Bài đăng nổi bật

Việt Nam nhìn từ Chủ thuyết phát triển

Thứ Năm, 18 tháng 6, 2015

Một số lý thuyết trong khoa học xã hội nghiên cứu dư luận xã hội: tiêu chí lựa chọn và áp dụng ở Việt Nam

Phan Tân & Lê Ngọc Hùng

(Bài đã đăng trên Tạp chí Lý luận và Truyền thông, ISSN: 1859-1485, Số 12(2014), tr. 86-89, 2014)

TÓM TẮT
Trên thế giới, đặc biệt các nước phương Tây nghiên cứu về dư luận xã hội đã có bề dày hàng trăm năm, nhưng ở Việt Nam việc nghiên cứu dư luận một cách có hệ thống, bài bản vẫn còn bỏ ngõ. Vận dụng lý thuyết dư luận xã hội, phương pháp luận, phương pháp, kỷ thuật cụ thể phù hợp với điều kiện lịch sử kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội đối với mỗi quốc gia không phải dễ dàng. Chúng tôi xin giới thiệu một cách khái quát nhất về 15 lý thuyết đang được các nhà khoa học vận dụng trong nghiên cứu dư luận xã hội theo các hướng và mức độ tiếp cận khác nhau, đồng thời đề xuất một số gợi mở ban đầu áp dụng lý thuyết này đối với Việt Nam hiện nay.
TỪ KHÓA: xã hội học, dư luận xã hội, tiếp cận lý thuyết

I- ĐẶT VẤN ĐỀ
Dư luận xã hội đã trở thành đối tượng nghiên cứu của nhiều khoa học, như tâm lý học, khoa học về truyền thông, đặc biệt là xã hội học. Ở Việt Nam đã có nhiều bài viết và sách về phương pháp và kết quả nghiên cứu, thăm dò dư luận xã hội nhưng mới chỉ có một số ấn phẩm giới thiệu lý thuyết về dư luận xã hội. Trong số đó cần phải kể tới cuốn sách có tính chất giáo trình “Xã hội học về dư luận xã hội”, dày gần 370 trang của Nguyễn Quý Thanh xuất bản năm 2006 và gần đây nhất có cuốn “Bốn học thuyết truyền thông” của Fred S. Siebert xuất bản bằng tiếng Việt năm 2013, bằng tiếng Anh lần đầu xuất bản năm 1956 và lần thứ hai năm 1984. Về các lý thuyết xã hội học, đã có một số sách của nước ngoài được dịch và xuất bản bằng tiếng Việt ở Việt Nam đồng thời cũng có một số sách lý thuyết xã hội học do các tác giả Việt Nam biên soạn. Điều này đặt ra vấn đề lựa chọn và sử dụng cách tiếp cận lý thuyết nào phù hợp cho nghiên cứu dư luận xã hội ở Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, cũng cần nói ngay rằng đây là một tham vọng quá lớn bởi vì về mặt lý thuyết, việc lựa chọn và sử dụng cách tiếp cận lý thuyết phù hợp đến mức độ nào cho nghiên cứu dư luận xã hội phụ thuộc vào nhiều yếu tố trong đó có cả những yếu tố ngoài tầm kiểm soát của nhà khoa học ví dụ như yếu tố tài chính và thời gian. Do vậy, dưới đây chúng tôi chủ yếu giới thiệu một số lý thuyết và nhấn mạnh một số điểm mạnh và điểm cần lưu ý khi áp dụng vào nghiên cứu dư luận xã hội.
II- MỘT SỐ CÁCH TIẾP CẬN LÝ THUYẾT  
Năm 1956, Fred S.Siebert và các đồng sự đã giới thiệu bốn mô hình lý thuyết thuộc loại kinh điển về truyền thông làm nền tảng cho các lý thuyết về dư luận xã hội, đó là: thuyết Độc đoán, thuyết Tự do, thuyết Trách nhiệm xã hội, và thuyết Toàn trị xã hội xô viết (Fred S. Siebert, 2013).
Thuyết độc đoán xuất hiện vào thế kỷ XVI – XVII  ở nước Anh và đến nay vẫn được áp dụng trong nghiên cứu dư luận xã hội. Thuyết này nhấn mạnh yếu tố quyền lực nhất là quyền lực chính trị trong việc định hướng, hình thành và điều chỉnh dư luận xã hội. Theo cách tiếp cận này, cơ quan quyền lực và người nắm giữ quyền lực thường không chấp nhận những luồng dư luận xã hội trái chiều và chỉ mong muốn nghe thấy những luồng dư luận xã hội ủng hộ, đồng tình. Thậm chí trong một số trường hợp quyền lực chính trị có thể được sử dụng để trấn áp những ý kiến phản biện từ dư luận xã hội. Cách tiếp cận lý thuyết này giúp giải thích tại sao trong một cộng đồng xã hội thiếu dân chủ thường chỉ có những ý kiến công khai thuận chiều còn các ý kiến mang tính chất phản biện trái chiều thường xuất hiện ngấm ngầm dưới các hình thức như tin đồn hoặc các hình thức dân gian như ca dao, tục ngữ, hò vè, tiếu lâm, thơ bút tre để không bị trừng phạt. Việc áp dụng thuyết này đòi hỏi phải xem xét dư luận xã hội từ nhiều chiều chứ không thể chỉ tập trung từ phía cơ quan quyền lực khi thu thập, xử lý và giải thích các thông tin thu được từ dư luận xã hội. Ví dụ, việc không nghe thấy luồng dư luận xã hội nào công khai phê bình một chính sách không có nghĩa là tất cả các cá nhân, các nhóm xã hội đều ủng hộ. Vấn đề là trong điều kiện độc đoán, chuyên quyền dư luận xã hội thường chỉ biểu đạt ý kiến một chiều và các ý kiến khác của dư luận xã hội đều bị ngăn cản không được biểu lộ công khai nếu không muốn bị trừng phạt. Việc nghiên cứu dư luận xã hội chỉ thu được một loại ý kiến ủng hộ một chiều chứng tỏ rằng ở đó có vấn đề của sự “độc đoán, chuyên quyền, mất dân chủ”.
Thuyết tự do xuất hiện cùng thời với thuyết Độc đoán như là một sự đối lập mang tính bổ sung. Thuyết này nhấn mạnh đến quyền được bày tỏ ý kiến một cách tự do của cá nhân. Dư luận xã hội là kết quả của quá trình các cá nhân thực hiện quyền tự do bày tỏ ý kiến và tự do thảo luận, tranh luận trên đường tìm ra chân lý. Điều này làm cho những người theo thuyết độc đoán lo ngại và thậm chí sợ hãi khi cho rằng tự do sẽ dẫn đến nguy cơ mất trật tự và tình trạng “phi chính phủ”. Thực chất, không một xã hội nào là tự do như vậy nên thuyết tự do cũng không thể đề cao sự tự do tuyệt đối mà luôn nhấn mạnh yếu tố pháp luật, khuôn khổ pháp lý cho sự tự do thảo luận, bày tỏ ý kiến. Ví dụ, trong khi pháp luật thừa nhận quyền tự do bày tỏ ý kiến thì đồng thời pháp luật cũng quy trách nhiệm cho cá nhân về tính xác đáng của ý kiến và tính đạo đức của ý kiến với nghĩa là cá nhân phải chịu trách nhiệm về lời nói của mình. Nói cách khác không thể có tự do phỉ báng, bôi nhọ, vu khống, xúc phạm người khác trong khi bày tỏ ý kiến và thảo luận. Do vậy, điều quan trọng ở đây là cần phải thiết lập môi trường thể chế phù hợp để đảm bảo tự do bày tỏ ý kiến của các cá nhân. Nghiên cứu về dư luận xã hội theo thuyết tự do cần phải chú ý đến việc thu thập thông tin về các luồng ý kiến khác nhau chứ không thể thiên vị luồng ý kiến nào đồng thời cần tính đến các quy định, chuẩn mực đảm bảo sự tự do, công bằng, bình đẳng trước pháp luật của các chủ thể dư luận xã hội.
Thuyết trách nhiệm xã hội nhấn mạnh ý thức trách nhiệm của các chủ thể truyền thông trong việc cung cấp thông tin, chia sẻ, xử lý và phân tích thông tin. Khi áp dụng thuyết nào trong nghiên cứu dư luận xã hội cần tìm hiểu kỹ những quy định về trách nhiệm xã hội của các bên liên quan. Ví dụ, cần tìm hiểu dư luận xã hội của người nông dân bị mất đất thể hiện như thế nào và nhằm nội dung, mục đích gì, đồng thời cũng cần tìm hiểu xem những người có liên quan thể hiện trách nhiệm xã hội của họ đến đâu. Chẳng hạn, cơ quan quản lý đất đai có nắm bắt dư luận xã hội về vấn đề này không và ý kiến của họ về những dư luận đó. Để tăng cường tính trách nhiệm xã hội của các bên, dư luận xã hội đòi hỏi phải công khai, minh bạch phản ánh những luồng ý kiến và những việc làm tương ứng của các bên trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Nói ngắn gọn, nghiên cứu dư luận xã hội cần phải tính đến trách nhiệm xã hội của các bên liên quan đến nội dung và hình thức phản ánh của dư luận xã hội.
Thuyết toàn trị xã hội xô viết có lẽ chỉ phù hợp trong bối cảnh trước năm 1991 khi chế độ xô viết chưa bị tan rã. Thuyết này nhấn mạnh sự kiểm soát, giám sát, can thiệp chặt chẽ, sát sao và trực tiếp của các cơ quan chức năng đối với các cơ quan truyền thông đại chúng và do vậy ảnh hưởng trực tiếp đến dư luận xã hội. Tuy nhiên, xem xét kỹ hơn sẽ thấy thuyết này vẫn có thể cần được tìm hiểu và áp dụng trong điều kiện các cơ quan truyền thông chủ yếu thuộc sở hữu nhà nước và thiếu các cơ quan truyền thông tư nhân. Trong môi trường toàn trị từ góc độ lãnh đạo, quản lý cộng đồng việc nghiên cứu dư luận xã hội cần phải mở rộng sang các lĩnh vực thuộc khu vực ngoài nhà nước. Dư luận xã hội không chỉ thể hiện trên các phương tiện truyền thông của nhà nước mà cả trên các phương tiện truyền thông khác trong đó nếu không có phương tiện truyền thông tư nhân thì có các phương tiện truyền thông của các tổ chức xã hội dân sự và các tổ chức phi chính thức. Tình hình sẽ phức tạp hơn nếu như có mâu thuẫn giữa các thành phần truyền thông đại chúng trong cộng đồng. Nghiên cứu dư luận xã hội trong trường hợp này rõ ràng là không chỉ do cơ quan nhà nước thực hiện qua các kênh truyền thông của nhà nước mà cần phải mở rộng sang các thành phần khác nữa.
Việc giới thiệu ngắn gọn bốn học thuyết truyền thông và tương ứng là bốn lý thuyết về dư luận xã hội có thể gợi ra nhiều cách lựa chọn và áp dụng các lý thuyết này trong nghiên cứu dư luận xã hội ở Việt Nam hiện nay. Trên thực tế rất khó tìm thấy nguyên vẹn, nguyên chất một cộng đồng xã hội nào hay một tình huống xã hội nào có đầy đủ các đặc điểm như một trong bốn lý thuyết này mô tả. Điều này càng chứng tỏ rằng cần tìm hiểu để lựa chọn, áp dụng những yếu tố hợp lý của từng lý thuyết cho phù hợp với mục đích và điều kiện nghiên cứu cụ thể về dư luận xã hội.
Cuốn sách “Lịch sử và lý thuyết xã hội học” xuất bản lần đầu năm 2002 và lần gần đây nhất năm 2010 giới thiệu bốn chủ thuyết: Chức năng, Mâu thuẫn, Tương tác, và Lựa chọn duy lý (Lê Ngọc Hùng, 2011). Trong đó mỗi chủ thuyết bao gồm nhiều lý thuyết của các nhà xã hội học. Có thể lựa chọn một số lý thuyết trực tiếp nói về dư luận xã hội:
Lý thuyết phê phán kép của Habermas
Lý thuyết Phê phán kép quan tâm nghiên cứu hành động giao tiếp và lĩnh vực công, vừa phê phán xã hội vừa phê phán khoa học. Theo Habermas, dư luận xã hội là kết quả của hành động giao tiếp trong lĩnh vực công. Nhưng dư luận xã hội, ngoài chức năng chia sẻ thông tin, tình cảm để các cá nhân hiểu biết lẫn nhau, còn có chức năng phê phán kép: vừa phê phán những điều xấu trong xã hội vừa tự phê phán các ý kiến, cách nhận thức, cách đánh giá. Điều quan trọng trong cách tiếp cận lý thuyết của Habermas về dư luận xã hội là quan điểm cho rằng: sự hình thành dư luận xã hội phụ thuộc vào việc các cá nhân có được bày tỏ ý kiến hay không. Điều này liên quan trực tiếp đến các quy tắc của “tình huống phát biểu lý tưởng” (Nguyễn Quý Thanh, 2006, tr.88) bao gồm:
+ Người nào có năng lực, kiến thức để nói và hành động thì đều được phép tham gia thảo luận;
+ Mọi người đều được phép nhận xét về mọi vấn đề;
+ Mọi người đều được phép đưa ra các ý kiến vào thảo luận;
+ Mọi người đều được phép bày tỏ thái độ, nhu cầu, mong muốn của mình;
+ Không ai bị ngăn cản trong việc thực hiện các quyền bày tỏ ý kiến.
Như vậy, các quy tắc vừa nêu đều thể hiện sự thừa nhận và tôn trọng quyền bày tỏ ý kiến, tự do ngôn luận của mọi người. Do vậy, nếu áp dụng lý thuyết của Habermas vào nghiên cứu dư luận xã hội ở Việt Nam thì cần chú ý đến các quy tắc hay quy định về quyền tự do ngôn luận, quyền bày tỏ ý kiến của mọi người. Cần nghiên cứu xem có quy định nào cản trở việc thực hiện quyền này không, có quy định nào giới hạn phạm vi ý kiến của mọi người hay không. Cũng cần phải tính đến các năng lực thực hiện quyền tự do bày tỏ ý kiến của người dân trên thực tế chứ không chỉ xem xét trên văn bản, giấy tờ, “hình thức”.
Lý thuyết kiến tạo xã hội của Luhmann
Nguồn gốc lý thuyết này là thuyết Hệ thống như là sự khác biệt và thuyết Hiện thực nhân đôi của Luhmann. Theo cách tiếp cận này, dư luận xã hội là một cách tạo ra một hiện thực khác với hiện thực tự nó và bằng cách đó, con người hay xã hội kiến tạo xã hội, kiến tạo hiện thực theo cách mà con người nhìn nhận, đánh giá, mong muốn. Nói cách khác, dư luận xã hội không đơn giản phản ánh hiện thực xã hội mà nó còn nhân đôi, lặp lại hiện thực đồng thời tạo ra hiện thực khác với hiện thực tự nó và làm thay đổi, biến đổi, xây dựng, kiến tạo hiện thực tự nó theo mô hình của hiện thực mới do dư luận xã hội tạo ra. Điều này chứng tỏ rằng dư luận xã hội không đơn giản sao chép hiện thực mà góp phần làm thay đổi hiện thực, cụ thể trong trường hợp ở đây là thay đổi xã hội theo cách nhìn nhận, đánh giá và mong muốn cũng như khả năng của chủ thể dư luận xã hội. Điều này giải thích tại sao khi một ý kiến dù là sai lệch nhưng được lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ có nguy cơ trở thành đúng và không chỉ đúng trong nhận thức mà còn đúng và thật trong cả hành động. Kết quả là dư luận xã hội góp phần kiến tạo xã hội.
   Việc áp dụng cách tiếp cận lý thuyết Hiện thực nhân đôi này vào nghiên cứu dư luận xã hội đòi hỏi phải chú ý đến cách thức mà các cá nhân, nhóm người nhìn nhận hiện thực, chọn lọc thông tin, tức là cách nhân đôi hiện thực. Điều này cũng phụ thuộc vào mục đích kiến tạo xã hội: một nhóm người có thể vì mục đích kiến tạo xã hội như thế này nên đã nhìn nhận, đánh giá hiện thực xã hội như thế này chứ không phải như thế khác.
Lý thuyết “vòng xoắn im lặng” của Noelle Newman
Lý thuyết "vòng xoắn im lặng" nhấn mạnh rằng dư luận xã hội không lập tức xuất hiện do các cá nhân còn phải im lặng để chờ đợi, nghe ngóng tình hình xung quanh. Nếu các cá nhân thấy ý kiến của họ có khả năng được nhiều người chia sẻ, đồng tình, ủng hộ họ sẽ vững tin để bày tỏ ý kiến. Nếu không họ sẽ im lặng vì ngại, sợ nói ra ý kiến của mình và càng như thế thì họ càng im lặng. Chính vì điều này mà Noenlle Newman đưa ra định nghĩa rằng dư luận xã hội là ý kiến được nói ra mà không bị trừng phạt. Đơn giản là nếu bị trừng phạt thì im lặng không bày tỏ ý kiến. Do vậy, có thể thấy một tiêu chí quan trọng, cần thiết được sử dụng để nghiên cứu dư luận xã hội là cơ chế đảm bảo quyền tự do ngôn luận, tự do phát biểu ý kiến. Nếu không có cơ chế bảo đảm quyền này thì khó có thể hình thành, xuất hiện dư luận xã hội.
Lý thuyết mâu thuẫn (xung đột)
Thuyết mâu thuẫn cho rằng dư luận xã hội là vũ khí đấu tranh vì lợi ích của các nhóm, các tầng lớp nhất là đấu tranh giai cấp. Trong đó, giai cấp thống trị luôn sử dụng dư luận xã hội để bảo vệ lợi ích giai cấp của mình. Đồng thời, giai cấp bị trị cũng sử dụng các hình thức biểu thị dư luận xã hội khác nhau để chống lại giai cấp thống trị và bảo vệ lợi ích của giai cấp bị trị. Trong tình hình này, dư luận xã hội là võ đài đấu tranh giữa các giai tầng xã hội trong xã hội có sự phân chia giai cấp. Giai cấp thống trị cần phải quan tâm, nắm bắt dư luận xã hội để lãnh đạo, quản lý và điều chỉnh, giải quyết các vấn đề xã hội vì lợi ích giai cấp. Giai cấp bị trị sử dụng dư luận xã hội để tự bảo vệ và đấu tranh, chống lại giai cấp thống trị và phòng, chống cả những thói hư, tật xấu của xã hội đồng thời đề cao cái chân thiện mỹ trong xã hội. 
Lý thuyết cấu trúc xã hội về mâu thuẫn của Dahrendorf
Lý thuyết này nhấn mạnh rằng mâu thuẫn xã hội xuất hiện và biến đổi qua các các giai đoạn trong đó khởi đầu là sự hình thành cấu trúc thứ bậc của các vai chỉ huy và bị chỉ huy (Lê Ngọc Hùng, 2013, tr.227). Đặc thù của nhóm xã hội là sự phân vai trong đó luôn xuất hiện một hay hơn một người nắm giữ vị trí lãnh đạo, quản lý đối với những người còn lại. Từ cấu trúc phân đôi vai như vậy tất yếu nảy sinh ít nhất hai nhóm với những lợi ích khác nhau, thậm chí mâu thuẫn, xung đột nhau. Các nhóm này có thể công khai chống lại nhau hoặc thỏa thuận hợp tác với nhau. Trong quá trình này tất yếu xuất hiện dư luận xã hội của mỗi nhóm nhằm mục đích bảo vệ lợi ích của nhóm mình. Nếu dư luận xã hội được bày tỏ, thể hiện theo những quy định được thỏa thuận của các bên thì mâu thuẫn sẽ không bùng phát thành xung đột và nhóm vẫn hoạt động và cùng chung sống hòa bình. Nhưng nếu một trong các bên có những cử chỉ, hành động và lời nói vượt ra ngoài quy định, vi phạm chuẩn mực thì khả năng xuất hiện xung đột là rất lớn. Xung đột đó vẫn có thể giải quyết nhờ dư luận xã hội trong khuôn khổ các quy định được thỏa thuận nhưng nếu có thêm những hành động vượt ra ngoài quy định thì xung đột sẽ dẫn đến biến đổi cả cấu trúc xã hội. Như vậy, lý thuyết cấu trúc về mâu thuẫn xã hội cho thấy dư luận xã hội là một cơ chế, biện pháp duy trì cấu trúc hiện hành và giải quyết những mâu thuẫn, xung đột xã hội có thể xảy ra. Tuy nhiên, dư luận xã hội cũng cần được cấu trúc hóa, thiết chế hóa để tránh những xung đột về dư luận xã hội tức là tránh những lời nói, những ý kiến xúc phạm lẫn nhau. Dư luận xã hội cũng là một tác nhân thúc đẩy sự ổn định xã hội hoặc biến đổi xã hội. Điều này tùy thuộc vào cấu trúc lợi ích của các nhóm xã hội và thiết chế xã hội. Việc lựa chọn và sử dụng lý thuyết cấu trúc về mâu thuẫn xã hội đòi hỏi phải tính đến tiêu chí quan trọng và cơ bản là: lợi ích nhóm, cấu trúc xã hội.
Lý thuyết chức năng-cấu trúc cho rằng dư luận xã hội là một chức năng mà xã hội cần để nhận biết, thông tin, đánh giá sự vật, hiện tượng để định hướng, điều chỉnh hành vi, hoạt động của các cá nhân, nhóm người trong xã hội. Tiểu hệ thống văn hóa có thể là tiểu hệ thống thể hiện tốt nhất, rõ nhất dư luận xã hội. Nói cách khác, dư luận xã hội là một chức năng của tiểu hệ thống văn hóa và tiểu hệ thống này thể hiện dư luận xã hội dưới nhiều hình thức khác nhau từ thơ ca, hò vè, tiếu lâm đến những ý kiến được trình bày các trào lưu văn hóa, nghệ thuật nhất định.
Lý thuyết hệ thống bốn chức năng của Parsons
Nhà xã hội học người Mỹ nổi tiếng tên là Talcott Parsons đã đưa ra lý thuyết tổng quát trong xã hội học nhấn mạnh vai trò quyết định của yếu tố chức năng đối với cấu trúc của toàn bộ hệ thống của xã hội (Lê Ngọc Hùng, 2013, tr.139-148). Bốn loại chức năng đòi hỏi xã hội phải có bốn tiểu hệ thống chuyên biệt thực hiện, đó là tiểu hệ thống kinh tế nhằm thực hiện chức năng thích nghi với môi trường, tiểu hệ thống chính trị nhằm chức năng hướng đích, tiểu hệ thống văn hóa nhằm chức năng đoàn kết xã hội và tiểu hệ thống pháp luật nhằm chức năng duy trì các khuôn mẫu xã hội. Có thể viết tắt hệ thống bốn chức năng của xã hội một cách tương ứng là AGIL (hiểu ngắn gọn A là thích nghi, G là hướng đích, I đoàn kết xã hội và L là duy trì khuôn mẫu xã hội). Dư luận xã hội thuộc tiểu hệ thống văn hóa do vậy thực hiện chức năng đánh giá các hành vi, hoạt động nhất là kinh nghiệm của xã hội và nếu kết quả đánh giá là tích cực thì kinh nghiệm đó được lưu giữ để truyền bá trong xã hội và nếu kết quả đánh giá là tiêu cực thì kinh nghiệm đó bị bác bỏ trong xã hội. Nói cách khác, theo thuyết hệ thống chức năng, dư luận xã hội có chức năng đánh giá, lưu giữ, bảo tồn các khuôn mẫu xã hội nhờ vậy mà xã hội luôn có thể học hỏi được từ kinh nghiệm, luôn tạo được động cơ thúc đẩy sự tiến bộ và luôn có thể phòng ngừa, đấu tranh với những điều sai trái, lạc hậu, bảo thủ trong xã hội. Việc áp dụng lý thuyết này đòi hỏi phải xem xét dư luận xã hội với tư cách là một bộ phận của văn hóa, giáo dục với các phong tục, tập quán và tri thức khoa học hiện đại. Đằng sau mỗi một luồng ý kiến thuộc dư luận xã hội là cả một nền tảng tinh thần là văn hóa với các hệ giá trị, biểu tượng, ký hiệu mà các chủ thể của nó sử dụng rất khéo léo, linh hoạt và tinh tế. Người ta có thể ca ngợi nhưng đồng thời là mỉa mai, châm chọc, trào lộng phê phán. Đó là dư luận xã hội mà các nhà nghiên cứu khó có thể bỏ qua hoặc xem nhẹ khi xem xét các hình thức và động cơ của các luồng ý kiến trong xã hội ngày nay.
Lý thuyết tương tác biểu trưng
Các đại diện tiêu biểu của lý thuyết này là Cooley, H. Mead, Blumer, Goffman và một số tác giả khác. Luận điểm cơ bản nhất của lý thuyết này là xã hội được tạo bởi các cá nhân đang tương tác với nhau thông qua hệ thống các ký hiệu, biểu tượng. Do vậy, dư luận xã hội tất yếu nảy sinh trong quá trình tương tác xã hội giữa các cá nhân, nhóm người với tư cách là những kết quả, những kết tinh của các tương tác biểu tượng. Các cá nhân, nhóm người sử dụng các ký hiệu, biểu tượng để thông tin và chia sẻ ý kiến với nhau. Việc không nắm chắc ý nghĩa của các biểu tượng trong tương tác cũng có thể gây ra mâu thuẫn, xung đột. Dư luận xã hội có thể xuất hiện do sự hiểu sai ý nghĩa của những hình thức tương tác xã hội của nhau. Một trong cách để giải quyết mâu thuẫn xã hội trong trường hợp như vậy là phải cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời cho các bên. Việc bưng bít thông tin hoặc thông tin thiếu công khai, minh bạch luôn tạo ra kẽ hở cho việc thêm bớt các thông tin khác làm cho bản chất của sự vật hiện tượng có thể càng khó bộc lộ ra và dư luận xã hội trở thành tin đồn với những hệ lụy khó lường. Trên thực tế các tin đồn luôn xuất hiện trong những tình huống thiếu thông tin về những sự kiện ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của các cá nhân, nhóm người. Giải pháp có thể làm được ngay trong tình huống như vậy là cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ và kịp thời để chặn đứng và thay thế cho các tin đồn thất thiệt. Như vậy, một tiêu chí để lựa chọn và sử dụng lý thuyết Tương tác biểu trưng là “thông tin” với các hình thức biểu hiện định lượng, định tính của nó và các ý nghĩa mà các chủ thể gắn cho các ký hiệu, biểu tượng của thông tin. Câu hỏi là: thực sự câu nói đó hay việc làm đó có ý nghĩa gì? Câu hỏi như vậy cần được trả lời trong nghiên cứu dư luận xã hội từ góc độ lý thuyết Tương tác biểu trưng.
Lý thuyết kịch hóa của Goffman
Trong các lý thuyết thuộc cách tiếp cận tương tác biểu trưngm cần chú ý đến lý thuyết của Goffman bởi vì tác giả này nhấn mạnh đến việc các chủ thể tương tác có thể đóng kịch, có thể trình diễn trước công chúng để tạo ra hình ảnh, ấn tượng tốt đẹp về họ (Lê Ngọc Hùng, 2011, tr.345-351). Ở đây có thể chú ý đến cái goi là “mị dân” của những hành động lãnh đạo, quản lý khi những người này muốn tạo ra dư luận xã hội ủng hộ cho những việc làm có vẻ tốt đẹp của họ. Nói cách khác, dư luận xã hội có thể được một người hay một nhóm người cố tình tạo ra nhằm mục đích khác nhau, trong trường hợp mị dân là nhằm mục đích xấu nhưng được che đậy bởi những ý kiến đánh giá bóng bảy. Cách tiếp cận lý thuyết của Goffman nhấn mạnh rằng cùng với loại dư luận xã hội tự nhiên xuất hiện trong quá trình tương tác xã hội là những luồng ý kiến hay dư luận xã hội được những người nhất định, những chủ thể tương tác xã hội cố tình, chủ định tạo ra nhằm mục đích xác định. Do vậy, nghiên cứu về dư luận xã hội cần giải nghĩa các ký hiệu, các cử chỉ và thậm chí là lột bộ mặt nạ để hiểu thực chất của dư luận xã hội và các luồng ý kiến. Cụ thể nghiên cứu theo cách tiếp cận này luôn cần chú ý phân biệt bộ mặt trên sân khấu và bộ mặt trong hậu trường của từng luồng ý kiến trong dư luận xã hội. Đừng vội vàng căn cứ vào những gì thể hiện công khai trên sân khấu cuộc đời để đánh giá động cơ, bản chất của chủ thể - người đóng vai mà cần phải phân tích cả kịch bản và các mối tương tác của các vai trên sân khấu và trong hậu trường. Nghiên cứu về dư luận xã hội theo cách tiếp cận này còn có ứng dụng rất thiết thực cho việc huấn luyện và chuẩn bị cho những vở kịch lớn, những cuộc ra mắt công chúng hoặc đơn giản là những buổi trình diễn của những cá nhân, nhóm người nhằm tạo ra dư luận xã hội ủng hộ cho những quyết định đúng đắn, những việc làm tốt đẹp trong xã hội, tập thể, cộng đồng.
Lý thuyết xã hội học hậu hiện đại
Một đại diện tiêu biểu của cách tiếp cận này là Lyotard, nhà xã hội học hiện đại nổi tiếng với công trình nghiên cứu về “Hoàn cảnh hậu hiện đại”. Theo lý thuyết của Lyotard có thể sử dụng phương pháp phân tích trò chơi ngôn ngữ để nghiên cứu dư luận xã hội. Điều này đòi hỏi phải phân tích các nước đi tức là các lời phát biểu, các ý kiến của từng bên tham gia trong một trò chơi nhất định có thể thuộc về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Mỗi lời phát biểu hay mỗi một câu nói được phát ra có thể được xem như là một nước đi mà căn cứ vào đó người chơi, đối thủ sẽ đưa ra nước đi của mình tức là sẽ đáp trả. Điều quan trọng ở đây là mỗi một cuộc chơi luôn có những quy tắc chơi mà người tham gia phải tuân thủ, đồng thời luôn có các đối thủ và cả người xem. Dư luận xã hội nảy sinh với tư cách là những nước đi của mỗi bên trong cuộc chơi, của các bên trong cuộc chơi và của khán giả, công chúng. Dư luận xã hội nảy sinh trong mối tương tác xã hội trong các cuộc chơi mà nghiên cứu về nó cần phải tính đến nhiều yếu tố chứ không chỉ nhằm vào một đối thủ hay một người chơi. Lý thuyết của Lyotard trực tiếp nhấn mạnh tầm quan trọng mang tính quyết định của tri thức tự sự, tri thức khoa học đối với dư luận xã hội. Nghiên cứu dư luận xã hội do vậy cần phải phân biệt được ý kiến dựa trên cơ sở tri thức khoa học và ý kiến dựa trên cơ sở tri thức tự sự để hiểu được bản chất của nó và nhất là mối tương tác xã hội, liên kết xã hội. Do tri thức thay đổi nên dư luận xã hội cũng thay đổi không chỉ về nội dung mà cả cơ sở, hình thức và luôn đặt ra vấn đề về tính hợp thức của nó. Dư luận xã hội nào là đúng, là sai và tại sao? Đây là những câu hỏi luôn đặt ra đối với bất kỳ nghiên cứu dư luận xã hội nào mà câu trả lời luôn nằm ở quy tắc của cuộc chơi.
Lý thuyết lựa chọn công
Một đại diện tiêu biểu của lý thuyết này là nhà kinh tế học tên là Buchanan. Nhiều định nghĩa khác nhau về thuật ngữ này. Có thể hiểu lựa chọn công là quá trình ra quyết định của cơ quan công quyền về những vấn đề công cộng. Tuy nhiên, nếu hiểu lựa chọn công là việc công chúng ra quyết định đối với những vấn đề nảy sinh trong cuộc sống của họ thì lựa chọn công rất gần với dư luận xã hội bởi vì dư luận xã hội cũng là một cách mà công chúng tham gia quá trình ra quyết định. Vậy lựa chọn công diễn ra như thế nào? Các nhà kinh tế học như Buchanan đã nghiên cứu các khả năng mà những người ra quyết định gồm cá nhân, nhóm, chính khách và công chúng lựa chọn những phương án giải quyết vấn đề dưới tác động của các yếu tố khác nhau. Trong đó nổi bật nhất yếu tố pháp luật với các cấp độ luật hóa khác nhau từ hiến pháp đến các bộ luật, luật và các quy định dưới luật. Một loại yếu tố ảnh hưởng đến lựa chọn công là các yếu tố mang tính chất quy tắc, chuẩn mực xã hội bất thành văn, chưa được luật hóa. Áp dụng cách tiếp cận lựa chọn công, các nhà xã hội học quan tâm tới các yếu tố xã hội tác động đến lựa chọn công. Cùng với yếu tố duy lý cần tính đến cả những yếu tố phi lý như tâm lý đám đông trong việc ra quyết định lựa chọn. Cách tiếp cận lý thuyết lựa chọn công gợi ra vấn đề xem xét các yếu tố kinh tế và yếu tố phi kinh tế trong việc nghiên cứu dư luận xã hội trong tình huống phải ra quyết định, tình huống lựa chọn cách giải quyết tối ưu về góc độ kinh tế và các góc độ khác.
III- ĐỀ XUẤT TIÊU CHÍ LỰA CHỌN VÀ ÁP DỤNG Ở VIỆT NAM
Tiêu chí lựa chọn
Về mặt lý thuyết cần chú ý đến những tiêu chí như sau để lựa chọn lý thuyết phù hợp cho nghiên cứu dư luận xã hội ở Việt Nam.
Tính đối tượng: Mỗi lý thuyết đều nhằm vào một hoặc một nhóm đối tượng xác định. Do vậy, cần dựa vào đối tượng của nghiên cứu để lựa chọn lý thuyết sao cho phù hợp với đối tượng xác định. Ví dụ, nếu chúng ta muốn tìm hiểu xem tại sao một sự kiện xã hội nhất định đã xảy ra rồi mà không thấy có luồng dư luận nào bàn bạc về sự kiện đó: câu hỏi là tại sao lại im lặng? Khi đó có thể cần áp dụng lý thuyết vòng xoắn im lặng của Noelle – Newman.
Tính lợi ích kinh tế - chính trị. Khi chúng ta muốn tìm hiểu xem dư luận xã hội về một chủ đề nhất định phản ánh lợi ích của nhóm xã hội nào và ý kiến của nhóm nào sẽ thắng thế khi đó chúng ta có thể lựa chọn lý thuyết mâu thuẫn (xung đột). Bởi vì lý thuyết mâu thuẫn luôn nhằm giải đáp câu hỏi về quan hệ lợi ích giữa các giai cấp, tầng lớp và nhóm xã hội. Khi đó cần phải coi dư luận xã hội là võ đài đấu tranh vì lợi ích kinh tế - chính trị.
Tính hệ thống. Dư luận xã hội là một bộ phận của đời sống xã hội. Khi nào cần phải xem xét dư luận xã hội với vị trí và chức năng của một bộ phận xã hội như vậy chúng ta có thể phải lựa chọn lý thuyết chức năng mà cụ thể là lý thuyết hệ thống - chức năng của Parsons.
Tính hai mặt của hiện thực xã hội. Dư luận xã hội cũng có thể được xem là một cơ chế, cách thức kiến tạo xã hội nhằm mục đích xác định. Khi đó cần áp dụng lý thuyết của Luhmann để xem các chủ thể của các luồng dư luận xã hội nhìn nhận, đánh giá hiện thực xã hội, vấn đề xã hội, sự kiện xã hội như thế nào, đúng sai phải trái và nhất là có khách quan, chính xác đến mức độ nào.
Tính lịch sử - xã hội cụ thể. Theo tiêu chí này cách tiếp cận lý thuyết trong nghiên cứu dư luận xã hội phải phù hợp với hệ tư tưởng chính trị và hình thái kinh tế xã hội cụ thể của một quốc gia, hay đặc điểm cụ thể của cộng đồng xã hội nhất định. Không máy móc áp dụng bất kỳ một lý thuyết khoa học nào vào điều kiện Việt Nam hiện nay mà cần chọn lọc những điểm mạnh, điểm phù hợp của từng lý thuyết khoa học.
Cách tiếp cận lý thuyết giải quyết vấn đề áp dụng trong nghiên cứu dư luận xã hội
Theo Daniel Yankelovich (1992: 102-108), N.Foote và C.Hart (1953: 308-331) và một số nhà nghiên cứu khác, dư luận xã hội là một cơ chế giải quyết vấn đề xã hội đặc thù của các nhóm xã hội. Dư luận xã hội hình thành và biến đổi qua một số giai đoạn cơ bản(*):
Gây chú ý: Xuất hiện vấn đề xã hội đáng quan tâm (thường gắn với lợi ích) đối với một nhóm người nhất định; trong giai đoạn này thường là chỉ có một số người phát hiện ra vấn đề còn những người khác thì chưa biết. Không có lửa sao có khói, có vấn đề mới xuất hiện dư luận xã hội; vấn đề xã hội nào đáng quan tâm? những gì trái với suy nghĩ, hiểu biết thông thường nhất là động chạm tới quyền và lợi ích cá nhân, nhóm xã hội cụ thể.
Tăng cường tính cấp thiết của vấn đề. Giai đoạn này thu hút nhiều người chú ý, quan tâm tới vấn đề và tính cấp thiết của nó. Mối tương tác, cộng hưởng giữa các cá nhân, giữa nhóm người với vấn đề làm xuất hiện tâm thế, trạng thái sẵn sàng làm một điều gì đó như phát biểu ý kiến, bày tỏ thái độ và đề xuất các giải pháp - nhận biết vấn đề và đưa ra các ý kiến giải quyết vấn đề.
Đề xuất và lựa chọn cách giải quyết tối ưu. Trên giai đoạn này các ý kiến được đề xuất, cọ xát, trao đổi, cân nhắc điều thiệt-hơn, lợi-hại, mong muốn-đòi hỏi và thực tế, mới-cũ, cấp tiến-bảo thủ, thúc đẩy-kháng cự.
Ra quyết định giải quyết vấn đề. Các ý kiến cực đoan tìm được chỗ dung hoà hoặc tạm thời nhường chỗ cho những giải pháp khả thi. Mọi người nhanh chóng thay đổi suy nghĩ và ý kiến cá nhân của mình bằng cách khẳng định, chấp nhận một loại ý kiến nhất định (ví dụ đồng tình hoặc phản đối hay thờ ơ). Tình cảm cũng được xác định và biểu hiện rõ nét hơn (theo chiều hướng tích cực hoặc tiêu cực). Một số ý kiến được nhiều người thừa nhận trở thành của chung và được triển khai thực hiện (nói ra hoặc được hứa hẹn giải quyết). Xuất hiện những luồng dư luận xã hội nhất định cho thấy cách giải quyết vấn đề đã trở nên rõ ràng, tình huống vấn đề đã tìm được lối thoát.
Thoả mãn và xuất hiện vấn đề mới. Dư luận xã hội tức là cách giải quyết vấn đề đã được chấp nhận. Do đó, tuỳ thuộc vào cách triển khai, thực hiện mà xuất hiện những vấn đề mới (bộc lộ, thể hiện, triển khai có thể chỉ là trên lời nói), đánh giá kết quả giải quyết vấn đề (hài lòng, thoả mãn).
Cách tiếp cận lý thuyết giải quyết vấn đề như vừa nêu rất phù hợp với việc thực hiện dân chủ hóa đời sống xã hội hiện nay. Trong bối cảnh đó cần tiếp cận nghiên cứu dư luận xã hội như là một cơ chế, cách thức mà người dân tham gia giải quyết những vấn đề xã hội đặt ra theo phương châm: dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra.
Tóm lại, trên thế giới cũng như ở Việt Nam đã xuất hiện nhiều tài liệu giới thiệu về các lý thuyết khoa học trong đó có nhiều lý thuyết xã hội học có thể cần tìm hiểu, lựa chọn, áp dụng một cách phù hợp cho nghiên cứu dư luận xã hội ở Việt Nam. Việc lựa chọn và áp dụng lý thuyết nào phụ thuộc vào nhiều yếu tố trong đó có yếu tố thuần túy khoa học và có cả những yếu tố từ yêu cầu của cuộc sống và điều kiện lịch sử kinh tế-chính trị-văn hóa-xã hội cụ thể. Cách tiếp cận lý thuyết giải quyết vấn đề là một phương án khả thi.
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN
1. Daniel Yankelovich (1992). “How public opinion really works” Fortune (October 5, 1992):102-108; N.Foote – C.W.Hart (1953). “Public opinion and collective behavior” in M.Sherif and M.O.Wilson (Eds) Group relations at the crossroads. New York: Harper & Bros. 1953. Pp.308-331.
2. Fred S. Siebert (2013), Bốn học thuyết truyền thông, Nxb Tri Thức. Hà Nội.
3. Lê Ngọc Hùng (2003), “Bản chất của dư luận xã hội: Một số vấn đề lý luận và phương pháp nghiên cứu”, Tạp chí Tâm lý học, Số 5/2003.
4. Lê Ngọc Hùng (2006), Học tập tư tưởng Hồ Chí Minh về bản chất và phương pháp luận nghiên cứu dư luận xã hội, Tạp chí Cộng sản, tháng 6/2006.
5. Lê Ngọc Hùng (2011), Lịch sử & Lý thuyết xã hội học, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, tr.345-351.
6. Lê Ngọc Hùng (2013), Lý thuyết xã hội học hiện đại. Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, tr.139-148.
7. Nguyễn Quý Thanh (2006), Xã hội học về dư luận xã hội. Nxb Đại học quốc gia Hà Nội.




(*) Số lượng giai đoạn khác nhau tuỳ theo quan niệm của từng tác giả.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét