Bài đăng nổi bật

Việt Nam nhìn từ Chủ thuyết phát triển

Thứ Ba, 7 tháng 4, 2020

Di cư lao động sang Trung Quốc của người dân khu vực miền núi phía Bắc - nguyên nhân nhìn từ quan điểm di cư quốc tế


Tạp chí Thông tin Khoa học xã hội ISSN: 0866-8647, số 06(438)2019
Tóm tắt: Di cư nói chung và di cư quốc tế nói riêng là vấn đề/lĩnh vực phức tạp đối với giới nghiên cứu. Nhìn từ quan điểm di cư quốc tế, bài viết đi tìm nguyên nhân di cư lao động sang Trung Quốc của các nhóm đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở vùng núi phía Bắc Việt Nam hiện nay (nghiên cứu bước đầu ở hai tỉnh Hà Giang và Lạng Sơn).
Từ khóa: Di dân, Di cư lao động, Dân tộc thiểu số, Miền núi phía Bắc

Abstract:Migration in general and international migration in particular are complicated debate topics. From an international migration perspective, the paper uncovers causes of labor migration to China from Vietnam’s ethnic minorities in the northern mountainous region today through a qualitative research in Ha Giang and Lang Son provinces.
Keywords: Labor Migration, Ethnic Minority, International Migration, Northern Mountainous Region of Vietnam
 

Mở đầu[1](*)
Khu vực miền núi phía Bắc Việt Nam là vùng đa dạng về dân cư và lịch sử cư trú. Đây cũng là vùng được biết đến với đặc trưng các dòng người di cư tự do đến các vùng kinh tế trên khắp cả nước. Sự di cư này góp phần ổn định sinh kế cho một bộ phận người dân nhưng cũng đặt ra nhiều hệ lụy trong chiến lược phát triển bền vững cả nơi đi và nơi đến. Trong quá trình hội nhập phát triển hiện nay, những giao lưu xuyên biên cả kinh tế, văn hóa, xã hội đã không tránh khỏi những dòng di dân lao động xuyên biên nhất là các tỉnh giáp biên giới với Trung Quốc. Đây không còn là vấn đề nội bộ quốc gia mà liên quan đến quốc gia lân cận. Việc nghiên cứu tìm hiểu một phần nguyên nhân của dòng di cư này là một việc làm cần thiết.
1. Nguyên nhân của di cư quốc tế
nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến sự di cư của con người, trong mỗi nguyên nhân đó thường chứa đựng những nhân tố đẩy hút. Đối với di cư quốc tế, theo quan niệm truyền thống, nhân tố thúc đẩy người di cư gắn liền với đất nước mà họ đang muốn rời bỏ, “thường những vấn đề mà hậu quả của khiến con người muốn di chuyển nơi sinh sống. Nhân tố lôi kéo người di cư thường những sự hấp dẫn những nước/vùng điều kiện phát triển mà thu hút được sự chú ý của người khác” (Nghiêm Tuấn Hùng, 2012).
Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay, có thể thấy ngoài hình thức “di cư lâu dài” do nguyên nhân nào đó “khiến con người muốn di chuyển nơi sinh sống” còn có hình thức khác là “di cư tạm thời”, “di cư mùa vụ” ở nhóm chỉ tạm thời rời bỏ nơi đang sinh sống trong một giai đoạn nhất định nhằm mục đích thay đổi cuộc sống.
Theo nghiên cứu của Nghiêm Tuấn Hùng (2012) và Võ Thị Minh Lệ (2009), di cư quốc tế xuất phát từ một số nguyên nhân sau:
Một là, do sự khác biệt về thu nhập: Sức hấp dẫn giữa các nền kinh tế cùng điều kiện sống, với quan điểm cốt lõi là điều kiện kinh tế thấp kém và đói nghèo thúc đẩy tâm lý muốn ra đi của con người.
Hai là, do sự chênh lệch nhu cầu về nguồn nhân lực: Giữa các nước phát triển và đang phát triển thường có sự chênh lệch lao động liên quan chủ yếu đến hai khu vực công nghiệp và nông nghiệp: khi lao động ở khu vực nông nghiệp bị dư thừa, họ sẽ dần chuyển sang khu vực công nghiệp. Có quan điểm cho rằng, di cư quốc tế xuất hiện là do các nước phát triển có nhu cầu về lao động nhập cư lâu dài, thường xuyên (Võ Thị Minh Lệ, 2009: 34). Bên cạnh đó, tốc độ tăng dân số quá nhanh ở các nước đang phát triển chính là một nguyên nhân gián tiếp thúc đẩy di cư quốc tế, khi số người trong độ tuổi lao động vượt quá số lao động mà thị trường cần.
Ba là, di cư đi kèm với sự mong muốn phát triển và đa dạng hoá khả năng kinh tế: Các hộ gia đình không chỉ muốn tối đa hóa thu nhập dự kiến mà còn muốn tối thiểu hóa những rủi ro và giảm bớt gánh nặng do những đổ vỡ hay thất bại do thị trường địa phương mang lại, bởi những thất bại này ảnh hưởng trực tiếp tới phúc lợi và cản trở sự phát triển kinh tế của chính các hộ gia đình.
Bốn là, chiến tranh, nghèo đói, bất bình đẳng về kinh tế,… có thể khiến một bộ phận người dân di cư quốc tế. Những xung đột xã hội cũng khiến tình hình kinh tế xã hội ở nhiều nước trở nên khó khăn, do đó con người thường cố gắng tìm kiếm một nơi an toàn, ổn định để sinh sống và phát triển.
Năm là, do đoàn tụ gia đình: Khi những người di cư có được những điều kiện cơ bản thuận lợi đảm bảo được cuộc sống cho gia đình, và người thân có ý định đoàn tụ gia đình thì việc di cư hoàn toàn có thể xảy ra.
Sáu là, do những biến động của môi trường: Thiên tai, lũ lụt có thể gây ra hiện tượng di cư cấp tính, nhưng ô nhiễm nguồn đất, nước hay nước biển dâng sẽ dẫn tới di cư vĩnh viễn. Điều này có thể đang đúng trong tình huống hiện nay. Với bản năng sinh tồn, con người phải tìm đến những địa điểm với điều kiện tự nhiên đảm bảo cho cuộc sống. Như vậy, sự biến động của môi trường cũng được coi là một nhân tố chủ yếu thúc đẩy di cư quốc tế.
Bảy là, do những vấn đề liên quan đến sắc tộc và văn hóa: Khi một nhóm sắc tộc và tôn giáo vốn chia sẻ những giá trị, bản sắc chung bị “xé lẻ” và sinh sống trên những vùng đất liền kề thuộc những quốc gia gần nhau, biên giới trong nhận thức chung của các cộng đồng sắc tộc và tôn giáo không trùng với biên giới giữa các nhà nước. Những nhóm đó thường chỉ là thiểu số trong cộng đồng xã hội. Sự tương tác giữa họ với phần còn lại của quốc gia khi không lớn bằng tâm lý hướng về những người anh em cùng sắc tộc ở bên kia biên giới.
Nghiên cứu lịch sử, văn hóa giao lưu giữa biên giới hai quốc gia Việt Nam - Trung Quốc cho thấy, vấn đề di cư giữa hai quốc gia ít nhiều đều có liên quan đến các nguyên nhân trên. Tuy nhiên, trong phạm vi bài viết này chúng tôi mô tả thực trạng di cư lao động của người dân sang bên kia biên giới với Trung Quốc (một loại hình di cư lao động quốc tế), nghiên cứu trường hợp ở hai tỉnh Hà Giang và Lạng Sơn; từ đó xem xét những khác biệt hoặc tương đồng với di cư quốc tế nói chung.
2. Thực trạng di cư lao động qua bên kia biên giới Trung Quốc của người dân ở địa bàn nghiên cứu
Tổng hợp số liệu từ các báo cáo của các tỉnh miền núi phía Bắc về di cư trong 5 năm trở lại đây (2012-2017), có thể thấy có 5 loại hình di cư cụ thể đã và đang diễn ra: 1) Di cư theo kế hoạch - di dân tái định cư (di cư lâu dài) đang phổ biến hiện nay đối với các vùng có xây dựng công trình thủy điện, các công trình lớn quốc gia, các khu cụm công nghiệp...; 2) Di cư tự do đi vào các tỉnh Tây Nguyên, Đông Nam bộ hay các tỉnh, huyện xung quanh (ý định di cư lâu dài) có phần sụt giảm; 3) Di cư lao động đến khu vực các công ty, xí nghiệp ở các địa bàn ngoài tỉnh (di cư tạm thời, mùa vụ); 4) Di cư lao động qua bên kia biên giới với Trung Quốc đang gia tăng với số lượng lớn; và 5) Di cư - xuất khẩu lao động sang một số quốc gia khác (số này không nhiều).
Qua khảo sát tại địa bàn 2 tỉnh Lạng Sơn, Hà Giang(*) cho thấy, di cư lao động sang bên kia biên giới với Trung Quốc hiện này là dòng di cư chủ đạo, chiếm ưu thế cả về số lượng người tham gia và mức thu nhập có được.
Một hiện trạng xảy ra ở các vùng nông thôn Trung Quốc (trong đó có các tỉnh biên giới Trung Quốc giáp Việt Nam) là cư dân nông thôn Trung Quốc đi đến các thành phố lớn để làm ăn với mức thu nhập cao, tạo ra khoảng trống lớn về lực lượng lao động/thiếu lao động khu vực nông thôn. Chính điều này đã thu hút lượng lao động khá lớn từ Việt Nam sang tham gia sản xuất nông nghiệp. Và như vậy, tính chất nghề nghiệp của nhóm di cư này không có sự khác biệt đáng kể so với trước di cư, phương thức sản xuất vẫn là lao động giản đơn, cơ bắp (đi chặt mía, trồng chuối, chặt gỗ, phát hoang trồng rừng,…). Một số những người trẻ tuổi (từ 18 tuổi đến 30 tuổi) có trình độ trung học cơ sở trở lên thì đi làm cho các công ty nhỏ lẻ vùng giáp biên.
Qua các báo cáo, có thể thấy số lượng di cư lao động từ một số tỉnh thuộc khu vực miền núi phía Bắc sang Trung Quốc là rất lớn, có những xã như Phố Cáo (Đồng Văn) có đến 795 lao động đang làm việc tại Trung Quốc (năm 2017) (UBND xã Phố Cáo, 2017).
Bảng 1: Số lao động di cư tại một số xã thuộc tỉnh Hà Giang  (Đơn vị: người)

Huyện
Đồng Văn
Hoàng Su Phì
Lũng Phìn
Phố Cáo
Thèn Chu
Phìn
Chiến Phố
Tổng số
283
795
105
198
Tỷ lệ Nữ/Nam
25/258
226/569
42/63
23/175
Số không có giấy thông hành
ko nắm được
ko nắm được
45/105
10/198
Nguồn: Tổng hợp từ các báo cáo tình hình di cư của các xã (Xem: UBND xã Chiến Phố, 2018; UBND xã Lũng Phìn, 2018; UBND xã Phố Cáo, 2018; UBND xã Thèn Chu Phìn, 2018). tại Trung Quốc)
Theo số liệu thống kê tại Hà Giang (xem bảng 1), chỉ trên địa bàn 4 xã của 2 huyện Đồng Văn và Hoàng Su Phì, mỗi xã đã có ít nhất trên 100 người di cư lao động sang Trung Quốc. Tuy nhiên, đây mới chỉ là con số nắm được, còn con số trên thực tế có thể còn lớn hơn nhiều, vì nhiều người dân ở các bản làng xa xôi sang Trung Quốc lao động rồi trở về mà chính quyền không kiểm soát được.
* Về tính hợp pháp của lao động di cư sang Trung Quốc
Chính quyền cấp tỉnh và cấp huyện các tỉnh biên giới (cả Việt Nam và Trung Quốc) đều có ký kết cùng cấp giữa hai bên ghi nhận và cấp giấy thông hành bảo đảm sự an toàn cho người lao động, tránh những thiệt hại do sự qua lại bất hợp pháp. Chính quyền địa phương các tỉnh Hà Giang, Lạng Sơn cũng đã triển khai tuyên truyền cho người lao động về các chủ trương, chính sách ở biên giới, những vấn đề liên quan đến an ninh trật tự và thủ tục pháp lý qua lại biên giới để người dân có sự lựa chọn tốt nhất cho việc xuất cư lao động... Tuy nhiên, số người xin làm thủ tục cấp giấy thông hành không nhiều; một phần do bất tiện khi đi làm giấy thông hành (việc đi lại từ thôn bản vùng sâu, xa đến trung tâm tỉnh là rất khó khăn...), một phần do người dân còn có tâm lý e ngại khi tiếp xúc với chính quyền để làm các thủ tục: “Cho dù chính quyền địa phương hai bên biên giới đã có những ký kết ghi nhận và cấp giấy thông hành bảo đảm sự an toàn cho người lao động, tránh những thiệt hại do sự qua lại bất hợp pháp nhưng số người tham gia làm thủ tục cấp giấy thông hành không nhiều; một phần do bất tiện khi đi làm giấy thông hành” (PVS cán bộ công an huyện Hoàng Su Phì); Đối với dòng di dân lao động qua biên giới, họ đi về theo mùa vụ, thời gian lao động có thể một hai tháng, có thể một hai tuần; việc đi qua biên giới phần chính là theo đường tiểu ngạch dễ dàng (PVS cán bộ xã Đề Thám).
Các xã biên giới  quản lý lao động qua biên giới theo nhiều mức độ khác nhau. Việc nắm tình hình và thống kê số người sang Trung Quốc làm việc không phép được giao cho chính quyền xã.
Có địa phương như xã Chiến Phố và xã Thèn Chu Phìn số lao động di cư tự do sang Trung Quốc theo báo cáo là không nhiều, phần lớn họ đi có giấy phép: “Bí thư, Trưởng thôn/bản của chúng tôi nắm tình hình người dân ở trong bản rất chắc, ai đi mà có giấy thông hành hay không có giấy thông hành đều biết hết và sẽ đến nhắc nhở ngay với người trong gia đình” (PVS Cán bộ xã Chiến Phố). Chính quyền xã không đề cập nhiều đến việc buộc phải có giấy phép; dường như điều này khiến số lượng người dân di cư lao động sang Trung Quốc là khá lớn. Số liệu bảng 1 cho thấy, các xã Lũng Phìn và Phố Cáo (Đồng Văn) có số lượng người di cư lao động qua Trung Quốc lớn hơn nhiều so với các xã Thèn Chu Phìn và Chiến Phố. “Phần lớn lao động di cư sang Trung Quốc là đi theo mùa vụ, trong đó 30-40% đi theo con đường chính ngạch - có giấy phép thông hành” (PVS cán bộ huyện Đồng Văn). “Việc quản lý nhóm di cư lao động này không được chặt chẽ, do điều kiện đi lại thuận lợi giữa đường biên hai nước, tần suất đi về của người lao động cũng thường xuyên” (PVS cán bộ xã Phố Cáo).
Một đặc điểm đáng lưu ý là chủ thuê lao động ở Trung Quốc thích thuê những lao động không có giấy phép, giấy thông hành. “Người dân di cư sang Trung Quốc làm ăn không muốn xin giấy thông hành vì 2 lý do chính: Một là, nếu muốn xin giấy thông hành, người dân phải về huyện (cách trung tâm xã quá xa) nên ngại đi; Hai là, do phía giới chủ người Trung Quốc cũng không muốn thuê lao động có đầy đủ giấy tờ, vì như vậy họ phải chịu tránh nhiệm và ràng buộc nhiều hơn, nên họ thường tìm những lao động trốn sang Trung Quốc để thuê với giá rẻ và không phải chịu tránh nhiệm gì” (PVS cán bộ quản lý hộ khẩu xã Phố Cáo). Điều này được lý giải rằng, thuê những lao động không có giấy thông hành, người chủ sẽ ít phải chịu trách nhiệm nếu có xảy ra tranh chấp. Với người có giấy phép, khi có xảy ra chuyện bị “quỵt tiền” hoặc những vấn đề liên quan đến quyền lợi người lao động, họ có thể nhờ chính quyền phía Trung Quốc can thiệp. "Sang đó nếu gặp chủ tốt thì còn tiền, nếu gặp chủ xấu thì không có tiền" (nam 35 tuổi, xã Đề Thám).
Theo một số lao động, có trường hợp chủ lao động giữ 1/3 số tiền công của người lao động với lý do “để lần sau làm sẽ trả nốt” (giữ lao động cho mình), nếu sau đó không quay lại làm cho họ thì người lao động sẽ bị mất số tiền này. Tuy nhiên, nhiều người khẳng định không gặp hiện tượng này: “Có thông tin rằng lao động sang Trung Quốc thường bị quỵt tiền, vấn đề này theo chúng tôi nắm được là không xảy ra, bởi nếu như vậy sau đó ông chủ sẽ không tìm được người làm” (PVS Bí thư thôn thuộc xã Chiến Phố).
Hiện tượng dẫn mối giữa những người lao động với nhau có xảy ra ở một số nơi, nhất là với những người đi lần đầu. Các đầu nậu sẽ tìm chủ thuê cho lao động, và họ được hưởng hoa hồng từ cả người chủ và người lao động: Vợ tôi đi sang bên kia biên giới thuộc tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc, chủ yếu là đi chặt mía và bóc vỏ cây, làm các công việc lao động nặng nhọc. Để có được việc làm, gia đình tôi đã phải trả tiền phí dịch vụ cho người môi giới là hai triệu đồng (PVS nam 40 tuổi, xã Đề Thám).
* Về thu nhập
Phần lớn người lao động được nhận thù lao tính theo ngày, khoảng từ 100-150 nhân dân tệ/ngày, tương đương 300-450 nghìn đồng/ngày.
Tình hình kinh tế của các hộ di cư lao động sang Trung Quốc thường khá hơn nhiều so với trước khi đi, và khá hơn so với những gia đình không sang Trung Quốc làm. Nhiều hộ chỉ sau 1-2 năm đi lao động ở Trung Quốc là có điều kiện làm nhà: "Các nhà mới xây, to, đẹp ở Đồng Văn hiện nay là đều có tiền từ lao động ở Trung Quốc, có nhà còn mua sắm cả ô tô" (PVS cán bộ Phòng Dân tộc huyện Đồng Văn). Các hộ gia đình nghèo vùng biên giới có điều kiện để làm mới, sửa chữa nhà cửa phần lớn là do có tiền từ loại hình di cư lao động này.
Có trường hợp thù lao cho lao động được tính theo năm. Ở một số gia đình, cả 2 vợ chồng đều sang Trung Quốc lao động. Họ nhận khoán một nông trại chuối từ công đoạn trồng, chăm sóc đến thu hái. Người chủ Trung Quốc thường chi trả (quy đổi) từ 100-110 triệu đồng tiền công/năm: “Có một số hộ làm hợp đồng theo năm, ví dụ họ khoán cho làm một trang trại chuối thì cả năm được trả 100 triệu đồng” (PVS nam 45 tuổi, xã Chiến Phố).
* Về giới tính
Theo số liệu thống kê từ các xã, số lượng nam giới sang Trung Quốc lao động cao hơn nữ giới. Điển hình là: xã Lũng phìn có 258 nam, 25 nữ; xã Chiến Phố có 175 nam, 23 nữ (xem bảng 1). Theo tìm hiểu của chúng tôi, điều này là do ở bên kia biên giới các chủ thuê thường chỉ cần những lao động làm công việc nặng nhọc, phù hợp với nam giới; những bất lợi hay nguy cơ bất lợi có thể xảy ra với nam giới cũng ít hơn với nữ giới.
3. Nguyên nhân di cư lao động qua biên giới Trung Quốc nhìn từ quan điểm di cư quốc tế
Cho đến hiện nay, qua kết quả khảo sát định tính, chúng tôi tạm khẳng định rằng lý do lớn nhất thúc đấy di cư lao động sang Trung Quốc của người dân khu vực miền núi phía Bắc vì lý do kinh tế. Điều này thể hiện ở các khía cạnh sau:
- Nhìn từ sự khác biệt thu nhập giữa hai bên biên giới: Người dân di cư sang Trung Quốc lao động thường chỉ đến các vùng nông thôn, nhưng thu nhập họ kiếm được ở đó cũng cao gần hơn 2 lần so với khi họ làm ở Việt Nam (lao động thủ công ở Việt Nam chỉ kiếm được từ 120-150 nghìn đồng/ngày, trong khi đó ở nông thôn Trung Quốc họ có thể kiếm được từ 100-150 nhân dân tệ/ngày - tương đương 300-450 nghìn đồng). “Nếu một gia đình 2 vợ chồng làm nông nghiệp, tổng thu nhập mỗi năm chỉ được khoảng 15-20 triệu đồng, vậy mà sang bên đó thu nhập mỗi người một tháng cũng được 10 triệu rồi thì phải cố gắng đi thôi” (PVS nam 45 tuổi, xã Đề Thám).
- Nhìn từ những yếu tố tìm kiếm cơ hội như chăm sóc y tế tốt hơn, môi trường làm việc chuyên nghiệp, tiếp xúc nền giáo dục tiên tiến hơn,…: Những yếu tố này không liên quan đến nhóm di cư lao động sang Trung Quốc này.
Tâm lý thúc đẩy người DTTS vùng biên giới sang Trung Quốc lao động chính là để nâng cao đời sống. Tuy nhiên, nhu cầu đa dạng hóa khả năng kinh tế, tối đa hóa thu nhập, tối thiểu hóa rủi ro ít tồn tại trong cộng đồng các dân tộc thiểu phía Bắc, và càng đặc biệt không tồn tại với đa số người Mông.
Đối với người Mông, di cư lao động để làm giàu gần như không phải là mục tiêu của họ. Theo khảo sát thực địa mà chúng tôi thu được, khi một gia đình người Mông thiếu thốn một vật dụng gì đó và có nhu cầu phải mua (như xe máy, tivi, tủ lạnh...) thì họ sẽ chấp nhận sang bên kia biên giới lao động để kiếm tiền vừa đủ để mua sắm, sau đó họ lại quay trở về sản xuất bình thường như cũ và không đi tiếp trừ khi có nhu cầu tiếp theo: “Đủ tiền mua xe rồi mình ở nhà thôi, không đi nữa” (PVS nam 25 tuổi, xã Phố Cáo).
Cũng có những trường hợp người dân sang Trung Quốc lao động nhưng gặp rủi ro hoặc vướng vào tệ nạn, không kiếm được thu nhập thêm mà còn mang thêm hệ lụy. “Di cư tìm việc làm chủ yếu là sang Trung Quốc làm ăn, một số thanh niên ham chơi cờ bạc, rượu chè… có khi cả năm cũng không gửi được tiền về cho gia đình. Thậm chí nhiều trường hợp di cư bất hợp pháp đã bị công an Trung Quốc bắt bớ đánh đập và thu hết tiền” (PVS cán bộ xã Đề Thám).
- Nhìn từ khía cạnh sức hút - đẩy của di cư: Theo chúng tôi đây chính là sức hút từ sự chênh lệch nguồn nhân lực. Một bộ phận cư dân nông thôn Trung quốc đi đến các thành phố lớn để làm việc, tạo ra khoảng trống lớn về lực lượng lao động/thiếu lao động khu vực nông thôn, do đó thu hút lượng lao động khá lớn từ Việt Nam sang tham gia sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, nghịch lý ở đây không phải là chênh lệch nguồn nhân lực thu hút từ nông nghiệp sang công nghiệp, mà là chênh lệch lực hút giữa nông nghiệp với nông nghiệp.
- Nhìn từ yếu tố sắc tộc, tôn giáo: Các yếu tố sắc tộc, tôn giáo có xuất hiện trong dòng di cư này nhưng không phải là nguyên nhân chính. Quan hệ thân tộc, quan hệ huyết thống giữa hai bên biên giới là vấn đề lịch sử cũng như hiện tại. Nhiều cộng đồng ở hai bên biên giới có chung dân tộc/tộc người (đặc biệt là người dân tộc Mông), có cùng ngôn ngữ, cùng truyền thống văn hóa, sự đi lại nhiều khi không phân biệt biên giới. Vì vậy, những quan hệ hôn nhân, họ hàng sẽ tiếp tục tiếp diễn mà mọi sự ràng buộc mang tính pháp lý quốc gia còn phải vất vả mới thực hiện thành công.
- Nhìn từ quan hệ hôn nhân và đoàn tụ gia đình để dẫn đến di cư: Di cư vì trào lưu hôn nhân qua bên kia biên giới xuất hiện nhiều trước đây (dưới góc nhìn đồng tộc giữa hai bên biên giới), nhưng nay không còn phổ biến. Qua khảo sát của chúng tôi, một số phụ nữ ở hai tỉnh Hà Giang và Lạng Sơn sang bên kia biên giới lấy chồng thuộc các trường hợp sau:
+ Một số lấy chồng với mong có cuộc sống khá hơn, nhưng khi thấy cuộc sống không khá hơn như mong muốn, họ lại bỏ chồng đi vào các thành phố của Trung Quốc làm ăn. Tại xã Thèn Chu Phìn, từ năm 2002 đến nay có khoảng gần 100 người phụ nữ sang bên kia lấy chồng.
+ Một số phụ nữ lấy chồng Trung Quốc vốn đã có vợ con, người chồng không được sinh thêm con bởi chính sách dân số khắc nghiệt của chính quyền Trung Quốc, nên khi có thai họ quay về nước sinh con, sau đó để gia đình bên Việt Nam nuôi con rồi quay trở lại Trung Quốc. Đây là bài toán khó mà chính quyền nơi đi phải giải quyết cả trước mắt và lâu dài.
+ Một số phụ nữ đã có gia đình, sang Trung Quốc làm ăn “bị dụ dỗ” ở lại lấy chồng Trung Quốc, bỏ lại chồng con ở nhà hoặc có trường hợp mang theo con nhỏ và bỏ chồng ở lại. Xã Thèn Chu Phìn có 3 phụ nữ di cư làm việc ở Trung Quốc đã bỏ chồng con ở nhà, không quay về; có 3 trẻ em di cư làm việc sau đó kết hôn với người Trung Quốc, cả 3 trường hợp kết hôn đều chưa đủ tuổi, và không tổ chức cưới ở Việt Nam. “Hầu hết phụ nữ người Mông di cư sang Trung Quốc làm việc đều không thông qua chính quyền, tự đi và không có giấy thông hành nên rất khó quản lý, qua nắm bắt tình hình được biết rất nhiều phụ nữ di cư tìm việc làm đã bị đối tượng xấu dụ dỗ lôi kéo ở lại làm vợ người Trung Quốc hoặc bị đưa sâu vào nội địa kiếm công việc khác, nhiều phụ nữ và trẻ em gái cũng bị lừa bán mà không biết. Ví dụ điển hình là một chị ở xã Thèn Chu Phìn đã có chồng và 3 con, sang Trung Quốc làm việc, bị dụ dỗ ở lại lấy chồng, sau khi sinh cho ông chồng một đứa con liền bị đuổi về Việt Nam, khi trở về chồng chị đã lấy vợ khác và chị phải về nhà mẹ đẻ để ở… Số còn lại mất thông tin với gia đình (PVS cán bộ công an xã phụ trách thôn, xã Thèn Chu Phìn).
+ Không ít hiện tượng “những người phụ nữ chán chồng thì sang bên kia biên giới lấy chồng khác”; hoặc những người “quá lứa lỡ thì” không thể lấy chồng tại Việt Nam nên theo người quen, những người đi trước hoặc được giới thiệu, dẫn mối qua bên kia biên giới lấy chồng. "Phụ nữ sang Trung Quốc làm ăn bị dụ dỗ ở lại lấy chồng Trung Quốc bỏ lại chồng con nheo nhóc ở nhà, một số phụ nữ di cư mang theo con nhỏ và bỏ chồng ở lại" (PVS cán bộ xã Lũng Phìn).
Trên thực tế, có một số trường hợp cả 2 vợ chồng đều đi sang Trung Quốc lao động, do người vợ có chút nhan sắc nên chủ thuê đã tách vợ ra làm cách xa chồng, mỗi tuần cho hai vợ chồng gặp nhau một lần. Người vợ bị chủ thuê lợi dụng tình dục. Khi về nước, các gia đình này dễ dẫn đến tan vỡ hạnh phúc.
Hiện nay, nhận thức của người dân ở khu vực miền núi phía Bắc ngày càng được nâng lên, họ đã có ý thức về tính pháp lý trong hôn nhân, duy trì nòi giống và những quy định chung trong kết hôn với người nước ngoài. Do vậy, hiện tượng  hôn nhân tự do theo truyền thống/theo cảm tính, có phần “ngoài pháp luật” qua biên giới sẽ có xu hướng dần hạn chế.
Kết luận
Di cư lao động của người dân khu vực miền núi phía Bắc sang Trung Quốc là di cư quốc tế. Những quan điểm truyền thống như di cư là do sự mong muốn rời bỏ quốc gia đang sống, là xung đột mâu thuẫn hay chiến tranh… không tồn tại trong nhóm di cư này. Họ chủ yếu “di cư mùa vụ” vì lý do kinh tế. Xu hướng di cư sang Trung Quốc lao động của người dân khu vực này trong thời gian tới sẽ ngày càng gia tăng bởi sự chênh lệch thu nhập cũng như điều kiện giao lưu, hội nhập ngày càng rộng mở. Chính quyền các cấp cần tạo điều kiện cấp giấy thông hành qua biên giới ở cấp xã, huyện để người dân dễ tiếp cận với thủ tục hành chính quan trọng cho việc di cư lao động này, bảo đảm sự an toàn tính mạng cũng như tài sản của người di cư lao động qua biên giới q


Tài liệu tham khảo
1.                  Nghiêm Tuấn Hùng (2012), “Những nguyên nhân cơ bản và điều kiện chủ yếu thúc đẩy di cư quốc tế”, Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội, số 28.
2.                  Thị Minh Lệ (2009), “Tổng quan luận về di chuyển lao động”, Tạp chí Nghiên cứu Châu Phi Trung Đông, tập 49, số 9.
3.                  UBND xã Ái Quốc (2017), Báo cáo tóm tắt tình hình di dân trên địa bàn xã Ái Quốc, ngày 28/12.
4.                  UBND xã Cao Minh (2017), Báo cáo thực trạng di cư của các dân tộc thiểu số trong 5 năm qua, từ 2013 đến 2017 trên địa bàn xã Cao Minh, ngày 12/12.
5.                  UBND xã Chiến Phố (2018), Báo cáo thực trạng di cư của các dân tộc thiểu số trong 5 năm qua, từ 2013 đến 2017 trên địa bàn xã Chiến Phố, ngày 26/01.
6.                  UBND xã Đề Thám (2017), Báo cáo tình hình dân di cư tự do từ năm 2007-2017, ngày 14/12.
7.                  UBND xã Lũng Phìn (2018), Báo cáo tình hình di cư tự do từ năm 2007-2017, ngày 15/01.
8.                  UBND xã Phố Cáo (2018), Báo cáo tình hình dân di cư tự do từ năm 2007-2017, ngày 22/01.
9.                  UBND xã Thèn Chu Phìn (2018), Báo cáo thực trạng di cư của các dân tộc thiểu số trong 5 năm qua, từ 2013 đến 2017 trên địa bàn xã Thèn Chu Phìn, ngày 22/01.
10.              UBND xã Xuân Dương (2017), Báo cáo thực trạng, diễn biến tình hình di dân của các dân tộc thiểu số trên địa bàn xã, ngày 04/12.

(*) Cuộc khảo sát được chúng tôi thực hiện từ tháng 01 đến tháng 5/2018. Tại tỉnh Lạng Sơn chúng tôi khảo sát tại 4 xã trên địa bàn 2 huyện: xã Cao Minh và xã Đề Thám (huyện Tràng Định, nơi đồng bào DTTS chiếm 93%), xã Xuân Dương và xã Ái Quốc (huyện Lộc Bình, 94% là người DTTS); tại Hà Giang khảo sát tại xã Thèn Chu Phìn, xã Chiến Phố (huyện Hoàng Su Phì, nơi người Nùng, Dao, Mông chiếm đến 73% dân số, còn lại là 9 dân tộc khác), xã Phố Cáo và xã Lũng Phìn (huyện Đồng Văn, nơi người dân tộc Mông chiếm 89% dân số, còn lại là 16 dân tộc khác); thông tin thu thập ban đầu chủ yếu là số liệu thống kê của địa phương và phỏng vấn sâu (PVS).

[1] Bài viết là kết quả của Đề tài “Di dân các dân tộc thiểu số - những vấn đề đặt ra và giải pháp”, Mã số CTDT.09-17/16-20.



(*) Cuộc khảo sát được chúng tôi thực hiện từ tháng 01 đến tháng 5/2018. Tại tỉnh Lạng Sơn chúng tôi khảo sát tại 4 xã trên địa bàn 2 huyện: xã Cao Minh và xã Đề Thám (huyện Tràng Định, nơi đồng bào DTTS chiếm 93%), xã Xuân Dương và xã Ái Quốc (huyện Lộc Bình, 94% là người DTTS); tại Hà Giang khảo sát tại xã Thèn Chu Phìn, xã Chiến Phố (huyện Hoàng Su Phì, nơi người Nùng, Dao, Mông chiếm đến 73% dân số, còn lại là 9 dân tộc khác), xã Phố Cáo và xã Lũng Phìn (huyện Đồng Văn, nơi người dân tộc Mông chiếm 89% dân số, còn lại là 16 dân tộc khác); thông tin thu thập ban đầu chủ yếu là số liệu thống kê của địa phương và phỏng vấn sâu (PVS).


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét