GIỚI THIỆU:
Trong
thế giới phát triển, người ta đã đi từ lâu và đi rất xa về lý thuyết, phương
pháp luận và cả những kỹ thuật nghiên cứu, thăm dò dư luận xã hội.
Thăm
dò dư luận đã trở thành tiêu chuẩn của xã hội dân chủ khi muốn triển khai hay
xem xét hiệu quả của một chính sách từ nhà cầm quyền. Mọi vấn đề, sự kiện, hiện
tượng xã hội xảy ra đều được công chúng phán xét, đánh giá, khen - chê rõ ràng
và được các tổ chức nghiên cứu dư luận thuộc chính phủ hoặc phi chính phủ tiến
hành thăm dò, đánh giá, từ đó mà các chính khách, thương gia đã không thể bỏ
qua những khuyến cáo từ dư luận.
Những
cụm thuật ngữ như: dư luận đánh giá, dư luận cho rằng, dư luận không đồng ý...
đang trở thành những cụm từ quen thuộc đối với mỗi người dân Việt Nam. Nhưng thế
nào là dư luận, nó là dư luận hay chỉ là "lời đồn đại" vẫn còn là những
nhận thức hết sức mơ hồ. Đặc biệt, tính đa số, thiểu số trong ý kiến của công
chúng để đánh giá một tỷ lệ cụ thể cũng chỉ mới được nhìn nhận theo nghĩa lớn -
bé, nhiều - ít một cách đơn giản.
Nghiên
cứu dư luận xã hội ở Việt Nam với tư cách là một nghiên cứu lý thuyết cơ bản,
có hệ thống, bài bản cho đến nay vẫn còn hết sức hiếm hoi so với các lĩnh vực
thuộc khoa học xã hội. Các nghiên cứu thực nghiệm được triển khai vẫn còn mơ hồ,
chưa phân biệt được đâu là điều tra, khảo sát xã hội học thông thường, đâu là
những thăm dò, khảo sát dư luận xã hội.
Các
kết quả thăm dò dư luận của các tổ chức quốc tế có uy tín, với tốc độ xử lý,
phương thức công bố và sự tác động của nó vào xã hội vẫn là ước mơ của những
người làm công tác thăm dò, khảo sát dư luận xã hội ở Việt Nam.
Nhằm
góp phần giải mã những băn khoăn trên, cuốn sách Dư luận xã hội: lý luận và thực tiễn đã được ra đời. Nội
dung cuốn sách được thể hiện qua 4 chương:
Chương
1. Dư luận - nhận thức và hệ các khái niệm
Với nhận thức rằng dư luận là một lĩnh vực khoa học không thể
thiếu trong khoa học xã hội; dư luận là "cơm ăn, thức uống" hàng ngày
của công chúng; mọi vấn đề, sự kiện, hiện tượng xảy ra ở bất cứ đâu, ở bất cứ
thời điểm nào đều không thoát khỏi sự đánh giá, phán xét của công chúng.
Dù trong môi trường học thuật nghiên cứu, hay trong đời sống
hằng ngày; là nhà lãnh đạo, nhà quản lý, người nghiên cứu hay người bình dân đều
không thể lẫn tránh những liên đới đến dư luận xã hội. Tuy nhiên, bởi thuật ngữ
Dư luận xã hội (tiếng Việt) hay Public Opinion (tiếng Anh) vốn là những cụm từ
trừu tượng hoặc lắp ghép, đa nghĩa nên việc nhận thức và định nghĩa về nó cũng
hết sức đa dạng. Định nghĩa về dư luận xã hội đến nay cũng đã lên đến con số
hàng trăm.
Bên cạnh nghiên cứu các định nghĩa về dư luận xã hội thì các
thuật ngữ với nội hàm phong phú như: tin đồn, công chúng, nhóm xã hội, cá nhân,
niềm tin, giá trị, ý kiến, quan điểm, thái độ, giao tiếp cộng đồng, tâm trạng
xã hội... cũng được đặt ra phân tích, đánh giá trong mối liên hệ với dư luận xã
hội.
Chương
2. Cơ sở lý luận và phương pháp luận nghiên
cứu dư luận xã hội
- Các lý thuyết khoa học xã hội như thuyết Độc đoán, thuyết
Tự do, thuyết Phê phán kép, thuyết Kiến tạo xã hội, thuyết "Vòng xoáy im lặng"...
và một số lý thuyết khác như Lý thyết dư luận xã hội của Graham Francis
Winlson, mô hình 3D, mô hình lực hấp dẫn - động lực của dư luận... được chúng tôi trình bày, lý giải với niềm tin đó là những cơ sở lý luận cơ bản trong
nghiên cứu dư luận xã hội và cũng nhận định rằng, việc tìm kiếm một lý thuyết
thống nhất về dư luận là hết sức hiếm hoi.
- Bên cạnh đó, nhằm đáp ứng cả yêu cầu về những ý tưởng bắt
nguồn từ ý thức hệ, yêu cầu về dữ liệu lịch sử, yêu cầu tìm hiểu ý nghĩa và xu
hướng của các sự kiện, việc tiếp cận nghiên cứu dư luận xã hội đã được tiếp cận
theo các khía cạnh: Tiếp cận đối tượng, chủ thể, khách thể dư luận; quá trình
hình thành dư luận xã hội; cấu trúc - các yếu tố hình thành dư luận; tính chất
của dư luận; vai trò, chức năng của dư luận,...
Chương
3. Thực tiễn xã hội và vấn đề đặt ra đối với
nghiên cứu dư luận xã hội ở Việt Nam
- Trước khi đi vào đặt vấn đề cần thiết cho nghiên cứu dư luận
xã hội ở Việt Nam và những lựa chọn khung lý thuyết phù hợp, chúng tôi đã tìm
hiểu và thừa nhận rằng trong lịch sử dân tộc Việt Nam một số hành động, hành vi
mang tính lịch sử của dư luận đã từng xuất hiện. Ví dự: Hội nghị Diên Hồng thời
nhà Trần, những chuyến vi hành của vua quan xuống dân chúng... Trong thời đại mới,
sự quan tâm và đánh giá cao về dư luận thể hiện qua
các nghị quyết hội nghị của Trung ương Đảng và Chính phủ.
- Những đòi hỏi nghiên cứu dư luận xã hội ở Việt
Nam hiện này chính là nhu cầu bức thiết mang tính dân chủ, văn minh của xã hội
phát triển, những biến đổi xã hội mạnh mẽ trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế,
văn hóa, giáo dục, y tế, môi trường, khoa học công nghệ... ảnh hưởng đến tâm
lý, tình cảm xã hội của mọi tầng lớp nhân dân.
-
Các tiêu chí vận dụng lý thuyết để nghiên cứu dư luận ở Việt Nam cho dù chưa được
bàn luận nhiều, tuy nhiên trước khi vận dụng một lý thuyết cụ thể, chúng tôi đã dựa vào một số căn cứ: tiêu chí lịch
sử - xã hội cụ thể của dư luận; tính thực tiễn xã hội - tồn tại của dư
luận; tính đối tượng; tính lợi ích kinh tế - chính trị; tính hệ thống của dư luận
cũng phải được tính đến
-
Và một vấn đề quan trọng trong nghiên cứu dư luận, giải quyết vấn đề dư luận đặt
ra thì câu chuyện định hướng dư luận được bàn khá chi tiết, đầy đủ. Cho dù có
nhiều tranh cãi về việc định hướng dư luận xã hội nhưng chúng tôi khẳng
định rằng: kể cả
khi chưa hình thành dư luận hay hình thành dư luận rồi nếu là dư luận ngoài
mong muốn đang gây bất ổn xã hội thì đều phải định hướng.
Chương
4. Hệ phương pháp cụ thể và những gợi ý kỹ
thuật nghiên cứu dư luận xã hội ở Việt Nam hiện nay
Các phương pháp nghiên cứu dư luận xã hội chủ yếu là những phương pháp
thông thường của xã hội học. Tuy nhiên, các tác giả đã thống nhất rằng do đặc
tính của dư luận, có thể tồn tại lâu dài nhưng cũng có thể hình thành nhanh
chóng và mất đi hoặc thay đổi sang trạng thái khác ngay sau đó nên việc lựa chọn
phương pháp và lựa chọn mẫu cũng đòi hỏi rất linh hoạt.Sách được Nhà xuất bản Khoa học xã hội ấn hành quý IV năm 2015.
Phan Tân
Xin trân trọng giới thiệu tới Quý vị toàn văn!
Tại đây... * Lời nói đầu
* Chương 1: Dư luận - nhận thức và hệ các khái niệm
* Chương 2: Cơ sở lý luận và phương pháp luận nghiên cứu
* Chương 3: Thực tiễn xã hội và vấn đề đặt ra đối với nghiên cứu dư luận xã hội ở VN
* Chương 4: Hệ phương pháp cụ thể và những gợi ý kỹ thuật nghiên cứu dư luận xã hội ở VN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét