Bài đăng nổi bật

Việt Nam nhìn từ Chủ thuyết phát triển

Thứ Năm, 21 tháng 9, 2017

Tham luận 4: Xã hội nhường nhịn hay Xã hội yêu thương


"Chỉ khi con người thực sự biết YÊU THƯƠNG  nhau, thì người ta mới sẵn lòng thực hiện những hành vi tốt đẹp thuộc phạm trù đạo đức như: khiêm nhường, kiên nhẫn, chịu đựng, tha thứ, nhường nhịn, xa lánh điều dữ, ưa làm điều lành … và hy sinh vì tha nhân.

Có thể nói: chính TÌNH YÊU THƯƠNG xuất phát từ lý trí (agape) mới khiến người ta quyết định phải thực hiện những hành vi đạo đức mà bất kỳ xã hội văn minh, tiến bộ nào cũng mong muốn chứ không phải chỉ khuyến khích người ta chỉ thực hiện hành vi nhường nhịn một cách đơn lẻ".
Cảm ơn Mục sư Nguyễn Trọng Việt đã gửi bài tham gia chủ đề nghiên cứu của chúng tôi!


VIỆT NAM CẦN XÂY DỰNG MỘT XÃ HỘI NHƯỜNG NHỊN HAY
MỘT XÃ HỘI YÊU THƯƠNG?
Mục sư Nguyễn Trọng Việt(*)
 “Hãy hết lòng, hết linh hồn, hết lý trí yêu kính Chúa là Đức Chúa Trời ngươi.  PhuDnl 6:5
Đó là điều răn thứ nhất và quan trọng nhất.  Còn điều răn thứ hai cũng như thế: ‘Hãy yêu thương người khácNt: Người lân cận  như chính mình.LeLv 19:18  Tất cả Kinh Luật và Kinh Tiên Tri đều dựa vào hai điều răn này”(Ma-thi-ơ 22: 37-40, BD 2002).
“Các con hãy yêu thương nhau. Ta đã yêu thương các con thể nào, các con cũng hãy yêu nhau thể ấy. Nếu các con yêu thương nhau, thì nhờ đó mọi người sẽ nhận biết các con là môn đệ Ta” (Giăng 13: 34-35, BD 2002).

I - ĐẶT VẤN ĐỀ
Trong những năm gần đây, chỉ bằng mắt nhìn cũng thấy được trên đất nước Việt Nam có sự thay đổi đến chóng mặt. Nếu như trước kia chỉ có tỷ phú tiền Việt thì ngày nay không thiếu những tỷ phú USD; những loại xe siêu sang trên thế giới chỉ sản xuất vài ba trăm cái theo đơn đặt hàng thì ở VN cũng có vài chục cái; tại các thành phố biển những khu nghỉ dưỡng cỡ vài chục ngàn tỷ mọc lên như nấm; trước kia đi máy bay chỉ là phương tiện giao thông của giới nhà giàu thì bây giờ trở nên phổ thông như đi xe buýt, các sân bay trở nên quá tải đến mức phải xây dựng sân bay mới cỡ vài chục tỷ USD … tất cả những thay đổi lớn lao đó tạo cho rất nhiều người dân Việt Nam có cảm giác đất nước đã phồn vinh hơn, xã hội có vẻ ngày một tốt đẹp hơn.
Tuy nhiên, đi kèm theo với sự tăng trưởng vượt bậc về mức sống ấy, thì hình như những hành vi ứng xử giữa con người với con người lại có vẻ đi theo chiều hướng tỷ lệ nghịch. Có thể lấy vài ví dụ: Ngày 6/5/2009 một học sinh ở Hải Dương bị bố mắng vì tội mải chơi game đã cầm dao giết bố, sau đó chặt xác bố ra làm nhiều phần cho vào bao tải ném xuống cầu Hải Tân ở TP Hải Dương để phi tang[1]. Sau đó khoảng hai năm vào ngày 24/8/2011 một trẻ vị thành niên đã dùng dao giết ba người và chém lìa tay một cháu bé 8 tuổi của tiệm vàng Ngọc Bích, xã Phương Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, điều đáng lên án trong vụ này là tội phạm lại được chính bố và mẹ che giấu [2]. Nhưng đó là trên phương diện cá nhân, còn xét trên phương diện cộng đồng (tập thể) thì cũng có rất nhiều chuyện làm người ta phải phiền lòng. Ví dụ: một người đã chết, nhưng thân nhân phải đi đi, lại lại tới 6 lần mới xin được giấy chứng tử ở ngay trung tâm thủ đô ngàn năm văn hiến[3]; đặc biệt gần đây nhất là vụ công ty VN Pharma đã nhập tới 7 loại thuốc chữa ung thư giả đã gây bức xúc trong toàn xã hội, nhưng khi bị điều tra thì cán bộ của bộ Y tế trả lời “Đã làm đúng quy trình”, hay “Đây không phải là thuốc giả mà chỉ là mua phải lô hàng không đúng nguồn gốc”[4] …. Còn rất nhiều vấn đề gây phản cảm nữa mà không thể đề cập.
Vấn đề đặt ra là tại sao ngày nay người ta lại làm nhiều điều trái với luân thường đạo lý như vậy? Đã có nhiều người đi tìm cách lý giải; nhưng chưa có những lý giải thỏa đáng; cho đến gần đây những người quan tâm được đọc một số bài viết của Tiến sĩ Phan Tân như: “Bàn Về Xây Dựng Xã Hội Nhường Nhịn”[5], “Vấn Đề Xây Dựng Xã Hội Nhường Nhịn”[6], và đặc biệt là khi cuốn  XÂY DỰNG XÃ HỘI NHƯỜNG NHỊN (quyển 1), do NXB Hội Nhà văn ấn hành tháng 8/2017[7] thì người ta mới tìm thấy những lý giải có vẻ mang tính hệ thống. Trong tác phẩm đó tác giả đã dựa vào hàng loạt những hành vi đã “mục sở thị” xảy ra trong cách ứng xử thường ngày như: tranh nhau ăn khi được miễn phí [8]; tranh cướp của người khác khi họ gặp tai nạn[9]; đánh nhau gây đổ máu để tranh cướp lễ vật trong các lễ hội[10]; leo vỉa hè, lấn vạch, cướp đường đi trong giao thông [11]; sự vô cảm trước những nạn nhân gặp tai nạn[12]… từ tất cả các hành vi trên tác giả đã chỉ ra rằng sở dĩ xã hội có những hiện tượng phản cảm đó là do: người Việt thiếu sự (văn hóa) NHƯỜNG NHỊN. Ở một bài viết khác tác giả cũng cho rằng: Trong giao tiếp cộng đồng của người Việt thiếu sự NHƯỜNG NHỊN, hay VN chưa có một văn hóa NHƯỜNG NHỊN[13]; và tác giả cho rằng: ở Việt Nam hiện nay cần phải xây dựng một VĂN HÓA NHƯỜNG NHỊN.
Phải khách quan mà nói Ts Phan Tân đặt vấn đề này trong bối cảnh của Việt Nam hiện nay là rất đúng, rất cần thiết và rất đáng quí. Tuy nhiên, NHƯỜNG NHỊN liệu đã phải trở thành cốt lõi (hay nền tảng) để xây dựng một nền đạo đức của xã hội để rồi xã hội đó trở nên tốt đẹp hơn, nhân văn hơn?
Chúng tôi thiết nghĩ đây là vấn đề lớn, và mở, không thể giải quyết trong một vài buổi hội thảo, vài ba nghiên cứu của các học giả ngồi trong “tháp ngà” mà trước hết nó cần phải định hình, gọi đúng bản chất và phải nhận được sự ủng hộ không chỉ của một số cơ quan hữu quan của nhà nước mà còn là của toàn xã hội.
Thế thì  tất cả những hiện tượng mà tác giả liệt kê như đã kể trên có thực sự là xuất phát từ vấn đề THIẾU SỰ NHƯỜNG NHỊN không?
Theo quan điểm của chúng tôi – những tín hữu Tin Lành Việt Nam (một nhánh của Cơ Đốc giáo), xin trình bày như sau: nhường nhịn, cũng như khiêm nhường (khiêm nhượng), cung kính, nhẫn nhục, khoan dung, chịu đựng, tha thứ, sống có trách nhiệm … đều chỉ là những hành vi thuộc về một phạm trù rộng lớn hơn nhiều đó là ĐẠO ĐỨC, tất nhiên những hành vi đó có liên quan đến nhau trong giao tiếp của bất kỳ cộng đồng nào. Trong trường hợp này nếu đề xuất: xây dựng một xã hội NHƯỜNG NHỊN thì còn những hành vi [hay có thể gọi là bộ phận] khác sẽ liên quan với nhau như thế nào? Cách ứng xử sẽ ra sao?… Bởi cớ ấy chúng tôi xin trao đổi một số ý kiến theo như những gì chúng tôi thu nhận được từ tín lý của Cơ Đốc giáo về lĩnh vực đạo đức.

          II – NỘI DUNG TRAO ĐỔI
1. Khái Niệm Về Đạo Đức và Đạo Đức Cơ Đốc.
a) Khái Niệm về Đạo Đức Nói Chung:
Có thể nói, ngay từ khi nhân loại biết tập trung sống với nhau thành cộng đồng thì đã mang tính xã hội; dần dà các lĩnh vực trong đời sống như: nông nghiệp, công nghiệp, thương nghiệp, giáo dục … cho đến ngay cả tông giáo đều được đánh giá bởi những hành vi ứng xử với nhau trong quan hệ giữa con người với con người, trong đó có những điều luôn được quan tâm như: điều thiện, sự công bình, quyền tự do sinh sống, pháp luật, sinh hoạt tâm linh … đều có liên quan đến đạo đức[14].
Trong tiếng Việt thì đạo đức được hiểu là: Những tiêu chuẩn, nguyên tắc được xã hội thừa nhận, qui định những hành vi, quan hệ của con người với nhau và với xã hội; hoặc nó cũng được dùng để nói đến phẩm chất tốt đẹp của con người do tu dưỡng theo những tiêu chuẩn đạo đức mà có[15].
Trong tiếng Anh có hai từ là: ethicmoral, trong đó từ ethic có nguồn gốc từ tiếng Hy-lạp ethos nó có hai nghĩa, thứ nhất là nơi ở của con người, của gia súc, thứ hai là thói quen, tập tục, phong hóa, chuẩn mực; cả hai nghĩa này đều hàm ý nói đến sự tổ chức, sắp xếp cuộc sống; và như vậy đạo đức có thể hiểu là “một môn học dạy dỗ về tạo hình cuộc sống”[16]. Còn từ moral thì lại có nguồn gốc từ tiếng La-tinh là mos & mores nó có nghĩa là: tập tục, phong hóa, quy tắc, lề luật[17]. Như thế, so sánh với từ đạo đức trong tiếng Việt thì cũng khá giống nhau. Tuy nhiên, nếu xét về tính quan phương thì khái niệm về đạo đức được hiểu là: “Đạo đức là một hình thái ý thức xã hội, bao gồm hệ thống các quan điểm, quan niệm, nguyên tắc, chuẩn mực xã hội, để điều chính hành vi và cách ứng xử của con  người, được thực hiện bởi niềm tin, trách nhiệm, lương tâm của mỗi cá nhân, bởi phong tục tập quán và dư luận xã hội nhằm tạo nên sự hài hòa giữa lợi ích cá nhân với lợi ích của cộng đồng và xã hội, đảm bảo cho hạnh phúc cho con người và tiến bộ xã hội; là một lĩnh vực hoạt động của đời sống tinh thần xã hội”[18].   
Tóm  lại, theo cách nào thì khi nói đến đạo đức (đặc biệt là người Việt)  được hiểu một cách nôm na là mỗi người sống phải có trách nhiệm với người khác, có trách nhiệm với cộng đồng, có trách nhiệm với đất nước; sống đúng đạo làm người. Điều này cho thấy, cách hiểu về đạo đức theo xã hội nói chung là đến từ lý trí của con người.
b) Khái Niệm về Đạo Đức Cơ Đốc.
Ở trên chúng tôi đã đề cập một cách sơ lược đến cách hiểu (cũng có thể nói là khái niệm) về đạo đức nói chung. Đối với những người có tông giáo (theo một tông giáo nào đó) thì họ còn phải tuân thủ những giáo lý, những giáo luật của tông giáo mình. Có thể nói rằng tất cả các tông giáo trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng thì những giáo luật của các tông giáo này đều liên quan đến mọi vấn đề thuộc lĩnh vực đạo đức trong xã hội; ví dụ: Phật giáo thì có: Từ Bi Hỷ Xả; Nho giáo thì đề xuất: Tam Cương, Ngũ Thường … Đặc biệt là Cơ Đốc giáo thì đạo đức lại càng được chú trọng hơn hết. Bởi theo Thánh Kinh thì con người được Thiên Chúa tạo dựng lên theo “HÌNH VÀ TƯỢNG” của Ngài, và vì vậy con người phải tuân theo những gì mà Thiên Chúa đã mạc khải (tiếng Trung: ; tiếng Anh: revelation). Trong cuốn: Thần Học Luân Lý của Giáo hội công giáo Việt Nam cho rằng: “Giới thiệu đạo đức học Ki-tô giáo là ngụ ý bảo rằng các lý tưởng và chuẩn mực ở đây sẽ là những lý tưởng chuẩn mực được cảm hứng từ các  Sách Thánh của Cựu Ước và Tân Ước, có liên quan với niềm tin của Ki-tô hữu về thế giới, Thiên Chúa và giữa hai bên với nhau”[19]. Điều này có nghĩa là mọi hành vi đạo đức của các Ki-tô hữu đều phải dựa trên nền tảng là những Lời của Thiên Chúa đã bày tỏ cho con người được ghi lại bằng những ngôn ngữ của con người trong Thánh Kinh (Cựu Ước & Tân Ước). Theo đó, thời Cựu Ước khi dân được lựa chọn của Thiên Chúa là dân Israel còn đi trong sa mạc để về xứ hứa thì Ngài đã ban cho họ trước nhất là Bảng Giao ước gồm có 10 điều răn (Xuất hành 20: 1-17; Phục Truyền 5: 6-20); trong đó Ngài yêu cầu dân được chọn Israel phải tuân giữ cả 10 điều răn này. Tuy nhiên, sau đó Ngài đã cụ thể hóa 10 điều răn này bằng rất nhiều quy định khác được ghi chép rải rác trong các sách: Xuất hành, Lê-vi ký, Dân số ký, Phục Truyền Luật lệ ký (ước chừng hơn 600 điều khoản). Trong những quy định đó Thiên Chúa yêu cầu “dân của Ngài” xưa và các Ki-tô hữu ngày nay phải: trước hết giữ mối tương quan mật thiết với Ngài, hướng về Ngài, đầu phục Ngài; thứ hai là trong mối tương quan giữa người với người phải đảm bảo: trong không gian gia đình thì hiếu kính cha mẹ, trong không gian cộng đồng (giữa các tín hữu với nhau và cả với những người khác nữa) thì phải khiêm nhường, kiên nhẫn, tha thứ, chăm chỉ lao động, phải biết thương kẻ nghèo khó, phải giúp đỡ những người thiếu may mắn …
Tóm lại, những hành vi Thiên Chúa yêu cầu các Ki-tô hữu phải thực hành cũng có rất nhiều điều giống với hành vi mà đạo đức xã hội yêu cầu. Một học giả Cơ Đốc người Việt đã đưa ra khái niệm về Đạo đức Cơ Đốc một cách khá chu đáo như sau: “Đạo đức Cơ Đốc (Ki-tô) là suy tư dựa trên Thần Học Thánh Kinh về hành động có trách nhiệm của con người đối với Đức Chúa Trời, với tha nhân, với bản thân và với môi sinh vũ trụ”[20]. 
Có thể nói nếu xét về phương diện đạo đức xuyên suốt toàn bộ những gì Thiên Chúa đã mạc khải qua Thánh Kinh thì đúng là Đạo đức Cơ Đốc đã chú trọng vào trách nhiệm của con người, theo đó trách nhiệm là có khả năng trả lời về việc mình đã làm; đồng thời nếu đã trả lời thì trả lời cho ai; và Cơ Đốc giáo cũng cho rằng: con người không thể né tránh chịu trách nhiệm với một ai đó, hay trước một chuẩn mực hoặc trước một quyền lực nào đó[21].
Theo cách hiểu về Đạo đức Cơ Đốc như trên, một Ki-tô hữu bắt buộc phải chu toàn trách nhiệm với cả bốn mối tương quan. Sở dĩ có điều này cũng là bởi Thiên Chúa yêu cầu như vậy. Thế thì với khái niệm như trên Thiên Chúa đòi hỏi các Ki-tô hữu phải hiểu trách nhiệm cụ thể của mình trong bốn mối tương quan ấy như thế nào?
Trước hết, một Ki-tô hữu phải có trách nhiệm đầu phục, thờ phụng Đức Chúa Trời. Lý do bởi Ngài không chỉ tạo dựng cả vũ trụ vạn vật mà còn làm nên con người theo “hình tượng” (形像) của Ngài (Sáng thế 1: 26-27) và ban cho con người sự sống cả thể chất và tâm linh (Sáng thế 2: 7); không chỉ có vậy nhưng Ngài luôn chăm sóc, giải cứu và quan phòng (觀防) con người; trách nhiệm của con người đã được chính Ngài ban trong 10 điều răn, trong đó trách nhiệm đầu tiên của nhân loại là trách nhiệm đối với Đức Chúa Trời. Đây là điều khác biệt nhất với đạo đức chung của xã hội; có thể gọi mối tương quan này là tương quan “theo chiều dọc: thiên thượng – hạ giới”.
Thứ hai, một Ki-tô hữu phải có trách nhiệm với môi trường và môi sinh. Lý do là: Đức Chúa Trời không chỉ tạo dựng con người giống “hình tượng” Ngài, ban cho họ sự sống  mà còn ban cho họ “quyền quản trị” toàn bộ trái đất và mọi vật trên đất (Sáng thế 1: 26; 2: 15-16); nghĩa là con người được Thiên Chúa ban cho quyền làm chúa tể của trái đất để họ thay mặt Ngài “quản trị” trái đất và mọi vật trên đó; nên nhớ rằng họ được “quyền quản trị”, chứ không phải khai thác đến cạn kiệt và hủy diệt, còn một khi họ hủy diệt môi sinh và khai thác đến mức khánh kiệt thì chắc chắn họ phải trả giá, không thể khác được. Điều này đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh hiện tại. Ví dụ: Do sử dụng quá nhiều nguyên liệu hóa thạch (dầu mỏ, than đá …) mà trái đất đã không ngừng được “hâm nóng”[22];  điều có thể “mục sở thị” ngay trên đất nước chúng ta là: do các nước thượng nguồn sông Mê-kông dự kiến sẽ xây 15 con đập chặn dòng, tuy nhiên đến nay mới chỉ xây xong 9 con đập thì vùng đồng bằng sông Cửu long của chúng ta đã bị ảnh hưởng cực kỳ lớn như: nhiễm mặn, hạn hán, bạc màu, xói lở … Nhưng một điều còn khủng khiếp hơn ấy là sự đe dọa của những loại vũ khí có xuất xứ từ khoa học kỹ thuật hiện đại như: Vũ khí sinh học, vũ khí hóa học, vũ khí hạt nhân nguyên tử … Theo một thống kê thì trên thế giới có 10 nước sở hữu vũ khí hạt nhân, trong đó tổng số toàn cầu hiện có 15 000 đầu đạn hạt nhân, vì thế chỉ cần một cái đầu “nóng” thiếu tỉnh táo ở đâu đó là toàn bộ nhân loại có thể bị xóa sổ[23].
Thứ ba: Một Ki-tô hữu phải có trách nhiệm với chính bản thân mình. Lý do là, thân thể anh ta được Đức Chúa Trời tạo dựng nên theo “hình tượng” cao quí của Ngài, thế thì anh không được đối xử tồi tệ với tác phẩm mang “hình tượng” cao quí kia, đồng thời thân thể của họ cũng chính là nơi mà tâm linh họ (tức là phần thiên thượng trong con người) “thường trú”, và là “đền tạm” của Thiên Chúa (I Cô-rinh-tô 6: 19); một Ki-tô hữu chỉ có quyền phải sống cách nào đó để “hình tượng” đó được thánh khiết sung mãn và tôn trọng. Nếu xét theo khía cạnh này thì tự sát cũng là một trọng tội.
Thứ tư: Mối tương quan với tha nhân (với mọi người trong xã hội). Đây là điều quan trọng bậc nhất trong mối tương quan giữa người với người (có thể gọi là tương quan theo “chiều ngang”). Lý do là toàn thể nhân loại đều được Thiên Chúa tạo dựng theo “hình tượng” của Ngài, thế thì trong con mắt của Thiên Chúa tất cả nhân loại đều đáng quí, đáng tôn trọng, không có kẻ sang người hèn, dù một người có khuyết tật hay ăn mày thì cũng phải tôn trọng họ, không được phép coi thường, vì xét cho cùng họ cũng chính là “tác phẩm” tạo tác từ “bàn tay” của Đức Chúa Trời. Vì  vậy, khi còn tại thế Chúa Cứu Thế Giê-su đã tóm lược toàn bộ pháp luật của NƯỚC TRỜI chỉ gói gọn trong hai điều: KÍNH CHÚA, YÊU NGƯỜI (Ma-thi-ơ 22: 37-40); không chỉ có vậy, Chúa Giê-su còn dạy các Ki-tô hữu phải thường xuyên thực hiện “luật vàng” trong đời sống mình: “…bất cứ những gì con muốn người ta làm cho mình, hãy làm ngay điều ấy cho họ, vì đó là Kinh Luật và Kinh Tiên Tri”(Ma-thi-ơ 7: 12). Đây là điều khác biệt vì nó rất tích cực, chúng ta cũng từng nghe Khổng Khâu – người được dân Trung Hoa tôn là: Vạn thế sư biểu (萬世師表), khi học trò của ông ta là Trọng Cung hỏi ông về Nhân (): ông đã trả lời: Kỉ sở bất dục, vật thi ư nhân (己所不欲, 勿施於人), nghĩa là: Điều gì mình không muốn thì đừng áp đặt cho người khác[27], và người Trung Hoa cho rằng đây là “qui tắc vàng” trong triết lý nhân sinh của Nho giáo. Câu trả lời của Khổng Tử cho học trò có thể là không sai nhưng nó có vẻ tiêu cực, vì nó chỉ khuyên người ta đừng làm điều không tốt, chứ không khuyên người ta phải chủ động làm điều tốt. Đúng ra trong một xã hội mà điều ác lên ngôi, cái xấu tràn lan nếu chỉ không làm điều xấu không thôi thì không thể thay đổi được xã hội; không thể có sự thay đổi tích cực nào bằng cách chạy trốn khỏi sự thật, trong khi đúng ra khi điều xấu càng tràn lan thì càng phải chủ động làm nhiều đều tốt thì cái xấu mới có thể bị đẩy lùi, và như thế rõ ràng “luật vàng” mà Chúa Giê-su dạy mang tính tích cực và chủ động hơn nhiều.
Căn cứ vào những trình bày trên có thể thấy Đạo đức Cơ Đốc là một nền đạo đức quan tâm đến toàn diện đời sống của nhân loại, nền đạo đức đó yêu cầu mỗi cá nhân không chỉ chu toàn bổn phận của mình với Thiên Chúa, với con người (trong đó có bản thân mình và tha nhân) mà còn cả với môi sinh xã hội nữa; đây cũng là điều khác biệt mà ít có nền đạo đức học nào đề cập.
Tuy nhiên, điều cần bàn tiếp ở đây là tình yêu tha nhân mà Chúa Giê-su yêu cầu các Ki-tô hữu phải thi hành. Bởi chủ đề trao đổi thuộc lĩnh vực đạo đức trong mối quan hệ giữa người với người, vì thế chúng tôi chỉ xin trao đổi về trách nhiệm thứ tư – trách nhiệm với tha nhân hay mối tương quan “chiều ngang”. Trong đó chúng ta phải trả lời tình yêu mà Chúa Giê-su yêu cầu các Ki-tô hữu phải thi hành là tình yêu như thế nào; các Ki-tô hữu phải giữ điều đó ra sao; hay điều gì phải trở thành căn tính của một Ki-tô hữu?
2. Tình Yêu Thương và Căn Tính Ki-tô hữu (Cơ Đốc Nhân)
a) Tình Yêu Thương
Như đã đề cập ở phần trên , Chúa Giê-su yêu cầu các Ki-tô hữu phải thực hành hai điều: KÍNH CHÚA và YÊU NGƯỜI. Vấn đề KÍNH CHÚA thì đã rõ vì đó là tất yếu, không cần phải bàn vì tạo vật (con người) luôn có nghĩa vụ phải thuận phục Đấng Tạo Hóa (là Thiên Chúa) đó là một nguyên tắc không thể thay đổi; nhưng còn YÊU NGƯỜI thì sao? Tại sao chúng tôi lại đặt vấn đề như vậy? Bởi theo lẽ ứng xử thông thường hễ ai đối xử tốt với chúng ta thì chúng ta đối xử tốt với họ, ai tôn trọng  mình thì mình tôn trọng người đó, ai chân thành với chúng ta thì ta chân thành với người ấy … đây là thứ tình cảm mang tính hai chiều (có đi có lại); cũng lại có tình yêu theo cảm xúc (nhất là trong tình yêu đôi lứa); cũng có một loại cảm xúc khác trước cảnh hoạn nạn của một ai đó đã làm chúng ta động lòng, nhưng đó chỉ là sự thương hại chứ không phải tình yêu thương mà Cơ Đốc giáo đề cập, và yêu cầu các Cơ Đốc nhân phải thực hành. Vì TÌNH YÊU THƯƠNG là trung tâm điểm của đạo đức Cơ Đốc giáo cho nên chúng ta buộc phải xem xét nó cặn kẽ hơn.
Lịch sử qui điển (canon) Thánh Kinh cho biết hầu hết Kinh Tân Ước được ghi chép bằng tiếng Hy-lạp, chúng ta biết trước Chúa Giáng sinh cả thiên niên kỷ thì Hy-lạp đã là một trong những nền văn minh rực rỡ của thế giới; Hy-lạp không chỉ là cái nôi của triết học Tây phương mà ngôn ngữ Hy-lạp thời đó đã hết sức chau truốt, phong phú và khúc chiết. Vì thế từ ngữ để chỉ về tình yêu thương mà tiếng Anh gọi là love thì người Hy-lạp phân biệt rất rạch ròi. Cụ thể: thứ nhất có loại tình yêu khiến người ta khao khát, đam mê, nó khiến người ta không thể cưỡng lại được, nó lấn át tất cả các loại tình cảm khác, người Hy-lạp gọi nó là eros; tình yêu này là thứ tình yêu nam nữ dành cho nhau; thứ tình yêu này nó đòi hỏi phải có sự đam mê và gắn bó cả về thể xác nữa; thứ hai, có một thứ tình yêu xuất phát từ sự trải nghiệm cuộc sống, cùng nhau trải qua những vui buồn, chia sẻ những hoạn nạn, cùng nhau vượt qua những khó khăn, thứ tình yêu này “buộc chặt” hai người với nhau nên nó rất bền vững mặc dù sự đam mê không còn nữa người ta gọi nó là philia; thứ ba, có loại tình thương yêu của cha mẹ dành cho con cái, con cái đối với cha mẹ, anh em dành cho nhau, người ta gọi nó là storgh[24]. Nhưng tình yêu mà Chúa Giê-su yêu cầu mọi Ki-tô hữu phải tuân theo không phải bất cứ loại nào trong ba loại trên, mà loại tình yêu thứ tư này trong ngôn ngữ Hy-lạp gọi là agaph (agapa, agape). Trong toàn bộ Tân Ước (các bản dịch tiếng Anh) người ta tìm thấy khoảng gần 150 lần sử dụng từ love mà các bản dịch tiếng Việt dịch ra là yêu thương, thì hầu hết những lời dạy của Chúa Giê-su và của các sứ đồ về tình yêu thương thì phần lớn sử dụng agaph (agapa, agape). Vậy thì phải hiểu agaph (hay agapa, agape), như thế nào? Muốn lý giải điều này chúng ta cần xem Thánh Kinh dạy gì về thứ tình yêu mà Thiên Chúa dành cho con người. Khi còn tại thế Chúa Giê-su dạy: “Các con có nghe lời dạy: ‘Hãy yêu thương người láng giềngLeLv 19:18  và ghét kẻ thù địch’. Nhưng Ta bảo các con: ‘Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ các con, để các con trở nên con cái của Cha các con trên trời, vì Ngài cho mặt trời soi trên kẻ ác cũng như người thiện và ban mưa cho người công chính cũng như kẻ bất chính” (Ma-thi-ơ 5: 43-45, BD 2002). Ở đây Chúa Giê-su hàm ý nói rằng: một người dù có tốt hay xấu, dù có biết đến Đức Chúa Trời hay không biết đến Ngài, dù có thờ phụng Ngài hay không thờ phụng Ngài, dù có là người “bất chính” đi nữa thì Ngài vẫn luôn dành sự tốt lành cho người ấy, Ngài vẫn “ban cho ánh sáng và mưa móc” như những người công chính khác. Và Chúa Giê-su yêu cầu các Cơ Đốc nhân (Ki-tô hữu) phải có tình yêu như vậy (agaph, agape) với tha nhân. Đây không phải là thứ tình yêu xuất phát từ cảm xúc, mà là thứ tình yêu xuất phát từ lý trí.
Tình yêu (agape) yêu cầu: Dù một người nào đó có thể gây tổn thương cho chúng ta nhưng chúng ta không được có bất kỳ thái độ nào khác là nghĩ tốt về người đó, làm việc lành cho người đó, và mong muốn cho họ sẽ gặp được những điều tốt lành. Thứ tình yêu này chắc chắn không phải chỉ xuất phát từ rung động của trái tim để khiến chúng ta đến với người khác, nhưng đến với mọi người bằng sự quyết định và bằng lý trí. Tất nhiên, chúng ta đều chỉ là con người; do đó chúng ta không thể yêu thương kẻ thù như yêu người thân của chúng ta. Nhưng chắc chắn các Ki-tô hữu phải “bắt chước Đức Chúa Trời” học cách yêu thương tha  nhân, chỉ có quyền nghĩ, mong muốn điều lành đến cho người khác mà thôi; phải “học cách nhìn người khác bằng con mắt của Đức Chúa Trời”[25].  Đây chính là thứ tình yêu thương mà Chúa Giê-su đòi hỏi bất kỳ Cơ Đốc nhân nào cũng phải thực hành; Ngài đòi hỏi nó phải trở thành căn tính của tất cả các Cơ Đốc nhân.
Vậy, tại sao Thiên Chúa lại muốn agaph (hay agape) phải trở thành căn tính của Cơ Đốc nhân? Agape bao gồm những khía cạnh nào? Chúng ta cùng nhau tìm hiểu vấn đề này.
b) Căn Tính Cơ Đốc
- Trước hết nói sơ lược về thuật ngữ căn tính ( ): trong tiếng Trung Hoa chữ căn () là rễ cây, còn tính () là tính chất hay bản năng vốn có tự nhiên của người hay vật, là cái lẽ chân chính trời phú[26], mà nhờ những đặc tính riêng biệt ấy người ta có thể phân biệt người này với người khác, vật này với vật khác. Như vậy,  khi nói đến căn tính của một người nào đó, một vật nào đó, hay một tôn giáo nào đó . . . là nói đến cái tính chất gốc rễ của người ấy, vật ấy, tôn giáo ấy . . . mà nếu mất đi tính chất gốc rễ đó thì người ấy không còn là người ấy, vật ấy không còn là vật ấy, tôn giáo ấy không còn là tôn giáo ấy nữa . . .
Như vậy, nếu là một Cơ Đốc nhân bắt buộc anh ta phải mang căn tính Cơ Đốc. Một Cơ Đốc nhân dù sống trong bất kỳ hình thái xã hội nào, thời đại nào, sinh hoạt trong bất cứ nền văn hóa nào thì căn tính Cơ Đốc bắt buộc phải được bộc lộ qua đời sống của anh ta; nếu căn tính Cơ Đốc không còn thì dù anh ta vẫn xưng là tín đồ của Cơ Đốc giáo nhưng thực tế chỉ còn là “cái vỏ” Cơ Đốc giáo, hay đơn giản hơn chỉ là  “khoác cái áo dán mác Cơ Đốc giáo” mà thôi.
- Thứ hai tình yêu agaph (hay agape) cần phải trở thành căn tính của tất cả các Cơ Đốc nhân; lý do bởi Chúa Giê-su đã yêu cầu như vậy, Ngài không chỉ ban cho các Cơ Đốc nhân luật pháp mới là KÍNH CHÚA và YÊU NGƯỜI, mà Chúa Giê-su còn yêu cầu tất cả những môn đồ của Ngài (khi còn tại thế) và cũng là cho các Cơ Đốc nhân ngày nay rằng: “… ‘Các con hãy yêu thương nhau. Ta đã yêu thương các con thể nào, các con cũng hãy yêu nhau thể ấy. Nếu các con yêu thương nhau, thì nhờ đó mọi người sẽ nhận biết các con là môn đệ Ta’ ” (Giăng 13: 34-35, BD 2002). Trong câu này thì Chúa Giê-su yêu cầu các môn đồ của Ngài phải yêu thương nhau bằng tình yêu agape; bởi vì Ngài yêu họ bằng tình yêu agape, thế thì các môn đồ của Ngài cũng phải yêu thương nhau bằng tình yêu như Ngài đã yêu họ vậy. Vì thế  những Ki-tô hữu ngày nay cũng phải yêu tha nhân với tình yêu agape; họ nhận được “mệnh lệnh” này bởi cớ khi họ yêu thương nhau thì nhờ đó mọi người sẽ nhận biết họ là môn đệ của Chúa Giê-su, khi đó Danh Chúa được tôn vinh. Bởi cớ ấy, yêu tha nhân bằng tình yêu agape phải trở thành căn tính của các Cơ Đốc nhân ở mọi thời đại; nếu một Cơ Đốc nhân chỉ yêu những người yêu mình, không thể yêu những người mình không thích thì người đó chưa thể là một Cơ Đốc nhân chân chính. Một người xưng là Ki-tô hữu mà không thể  yêu thương người khác ngay từ trong không gian gia đình đến không gian cộng đồng thì không phải là Ki-tô hữu thật.
Ở đây lại có vấn đề cần trao đổi là, theo Thánh Kinh thì agape được bày tỏ qua những khía cạnh nào? Chúng ta cần phải tìm hiểu những biểu hiện của TÌNH YÊU THƯƠNG được coi là trung tâm điểm của đạo đức Cơ Đốc giáo này.
c) Một số biểu hiện của agape
Thánh Phao-lô  –  vị tông đồ vĩ đại của Đấng Christ đã rất quan tâm đến thứ tình yêu này; người ta thấy agape xuất hiện trong hầu hết hơn một chục thư tín của ông; qua đó ông đã quảng diễn agape của Chúa Giê-su cho tất cả những Ki-tô hữu thời Hội thánh tiên khởi cũng như cho các Ki-tô hữu ngày nay. Ví dụ: trong Thư thứ nhất gửi cho các tín hữu ở thành Cô-rinh-tô ông viết: “Tình yêu thương hay nhẫn nhục, tình yêu thương nhân từ, không ghen ghét, không khoe khoang, không kiêu ngạo, không khiếm nhã, không tìm tư lợi, không dễ nóng giận, không ghi nhớ việc ác, không vui về việc bất chính nhưng chung vui trong sự thật. Tình yêu thương dung thứ mọi sự, tin tưởng mọi sự, hy vọng mọi sự, chịu đựng mọi sự” (I Cô-rinh-tô 13: 4-7, BD 2002). Qua đó chúng ta thấy chỉ trong một đoạn ngắn thánh Phao-lô đã đề cập đến hàng loạt những biểu hiện thuộc phạm vi đạo đức Cơ Đốc; sự hiện diện của agape là phải có sự tồn tại của các phẩm hạnh khác như: kiên nhẫn, nhân từ, yêu lẽ thật, lòng khoan dung, sự chịu đựng, sự trông cậy; sự hiện của agape cũng giúp các Ki-tô hữu khắc phục những khía cạnh tiêu cực trong tính cách của con người như: ghen tị, khoe khoang, kiêu ngạo, nóng giận, độc ác. Ở một chỗ khác Thánh Phao-lô cho biết yêu thương còn là phải chân thành, là ghét điều dữ (Rô-ma 12: 9); yêu thương còn là không hại người khác (Rô-ma 13: 10); yêu thương là phải phục vụ lẫn nhau (Ga-la-ti 5: 13). Một tông đồ khác của Chúa Giê-su là Thánh Giăng cũng quảng diễn tiếp về tình yêu agape như sau: yêu thương là phải giúp đỡ người nghèo thiếu (I Giăng 3: 17); nhưng cao trọng nhất của tình yêu thương agape là phải biết hy sinh (I Giăng 3: 16); và chính Chúa Giê-su là tấm gương sáng chói cho tình yêu của Thiên Chúa với nhân loại, Ngài đã hy sinh, làm một sinh tế sống để gánh tội cho toàn nhân loại đầy tội lỗi (Giăng 3: 16); từ đó agape còn đòi hỏi các Ki-tô hữu phải có cả đức hy sinh vì người khác.
Từ những lý giải trên cho thấy: nếu một Ki-tô hữu thực sự yêu thương người khác theo tiêu chuẩn của agape, thì họ phải có lòng nhân từ, vì thế họ sẽ không bao giờ nghĩ đến và làm điều ác cho người khác; một người biết yêu thương người khác chắc chắn họ sẽ có lòng khoan dung, từ đó họ sẵn lòng tha thứ cho bất cứ ai làm tổn thương họ; một người biết yêu thương người khác chắc chắn họ sẽ biết chịu đựng, khi đó họ sẽ không thể nóng giận vô cớ và làm tổn thương đến người khác; một người có agape trong tâm trí chắc chắn người đó sẽ khiêm nhường, khi đó họ luôn biết tôn trọng người khác, coi người khác như đáng tôn trọng hơn mình, cũng từ đó họ sẵn sàng nhường những gì được coi là thuận lợi cho người khác chứ không phải tranh giành về mình; nếu agape thường trực trong tấm lòng một ai đó, chắc chắn người đó sẽ có tấm lòng phục vụ người khác chứ không bắt người khác phải phục vụ mình, khi ấy thì họ không thể chỉ nghỉ đến lợi ích của riêng mình nhưng nghĩ đến lợi ích của người khác nữa, khi đó họ cũng không thể thờ ơ vô cảm trước những vấn nạn của người khác …
Như thế nếu một người biết yêu thương người khác thì đương nhiên trong mọi suy tư đến hành vi của họ đều phải thể hiện những khía cạnh chuẩn mực về đạo đức như: nhân từ, khoan dung, nhường nhịn, có trách nhiệm với gia đình và cộng đồng, có thái độ khiêm nhường, có tấm lòng tha thứ, tôn trọng, phục vụ … và thậm chí hy sinh vì tha nhân nữa.
Từ những suy tư trên rõ ràng chỉ khi con người thực sự biết YÊU THƯƠNG  nhau, thì người ta mới sẵn lòng thực hiện những hành vi tốt đẹp thuộc phạm trù đạo đức như: khiêm nhường, kiên nhẫn, chịu đựng, tha thứ, nhường nhịn, xa lánh điều dữ, ưa làm điều lành … và hy sinh vì tha nhân.
Có thể nói: chính TÌNH YÊU THƯƠNG xuất phát từ lý trí (agape) mới khiến người ta quyết định phải thực hiện những hành vi đạo đức mà bất kỳ xã hội văn minh, tiến bộ nào cũng mong muốn chứ không phải chỉ khuyến khích người ta chỉ thực hiện hành vi nhường nhịn một cách đơn lẻ.  
Nếu những người lãnh đạo của VN Pharma có tình yêu thương với tất cả những người mắc bệnh hiểm nghèo chắc chắn họ sẽ không vì lợi riêng mà nhập thuốc giả về để hại bệnh nhân; nếu những người lãnh đạo ở Công ty TNHH Thiết bị giáo dục Tam Phúc (tỉnh Vĩnh Phúc) có tình yêu thương với trẻ em thì họ đã không làm điều ác khi đưa rau đã bị phân hủy vào trường học để cho các cháu ăn[28]; nếu tình yêu thương thường trực trong tâm trí các bác sĩ ở bệnh viện Đa khoa Hòa Bình thì họ đã không vô trách nhiệm đến mức “quên” súc rửa đường ống dẫn nước để rồi hóa chất vẫn đọng lại trong đường ống, hậu quả là tám con người – tám tuyệt tác của Đức Chúa Trời mà Ngài luôn yêu quí đã phải chết một cách oan uổng trong khi chạy thận[29]; nếu được dạy dỗ về tình yêu thương thì khi gây tai nạn làm một nữ sinh mới 16 tuổi ngã gẫy chân, lái xe Đặng Hữu Anh Tuấn (ở TP Hồ Chí Minh) đã phải dừng lại để đưa nạn nhân đi cấp cứu chứ không thể táng tận lương tâm đến mức tiến lên rồi lùi xuống tới  3 lần để chèn lên người nữ sinh này với mục đích là làm cho chết hẳn[30]. Rõ ràng nếu không có tình yêu thương thì sẽ biến con người ta thành những kẻ vô cảm, vô trách nhiệm, tham lam, ích kỷ, thành kẻ ác thậm chí đến mất hết cả nhân tính.
Ở chiều ngược lại, chúng ta gặp một phụ nữ tên là Tim Aline Rebeaud người Thụy Sĩ sang Việt Nam đã 23 năm nay, đem cả thời thanh xuân của mình chỉ để mở trường dạy nghề giúp đỡ trẻ em khuyết tật Việt Nam, cô ăn cơm Việt Nam, nói tiếng Việt Nam đến mức khi cô bị bệnh viêm phế quản cô không biết diễn tả bệnh này bằng ngôn ngữ mẹ đẻ là tiếng Pháp với những người thân trong gia đình mình như thế nào; thế thì người phụ nữ này đến với trẻ em Việt Nam là bởi điều gì nếu không phải là xuất phát từ tình yêu thương?[31]; gần đây cộng đồng mạng xôn xao vì tỷ phú trẻ Mark Zuckerberg tuyên bố sẽ hiến số tài sản 45 tỷ USD, tương đương 99% tổng tài sản của mình và kêu gọi những người khác cùng phối hợp để cải thiện cuộc sống vì thế hệ tương lai, ông chủ Facebook cho biết, đây chỉ là “sự đóng góp rất nhỏ, để hỗ trợ mọi người”, việc dâng hiến này của Mark Zuckerberg chắc chắn là xuất phát từ tình yêu tha nhân chứ chẳng phải vì danh hay vì lợi[32]; việc Linh mục Phao-lô Nguyễn Thực, giáo xứ Hà Đông quận Gò Vấp, TP HCM cùng các Ki-tô hữu trong giáo xứ đã quyên góp đều đặn mỗi tháng 200 triệu đồng để giúp đỡ người nghèo và người khuyết tật trên địa bàn, trong khi giáo xứ chỉ có khoảng 5 500 giáo dân, và việc làm này của Linh nục cùng các giáo dân là xuất phát bởi tình yêu thương chứ không vì nguyên nhân nào khác[33]; hay Ni sư Thích Nữ Huệ Tuyến trụ trì chùa Lâm Quang (TP HCM) cùng các Phật tử ở đây từ hơn 20 năm nay đã chăm sóc cưu mang hàng trăm cụ già cơ nhỡ không nơi nương tựa, thế thì sự cưu mang này là xuất phát từ điều gì nếu như không bắt đầu từ tình yêu tha nhân?[34]. Có thể nói, nếu trong tâm trí mỗi người tràn đầy tình yêu thương thì sẽ khiến người ta sống có trách nhiệm với bản thân, với cộng đồng, biết lo cho người khác, biết tôn trọng, sẵn sàng phục vụ người khác mà không cần bất cứ điều kiện gì.
Qua sự tìm hiểu và phân tích trên rõ ràng những ứng xử đúng chuẩn mực đạo đức hay trái với luân thường đạo lý đều xuất phát từ tình yêu thương trong tấm lòng của mỗi con người, chứ không phải chỉ là những hành vi thuộc phạm trù đạo đức, và vì thế theo thiển ý của chúng tôi không nên sử dụng những hành vi ứng xử đơn lẻ trong giao tiếp cộng đồng để xây dựng nên thành một “văn hóa” hay một “xã hội”, mà phải căn cứ vào cái cốt lõi của vấn đề, quảng diễn nó, thực hành cái căn cốt ấy thì tất yếu sẽ giải quyết được những khía cạnh được hàm chứa trong cái căn cốt ấy. Không phải ngẫu nhiên mà cách đây gần hai ngàn năm Thánh Phao-lô đã khẳng định: “Nên bây giờ còn có ba điều này: Đức tin, sự trông cậy, tình yêu thương; nhưng điều trọng hơn trong ba điều đó là TÌNH YÊU THƯƠNG”(I Cô-rinh-tô 13: 13).

          III – TẠM KẾT   
Tóm lại, thông qua một số tài liệu và tìm hiểu thực tế cho thấy TÌNH YÊU THƯƠNG trong mỗi con người mới là yếu tố căn cốt nhất để khiến người ta có những thái độ, hành vi ứng xử đúng đắn trong mọi mối giao tiếp trong cộng đồng, điều này không chỉ đúng ở trong các tông giáo nhưng còn đúng cả trong sinh hoạt cộng đồng nữa; vì thế ở đâu thiếu tình yêu thương thì ở đó người ta vô trách nhiệm, vô cảm, ích kỷ, kiêu ngạo, không nhường nhịn cho bất kỳ ai, tham lam vơ vét đến cùng kiệt mà không hề xấu hổ; ngược lại ở đâu tràn đầy tình yêu thương thì ở đó có sự tôn trọng nhau, tôn trong pháp luật, người ta sống với nhau có trách nhiệm, sẵn sàng nhường điều thuận lợi cho người khác, nhận khó khăn về mình, biết phục vụ người khác chứ không bắt người khác phải phục vụ mình, người ta biết xấu hổ khi nhận những thứ không thuộc về mình … thậm chí còn sẵn sàng hy sinh vì người khác nữa. Trong thực tế trên thế giới và Việt Nam đã từng có thời kỳ không thiếu những người ứng xử như vậy. Vì thế, chúng tôi cho rằng trong bối cảnh hiện tại của Việt Nam cần phải xây dựng một xã hội trong đó mỗi người đều phải biết yêu thương nhau, chứ không phải xây dựng một xã hội chỉ biết có nhường nhịn. Người ta có thể cho hay tặng ai một vật hay một điều gì đó nhưng không yêu; ngược lại khi yêu thương một ai đó thì không thể không cho hay tặng một cách tự nguyện và vui lòng.
Theo thiển ý của chúng tôi: vấn đề mà Ts Phan Tân đặt ra là hết sức cấp thiết, nó không chỉ lớn mà còn rất khó; nó đòi hòi phải có sự nghiên cứu nghiêm túc từ nhiều hướng, thêm vào đó nó còn cần phải nhận được sự ủng hộ của các cơ quan nhà nước và sự cổ vũ của toàn xã hội.
Chúng tôi xin cảm ơn Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam đã cho phép chúng tôi có một vài ý kiến nhỏ và mở (theo quan điểm của Cơ Đốc giáo) để rộng đường dư luận; tuy nhiên do kiến thức còn hạn chế, không thể tránh khỏi những nhận định chủ quan hay thiên kiến, rất mong nhận được sự chỉ giáo của các quí học giả.
Nguyện xin Đức Chúa Trời Ba Ngôi ban phúc lành trên các quí vị./.
Hà Nội 17/09/2017
Chú thích:
 [1] Thế Anh – Quốc Đô. Nghịch Tử Giết Bố, Chặt Xác Vứt Xuống Sông Lĩnh Án Tử Hình. Theo: http://dantri.com.vn/phap-luat/nghich-tu-giet-bo-chat-xac-vut-xuong-song-linh-an-tu-hinh-1315271197.htm. (10/09/2017).
[2] Hoàng Sang. Toàn Cảnh Vụ Thảm Sát Ở Bắc Giang. Theo: http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/toan-canh-vu-tham-sat-o-bac-giang-56475.html (10/09/2017).
[3] Nhị Tiến. Đi 6 lượt mới có chứng tử: Phường Văn Miếu xin gỡ chia sẻ trên facebook. Theo: http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/di-6-luot-moi-co-chung-tu-phuong-van-mieu-xin-go-chia-se-tren-facebook-386319.html (10/09/2017).
[4] Hồ Trang. Toàn cảnh vụ VN Pharma nhập lậu thuốc chữa ung thư giả. Theo: http://www.24h.com.vn/tin-tuc-trong-ngay/toan-canh-vu-vn-pharma-nhap-lau-thuoc-chua-ung-thu-gia-c46a899701.html (10/09/2017).
 [5] Phan Tân. Bàn Về Xây Dựng Xã Hội Nhường Nhịn. Theo: https://www.vanhoanghean.com.vn/chuyen-muc-goc-nhin-van-hoa/nhung-goc-nhin-van-hoa/ban-ve-xay-dung-xa-hoi-nhuong-nhin (10/09/2017).
[6] Phan Tân. Vấn Đề Xây Dựng Xã Hội Nhường Nhịn. Theo: http://www.vjol.info/index.php/ssir/article/viewArticle/24425 (10/09/2017)
[7] Phan Tân. Xây Dựng Xã Hội Nhường Nhịn. NXB Hội Nhà Văn. 2017.
[8] Phan Tân. Sđd. Trang 23.
[9] Phan Tân. Sđd. Trang 26.
[10] Phan Tân. Sđd. Trang 39.
[11] Phan Tân. Sđd. Trang 57.
[12] Phan Tân. Sđd. Trang 82.
[14] Lưu Hồng Khanh. Đạo Đức Học Cơ Đốc. Thần Học Viện Tin Lành Việt Nam. Frankfurt. 2003. Trang 1.
[15] Viện Ngôn Ngữ Học. Từ Điển Tiếng Việt. NXB Đà Nẵng. 2004.
[16] Thần Học Viện Tin Lành Việt Nam. Thánh Kinh Tân Tự Điển. NXB Phương Đông. 2009. Trang 495.
[17] Thần Học Viện Tin Lành Việt Nam. Sđd. Trang 495.
[18] Dương Văn Duyên. Giáo Trình Đạo Đức Học Đại Cương. NXB Đại Học Quốc Gia Hà Nội. 2013. Trang 11.
[19] Giáo hội Công giáo VN. Thần Học Luân Lý Tổng Quát. Tủ Sách Chuyên Đề. Lưu hành nội bộ. Không ghi năm. Trang 17.
[20] Lưu Hồng Khanh. Sđd. Trang 9.
 [21] Giáo hội Công giáo VN. Sđd. Trang 115.
[22] Anh Tuấn. Ô nhiễm bụi siêu nhỏ: Hâm nóng trái đất, tăng lượng mưa. Theo: http://moitruong.com.vn/moi-truong-sos/canh-bao-moi-truong/o-nhiem-bui-sieu-nho-ham-nong-trai-dat-tang-luong-mua-17636.htm (10/09/2017).
[24] William Barclay. Đạo Đức Trong Một Xã Hội Phóng Túng. Theo: https://sites.google.com/site/codocnhandn/kinh-thanh/nghien-cuu/dhao-dhuc-trong-mot-xa-hoi-phong-tung-william-barclay (10/09/2017).
[25] William Barclay. Sđd.
[26] Theo: Theo: http://vietnamtudien.org/dtk-map/ (10/09/2017).
[27] Ngữ Văn Hán Nôm. Tứ Thư, Luận Ngữ, Thiên 12 – Vi Chính, tiết 2. NXB KH Xã hội. 2004. Trang 411.
[28] Đậu Đậu.  Vừa ký hợp đồng được 1 ngày, DN đã đưa rau củ thối vào trường học. Theo: http://www.baomoi.com/vua-ky-hop-dong-duoc-1-ngay-dn-da-dua-rau-cu-thoi-vao-truong-hoc/c/23270632.epi (12/09/2017).
[29] Vụ 8 người chết khi chạy thận: Quên rửa hóa chất trong đường nước. Theo: http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/vu-8-benh-nhan-chay-than-tu-vong-quen-rua-hoa-chat-trong-duong-nuoc-380065.html (12/09/2017)
[30] Thân phận thiếu nữ 3 lần bị container cán qua. Theo: http://vnexpress.net/tin-tuc/phap-luat/than-phan-thieu-nu-3-lan-bi-container-can-qua-2158964.html (12/09/2017).
 [31] Cô Tim Mầu Nhiệm. Theo: https://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/loi-song/co-tim-mau-nhiem-1997966.html (12/09/2017).
[33] Nguyễn Hiền. Lòng Nhân Ái Ở Giáo Xứ Hà Đông. Theo: http://www.baomoi.com/long-nhan-ai-o-giao-xu-ha-dong/c/4525130.epi (12/09/2017).
[34] Vinh Quang. Chùa Lâm Quang – Tổ Ấm Của Những Cụ Già Neo Đơn. Theo: http://vov.vn/xa-hoi/chua-lam-quang-to-am-cua-nhung-cu-gia-neo-don-227706.vov (12/09/2017).

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Kinh Thánh: Bản tiếng Việt các năm 1926, 2002, 2011; Bản của Giáo hội Công giáo năm 2011; Bản tiếng Anh: KJV, NIV.
2. Thánh Kinh Tân Tự Điển.  Thần Học Viện Tin Lành Việt Nam. NXB Phương Đông. 2009.
3. Xây Dựng Xã Hội Nhường Nhịn. Phan Tân. NXB Hội Nhà Văn. 2017.
4. Đạo Đức Học Cơ Đốc. Lưu Hồng Khanh. Thần Học Viện Tin Lành Việt Nam. Frankfurt. 2003.
5. Thần Học Luân Lý Tổng Quát. Giáo hội Công giáo VN. Tủ Sách Chuyên Đề. Lưu hành nội bộ.
6. Giáo Trình Đạo Đức Học Đại Cương. Dương Văn Duyên. NXB Đại Học Quốc Gia Hà Nội. 2013
7. Tứ Thư. Ngữ Văn Hán Nôm.  NXB KH Xã hội. 2004.
8. Từ Điển Tiếng Việt. Viện Ngôn Ngữ Học. NXB Đà Nẵng. 2004.




(*)Mục sư Nguyễn Trọng Việt thuộc Giáo phái: Liên Hữu Tin Lành Báp-tít Việt Nam (Vietnam Baptist Convention)
(**) photo: xaluan.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét