Bài đăng nổi bật

Việt Nam nhìn từ Chủ thuyết phát triển

Thứ Ba, 7 tháng 4, 2020

Xã hội nhường nhịn - Từ tiếp cận khái niệm và nhận thức của người dân


Tạp chí Thông tin Khoa học xã hội ISSN: 0866-8647, số 07(427)2018

Tóm tắt: Trong một xã hội có không ít hiện tượng thiếu nhường nhịn đang xảy ra như ở Việt Nam hiện nay, việc nghiên cứu về sự nhường nhịn và đo lường nhận thức, thái độ, hành vi của người dân về sự nhường nhịn trong xã hội hiện nay là cần thiết. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi sẽ tiếp cận khái niệm nhường nhịn và ở mức độ nhất định làm rõ nhận thức của người dân về sự nhường nhịn hiện nay từ kết quả khảo sát thực tế.

Từ khóa: Nhường nhịn, Con người nhường nhịn, Xã hội nhường nhịn
Abstract:





Keyword:

Mở đầu
Nhường nhịn là một trong những truyền thống ứng xử của người Việt. Tuy nhiên, trong xã hội hiện nay, ở mức độ nào đó, nơi nào đó, sự nhường nhịn có vẻ như ít được nhắc đến hoặc thậm chí một bộ phận người dân còn cho rằng đó là một “sự xa xỉ”. Vậy khái niệm nhường nhịn cần được hiểu thế nào cho đúng? Trong xã hội hiện nay, người dân nhận thức về sự nhường nhịn trên cơ sở giá trị, chuẩn mực nào?... Đây là những câu hỏi đặt ra mà ở mức độ nào đó bài viết sẽ góp phần giải đáp.

1. Tiếp cận khái niệm
* Khái niệm nhường nhịn
Thuật ngữ nhường nhịn” (concession) theo nghĩa thông thường được hiểu là một từ ghép của hai từ Nhường và Nhịn: “Nhường” có ý nghĩa là “cho” (như “nhường chỗ”, “nhường bước”, “nhường đường”, “nhường ngôi”, “nhường cơm sẻ áo”, v.v...); còn “Nhịn” có ý nghĩa là “chịu đựng”, “kiềm chế’ (như “nhịn ăn”, “nhịn đói”, “nhịn miệng”, “nhịn nhục”, v.v...). Như vậy, ở đây nhường nhịncó hàm ý là Cho và Chịu đựng hay Cho và Kiềm chế”.
Nhường nhịn gắn liền với đời sống hàng ngày của mỗi người. Đặc biệt, nhường nhịn được đề cập nhiều trong văn hóa Phật giáo, mang đặc trưng tha thứ, thua thiệt, siêu thoát, an nhiên tự tại. Theo Thượng tọa Thích Chân Quang: Nhường nhịn là yếu tố quan trọng đưa đến sự hòa hợp, đoàn kết và thân ái... Khi thấy mọi người đang giành nhau một cái gì đó mà mình thôi không giành, mình bước ra khỏi đó thì chính là một sự giải thoát, sự an nhiên tự tại” (Thích Chân Quang, 2004).
Đối lập với sự nhường nhịn là sự thiếu nhường nhịn qua biểu hiện tranh giành, tranh cướp. Khi chưa liên quan đến quyền lợi thì thuận hòa, vui vẻ, nhưng khi liên quan đến quyền lợi thì lập tức tranh giành, tranh cướp. Khi người ta bước ra được khỏi sự tranh giành ấy một cách nhẹ nhàng, nghĩa là đã đạt đến sự nhường nhịn.
Trong cuộc sống, nhường nhịn là một đức tính quý, nó hóa giải được mọi tình huống phức tạp và tôn vinh giá trị cao đẹp của con người. Nhường nhịn chính là một mỹ đức, cái mỹ trong cái chân - thiện - mỹ. Nếu cho rằng sự nhường nhịn là nhục nhã thì đó là một suy nghĩ thiếu tích cực, thậm chí sai lệch. Trên thực tế, biết bao người đã phải trả giá đắt do cố chấp nhau không đáng, có khi đánh đổi cả sinh mạng để học được một kinh nghiệm của sự nhường nhịn và tha thứ; nhiều người cũng đã phải hối tiếc những hậu quả để lại do thiếu nhường nhịn (ví dụ những vụ xô sát sau va chạm giao thông).
Bởi vậy, nhường nhịn không có nghĩa là đầu hàng, thua thiệt mà trái lại nhường nhịn và tha thứ cho nhau thì mới có thể thành công trong cuộc sống, hạnh phúc gia đình, nhất là trong đối nhân, xử thế (www.baomoi.comhttp://www.baomoi.com/nhuong-nhin-va-tha-thu/c/9541608.epi).
Trong quan hệ ngoại giao giữa các quốc gia, đã từng có tổng kết rằng: ăn miếng trả miếng (bằng sức mạnh) là hạ sách; thỏa hiệp (quyền lợi) là trung sách; còn tâm phục khẩu phục (bằng tâm, bằng trí) mới là thượng sách. Ở chương 61 của tác phẩm Đạo đức kinh (Khiêm đức), Lão Tử - một nhà tư tưởng của Trung Quốc sống cách đây khoảng 3.000 năm - đã viết:
Đại quốc giả hạ lưu, thiên hạ chi giao, thiên hạ chi tẫn. Tẫn thường dĩ tĩnh thắng mẫu, dĩ tĩnh vi hạ. Cố đại quốc dĩ hạ tiểu quốc, tắc thủ tiểu quốc; tiểu quốc dĩ hạ đại quốc, tắc thủ đại quốc. Cố hoặc hạ dĩ thủ, hoặc hạ nhi thủ. Đại quốc bất quá dục kiêm súc nhân. Tiểu quốc bất quá dục nhập sự nhân. Phù lưỡng giả các đắc kỳ sở dục. Đại giả nghi vi hạ”. 
Tiếng Hán:                         ,               或下         .                  .
Dịch nghĩa: Nước lớn mà làm chỗ thấp, sẽ là nơi thiên hạ giao hội, sẽ là “giống cái” của thiên hạ. Giống cái thường lấy sự tĩnh mà thắng giống đực, lấy tĩnh làm chỗ thấp. Cho nên nếu nước lớn mà “hạ mình” trước nước nhỏ thì sẽ thu phục được nước nhỏ; nếu nước nhỏ mà “hạ mình” trước nước lớn thời sẽ được lòng nước lớn. Cho nên hoặc hạ mình để mà “chinh phục”, hoặc hạ mình để “được lòng”. Nước lớn chẳng qua là để dưỡng nuôi người, nước nhỏ chẳng qua là để phục vụ người, cả hai đều được như ý thích. Kẻ lớn, kẻ nhỏ đều nên hạ mình, khiêm cung, chớ cho đó là nhục, là thiệt.
Lão tử đã đưa ra một nguyên tắc hướng dẫn cuộc bang giao quốc tế: Trong thiên hạ có nước lớn, nước nhỏ. Nhưng nước lớn không phải là để thôn tính nước nhỏ mà là để giúp đỡ nước nhỏ. Nước nhỏ không phải là để kèn cựa, ganh tị với nước lớn, mà là để thuận phục, bang giao với nước lớn.
Các nước đối xử với nhau nên lấy sự khiêm cung, chứ đừng dùng vũ lực. Nước lớn biết tỏ ra khiêm tốn không khinh khi nước nhỏ thì các nước nhỏ sẽ vui lòng hướng chiều về. Nếu nước nhỏ tỏ ra khiêm tốn không đả kích các nước lớn thì các nước lớn sẽ vui lòng bảo trợ. Như vậy cả hai bên đều lợi và thế giới mới mong cùng hưởng thái bình, thịnh trị. Thế là dùng “Nhu Đạo”, dùng sự “Khiêm cung” để mà xây dựng hòa bình cho thiên hạ vậy (Dẫn theo: Ngô Sĩ Thuyết, 2015).
Trong quá trình thu thập, nghiên cứu, chúng tôi đã tập hợp một số quan niệm về nhường nhịn như sau: Nhường nhịn là nhận phần thiệt thòi về mình; Nhường nhịn là luôn nhường cho người khác phần hơn; Nhường nhịn là chia sẻ lợi ích của mình cho người khác; Nhường nhịn là dành quyền lợi tốt đẹp cho người khác; Nhường nhịn là bao dung, độ lượng với những lỗi lầm của người khác; Nhường nhịn là để tránh những xung đột không đáng có; Nhường nhịn là chấp nhận thua thiệt hoàn toàn; Nhường nhịn không có nghĩa là bị thua thiệt mà là muốn điều tốt đẹp cho tất cả mọi người; Nhường nhịn là an phận, nhún nhường trước cái xấu; Nhường nhịn là thể hiện mình hơn hn người mình nhường; Nhường nhịn là thái độ sống tích cực cần có trong mỗi con người; Nhường nhịn là cho đối thủ một cơ hội nhận ra lỗi lầm để sửa sai; Nhường nhịn là không làm tận, làm tuyệt, đưa người khác vào bước đường cùng; Nhường nhịn là để tu nhân tích đức cho bản thân và con cháu.
Như vậy có thể hiểu:
- Nhường và nhịn sẽ rèn luyện con người một thói quen tốt, biết định vị bản thân trong các quan hệ xã hội,...
- Nhường nhịn không làm cho mình yếu hèn, mà là để tránh xảy ra những hậu quả thiếu nhân đạo.
- Ở một khía cạnh nào đó, nhường nhịn” tức là đã ít nhiều liên quan đến cái thiệt/ hơn, được mất trước mắt của một cá nhân/ một tổ chức/ cộng đồng/ quốc gia nào đó.
- Người nhường nhịn luôn nghĩ đến người khác, giành quyền lợi tốt đẹp cho người khác; biết tha thứ cho người khác, giữ lòng thanh thản khi gặp điều trái ý nghịch lòng.
- Trong tâm thế của một người nhường nhịn, họ sẵn sàng hi sinh lợi ích, hạnh phúc của cá nhân mình vì người khác. Người nhường nhịn sẽ coi sự hi sinh, thiệt thòi đó là bình thường, là việc tích phúc, tích đức, thể hiện sự cao quý của bản thân
* Người nhường nhịn và người thiếu nhường nhịn
Người nhường nhịn không có nghĩa là không cạnh tranh, thi đua trong công việc và trong cuộc sống. Người nhường nhịn cũng phải là người biết cạnh tranh vươn đến cái đẹp, phải là người biết xấu hổ với cái sai do mình hay tổ chức mình gây ra, biết thông cảm, chia sẻ, biết dung hòa trong quan hệ; lấy tình thương, trách nhiệm và lòng vị tha để thay thế cho sự tức giận, bốc đồng.
Người thiếu nhường nhịn là người không thể tự kiểm soát được mình trước những kích thích từ môi trường bên ngoài, là người có tâm thế bốc đồng, kích động, sẵn sàng tranh cướp lợi ích khi có cơ hội.
M. Gottfredson và T. Hirschi khi bàn về hiện tượng tội phạm đã đưa ra khái niệm “tự kiểm soát bản thân kém” (tạm dịch từ low-self control) để giải thích về những người rất bốc đồng, rất kích động trong khi hành động... Những người này luôn tìm cách đối nghịch lại với những người thận trọng, biết suy trước tính sau trước khi hành động. Do không được giáo dục để có cái nhìn xa trước khi hành động nên họ luôn muốn đáp trả tức thì những kích thích từ bên ngoài. Bên cạnh đó, người tự kiểm soát bản thân kém cũng là người thích đi tìm những giải pháp dễ dàng để giải quyết vấn đề (ví dụ dùng vũ lực), dù những giải pháp ấy có thể gây ra hậu quả cực kỳ nghiêm trọng.
M. Gottfredson và T. Hirschi cho rằng, “tự kiểm soát bản thân kém” xuất phát từ việc cá nhân không được giáo dục một cách đúng đắn khi còn nhỏ từ trong gia đình lẫn trường học, cộng với những hình ảnh bạo lực từ xã hội, phim ảnh, game online... khiến họ không thể tự kiểm soát được mình trước những kích thích, những thất bại từ môi trường bên ngoài (Theo: Lê Minh Tiến, 2004).
* Xã hội nhường nhịn
Xã hội nhường nhịn là xã hội ở đó mỗi cá nhân tự định vị được bản thân trong tổ chức, nhóm xã hội của mình; mỗi tổ chức, nhóm xã hội được xây dựng vì một xã hội trách nhiệm, dân chủ, minh bạch; con người biết điều tiết hài hòa lợi ích giữa cá nhân và cộng đồng.
Cái gốc của nhường nhịn là sự hiểu biết, cơ sở để cho nhường nhịn tồn tại là sự công bằng. Do vậy, nhường nhịn là cái cao quý, nhưng ẩn chứa sau đó bất kể ai cũng mong muốn có sự công bằng nht định.
Trong xã hội nhường nhịn, dù đối tượng được thụ hưởng giá trị của sự nhường nhịn là ai thì sự nhường nhịn hoặc những mất mát/ thiệt thòi (trong ngắn hạn) của người nhường nhịn cũng cần được xã hội hoặc đối tác ghi nhận. Người được nhường nhịn chính là đang thụ hưởng giá trị của hạnh phúc; người nhường nhịn thì đương nhiên là hạnh phúc... vì hạnh phúc là cho đi.

2. Biểu hiện của nhường nhịn
* Nhường nhịn trong phạm vi điều chỉnh bởi các điều luật, các quy định
Khi đề cập đến khía cạnh luật pháp với sự nhường nhịn, nhiều ý kiến cho rằng đã có hành vi vi phạm pháp luật thì cần phải được điều chỉnh bằng pháp luật, không thể kêu gọi sự nhường nhịn. Tuy nhiên, luật pháp cũng như lực lượng công quyền không thể bao phủ đến mọi hoạt động hàng ngày của mỗi người. Ví dụ, đám đông đánh chết người trộm chó; biểu tình đập phá cơ sở vật chất; vượt đèn đỏ, leo lề lấn vạch... - xét về luật pháp, họ đã vi phạm Luật Hình sự, Luật Giao thông đường bộ, nhưng cơ quan công quyền chỉ có thể bắt và xử lý được một vài cá nhân trong số đó, thậm chí có những vụ việc không thể xử lý được bất cứ một cá nhân nào bởi đám đông khó xác định. Cho nên, xây dựng một tổng thể xã hội nhường nhịn là kêu gọi sự tự ý thức, kiềm chế, bao dung, độ lượng trong mỗi con người ở những đám đông ấy, từ đó hạn chế được những hậu quả đáng tiếc.
Đối với những trường hợp cần đến sự can thiệp của luật pháp, vẫn có những quy định khoan hồng, tình tiết giảm nhẹ. Đó cũng là một khía cạnh của sự nhường nhịn. Và ở chừng mực nào đó, xét trên mọi mặt quan hệ đời sống, danh dự, nhân phẩm, tình người và tương lai có thể có nhiều hy vọng hơn cho đối tượng lệch chuẩn đó thì người bị hại và xã hội có thể sẽ không đòi hỏi hình phạt cao nhất. Bởi nhường nhịn là không làm tận, làm tuyệt, dồn người khác vào con đường cùng, cho họ cơ hội nhận ra sai lầm của bản thân để sống tốt hơn khi có cơ hội.
* Nhường nhịn tự nguyện trong phạm trù truyền thống, đạo đức
Sự nhường nhịn diễn ra trong các quan hệ thường ngày ở gia đình, công sở. Sự nhường nhịn này tuân theo quy định bất thành văn từ truyền thống, đạo đức. Ví dụ: kính trên, nhường dưới; nhường người già, trẻ nhỏ, phụ nữ có thai, người tàn tật... nơi công cộng. Sự nhường nhịn này diễn ra một cách tự nguyện và thường được giám sát bởi dư luận, bởi chuẩn mực đạo đức xã hội.
* Nhường nhịn tích cực
Nhường nhịn tích cực là sẵn sàng chia sẻ lợi ích của mình cho người khác; bao dung, độ lượng với người khác khi họ có lỗi lầm, mong muốn điều tốt đẹp cho tất cả mọi người, tránh những xung đột không đáng có; không làm tận, làm tuyệt, đưa người khác vào bước đường cùng. Mục đích là nhằm cảnh tỉnh, giúp người khác nhận ra lỗi lầm để sửa chữa và cũng để cả hai bên cùng nhìn nhận lại mình, cùng sửa chữa sai lầm nếu có. Khi một bên không tự nhìn nhận lại, vẫn lặp lại sai lầm thì sự nhường nhịn lúc đó sẽ không còn, thay vào đó sẽ là sự công bằng theo pháp luật.
* Nhường nhịn tiêu cực
Nhường nhịn tiêu cực là sự nhẫn nhục tuyệt đối, vì sự an toàn cho cá nhân mà chấp nhận nhường, chấp nhận thua thiệt hoàn toàn. Ví dụ, bản thân xứng đáng giữ vị trí lãnh đạo có thể giúp cho tập thể phát triển hơn, nhưng trước sự tranh giành của người khác lại sẵn sàng nhường vị trí đó, kết quả là người được nhường có thể gây hại cho cá nhân khác và tập thể, kìm hãm sự phát triển.
Nhường nhịn tiêu cực thể hiện qua cách sống cố thủ, an toàn... của mỗi cá nhân. Sự nhường nhịn này luôn dẫn đến sự thiệt thòi cho một phía. Nhường nhịn trước cái ác, cái xấu sẽ làm xã hội rối loạn hơn. Nhường nhịn mà thiếu tinh thần cạnh tranh để vươn lên thì chỉ khiến xã hội ngày càng tụt hậu.

3. Nhận thức về sự nhường nhịn của người dân trong xã hội hiện nay
* Thế nào là nhường nhịn
Chúng tôi giả định rằng, trong cuộc sống chắc hẳn mỗi người đều biết hoặc từng nghe đến các cụm từ: nhường nhịn, sự nhường nhịn, văn hóa nhường nhịn, một điều nhịn chín điều lành, nhường cơm sẻ áo... Tuy nhiên, nhận thức về nội hàm, đặc điểm của nhường nhịn như thế nào để có những hành động nhường nhịn đúng là vấn đề khác, nó liên quan nhiều đến môi trường văn hóa (gia đình, nhà trường, xã hội...).
Tìm hiểu nhận thức của người dân thông qua một loạt các quan điểm về sự nhường nhịn được thống kê qua quá trình nghiên cứu tài liệu và khảo sát thực tế, chúng tôi đã thu được kết quả như Bảng 1 (với câu hỏi Ông/bà đồng ý hay không đồng ý với những nhận định sau đây về sự nhường nhịn trong xã hội Việt Nam hiện nay?). Qua Bảng 1, chúng tôi tạm phân thành 3 nhóm quan điểm về sự nhường nhịn:
Nhóm quan điểm 1: Những người được hỏi đồng tình cao với các quan điểm:
l) Nhường nhịn là thái độ sống tích cực cần có trong mỗi con người (95,9%);
f) Nhường nhịn là để tránh những xung đột không đáng có (91,5%);
o) Nhường nhịn là để tu nhân tích đức cho bản thân và con cháu (91,3%);
 h) Nhường nhịn không có nghĩa là bị thua thiệt mà là muốn điều tốt đẹp cho tất cả mọi người (87,0%);
Bảng 1: Quan điểm về sự nhường nhịn trong xã hội hiện nay
Đơn vị: %

Đồng ý
Đồng ý một phần
Không đồng ý
Không biết/KTL
a) Nhường nhịn là nhận phần thiệt thòi về mình
47,1
38,8
13,8
,3
b) Nhường nhịn là luôn nhường cho người khác phần hơn
49,6
37,9
12,2
,4
c) Nhường nhịn là chia sẻ lợi ích của mình cho người khác
64,0
28,4
6,8
,9
d) Nhường nhịn là dành quyền lợi tốt đẹp cho người khác
65,8
28,1
5,3
,8
e) Nhường nhịn là bao dung, độ lượng với những lỗi lầm của người khác
69,8
19,6
9,9
,6
f) Nhường nhịn là để tránh những xung đột không đáng có
91,5
6,6
1,7
,3
g) Nhường nhịn là chấp nhận thua thiệt hoàn toàn
23,9
33,3
42,5
,3
h) Nhường nhịn không có nghĩa là bị thua thiệt mà là muốn điều tốt đẹp cho tất cả mọi người
87,0
10,4
1,9
,8
i) Nhường nhịn là an phận, nhún nhường trước cái xấu
16,1
12,2
70,2
1,5
k) Nhường nhịn là thể hiện mình hơn hẳn người được nhường
31,6
25,5
41,6
1,3
l) Nhường nhịn là thái độ sống tích cực cần có trong mỗi con người
95,9
2,7
0,9
,6
m) Nhường nhịn là cho đối thủ một cơ hội nhận ra lỗi lầm để sửa sai
77,3
18,4
3,8
,5
n) Nhường nhịn là không làm tận, làm tuyệt, đưa người khác vào bước đường cùng
75,4
13,1
10,8
,8
o) Nhường nhịn là để tu nhân tích đức cho bản thân và con cháu
91,3
6,0
2,3
0,5
* Nhóm câu hỏi này có 5 thang đánh giá được chúng tôi gộp lại để tiện theo dõi (1- Đồng ý = Rất đồng ý+Đồng ý; 2- Đồng ý một phần; 3- Không đồng ý = Rất không đồng ý+Không đồng ý; 4- Không biết/Không trả lời). Nguồn: Kết quả khảo sát của tác giả.
m) Nhường nhịn là cho đối thủ một cơ hội nhận ra lỗi lầm để sửa sai (77,3%);
n) Nhường nhịn là không làm tận, làm tuyệt, đưa người khác vào bước đường cùng (75,4%)...
Nhóm quan điểm 2: Mức độ đồng tình trung bình dành cho các quan điểm:
e) Nhường nhịn là bao dung, độ lượng với những lỗi lầm của người khác (69,8%);
d) Nhường nhịn là dành quyền lợi tốt đẹp cho người khác (65,8%)
c) Nhường nhịn là chia sẻ lợi ích của mình cho người khác (64,0%);
b) Nhường nhịn là luôn nhường cho người khác phần hơn (49,6);
a) Nhường nhịn là nhận phần thiệt thòi về mình (47,1%).
Nhóm quan điểm 3: Một số quan điểm nhận được sự đồng tình ít hơn, đặc biệt có quan điểm bị phản đối ở mức cao:
i) Nhường nhịn là an phận, nhún nhường trước cái xấu (16,1% đồng ý, so với 70,2% không đồng ý);
g) Nhường nhịn là chấp nhận thua thiệt hoàn toàn (23,9% đồng ý, so với 42,5% không đồng ý);
k) Nhường nhịn là thể hiện mình hơn hẳn người mình nhường (31,6% đồng ý, so với 41,6% không đồng ý).
Từ ba nhóm quan điểm này, tạm thời có thể nhận định rằng: Phần đông người dân nhận thức sự nhường nhịn là lối sống tích cực, là mong muốn điều tốt đẹp cho tất cả mọi người, là tránh xung đột, là cách ứng xử nhân văn giữa con người với nhau, thậm chí nhân văn với cả đối thủ của mình.
Các quan điểm nhường nhịn là sự an phận, nhún nhường, là sự thua thiệt, hay ở góc độ nào đó là sự kẻ cả kiểu bề trên (thể hiện rằng mình hơn hẳn người được nhường)... đều nhận được sự đồng thuận rất thấp; đặc biệt là quan điểm “nhường nhịn là an phận, nhún nhường trước cái xấu” nhận được nhiều ý kiến phản đối  (70,2%).
Như vậy, có thể thấy quan điểm “nói đến nhường nhịn là nói đến sự tiêu cực, nhu nhược, thiếu tính đấu tranh, cạnh tranh... không phải là quan điểm tồn tại trong số đông công chúng. Quan điểm xây dựng một xã hội nhường nhịn tiếp tục được khẳng định bằng những số liệu thuyết phục tích cực.
* Nhận thức về vai trò của nhường nhịn và thực trạng sự nhường nhịn/thiếu nhường nhịn trong xã hội hiện nay!
Khi được hỏi “Tính cách nhường nhịn của mỗi người có quan trọng đối với sự ổn định của xã hội hay không?”,  có đến 95,1% số người được hỏi đều cho là quan trọng (53,0% đánh giá ở mức rất quan trọng, và 42,1% cho là quan trọng), chỉ có 0,4% trả lời không quan trọng.
Tính cách nhường nhịn hay sự nhường nhịn quan trọng là vậy, nhưng khi được hỏi về nhận định Trong xã hội hiện nay con người đang thiếu sự nhường nhịn lẫn nhau”, có đến 92,3% người trả lời đồng ý với nhận định này (trong đó: 18,6% hoàn toàn đồng ý, 49,6% đồng ý và 24,1% đồng ý một phần), chỉ có 7,5% là không đồng ý.
Kết luận
Như vậy, với nhận thức chung về sự nhường nhịn và thiếu nhường nhịn trong xã hội hiện nay, có thể tạm nhận định rằng phần lớn người dân hiểu khá rõ về giá trị của sự nhường nhịn, nhưng trong xã hội hiện tại tình trạng thiếu nhường nhịn là đáng báo động và gây nhiều hệ lụy cho xã hội.
Vấn đề ở đây là tại sao đa số người dân đều nhận thức được cái hay, cái đẹp của nhường nhịn, thấy được tầm quan trọng của nó, nhưng trong xã hội vẫn xảy ra nhiều hành vi thiếu nhường nhịn? Từ nhận thức đi đến thái độ, hành vi ứng xử trong cuộc sống với các quan hệ xã hội phức tạp của con người là quá trình chịu những tác động nào? Hy vọng rằng chúng tôi sẽ có được lời giải thỏa đáng trong những nghiên cứu tiếp theo q
Tài liệu tham khảo
2.      Trang Đoan và cộng sự (2017), “Bao dung”, Tạp chí Văn hóa Nghệ An,  https://www.vanhoanghean.com.vn/van-hoa-va-doi-song27/khach-moi-cua-tap-chi45/bao-dung
3.      Thích Chân Quang, 2004, Tâm lý đạo đức, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.
4.      Lê Minh Tiến (2004), Sự tự kiểm soát yếu kém, https://tuoitre.vn/su-tu-kiem-soat-yeu-kem-418791.htm
5. Ngô Sĩ Thuyết (2015), Nước lớn, nước nhỏ, http://www.thonminhtriet.com/2015/10/nuoc-lon-nuoc-nho.html


(*) Bài viết là một phần kết quả nghiên cứu của đề tài cấp bộ “Nhận thức, thái độ, hành vi của người dân về sự nhường nhịn trong xã hội hiện nay” do tác giả làm chủ nhiệm. Các kết quả trình bày trong bài viết lấy từ khảo sát thực tế được chúng tôi thực hiện năm 2017 bằng bảng hỏi trên địa bàn 8 xã thuộc 6 quận/huyện ở 2 tỉnh/thành phố là Hà Nội và Nghệ An, tổng số 800 mẫu, kết quả thu được 788 bảng hỏi.
(**) TS., Nhà xuất bản Khoa học xã hội: Email: phantanxh@gmail.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét