở đối tượng đang đề cập.
Xung
quanh những hành vi tập thể của người DTTS, bao gồm trong đó cả việc tạo dựng và lan truyền dư luận,
đã từng có không ít ý kiến cho rằng họ là những người hạn chế về nhận thức nên
dễ trở thành đối tượng để các thế lực xấu kích động, lợi dụng và từ đó có những
hành động tiêu cực. Một sự tiếp cận hàm chứa quan điểm tiến hóa (evolutionism) như vậy sẽ loại trừ hết
các khả năng vốn rất đa dạng của thực tế. Kết quả khảo sát về dư luận xã hội
vùng DTTS ở
các tỉnh phía Bắc trong khuôn khổ đề tài “Những vấn đề lý luận và thực tiễn về
dư luận xã hội ở vùng dân tộc thiểu số nước ta trong bối cảnh toàn cầu hóa” (một
đề tài nghiên cứu cơ bản về dư luận xã hội nói chung) đã cho thấy những điều
ngược lại.
Trước hết, những người dân mà chúng tôi phỏng vấn rất quan tâm đến việc
tiếp cận thông tin. Các kênh thông tin chủ yếu của họ là: các cuộc họp thôn bản
(75,5%); truyền hình (60,1%); cán bộ chính quyền, đoàn thể (58,9%); bạn bè,
người thân (46,6%); già làng, trưởng bản, người có uy tín (44,5%); internet
(33,9%); truyền thanh (30,6%);... Như vậy, những kênh thông tin mà họ hướng đến rất đa dạng, bao gồm cả
hiện đại lẫn truyền thống. Điều này khiến cho không ai bất đắc dĩ trở thành
người mù thông tin, ngay cả khi họ chưa tận dụng được ưu thế của việc sử dụng công nghệ. Được tiếp cận thông tin là nhu cầu
thực tế của người dân và họ rất không bằng lòng mỗi khi một trong những nguồn
thông tin quen thuộc của mình vì một lý do nào đó bị đình trệ.
Tuy nhiên, đa dạng hóa việc tìm kiếm nguồn thông tin không có nghĩa là
người dân mặc nhiên tin hoàn toàn vào tất cả. Việc tiếp cận thông tin từ
internet - nguồn thông tin rất quan trọng của thời đại toàn cầu hóa - là một ví
dụ. Khoảng một nửa số người dân được chúng tôi phỏng vấn có sử dụng điện thoại thông minh (smartphone) mà hầu hết trong đó (95,4%) có dùng internet. Tuy vậy, khi được hỏi có tin vào các thông tin được truyền tải
trên internet hay không, có tới 85,5% cho biết chỉ “tin một phần”. Như vậy, có thể thấy rằng những người dân ở địa bàn mà chúng tôi
nghiên cứu không hề dễ dãi trong việc tiếp nhận thông tin.
Khi nhận được một thông tin liên quan đến trách nhiệm và quyền lợi của cá
nhân và cộng đồng, người ta thường trao đổi
với ai? Kết quả mà chúng tôi thu được là: 90,3% thông tín viên trao đổi với
người thân trong gia đình, 80,2% với hàng xóm, 63,5% với bạn bè và đồng nghiệp,
61,9% với trưởng thôn/bản/buôn/ấp, 39,4% với cán bộ chính quyền và người có
trách nhiệm, 33,2% với người có uy tín. Có thể khẳng định, các quan hệ phi quan
phương chính là những quan hệ mà người ta dành nhiều sự chia sẻ nhất về phương
diện này. Theo các thông tín viên, việc trao đổi với người thân vừa là nhu cầu
vừa là trách nhiệm (người đi họp chia sẻ thông tin với những người còn lại
trong nhà), còn việc trao đổi với hàng xóm hay bạn bè, đồng nghiệp thì vừa là
nhu cầu vừa là thói quen. Điều đó cho thấy người ta thường thảo luận về những vấn đề của mình trong “thế
giới” của mình trước. Nói cách khác, người ta sẽ không làm cho thông tin trở thành cơ sở của
dư luận xã hội trước khi bàn bạc kỹ
về nó.
Với việc cân nhắc về các thông tin trước khi trao đổi, chỉ 24,1% số người
được hỏi cho biết sẽ trao đổi ngay sau khi nhận được thông tin, còn 47,3% suy
nghĩ kỹ rồi mới trao đổi và
27,8% tùy theo vấn đề mà quyết định. Như vậy, có gần hai phần ba bộc lộ sự thận
trọng trong việc này. Giải thích cho điều đó, họ nói rằng nếu không có gì gấp
gáp thì “suy nghĩ kỹ vẫn tốt hơn”. Ngoài ra,
những người chọn giải pháp trao đổi ngay sau khi nhận thông tin cũng không phải
không tiếp tục suy nghĩ về thông tin ấy. Một số cho biết họ quyết định trao đổi
ngay chỉ đơn giản là vì chuyện này sẽ không ảnh hưởng gì đến việc họ còn trao
đổi nữa nếu cần.
Người
dân thường tự tìm gặp người để trao đổi thông tin hay khi có người hỏi hoặc
tiện có việc khác thì mới trao đổi? Có tới 63,9% cho biết họ chọn phương án thứ
nhất. Con số đó cho thấy tính chủ động của họ.
Sự thận trọng của họ còn được chứng minh qua việc
trả lời câu hỏi về cách nêu ý kiến của mình khi tham gia các cuộc họp thôn/bản
trong các cuộc họp như thế nào: có tới 58,0% chọn phương án lắng nghe ý kiến
của mọi người rồi mới phát biểu, 18,8% chọn phương án cùng mọi người góp ý cho
người có uy tín phát biểu thay, và rất ít người nghĩ đến
chuyện bỏ ra về khi không đồng ý (1,0%). Đáng chú ý là chỉ khoảng một nửa (56,1%) giới hạn sự phát biểu ở những chủ đề mình quan tâm.
Diễn đạt cách khác, họ cũng phát biểu về những gì mà mọi người quan tâm. Thực tế, nhiều
thông tín viên thậm chí khá nhiệt tình lên tiếng trong những vấn đề không trực
tiếp liên quan đến họ. Một
số phụ nữ ở bản Nà Hừ I, xã Bum Nưa, huyện Mường Tè, Lai
Châu đã khẳng định: “Chúng tôi nói là vì nhiều
người khác! Có cái không ảnh hưởng đến chúng tôi nhưng chúng tôi vẫn ý kiến!”. Còn một thông
tín viên ở bản Vàng Bó, thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ nhấn mạnh: “Tôi phản ánh là vì sự công bằng chứ không phải vì quyền lợi của tôi!”. Trên bình diện nhất định, điều
này đồng nghĩa với việc người ta có trách nhiệm với cộng đồng. Như vậy, phần nào trái với nhận định chung của các lý thuyết hiện
đại về số phận của thiết chế làng xã, tinh thần cộng cảm ở thôn bản vùng DTTS
phía Bắc nước ta vẫn rất đáng kể trong thời hiện đại này. Nó cũng nói lên rằng, trái với quan điểm của kinh
tế quyết định luận, dư luận không phải sẽ không xuất hiện nếu nó không gắn với
tính tư lợi của con người.
Kết quả của những cuộc thảo luận trong cộng đồng còn cho thấy, khi các ý kiến cơ bản thống nhất, hành động của những người
được phỏng vấn thường là ủng hộ bằng việc làm cụ thể (74,5%), thông báo lại cho
người khác cùng biết (71,6%), vận động người khác
cùng làm (59,3%), theo dõi diễn biến sự việc (36,2%) và tiếp tục nêu vấn đề ra
cuộc họp thôn/bản/buôn/ấp (18,3%). Còn khi các ý kiến không đi đến thống nhất,
họ sẽ đưa sự việc ra các cuộc họp thôn/bản/buôn/ấp (66,9%), phản ánh sự việc
lên chính quyền các cấp (33,1%) hoặc không làm gì (17,2%). Có thể nói, dù thống nhất hay không thống
nhất với nhau, họ thường chọn cách giải quyết hợp pháp chứ không manh động. Số
người chọn phương án “Khác” là rất ít (2,0%).
Liên quan đến vấn đề này, đáng chú ý là ở một số trường hợp, những người ít học
hoặc hoàn toàn mù chữ mà ta quen nghĩ là “yếu thế” cũng rất quyết đoán. Những người phụ nữ ở bản Nà Hừ I, xã Bum Nưa, huyện Mường
Tè, Lai Châu là một ví dụ: Nếu các ý kiến sau khi trao đổi không thống nhất, họ
không ngần ngại chọn giải pháp đưa sự việc ra các cuộc họp thôn/bản hoặc phản ánh sự việc
lên chính quyền các cấp. “Không phải ít học thì không biết gì! Vẫn biết, không
biết nhiều thì biết ít!”, họ giải thích lý do cho quyết định của mình như vậy.
Có thể nói, không phải mặc dù mà bởi vì không biết chữ, họ đã chủ động và tích
cực tham gia vào đời sống dư luận, qua đó bảo vệ lợi ích chính đáng của bản
thân và gia đình.
Về sự hiện diện tại các cuộc
họp thôn/bản của gia đình trong vòng hai
năm gần nhất, có tới 95,2% chọn câu trả lời là có. Con số đó cho thấy ý thức
công dân rất cao của đồng bào. Khoảng gần 70% số người được hỏi cho biết đại
diện gia đình họ có phát biểu khi họp hành. Đây cũng là con số nói lên tinh
thần chủ động, tích cực của người dân. “Mình phát biểu một lần chưa được thì
phát biểu nhiều lần, lần này người ta chưa chú ý thì lần khác người ta sẽ chú
ý, còn hơn là không nói gì!”, một số người nhấn mạnh.
Khi đại diện gia đình đi họp về, hầu hết (95,2%) có thông
báo cho các thành viên trong gia đình, trong đó 73,2% thông báo đầy đủ và 20%
thông báo một phần. Các thông tín viên giải thích về việc “thông báo một phần”
rằng họ tập trung vào những gì là quan trọng. Nam thường đi họp nhiều hơn nữ,
nhưng ngay cả tại
những nơi mà nữ rất ít đi họp thì chị em cũng không phải là xa lạ với đời sống
dư luận - người chồng khi về nhà sẽ trao đổi với vợ và cùng đưa ra những quyết
định chung có liên quan.
Người dân có thái độ như thế nào khi không đồng ý với sự giải quyết của cán bộ xã về một vấn đề cụ thể? Được phép có nhiều sự lựa chọn từ đáp án, 61,5% chọn
giải pháp thảo luận và tranh luận để tìm ra cái
đúng, 53,8% chọn giải pháp đưa vấn đề ra xin ý kiến ở cuộc họp thôn/bản/buôn/ấp,
24,9% chọn giải pháp tập hợp mọi người xung quanh để cùng giải quyết, 12,3% chọn
giải pháp phản đối gay gắt bằng lời nói, 12,1% chọn giải pháp viết đơn tố cáo.
Rất hiếm người (1,3%) chọn giải pháp vũ lực. Khi không đồng ý với sự giải quyết
của cán bộ ở thôn/bản/buôn/ấp, sự lựa chọn của người dân cũng gần tương tự. Có
thể thấy, càng tiến đến những giải pháp có tính căng thẳng thì mức độ lựa chọn
của người dân càng giảm. Nhưng trong khi coi trọng sự ôn hòa, những giải pháp
được ưu tiên của họ vẫn là tranh luận/thảo luận trực tiếp hoặc đưa vấn đề ra
xin ý kiến ở cuộc họp chứ không phải là nhượng bộ vô điều kiện.
Ngoài các cuộc họp cộng đồng,
người dân sử dụng những cách thức
nào để các cấp chính quyền biết đến ý kiến của mình? Những câu trả lời của họ
lần lượt là: đề
xuất ý kiến thông qua cán bộ thôn/bản/buôn/ấp trên địa bàn (84,5%), đề xuất ý kiến thông qua người
có uy tín trong cộng đồng sinh sống
(45,5%), đề
xuất ý kiến thông qua các tổ chức chính trị - xã hội như đoàn thanh niên, hội phụ nữ,
hội cựu chiến binh...
(42,3%), đề đạt trực tiếp tại các cơ quan
công quyền (18,4%), đề đạt bằng văn bản (đơn, thư) lên các
cấp chính quyền theo trình tự (17,8%),
đề
xuất ý kiến thông qua các phương tiện công nghệ thông tin (5,2%), đề đạt bằng văn bản (đơn, thư) vượt cấp
(2,3%),
cuối cùng là đề
xuất ý kiến thông qua báo chí, đài truyền hình, truyền thanh địa phương (1,6%). Có thể thấy,
họ rất thận trọng trong việc kiện tụng, nhất là kiện
tụng vượt cấp. Đặc
biệt, họ ý thức rằng nếu muốn tố cáo tiêu cực thì người tố cáo phải có “những
bằng chứng thật cụ thể”. Tóm lại, họ cân nhắc một cách kỹ lưỡng trong mỗi hành động của mình trước những sự
kiện/vấn đề mang tính đúng - sai.
Những vấn đề người dân quan tâm cũng là điều đáng được
phân tích. Khi được hỏi về những hiện tượng xã hội khiến bản thân bức xúc hiện
nay, các thông tín viên của chúng tôi lần lượt chọn các đáp án là: ô nhiễm môi
trường (45,2%), thiếu đất sản xuất (45%), thiếu công ăn việc làm (40,9%), tệ
nạn xã hội và tội phạm (27,9%), tiêu cực trong giáo dục (15,9%), bạo lực gia
đình (15,8%), tham ô và tham nhũng (15,7%), tiêu cực trong y tế (14%),... Đáng
chú ý, nhiều người nhấn mạnh rằng không phải tất cả những vấn đề trên đều xảy
ra tại địa bàn cư trú của họ. Một số là “những vấn đề của toàn xã hội” và theo
họ “chúng ta là công dân thì cần quan tâm”. Cụ thể, đó là tình trạng ô nhiễm
môi trường, tệ nạn xã hội, tham nhũng, những tiêu cực trong giáo dục và y tế. Việc
mở rộng mối quan tâm tới những vấn đề của toàn xã hội như vậy một lần nữa nói
lên ý thức công dân ở họ.
Rõ ràng, thực tế trên cho thấy rằng, người nghiên cứu không thể giữ một cái nhìn tiên nghiệm là đồng bào DTTS không có đủ năng lực chủ
thể để trả lời về việc vì sao họ làm cái điều họ đã làm liên quan đến dư luận xã hội.
Kết luận
Như đã nói, định kiến với người DTTS đang tồn tại và có sự chi phối đáng kể đến sự nhìn nhận
của người dân tộc đa số về đối tượng này. Điều đó cũng diễn ra cả với dư luận
xã hội của họ: người DTTS thường bị xem là những
người hạn chế về nhận thức và dễ trở thành đối tượng để các thế lực xấu kích
động, lợi dụng. Một cái nhìn như vậy - đánh giá họ như những người “không hiểu gì về mình
khi nói về mình” hay “không đủ năng lực để giải
thích về lý do làm cái việc mà họ đã làm” là không đúng đắn. Điều đó cần được thay đổi. Để nhận
thức hành vi, hành động của họ, cần nhận thức được mạng lưới ý nghĩa mà họ đang
đặt mình trong đó. Tôn trọng sự diễn giải của người trong cuộc sẽ giúp chúng ta
làm được việc này. Có như vậy, chúng ta mới không tự tước đi của mình cơ hội để
thấu hiểu về những gì đang xảy ra liên quan đến bức tranh về dư luận xã hội ở
vùng DTTS - nơi đang chiếm một
phần đáng kể diện tích và dân số của cả nước. Và từ đó, những kết quả nghiên
cứu của chúng ta mới có thể là tài liệu tham khảo hữu ích thực sự cho người làm
chính sách.
Tài liệu tham khảo
1.
Briggs, J., Sharp, J. (2004), “Indigenous Knowledges and Development: A Postcolonial
Caution”, Third World Quarterly, 25
(4): 661-676.
2.
Trần Mạnh Cát (1975),
“Dân tộc Pà Thẻn sau định canh định cư”, Tạp
chí Dân tộc học, Số 2, tr. 68-75.
3.
Dournes, J. (Dam Bo)
(2003), Miền đất huyền ảo (các dân tộc
miền núi Nam Đông Dương), Nguyên Ngọc dịch, Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội.
4.
Trương Minh Dục (2005), Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về dân
tộc và quan hệ dân tộc ở Tây Nguyên, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
5.
Bế Viết Đẳng (1975), “Các
dân tộc thiểu số nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng trong 45 năm qua”, Tạp chí Dân tộc học, Số 4, tr. 1-12.
6.
Escobar, A. (2001),
“Culture Sits in Places: Reflections on Globalism and Subaltern Strategies”, Political Geography, 20 (2): 139-174.
7.
Forsyth, T. (1999),
“Questioning the Impacts of Shifting Cultivation”, Watershed: People’s Forum on Ecology, 5 (1): 23-29.
8.
Cửu Long Giang, Toan Ánh
(1974), Cao nguyên miền Thượng, 2
quyển, Sài Gòn.
9.
Hardy, A. (2008),
“Eaglewood and the Economic History of Champa and Central Vietnam”, in: Andrew
Hardy, Mauro Cucarzi and Patrizia Zolese (eds.), Champa and the Archaeology of Mỹ Sơn (Vietnam), Singapore: NUS
Press.
10. Jamieson, N.L., Le, T.C., Rambo, T.A. (1998), “The
Development Crisis in Vietnam’s Mountains”, East-West
Centre Special Report, Number 6, Hawaii.
11. Jorgensen, B.D. (2006), Development and “The Other Within”: The Culturalisation of the
Political Economy of Poverty in the Northern Uplands of Vietnam,
Dissertation, Goteborg University.
12. Guilleminet, P. (1952), Bộ lạc Bahnar ở Kon Tum, tài liệu đánh máy, Thư viện Viện Dân tộc
học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam).
13. McElwee, P.D. (2004), “Becoming Socialist or
Becoming Kinh? Government
Policies for Ethnic Minorities in the Socialist Republic of Vietnam”, in: Christopher R. Duncan
(ed.), Civilizing the Margins: Southeast
Asian Government Policies for the Development of Minorities, Ithaca and
London: Cornell University Press.
14. Trần Nam, Trần Hữu Sơn (1989),“Vấn đề phát triển văn
hóa và việc thực hiện định canh, định cư ở vùng người H’mông tỉnh Hoàng Liên
Sơn”, Tạp chí Dân tộc học, Số 2+3,
tr. 80-91.
15. Nguyễn Anh Ngọc (1989), “Những vấn đề lý luận và thực
tiễn của công tác định canh định cư ở vùng người H’mông ở Hoàng Liên Sơn”, Tạp chí Dân tộc học, Số 2+3, tr. 20-36.
16. Phan Đăng Nhật (2002), “Vai trò của buôn - Plei trong
việc phát triển Tây Nguyên với quyền quản lý tài nguyên và việc điều hành bằng
luật tục”, trong: Một số vấn đề phát
triển kinh tế - xã hội buôn làng các dân tộc Tây Nguyên, Nxb. Khoa học xã
hội, Hà Nội.
17. Link, B.G., Phelan, J.C. (2001), “Conceptualizing
Stigma”, Annual Review of Sociology,
27: 365-385.
18. Vũ Đình Lợi, Bùi Minh Đạo, Vũ Thị Hồng (2000), Sở hữu và sử dụng đất đai ở các tỉnh Tây
Nguyên, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
19. Phạm Quỳnh Phương, Hoàng Cầm, Lê Quang Bình, Nguyễn
Công Thảo, Mai Thanh Sơn (2016), Thiếu số
cần tiến kịp đa số - Định kiến trong quan hệ tộc người ở Việt Nam, Nxb. Thế
giới, Hà Nội.
20. Rambo, T., Jamieson, N.L. (2003), “Upland Areas,
Ethnic Minorities and Development”, in: Luong Van Hy (ed.), Post War Vietnam Dynamic of a Transforming
Society, Lanham: Rowman and Littlefield.
21. Salemink, O.
(2001), “Who Decides Who Preserves What? Cultural Preservation and Cultural
Representation”, in: Oscar Salemink (ed.), Viet
Nam’s Cultural Diversity: Approaches to Preservation, Paris: UNESCO
Publishing.
22. Salemink, O.
(2008), “Trading Goods, Prestige and Power, a Revisionist History of Lowlander
- Highlander Relations in Vietnam”, in: Peter Boomgaard, Dick Kooiman and Henk
S. Nordholt (eds.), Linking Destinies:
Trade Towns and Kin in Asian History, Leiden: KITLV Press.
23. Salemink, O. (2009), “Is Protestant Conversion a Form
of Protest? Urban and Upland Protestant in Southeast Asea”, in: Julius Bautista and Francis K.G. Lim (eds.), Christianity and the
State in Asia: Complicity and Conflict, Routledge: London - New York.
24. Tana, L. (1999), Xứ
Đàng Trong: Lịch sử kinh tế xã hội Việt Nam thế kỉ 17 và 18, Nguyễn Nghị
dịch, Nxb. Trẻ, TP. Hồ Chí Minh.
25. Turner, S., Bonnie, C., Michaud, J. (2015), Frontier Livelihoods: Hmong
in the Sino-Vietnamese Borderlands, Seattle: University of Washington
Press.
26. Đặng Nghiêm Vạn (1975), “Vài ý kiến về vấn đề nương
rẫy trong thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội”, Tạp chí Dân tộc học, Số 1, tr. 7-21.
27. Đặng Nghiêm Vạn (1986), “Một số vấn đề cơ bản và cấp
bách về kinh tế - xã hội Tây Nguyên trên chặng đường đầu tiên của thời kỳ quá
độ tiến lên chủ nghĩa xã hội”, trong: Một
số vấn đề kinh tế - xã hội Tây Nguyên, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
* Bài viết là kết quả của Đề tài khoa học cấp Nhà nước: “Những vấn đề lý luận
và thực tiễn về dư luận xã hội ở vùng dân tộc thiểu số nước ta trong bối cảnh toàn cầu hóa”, Mã số: CTDT.37.18/16-20
[1] Đây là đề tài nghiên cứu cơ bản
về dư luận xã hội nói chung thay vì dư luận xã hội đối với một vấn đề cụ thể. Khảo
sát của chúng tôi ở phía Bắc được tiến hành trên địa bàn 04 tỉnh
có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống là Lạng Sơn, Hà
Giang, Lai Châu và Sơn La: mỗi tỉnh chọn 02 huyện trên cơ sở có khoảng cách xa
nhất (nằm ở hai cực), mỗi huyện chọn một xã và một thị
trấn trên nguyên tắc trung tâm và ngoại vi. Từ các xã/phường/thị
trấn đó, chúng tôi chọn ngẫu nhiên 75 mẫu để triển khai phỏng vấn bảng hỏi. Số mẫu này phân bố đều trên các thôn/bản. Điều tra
viên sẽ chọn người trưởng thành được gặp đầu tiên khi tiếp cận hộ gia đình để
phỏng vấn. Tổng cộng có 300 mẫu cho mỗi tỉnh, 1.200 mẫu cho 4 tỉnh. Sau quá
trình làm sạch, số bảng hỏi còn lại được xử lý là 1.193 mẫu. Bên cạnh đó, chúng
tôi đã tiến hành 200 cuộc phỏng vấn sâu (50 cuộc/tỉnh).
Phan Tân
Lê Thị Thùy Ly, Viện Nghiên cứu Văn hóa
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét