Bài đăng nổi bật

Việt Nam nhìn từ Chủ thuyết phát triển

Thứ Ba, 7 tháng 4, 2020

Khái niệm Nhường nhịn

Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, ISSN: 1013-4328, số 7-2018


Tóm tắt: Khái niệm nhường nhịn là khái niệm không mới, nhưng ít thấy xuất hiện trong các công trình nghiên cứu của các nhà khoa học. Trong một xã hội có không ít hiện tượng thiếu nhường nhịn. Nghiên cứu khái niệm nhường nhịn là cần thiết. Nhường nhịn là tốt. Nó chứa đựng các nội dung bao dung, khoan dung. Nó không phải là nhẫn nhục, cạnh tranh, tranh cướp, chụp giựt, tranh giành. Vấn đề quan trọng nhất chúng tôi phát hiện trong nghiên cứu ban đầu là, trong dân gian nhận thức về sự nhường nhịn của con người là bài bản và có những giá trị nhân văn lớn. Phần đông người dân nhận thức, nghĩ và hành động về nó luôn là đúng và đều có một giá trị không thể phủ nhận.
Từ khóa: Nhường nhịn, nhận thức, xã hội.
Phân loại ngành: Xã hội học
Abstract: Though being not new, the concept of nhường nhịn, or giving others better things or conditions, is rarely seen in scientists’ research. In a society can be found many cases where that is insufficient. It is necessary to study the concept. Giving other better things or conditions is good, bearing the connotations of tolerance. It means neither to endure the indignities one suffers from, nor to compete with others, or scramble for things. The most important thing  we found in our initial study was that the mass possess profound and thorough perception of the concept with great values of humanism. Most people deem that it is always right to practice the concept, which has undeniable value.
Keywords: Giving others better things or conditions, perception, society.
Subject classification: Sociology

1. Mở đầu
Nhường nhịn là một loại hình tâm thức của con người. Tuy nhiên, bản chất và ý nghĩa của sự nhường nhịn trong đời sống xã hội vẫn chưa có sự nhận thức rõ ràng và thống nhất. Bài viết này góp phần làm rõ thêm khái niệm “nhường nhịn”2.
2. Nội dung cơ bản của khái niệm nhường nhịn
Nhường nhịn” theo nghĩa thông thường được hiểu là một từ ghép của hai tnhường” và nhịn”. Nhường” có ý nghĩa là “cho” (như “nhường chỗ”, “nhường bước”, “nhường đường”, “nhường ngôi”, “nhường cơm sẻ áo”; còn “nhịn” có ý nghĩa là “chịu đựng”, “kiềm chế”, như “nhịn ăn”, “nhịn đói”, “nhịn miệng”, “nhịn nhục”). Ở đây, “nhường nhịn” có hàm ý là “cho và chịu đựng” hay “cho và kiềm chế”.
Trong quan hệ giao tiếp, nhường nhịn là thuật ngữ thông thường, gắn với đời sống hàng ngày của con người. Nó có trong các khẩu ngữ như “nhường anh - nhường em”, “nhịn anh - nhịn em”, “nhịn vợ - nhịn chồng”, “nhường nhau mà sống”. Đặc biệt, nhường nhịn được đề cập nhiều trong văn hóa Phật giáo với nghĩa tha thứ, thua thiệt, siêu thoát, an nhiên tự tại. Theo Thích Chân Quang: nhường nhịn là yếu tố quan trọng đưa đến sự hòa hợp, đoàn kết và thân ái”, khi thấy mọi người đang giành nhau một cái gì đó mà mình thôi không giành, mình bước ra khỏi đó thì chính là một sự giải thoát, sự an nhiên tự tại” [2].
Khái niệm “nhường nhịn” gần gũi với nhiều khái niệm như “cái đúng” (chân), “cái tốt” (thiện), “cái đẹp” (mỹ), “lành mạnh”, “đồng thuận”, “hòa thuận”, “hài hòa”, “nhân ái”, “nhân đạo”, “nhân đức”, “nhân nghĩa”,  “nhân văn”, “tình cảm”, “tình nghĩa”, “tình thương”, “tình yêu”, v.v..
Khái niệm “nhường nhịn” có các nội dung “bao dung”, “khoan dung” “khiêm cung”.
Bao dung là một đức tính của con người, thể hiện tấm lòng rộng lượng tha thứ cho những sai lầm của người khác, sự yêu thương giữa con người với con người. Bao dung là tôn trọng sự khác biệt của người khác đối với mình (trong phong tục tập quán, quan niệm sống, niềm tin và tôn giáo, chủng tộc và cách thức hành động), tha thứ cho người khác khi họ làm những chuyện mà bản thân mình không tán thành.
Bao dung có nhiều cung bậc khác nhau, gần với thông cảm, tha thứ, dung thứ, độ lượng, đại lượng, khoan hồng, khoan dung... Để có được lòng bao dung, cần biết lắng nghe, thấu hiểu, cảm thông, chia sẻ và sẵn sàng giúp đỡ. Trong đó, sự thấu hiểu là điều kiện hết sức quan trọng. Chỉ khi hiểu được tường tận về bản chất của sự việc, sự vật; nhìn thấy trong đó những điều đúng sai, phải trái, tốt xấu; thấy được những mặt tích cực; thì con người ta mới suy nghĩ tới việc bao dung cho ai đó, điều gì đó với hi vọng một sự thay đổi theo hướng tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, để có những điều trên người ta cần phải được giáo dục trong một môi trường có sự bao dung. Người bao dung thì không phân biệt đối xử với người đã gây ra lỗi lầm hay kẻ thù trong quá khứ [3]. “Bao dung còn cần đến trí tuệ, đến sự hiểu biết chân tơ kẽ tóc sự việc, con người. Tri thức dẫn đến bao dung không phải chỉ có những người học cao, làm lớn mới thực hiện được. Bao dung bao giờ cũng gắn bó, liên quan đến trí tuệ. Có hiểu biết, thông cảm mới có thể tha thứ bao dung [1, tr.73]. Bao dung là kết quả của thiện, nhân, tâm, đức, tri. Bao dung không phải là cách ứng xử của kẻ yếu. Lão Tử từng nói: vì nhân từ nên mới mạnh. Hiểu biết là sức mạnh, mà bao dung lại đòi hỏi hiểu biết. Người bao dung ngoài sự hiểu biết đối tượng còn phải liệu trước, dự đoán trước những gì sẽ xảy ra sau khi hành động bao dung và tất nhiên phải có khả năng thắng mới bao dung được. Bao dung không phải là sự bao che và dung túng. Bao che và dung túng thì sẽ  mở đường và nuôi dưỡng cho sai lầm. Còn bao dung tạo điều kiện để con người sửa chữa, thay đổi những sai lầm bản thân đã gây ra. Nó giúp con người nhanh chóng thoát khỏi mặc cảm tội lỗi và có niềm tin vươn tới những điều tốt đẹp hơn.
Bao dung đòi hỏi phải có nguyên tắc, có điểm dừng, phải tri túc, biết đủ. Không thể bao dung tràn lan, cho mọi sự việc, mọi con người, mọi đối tượng. Nếu quá bao dung với kẻ hung bạo thì sẽ bất công với người lương thiện, sẽ vi phạm hoặc không tôn trọng luật pháp của cộng đồng. Bao dung có lợi cho kẻ khác, nhưng bao dung cũng có lợi cho ta (lợi về mặt lòng nhân từ, đạo đức, về tu dưỡng bản thân). Người có lòng bao dung chân chính bao giờ cũng nghiêm khắc với mình, rộng rãi, độ lượng với kẻ khác, tha thứ nhiều cho người mà không tha thứ cho mình.
Khoan dung là thái độ ôn hòa, cảm thông và tha thứ với những sai phạm, lỗi lầm mà người khác đã gây ra và của cả chính mình. Không chỉ vậy, khoan dung còn là cách thể hiện sự cưu mang, giúp đỡ bản thân với những người lầm đường lạc lối, giúp cho họ được trở về hòa nhập với cuộc sống hơn. Khoan dung với chính mình là tự làm cho bản thân cảm thấy nhẹ nhõm, thoải mái để có thể đưa ra quyết định, mục tiêu đúng đắn hơn.
Khoan dung xét từ góc độ văn hóa hàm chứa thái độ ứng xử tích cực, mang tính giao lưu đối thoại trong quan hệ giữa người với người, thể hiện sự tôn trọng và học hỏi lẫn nhau, hướng đến những giá trị nhân loại chung. Văn kiện chính thức của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) về khoan dung đã chỉ ra 4 ý nghĩa của nó như sau. Một, khoan dung là sự tôn trọng, chấp nhận và đánh giá cao sự phong phú và đa dạng của các nền văn hóa thế giới, phương thức biểu đạt và cách thể hiện phẩm chất con người của chúng ta. Nó được khuyến khích bằng tri thức, sự cởi mở giao tiếp và tự do tư tưởng, ý thức về tín ngưỡng. Khoan dung là một đức tính khiến cho hòa bình có thể thực hiện được và góp phần vào việc thay thế văn hóa chiến tranh bằng văn hóa hòa bình. Hai, khoan dung xuất phát từ việc thừa nhận các quyền phổ quát của con người và những tự do cơ bản của người khác. Trong bất kỳ trường hợp nào, không thể viện ra khoan dung để bào chữa cho sự vi phạm những giá trị cơ bản này. Khoan dung cũng phải được thực hành bởi các cá nhân, các nhóm người và các nhà nước. Ba, khoan dung là trách nhiệm đề cao các quyền con người, sự đa dạng của thế giới (kể cả văn hóa) dân chủ và nhà nước pháp quyền. Bốn, khoan dung là chấp nhận những người khác cũng có quyền tự do như mình. Nó chấp nhận thực tế rằng, con người có  khác nhau về vẻ ngoài, hình thể, ngôn ngữ, tập tính và các giá trị, có quyền sống trong hòa bình và tồn tại đúng bản chất của mình. Khoan dung do đó là một kích thích tố của phát triển và ổn định [4].
Khoan dung là rộng lượng, dễ dàng thông cảm, chấp nhận và tha thứ khiếm khuyết cũng như lỗi lầm của người khác. Còn bao dung là sự chấp nhận và tôn trọng con người về đủ mọi mặt. Người khoan dung cũng có thể không bao dung khi không tôn trọng những gì mà mình không đồng ý. Còn người bao dung thì luôn có tính khoan dung vì đã chấp nhận sự khác biệt của người khác, dễ thông cảm và tha thứ. Khoan dung là một phần của bao dung. Bao dung có ý nghĩa rộng lớn và tổng quát hơn khoan dung.
Khiêm cung là sự lễ phép, cung kính nhún nhường. Khiêm là khiêm tốn, khiêm nhường, nhún nhường, nhũn nhặn. Cung là cung kính, tôn trọng tha nhân, tôn trọng môi trường sống. Tôn trọng không có nghĩa là che giấu một tự ti hay tự tôn mặc cảm bằng một lớp áo ngoài khiêm nhường trong xử thế. Tôn trọng là xác nhận rằng tha nhân, ngoại vật có quyền tồn tại, có những nét đặc thù, bất khả xâm phạm, mình và người khác là bình đẳng.
Khiêm cung  biểu hiện trong lời lẽ, cử chỉ, thái độ, hành vi, thậm chí trong cách đi đứng ăn mặc, nói chung, trong nếp sống hàng ngày của con người. Người khiêm cung khi làm cho mình nhỏ bé, không nhằm để che giấu một mặc cảm mà thật lòng thấy mình nhỏ bé trước cái bao la và phức tạp của vũ trụ. Đối nghịch với khiêm cung là cao ngạo, kiêu căng, hãnh diện quá mức về mình. Người kiêu căng thì thấy mình cao hơn người, giỏi hơn người, ngạo mạn, xem trời bằng vung.
Trong cuốn Đạo đức kinh, Lão Tử cho rằng, “khiêm cung” là một trong những báu vật của bất cứ người nào. Kẻ muốn làm chủ thiên hạ thì phải biết hạ mình, ở vị trí càng cao người ta càng phải hạ mình. Lão Tử cho rằng, người trên khiêm cung sẽ làm cho lòng muôn dân qui tụ về; cũng như sông biển vì ở chỗ thấp nên nước muôn khe đều đổ xuống. Nếu ta nghịch với người, người sẽ nghịch với ta; nếu ta ưa gây mâu thuẫn với người, người cũng sẽ ưa gây mâu thuẫn với ta. Nếu ta hòa dịu, thuận xử với người, người cũng sẽ hòa dịu thuận xử với ta. Đó là một định luật nhân sinh vậy.
Nếu có ai đó cho rằng sự nhường nhịn là nhục nhã thì đó là một suy nghĩ thiếu thiện chí. Nhiều người đã phải trả một giá quá đắt do cố chấp nhau không đáng, có khi đánh đổi lấy sinh mạng, để học được một kinh nghiệm của sự nhường nhịn. Có ý kiến nhận xét đúng rằng: nhường nhịn không có nghĩa là đầu hàng, là thua thiệt mà trái lại nhường nhịn và tha thứ cho nhau, thì mới có thể thành công trong cuộc sống hạnh phúc gia đình mà nhất là trong lĩnh vực đối nhân, xử thế [3].
Trong quan hệ ngoại giao giữa các quốc gia, ăn miếng trả miếng (bằng sức mạnh) là hạ sách; thỏa hiệp (quyền lợi) là trung sách; còn tâm phục khẩu phục (bằng tâm, bằng trí) mới là thượng sách. Theo lão tử, nước lớn mà làm chỗ thấp, sẽ là nơi thiên hạ giao hội, sẽ là “giống cái” của thiên hạ. Giống cái thường lấy sự tĩnh mà thắng giống đực, lấy tĩnh làm chỗ thấp. Cho nên, nước lớn mà “hạ mình” trước nước nhỏ thì sẽ thu phục được nước nhỏ; nước nhỏ mà “hạ mình” trước nước lớn thì sẽ được lòng nước lớn. Các nước đều nên hoặc hạ mình để mà “chinh phục”, hoặc hạ mình để “được lòng”. Nước lớn chẳng qua là để dưỡng nuôi người, nước nhỏ chẳng qua là để phục vụ người, cả hai đều được như ý thích. Kẻ lớn, kẻ nhỏ đều nên hạ mình, khiêm cung, không nên cho đó là nhục, là thiệt.
Lão Tử cho chúng ta một nguyên tắc bang giao quốc tế. Trong thiên hạ có nước lớn, nước nhỏ. Nhưng nước lớn không phải là để thôn tính nước nhỏ mà là để giúp đỡ nước nhỏ. Nước nhỏ không phải là để kèn cựa, ganh tị với nước lớn, mà là để thuận phục, bang giao với nước lớn. Các nước đối xử với nhau nên lấy sự khiêm cung, chứ đừng dùng võ lực. Nước lớn biết tỏ ra khiêm tốn, không khinh khi nước nhỏ, thì các nước nhỏ sẽ vui lòng hướng chiều về. Nếu nước nhỏ tỏ ra khiêm tốn không đả kích các nước lớn thì các nước lớn sẽ vui lòng bảo trợ. Như vậy cả hai bên đều lợi, và như vậy thế giới mới mong cùng hưởng thái bình, thịnh trị. Thế là, dùng “nhu đạo”, dùng sự “khiêm cung” để mà xây dựng hòa bình cho thiên hạ [6].
Tóm lại, nhường nhịn là nhận phần thiệt thòi về mình; luôn nhường cho người khác phần hơn; chia sẻ lợi ích của mình cho người khác; dành quyền lợi tốt đẹp cho người khác; bao dung, độ lượng với những lỗi lầm của người khác; tránh những xung đột không đáng có; chấp nhận thua thiệt; muốn điều tốt đẹp cho tất cả mọi người; an phận, nhún nhường trước cái xấu; cho đối thủ một cơ hội nhận ra lỗi lầm để sửa sai; không đưa người khác vào bước đường cùng; tu nhân tích đức cho bản thân và con cháu.
Nhường nhịn là một nhân cách tốt. Nhường nhịn không chỉ là lối ứng xử không thông thường. Nhường nhịn không làm cho mình thiệt thòi và yếu hèn. Nhường nhịn ít nhiều liên quan đến cái được và cái mất trước mắt của một cá nhân, một tổ chức cộng đồng, quốc gia nào đó. Người nhường nhịn luôn nghĩ đến người khác, giành quyền lợi tốt đẹp cho người khác; tha thứ cho người khác; tha thứ lỗi lầm của người khác; giữ lòng thanh thản khi gặp điều trái ý nghịch lòng; sẵn sàng xác nhận rằng mình vì người khác mà hi sinh lợi ích, hạnh phúc của cá nhân mình. Người nhường nhịn sẽ coi sự hy sinh, thiệt thòi là bình thường, đôi khi còn vui vẻ coi đó là việc tích phúc, tích đức, thể hiện sự cao quý của mình. 
3. Sự khác biệt giữa nhường nhịn với nhẫn nhục, cạnh tranh, tranh cướp, chụp giựt, tranh giành
3.1. Nhường nhịn v nhẫn nhục
Nhẫn nhục ở mức độ nào đó mang nghĩa tiêu cực, triệt tiêu tính phát triển. Tuy nhiên, cần hiểu một cách đúng đắn rằng nhẫn không phải là sự cam chịu bằng mọi giá, không phải gồng mình ôm nhục, luồn cúi để mong đạt được mục đích. Trong cuộc sống, người ta có thể chịu được tất cả sự đau khổ về vật chất lẫn tinh thần, nhưng cái khổ của “nhục” là khó chấp nhận hơn cả.
Nhẫn nhục là giữ lòng bình thản khi gặp những điều trái ý, nghịch lòng. Nhẫn nhục giống với nhường nhịn, là bỏ qua, tha thứ cho hành động lỗi lầm có thể gây hại cho mình (ở một mức độ có thể chấp nhận được, với mong muốn đối thủ sẽ lớn lên, biết sống tốt hơn sau khi làm điều lỗi lầm mà nhận được sự nhường nhịn này).
3.2. Nhường nhịn với cạnh tranh
Cạnh tranh là sự ganh đua nhằm giành lấy được nhiều lợi ích nhất cho mình. Cạnh tranh là môi trường của sự phát triển. Cạnh tranh có thể làm lợi cho nhân loại. Tuy nhiên, trong cạnh tranh cũng có tính khốc liệt của nó. Trong nhiều trường hợp, hậu quả của cạnh tranh là sự triệt tiêu, một doanh nghiệp, tổ chức nào đó. Nhường nhịn trong cạnh tranh là kiềm chế các thủ đoạn xấu triệt tiêu đối thủ; biết định vị năng lực của bản thân, tổ chức khi ra cạnh tranh.
3.3. Nhường nhịn và tranh cướp
Tranh cướp là hành vi dùng tất cả phương tiện, năng lực hiện có (kể cả bạo lực) để giành bằng được vật phẩm hoặc món lợi nào đó từ ngoài vào cho mình, hoặc vật phẩm, món lợi có giá trị cao hơn, cho mình. Tranh cướp mang tính công khai, chưa dẫn đến trách nhiệm hình sự, nhưng mang ý nghĩa tiêu cực ở mức cao.
Nhường nhịn có phần gần với nhẫn nhục, cạnh tranh, nhưng đối lập hoàn toàn với sự tranh cướp.
Cặp phạm trù nhường nhịn/tranh cướp là cặp phạm trù cơ bản nhất, thể hiện sự đối lập. Đã nhường nhịn thì không còn tranh cướp, đã tranh cướp thì không còn nhường nhịn. Vì vậy, khi nhìn nhận một sự kiện xã hội, một hành động xã hội, chúng ta có thể đánh giá nó qua phân tích các chỉ báo hoặc tranh cướp, hoặc nhường nhịn. Ở đây không có cách hiểu trung dung.
3.4. Nhường nhịn và chụp giựt
Cấp độ nhẹ hơn so với tranh cướp là tranh giành.
Chụp giựt gồm hai từ chụpgiựt. Giựt quan trọng hơn, đóng vai trò trung tâm. Chụp giựt giống giựt (hay giật) ở chỗ: giằng lấy cái gì đó từ trong tay người khác một cách chóng vánh và mạnh mẽ. Nhưng ngoài hai sắc thái chóng vánh và mạnh mẽ, có khi một cách thô bạo ấy, chụp giựt còn hai sắc thái khác mà chữ giựt đứng một mình không có, đó là sự tham lam và nhếch nhác. Chụp thường chỉ động tác từ trên xuống dưới. Điều đó có nghĩa là, vật thể bị chụp giựt phần lớn nằm dưới thấp (từ thấp về vị trí đến thấp về giá trị). Điều người ta chụp giựt thường là những món lợi nho nhỏ. Trong khi chụp hay giựt thuần tuý là những động tác thì chụp giựt lại là một động tác mang ý nghĩa đạo đức. Bao giờ nó cũng xuất phát từ một động cơ mang tính cá nhân, ít nhiều chà đạp lên những nguyên tắc cơ bản về sự công bằng và tinh thần tập thể.
3.5. Nhường nhịn và tranh giành
Tranh giành là giành giật, vơ vét lấy công sức, thành quả lao động của người khác. Tranh giành thể hiện sự tham lam, lối sống ích kỷ, vun vén cho lợi ích cá nhân, làm xấu đi các mối quan hệ xã hội. Trong khi đó, nhường nhịn là cho, là chia sẻ công sức, thành quả lao động của mình với người khác. Nhường nhịn thể hiện tình thương, lối sống mình vì mọi người, làm con người hoàn thiện hơn về nhân cách.
Những người chỉ biết tranh giành mà không biết cho, biết nhường thì sẽ tự giết chết mình trong sự cô lập của cộng đồng, xã hội. Mỗi người phải học cách nhường nhịn, cách chia sẻ và yêu thương con người; sống nhường nhịn, không tranh giành vì đó là lẽ sống cao đẹp.
Người nhường nhịn không phải là người không cạnh tranh trong hoạt động sống. Người nhường nhịn biết cạnh tranh vươn đến cái đẹp3; biết xấu hổ với cái sai do mình hay tổ chức mình gây ra; biết thông cảm, chia sẻ; biết dung hòa trong quan hệ; lấy tình thương, trách nhiệm và lòng vị tha để thay thế cho sự tức giận, bốc đồng.
Người thiếu nhường nhịn không thể tự kiểm soát được mình trước những kích thích từ môi trường bên ngoài; có tâm thế bốc đồng, kích động; sẵn sàng tranh cướp lợi ích nào đó khi có cơ hội.
M.Gottfredson và T.Hirschi khi nghiên cứu hiện tượng tội phạm đã đưa ra khái niệm “sự tự kiểm soát bản thân yếu kém” để giải thích về những người rất bốc đồng, rất kích động trong khi hành động. Những người, luôn tìm cách đối nghịch lại với những người thận trọng, biết suy trước tính sau trước khi hành động, luôn đáp trả tức thì những kích thích từ bên ngoài do họ không được giáo dục để có cái nhìn xa trước khi hành động. Bên cạnh đó, những người có sự tự kiểm soát bản thân yếu kém cũng là những người thích đi tìm những giải pháp dễ dàng để giải quyết vấn đề, dù những giải pháp ấy có thể gây ra những hậu quả cực kỳ nghiêm trọng. Như vậy, để giải quyết mâu thuẫn một cách hợp lý thì người ta phải biết thương lượng đúng sai với nhau, chứ không đượclấy thịt đè người để xử lý đối phương. Hai ông cho rằng, “sự tự kiểm soát bản thân yếu kém” có nguyên nhân ở chỗ, cá nhân không được giáo dục một cách đúng đắn (khi còn nhỏ từ trong gia đình lẫn trong trường học), cộng với những hình ảnh bạo lực từ xã hội [5].
Xã hội nhường nhịn là xã hội ở đó mỗi cá nhân tự định vị được bản thân trong tổ chức, nhóm xã hội của mình; mỗi tổ chức, nhóm xã hội được xây dựng vì một xã hội trách nhiệm, minh bạch; con người biết điều tiết hài hòa lợi ích giữa cá nhân và cộng đồng.
Cái gốc của nhường nhịn là sự hiểu biết và cơ sở để cho sự nhường nhịn tồn tại phải là sự công bằng. Trong xã hội nhường nhịn, đối tượng nào được thụ hưởng giá trị của sự nhường nhịn cũng quan trọng, nhưng sự nhường nhịn của mỗi người phải được xã hội hoặc đối tác ghi nhận. Do vậy, người được nhường nhịn chính là đang thụ hưởng giá trị của hạnh phúc; người nhường nhịn thì đương nhiên là hạnh phúc, vì hạnh phúc là cho đi.
4. Kết luận
Trong xã hội Việt Nam hiện nay, người dân rất hiểu về giá trị của sự nhường nhịn, nhưng tình trạng sự thiếu nhường nhịn lại đang đáng báo động. Nhường nhịn là lối sống tích cực, là sự tốt đẹp cho tất cả mọi người, là sự ổn định, là cái ứng xử nhân văn giữa con người với nhau, với cả đối thủ của mình. Các quan điểm coi nhường nhịn là sự an phận, nhún nhường, là sự thua thiệt, dù ở góc độ nào, đều nhận được sự đồng thuận rất thấp. Đặc biệt là, quan điểm coi nhường nhịn an phận, nhún nhường trước cái xấu chỉ nhận được sự phản đối gay gắt từ người dân (70,2% số người dân được hỏi4).
Người dân hiểu giá trị của sự nhường nhịn theo đúng nghĩa của nó là một may mắn cho xã hội, bởi cái đạo lý, cái đẹp, cái lễ, nhân, nghĩa vẫn luôn tồn tại trong tâm thức của đa số dân chúng.
Vấn đề ở đây là, tại sao đa số người dân đều nhận thức được cái hay, cái đẹp của nhường nhịn, thấy được tầm quan trọng của nó, vậy mà trong xã hội vẫn xảy ra nhiều hành vi thiếu nhường nhịn? Phải chăng con người là đối tượng có những mối quan hệ xã hội đầy phức tạp, chỉ cần sơ suất trong một hành vi nào đó sẽ dẫn đến hiểu lầm, tranh chấp, thậm chí hóa ra hận thù khó giải. Đây là những vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu.

Chú thích
2 Bài viết là kết quả nghiên cứu đề tài khoa học cấp Bộ: “Nhận thức, thái độ, hành vi của người dân về sự nhường nhịn trong xã hội hiện nay” của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
3 Cái đẹp ở đây theo nghĩa rộng, là tất cả những gì có giá trị; những mặt hàng sản xuất có tiện ích giá trị, những hành động đẹp...
4 Khảo sát định lượng bằng Bảng hỏi phỏng vấn, được tiến hành trên địa bàn 8 xã, thuộc 6 quận, huyện ở 2 tỉnh, thành phố Hà Nội và Nghệ An với tổng số 800 mẫu.
Tài liệu tham khảo
[1]     Nguyễn Văn Khoan (1995), Bao dung Hồ Chí Minh, Nxb Lao động, Hà Nội.
[2]     Thích Chân Quang (2004), Tâm lý đạo đức, Nxb Tôn giáo, Hà Nội.
[3]     (2012), Nhường nhịn và tha thứ, http://www.baomoi.com/nhuong-nhin-va-tha-thu/c/9541608.epi
[5]      (2017), Suy nghĩ về tư tưởng khoan dung của Hồ Chủ tịch trong hai bức thư gửi đồng bào theo Phật giáo và Công giáo, http://www.
giaoducsuckhoe.
soctrang.gov.vn/index.php/tu-lie-u-van-ba-n/129-tu-tu-ng-h-chi-minh-va-chuy-n-k-v-bac/420-suy-nghi-v-tu-tu-ng-khoan-dung-c-a-ch-t-ch-h-chi-minh-trong-hai-b-c-thu-g-i-d-ng-bao-theo-ph-t-giao-va-cong-giao
[6]     Lê Minh Tiến (2004), Sự tự kiểm soát yếu kém, https://tuoitre.vn/su-tu-kiem-soat-yeu-kem-418791.htm
[7]     Ngô Sĩ Thuyết (2015), Nước lớn, nước nhỏ, http://www.thonminhtriet.com/2015/10/nuoc-lon-nuoc-nho.html


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét