Bài đăng nổi bật

Việt Nam nhìn từ Chủ thuyết phát triển

Thứ Hai, 11 tháng 1, 2016

Vấn đề xã hội ở Việt Nam và dư luận qua các bộ sưu tập sự kiện năm 2015

Phan Tân

Kết thúc mỗi năm, các hãng truyền thông, các trang mạng lại đưa ra bình chọn những sự kiện nổi bật theo tiêu chí, theo các góc tiếp cận, thậm chí là theo cả cảm quan của riêng mình: từ góc nhìn kinh tế, góc nhìn xã hội, khoa học công nghệ... Có những bài viết lại lựa chọn top những câu nói nổi bật, những hành động nổi bật, những hình ảnh chấn động nhất... Từ góc độ dư luận xã hội, tôi xin lạm bàn về những vấn đề xã hội qua các bộ sưu tập sự kiện gây nhiều tranh luận trong công chúng năm 2015, hầu chia sẻ với độc giả.

1, Nợ công
 “Trả nợ xong gần như không có tiền để làm gì cả” trong bộ sưu tập Những phát ngôn ấn tượng nhất năm 2015 trên trang 24h.com (ngày 25/12/2015), được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nhấn mạnh tại Quốc hội, phiên thảo luận ở tổ (ngày 22/10). Ông cho hay, ngân sách cho đầu tư phát triển năm 2016 là 255.750 tỷ đồng, thì riêng ngân sách địa phương trong cân đối là 131.200 tỷ đồng (chiếm hơn 52% ngân sách do các địa phương tự quản lý), Trung ương còn 124.000 tỷ đồng, trừ đi vốn nước ngoài và các khoản khác chỉ còn 45.000 tỷ đồng. “45.000 tỷ đồng này không biết phải làm gì, chưa nói đến phải trả nợ. Trả nợ xong gần như không có tiền để làm gì cả”.
Với thảm trạng tài chính quá nguy hiểm cho quốc gia như hiện nay, những phát ngôn kiểu như Tăng tốc tham nhũng khi “hoàng hôn nhiệm kỳ” của Đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến, và “Xin truyền lại cho Bộ trưởng kế tiếp” của Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh... không còn là phát ngôn gây sốc nhất. Thảm trạng tài chính cũng đã phản ánh một cách trần trụi thực tế thời gian gần đây, tại một số cơ quan nhà nước, chính quyền địa phương như Thành phố Cà Mau, Bạc Liêu,... chẳng những hết tiền, không còn tiền trả lương, mà còn nợ cả tỷ đồng. Vấn đề này đang thu hút sự quan tâm của công chúng cả nước.
Dư luận cho rằng: việc phân chia ngân sách và quản lý “miếng bánh ngân sách” theo kiểu cơ chế xin - cho, quản lý một cách chồng chéo, kém hiệu quả đã trở thành căn bệnh trầm kha mưng mủ từ lâu đến nay đã lộ diện. Túi tiền quốc gia luôn trong tình trạng “thu có hạn, chi vô hạn”. Các câu hỏi được dư luận đặt ra: Để thâm thủng ngân sách, có ai chịu trách nhiệm không, hay lại lỗi tại cơ chế?
Bộ Tài chính đã đề nghị Chính phủ sử dụng nguồn dự trữ ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước làm nguồn cấp vốn thay thế (tháng 4/2015), hay đề xuất vay 30.000 tỷ đồng từ Ngân hàng Nhà nước, tiếp đó vay thêm 1 tỷ USD của ngân hàng Vietcombank, rồi bán trái phiếu, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp lớn... Chính phủ thì trình Quốc hội đề nghị cho phép phát hành 3 tỷ USD trái phiếu chính phủ ra thị trường vốn quốc tế để đảo nợ trong nước giai đoạn 2015-2016. Đó là một loạt các động thái nguy hiểm của nền kinh tế.
Dù các nhà lãnh đạo cho rằng với tỷ lệ nợ công chạm ngưỡng 61,3% GDP và có thể đạt đỉnh 65% năm 2017 vẫn chưa nguy hiểm cho quốc gia, nhưng theo tính toán với 110 tỷ USD tiền nợ hiện nay thì mỗi người Việt Nam phải gánh lên vai hơn 1.000 USD. Điều đó khiến dư luận xã hội giật mình.
Với con số nợ đó, quyền lợi của các tổ chức, cá nhân (người lao động) liên quan sẽ được bảo đảm như thế nào? Có lẽ đó là câu hỏi không ai có thể trả lời được.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh
Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Hoàng Tuấn Anh

2, Lãnh đạo trẻ
Năm 2015 là năm của đại hội đảng các cấp (năm của công tác nhân sự). Bộ sưu tập Chân dung những lãnh đạo trẻ nhất năm 2015 (cũng ở trang 24h.com ngày 24/12/2015) đề cập đến ông Lê Phước Hoài Bảo 30 tuổi, được bổ nhiệm Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Quảng Nam. Ông Bảo còn được bầu vào Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020, trở thành tỉnh ủy viên trẻ nhất Quảng Nam, và là giám đốc sở trẻ nhất Việt Nam. Báo Vietnamnet cũng đưa vấn đề này vào sự kiện Nhân sự mới, trong top Sự kiện nổi bật năm 2015 của trang Vietnamnet và cũng là sự kiện thuộc top 10 sự kiện nổi bật của Việt Nam 2015 trên trang Doanh nghiệp Việt Nam.
Dư luận cho rằng, 30 tuổi làm giám đốc sở không phải là vấn đề, vấn đề là người được bổ nhiệm có thực sự có tài năng hay không. Trên thực tế, thành tích theo lý lịch cá nhân của ông Bảo thể hiện cũng chưa phải là một “nhân tố mới” trong công tác tổ chức cán bộ. Dư luận đặt câu hỏi: Việc bổ nhiệm có đúng quy trình hay không? Nếu ông Bảo không phải là con trai của ông Lê Phước Thanh (Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam) mà là con cái của lớp bình dân thì có được bổ nhiệm như vậy không?
Đây là sự kiện mở màn cho hàng lọat các quyết định bổ nhiệm đối với không ít các bí thư, chủ tịch tỉnh, thành, quận, huyện trong ngoài 40 tuổi khiến dư luận không khỏi bàn tán. Các tranh luận về hiện tượng 4 C “con cháu các cụ” trong công tác cán bộ từ trước đến nay tiếp tục được công luận đề cập.
Trong số những cán bộ lãnh đạo trẻ được bổ nhiệm năm 2015, liệu có ai là con em của tầng lớp bình dân không? Hay quy trình của công tác cán bộ có cấp tốc và bất chấp các quy trình không? Có rất nhiều câu hỏi được đặt ra trước sự kiện này, và không ít ý kiến cho rằng đây là một sự “vội vã” không cần thiết. Nó cũng không thể không tạo nên tâm trạng cho những cán bộ trẻ khác - những người có tài thực sự đang âm thầm đâu đó trên khắp mọi lĩnh vực, mọi công việc cho sự phát triển quốc gia.
Lê Phước Hoài Bảo (đứng giữa), Photo: vnexpress
3, 6.700 Cây xanh
Trên cả những vấn đề nóng như vỡ đường ống nước sông Đà, tai nạn, tắc đường, cháy nổ ở đô thị trong bộ sưu tập 10 sự kiện nổi bật của Hà Nội trong năm 2015 qua ảnh trên trang VtcNews (ngày 01/01/2016), việc Chặt hạ, thay thế 6.700 cây xanh ở Hà Nội đã để lại dấu ấn nhất cho dư luận. Nó cũng hiện diện đậm nét trong bộ sự tập  Những vấn đề đô thị “dậy sóng dư luận” thủ đô năm 2015 trên trang 24h.com. Theo đó, hơn 6.700 cây xanh trên 190 tuyến phố đã được chính quyền Hà Nội đưa vào đề án “cải tạo, thay thế cây xanh” được quyết định chặt hạ, thay thế với nguồn kinh phí thực hiện hơn 73 tỷ đồng. Đề án đang triển khai trên một số tuyến phố đã phải dừng lại do gặp phải phản ứng mạnh mẽ của dư luận trong và ngoài nước.
Các phát ngôn kiểu bất chấp, xem thường dư luận như “chặt cây xanh không phải hỏi dân”, hoặc kiểu lấp liếm như “hầu hết dân đồng thuận với việc chặt cây” đã làm dư luận nổi sóng. Tại sao đề án duy tu bảo trì, chặt cây mục rỗng lại triển khai chặt cây hàng loạt, chặt cả cây cao, thẳng, cây gỗ quý? Nguồn kinh phí khủng cho việc chặt cây, xử lý nguồn gỗ bị nghi ngờ là chuyện “kiếm chác” qua dự án chặt cây, thay thế cây được giải thích thế nào? Có thể giải thích thế nào về vấn đề môi trường, môi sinh đô thị khi bị gỡ đi thảm cây xanh? Có lẽ vì vậy mà sự kiện này cũng xuất hiện trong bộ sưu tập 10 sự kiện môi trường nổi bật trong nước năm 2015 trên Báo Tin tức (ngày 31/12/2015).
Từ đề án này, hàng loạt các hành vi làm ăn gian dối như thay thế cây không đúng tiêu chuẩn (trồng cây mỡ thay vì cây vàng tâm như trong đề án), trồng cây không đúng quy trình kỹ thuật (không gỡ bầu)... đã được phanh phui. Một vấn đề hết sức nguy hiểm là dường như trong việc triển khai thực hiện dự án, từ cán bộ lãnh đạo đến người công nhân đều có lỗi. Nhìn sang những công việc khác, dường như cả xã hội đều sai, cả xã hội đều có lỗi nhưng cuối cùng không thấy ai xin lỗi!
Cái mà dư luận mong muốn là mỗi việc làm, mỗi quyết định được triển khai thực hiện cần phải được hỏi ý kiến người dân, phải được bàn bạc thấu đáo.
Ôi cây, Photo: tintuc.vn
Tuần hành vì cây xanh, Photo: tintuc.vn
4, Thảm sát
Thảm án giết 6 người ở Bình Phước là vụ án đình đám nhất trong bộ sưu tập 10 vụ án chấn động dư luận năm 2015 trên báo Tuổi trẻ (ngày 30/12/2015) và cũng xuất hiện trong Những vụ trọng án chấn động dư luận năm 2015, Những phiên tòa “nóng” nhất năm 2015 trên trang 24h.com (ngày 24/12/2015) và Sự kiện nổi bật năm 2015 trên báo Vietnamnet. Vụ án đã làm công chúng, xã hội bàng hoàng, tạo nên làn sóng phẫn nộ trong dư luận bởi thủ đoạn tàn độc của kẻ thủ ác. Cả 6 người trong một gia đình ở Minh Hưng (Chơn Thành, Bình Phước) đã bị sát hại dã man vào rạng sáng 7/7.
Dư luận hoang mang, lo ngại bởi trong xã hội tình trạng giết người tàn độc, giết nhiều người một lúc, tội phạm trẻ tuổi... ngày càng gia tăng. Tưởng chừng vụ Lê Văn Luyện giết 3 người trong một gia đình (Bắc Giang) đã là đỉnh điểm của sự mất nhân tính, thì tiếp nối lại có những vụ sát hại dã man hơn, như Nguyễn Hải Dương và đồng bọn giết 6 người, Đặng Văn Hùng thảm sát 4 người ở Yên Bái, Vi Văn Hai đã thảm sát cả gia đình tại bản Phồng (Nghệ An), nữ sát thủ Mai Thị Vóc chém 3 bà cháu tử vong ở Hải Tân (Hải Hậu, Nam Định)... Xã hội dường như ngày càng bất an, tội ác đã không còn giới hạn. Phải chăng chính vì sự bất an này mà lực lượng công an đã phải huy động tới cả cấp cao nhất và lực lượng tinh nhuệ nhất để truy tìm hung thủ.
3 bị can Dương, Tiến, Thoại, Photo: tinmoi.vn
Lực lượng Công an bảo vệ hiện trường vụ thảm án, Photo: tinmoi.com

5, Chai nước có ruồi
Thảm sát giết 6 người đi vào top Những phiên tòa “nóng” nhất năm 2015 trên 24h.com cùng với những vụ như: Sát thủ giết 4 người ở Nghệ An, Sát thủ giết cả nhà ở Yên Bái, Hung thủ thật sự trong vụ án ông Chấn bị oan lĩnh án... Nhưng một sự kiện không có trong những phiên tòa “nóng” nhất là phiên tòa về “Chai nước có ruồi” giữa bị cáo Võ Văn Minh và Công ty Tân Hiệp Phát lại để lại nhiều dư âm nhất trong dư luận. Sự kiện này được ghi nhận trong bộ sưu tập 10 vụ án chấn động dư luận năm 2015 trên trang Tuổi trẻ (ngày 30/12/2015). Một cá nhân vì lòng tham nhất thời phải sa vào vòng lao lý (7 năm tù), một doanh nghiệp bất chấp chất lượng sản phẩm, coi thường khách hàng bị thiệt hại 2.000 tỷ đồng và đứng bên bờ vực phá sản.
Người tiêu dùng cảm thấy bị mất mát, bị doanh nghiệp coi thường; một phong trào tẩy chay sản phẩm sau phiên tòa đã được phát động rầm rộ bằng sự tự giác của cộng đồng thông qua các trang mạng xã hội. Một làn sóng mạng mới hình thành, một loại hình quyền lực được hình thành ngày càng mạnh mẽ, đó là các “phong trào xã hội” được thiết lập thông qua một lời kêu gọi “có lý” của bất kỳ một cá nhân nào đó trên mạng. Trong loạt sự kiện hậu phiên tòa “chai nước có ruồi”, các sologan như: “tôi không uống thứ nước này”, “hàng không bán, chỉ đãi kẻ thù”, “quán không phục vụ thức uống của Tân Hiệp Phát” tràn ngập các trang mạng. Đối với sự kiện chặt 6.700 cây xanh ở Hà Nội ở trên là những khẩu hiệu “xin đừng giết tôi”, “Tree Hugs”, “vì một Hà Nội xanh”..., phong trào kêu gọi xuống đường biểu tình biểu thị bảo vệ cây thông qua các trang mạng đã diễn ra rầm rộ.
Đây chính là vấn đề lớn ở Việt Nam hiện nay: dư luận mạng và một phần báo chí bị tác động liên tiếp bởi các làn sóng tình cảm, yêu ghét, do các chuẩn mực về dân quyền, pháp quyền chưa định hình.
Bố con anh Minh tại tòa, Photo: thanhnien.vn
Có cả một fanpage Tẩy chay Tân Hiệp Phát được rất nhiều người hưởng ứng trên Facebook,
                                                     Photo: vntinnhanh.vn
Nhà hàng quán ăn phía Nam nói không với sản phẩm Tân Hiệp Phát, Photo: soha.vn
6, Oan sai
Tiếp sau ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang với 10 năm tù oan đã “ngất trời xanh” thì ông Huỳnh Văn Nén được minh oan sau gần hai thập kỷ ngồi tù oan đã trở thành sự kiện nổi bật của bộ sưu tập 10 sự kiện nổi bật trong năm 2015 trên trang Doanh nghiệp Việt Nam (ngày 17/12/2015).
Ông Nén bị xác định là thủ phạm trong một vụ án và bị Tòa án nhân dân tỉnh Bình Thuận kết án tù chung thân về 2 tội danh “giết người” và “cướp tài sản”.
Sau nhiều năm được gia đình, người thân và các luật sư giúp đỡ kiên trì gửi đơn lên các cấp kêu oan, chiều ngày 22/10/2015, ông Huỳnh Văn Nén được cho tại ngoại. Tính đến ngày được tại ngoại, ông Nén đã phải ở tù 17 năm 5 tháng (1998-2015) và được cho là người tù “2 thế kỷ”. Tòa án nhân dân tỉnh Bình Thuận đã tổ chức buổi xin lỗi công khai đối với ông Huỳnh Văn Nén.
Câu chuyện oan sai vốn là đề tài nóng trong thời buổi kim tiền, vụ việc ông Huỳnh Văn Nén được bàn tán ngày càng rộng rãi bởi nó chứng minh rõ thêm một thảm trạng yếu kém, vô cảm của các cơ quan tố tụng mà cụ thể là những người trực tiếp tham gia thụ lý. Họ đã thi hành công vụ thiếu chính xác, thiếu trách nhiệm, thiếu lương tâm dẫn đến sự nhẫn tâm đẩy người vô tội vào vòng lao lý, vào miệng huyệt. Những quyết định hoãn thi hành án tử hình Hồ Duy Hải (Long An), Lê Văn Mạnh (Thanh Hóa) đã phần nào chứng minh cho những hoạt động tắc trách đó.
Có lẽ vì sự kiện “ngất trời xanh” này và áp lực của dư luận mà Quốc hội đã thông qua Luật Tạm giữ, tạm giam, theo đó các trại tạm giam, tạm giữ sẽ họat động độc lập, không trực thuộc cơ quan điều tra. Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) được Quốc hội thông qua đã bãi bỏ quy định “Luật sư muốn bào chữa cho bị can, bị cáo phải được cấp phép”. Hy vọng nó sẽ giảm thiểu việc cơ quan tố tụng “ngáng” luật sư trong các vụ án hình sự.
Huỳnh Văn Nén....và........, Photo: tuoitre.vn
và Nguyễn Thanh Chấn trong vòng tay cộng đồng, Photo: thanhtra.com.vn

7, Bộ môn lịch sử trong giáo dục phổ thông
Những tưởng sự kiện Kỳ thi PTTH quốc gia, hay sự kiện Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội được đào tạo y dược... sẽ là sự kiện được dư luận quan tâm nhất trong ngành giáo dục, nhưng xét trên nhiều chiều cạnh thì Tích hợp môn Lịch sử là vấn đề tạo dư luận chiều sâu nhất trong bộ sưu tập Những vấn đề giáo dục gây tranh cãi năm 2015 trên 24h.com. Sự kiện này tiếp tục được nhắc trong bộ sưu tập Ngành giáo dục và 10 chuyện đáng chú ý trong năm 2015 trên trang Đời sống Pháp luật (ngày 23/12/2015).
Theo dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, môn Lịch sử được tích hợp vào các môn khác. Ở lớp 1, 2, 3 là môn “Cuộc sống quanh ta”; lớp 4, 5 là “Tìm hiểu xã hội”; THCS là “Khoa học xã hội”; và THPT là môn “Công dân với Tổ quốc”.
Sau khi dự thảo được đưa ra, một làn sóng tranh luận gay gắt về số phận môn Lịch sử đã nổi lên. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phải có những cuộc tranh luận với các nhà khoa học, các giáo viên lịch sử về vấn đề này. Thậm chí nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm về môn Lịch sử trong giáo dục phổ thông được tổ chức trong và ngoài Bộ Giáo dục và Đào tạo. Cuối cùng, sau rất nhiều cuộc hội thảo, các buổi tranh luận, dưới sức ép của dư luận với các ý kiến phản đối “tích hợp”..., Quốc hội đã thông qua Nghị quyết trong đó yêu cầu “tiếp tục giữ môn Lịch sử trong chương trình sách giáo khoa mới”.
Tuy nhiên, còn một vấn đề không đơn giản ở đây, không chỉ ở việc tích hợp hay không tích hợp, mà trong tư tưởng của không ít người còn có những gờn gợn với câu hỏi: tại sao môn Lịch sử - một môn học truyền thống ghi đậm truyền thống chống giặc phương Bắc của dân tộc lại luôn luôn bị nâng lên đặt xuống, và trong một số bài học của môn này đã không còn tồn tại nhân vật, đối tượng của lịch sử nữa...!

8, Quyền chuyển đổi giới tính và cộng đồng LGBT
Trong bộ sưu tập Điểm lại những sự kiện nổi bật của ngành y tế năm 2015 của trang 24h.com (ngày 23/12/2015), sự kiện Quốc hội thừa nhận quyền chuyển đổi giới tính (ngày 24/11/2015) là sự kiện đáng ghi nhận nhất cho dù ngành y tế chưa bao giờ hết những sự kiện bức xúc (sự kiện này cũng thuộc top 10 sự kiện nổi bật Việt Nam 2015 trên trang Doanh nghiệp Việt Nam).
Theo đó, việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có các quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của bộ luật này và luật khác có liên quan. Sự kiện này có ý nghĩa lớn không chỉ với Việt Nam, nó đã đi đúng với xu thế toàn cầu cùng xác tín quyền con người.
Việc cho phép chuyển đổi giới tính ở Việt Nam có thể sẽ phần nào hóa giải các ý kiến phản đối trước đây như: Trên thế giới có rất ít nước công nhận hôn nhân đồng giới; Hôn nhân đồng giới không phù hợp với phong tục tập quán Việt Nam; Hôn nhân đồng giới là sản phẩm du nhập của văn hóa phương Tây; Hôn nhân đồng giới không bảo đảm duy trì nòi giống... Nếu công nhận hôn nhân đồng giới sẽ giúp mối quan hệ của những người đồng tính trở nên gắn kết hơn, có trách nhiệm hơn. Xã hội ngày càng bước đến sự tôn trọng như nhau đối với phẩm giá của mọi con người, bảo vệ lợi ích hợp pháp cho tất cả công dân.
Ủng hộ quyền của người LGBT (đồng tính, song tính, chuyển giới) còn là một trong những sự kiện nổi bật nhất trong các phong trào xã hội trên các trang mạng xã hội năm 2015. Chiến dịch “Tôi chuyển giới”, “Đừng bỏ sót”, “Bạn tôi chuyển giới”... được cộng đồng người LGBT phát động, kêu gọi dư luận ủng hộ quyền xác định lại giới tính thu hút hàng ngàn người tham gia đã thắng lợi.
Việc Ireland và Mỹ đưa ra luật công nhận hôn nhân đồng giới đã tạo niềm phấn khích nhất cho người dùng trên mạng xã hội trong năm 2015. Hơn 26 triệu người dùng Facebook đã đổi avatar  hiệu ứng cầu vồng cùng với hashtag LoveWins để ăn mừng và ủng hộ cộng đồng LGBT.
Trong bộ sưu tập Những nụ hôn ngọt lịm, ý nghĩa nhất năm 2015 trên 24h.com (ngày 14/12/2015) thì Nụ hôn say đắm của cặp đồng tính nữ ở Thành phố New York vào ngày Mỹ hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới chính là tuyên ngôn của một sự kiện toàn cầu.
Người chuyển giới họp mặt chia sẻ niềm vui khi Bộ luật Dân sự sửa đổi công nhận người chuyển giới, 
                                                                         Photo: 24h.com

9, Miễn phí
Bên cạnh những bộ sưu tập sự kiện đắt giá trên, cộng đồng cũng được mãn nhãn với các sự kiện được chế thành các video clip, các bộ sưu tập ảnh như: Cô giáo bò cạp, Tăng giảm giá xăng, Vỡ ống nước sông Đà... Trong Bộ sưu tập Những sự kiện được chế ảnh nhiều nhất năm 2015 trên Vnexpress (ngày 16/12/2015), giành “ngôi vương” phải là sự kiện vượt rào tắm miễn phí ở Công viên nước Hồ Tây. Cảnh những ông bố bà mẹ bế con nhỏ leo qua rào sắt cao 3 mét, những nam thanh nữ tú mặc áo tắm bất chấp “cái duyên” cần có hồn nhiên leo rào vào tắm miễn phí, công viên nước hỗn loạn, vỡ trận vì “phải tiếp nhận” lượng khách quá lớn đã làm dậy sóng dư luận. Những hình ảnh phản cảm tại Công viên nước Hồ Tây đã được khai thác để chế ra những bức tranh, ảnh biếm họa có tính châm biếm sâu sắc.
  Duyên dáng thiếu nữ (1), Photo: laodong.com
 Duyên dáng thiếu nữ (2), Photo: baodatviet.com
To-nhỏ-lớn-bé cùng trèo, Photo: baodatviet.com
Bố con mình cùng trèo, Photo: soha.vn
Chen nhau tắm cạn, Photo: saosang.net
Biển... người, Photo: vnexpress
Qua sự kiện tắm miễn phí ở Công viên nước Hồ Tây, người ta nhắc lại những sự kiện đã từng diễn ra như: ăn Shusi miễn phí, phát áo mưa miễn phí, xem hoa Tam giác mạch, hoa Hướng dương miễn phí... Những hiện tượng này một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về những tật xấu cố hữu của người Việt - cái gì miễn phí, cho không, phát không cũng nảy sinh tiêu cực, phản cảm, lãng phí. Lòng tự trọng và chút xấu hổ trong con người ngày càng ít đi, người ta sẵn sàng tranh nhau vì miếng ăn, tranh nhau vì chỗ ngồi; cái đức nhường nhịn đã có vẻ ngày càng thiếu vắng và từ “nhường nhịn” đã trở thành một ngôn từ xa xỉ hiện nay.

10, Dân trí
Trong 10 từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất ở Việt Nam năm 2015 theo công bố của Google thì 9/10 từ thuộc lĩnh vực giải trí. Trong khi đó, từ khóa mà người dân các quốc gia tìm kiếm theo cung cấp của Google là: ở Indonesia, 2 từ khóa tìm kiếm nhiều nhất là Batu Akik (một loại đá bán quý có giá tăng nhanh) và GO-JEK (một công ty mới khởi nghiệp đang bán những chiếc xe máy theo yêu cầu của khách hàng); ở Malaysia là HRMIS 2 (phiên bản hai Hệ thống thông tin quản lý nhân lực của Malaysia) và BR1M 2015 (chương trình trợ cấp tiền của chính quyền cho những người khó khăn); ở Singapore là PSI Singapore (chất lượng không khí sau các vụ cháy rừng ở Indonesia) và Lee Kuan Yew (khi cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu qua đời); ở Philippines là AIDub (biệt danh của một bộ đôi trong một bộ phim truyền hình rất ăn khách) và Pope Francis (Giáo hoàng Francis, người đã đến thăm Philippines trong năm 2015);...
Như một nhận định trên trang Baomoi.com: “người Việt tìm vợ người ta, người Singapore tìm Lý Quang Diệu” (ngày 25/12/2015). Phải chăng, vấn đề “dân trí thấp” đã từng bị chỉ trích tại kỳ họp Quốc hội khi bàn về Luật Trưng cầu dân ý (giữa GS.TS. Nguyễn Đăng Dung và đại biểu Hà Minh Huệ) lại có vẻ đúng ở đây. Bởi dân trí thấp mới bỏ qua những vấn đề liên quan đến chính trị, kinh tế, dân sinh, liên quan đến giáo dục, y tế, sức khỏe, cuộc sống của mình và những người xung quanh để đi đến quan tâm tìm những “vợ người ta”, “âm thầm bên em”...

Đôi lời kết
Năm 2015 ở Việt Nam có những sự kiện như Kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9; 40 năm Giải phóng miền Nam; hoàn tất đàm phán Hiệp định TPP; Ghép thận thành công từ người cho tim ngừng đập... Những sự kiện tích cực đó sẽ được ghi dấu vào lịch sử, được xã hội tôn vinh đối với các tổ chức, cá nhân đóng góp. Tuy nhiên, để xã hội ngày càng tốt đẹp hơn thì những sự kiện, vấn đề xã hội mang tính tiêu cực cần thiết phải được dư luận mổ xẻ, phán xét và kiến nghị giải pháp. Bởi vậy, những lựa chọn trên không ngoài mong muốn, kỳ vọng rằng nó sẽ không còn xuất hiện tiếp trong tương lai hoặc nó sẽ tiếp tục được hoàn thiện trong tư duy, trong nhận thức của công chúng.
Kết quả tổng hợp trên mới chỉ là những phân tích định tính, có thể chưa đúng theo dư luận và cảm nhận của đa số. Do vậy, sự kiện ngày 25/11/2015 Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Trưng cầu dân ý, có hiệu lực từ ngày 1/7/2016, có lẽ là sự kiện cần được ghi dấu vào lịch sử tư pháp, lịch sử của nền dân chủ và hy vọng là chúng ta sẽ có được những con số định lượng về đánh giá của công chúng trước mỗi vấn đề, sự kiện xã hội mang tầm quốc gia, vùng miền.
Kết quả bỏ phiếu tại Quốc hội ngày 25/11/2015 về Luật Trưng cầu dân ý, Photo: vneconomy

Oh my God !
                                                                                                                Phan Tân
Đọc thêm:
http://www.24h.com.vn/tin-tuc-viet-nam/nhung-phat-ngon-an-tuong-nhat-nam-2015-c432a758588.html
http://www.24h.com.vn/tin-tuc-trong-ngay/nhung-lanh-dao-tre-nhat-nam-2015-c46a758290.html
http://vtc.vn/10-su-kien-noi-bat-cua-ha-noi-trong-nam-2015-qua-anh.2.588745.htm
http://www.24h.com.vn/tin-tuc-trong-ngay/nhung-van-de-do-thi-day-song-du-luan-nam-2015-c46a757248.html
http://baotintuc.vn/xa-hoi/10-su-kien-moi-truong-noi-bat-trong-nuoc-nam-2015-20151231163718957.htm
http://tuoitre.vn/tin/phap-luat/20151230/10-vu-an-chan-dong-du-luan-nam-2015/1030003.html
http://www.24h.com.vn/an-ninh-hinh-su/nhung-vu-trong-an-chan-dong-du-luan-nam-2015-c51a757419.html
http://soha.vn/tham-sat-giet-6-nguoi-o-binh-phuoc-e70966.htm
http://www.24h.com.vn/an-ninh-hinh-su/nhung-phien-toa-nong-nhat-nam-2015-c51a756908.html
http://tuoitre.vn/tin/phap-luat/20151230/10-vu-an-chan-dong-du-luan-nam-2015/1030003.html
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2015/12/151221_web_opinion_waves_tanhiepphat_vovanminh
http://news.skydoor.net/link/1380771
http://www.24h.com.vn/giao-duc-du-hoc/nhung-van-de-giao-duc-gay-tranh-cai-nam-2015-c216a758785.html
http://www.doisongphapluat.com/giao-duc/nganh-giao-duc-va-10-chuyen-dang-chu-y-trong-nam-2015-a125462.html
http://www.24h.com.vn/tin-tuc-trong-ngay/diem-lai-nhung-su-kien-noi-bat-cua-nganh-y-te-nam-2015-c46a758084.html
http://teen24h.com/nhung-su-kien-noi-bat-nhat-facebook-twitter-nam-2015.html
http://www.24h.com.vn/tin-tuc-quoc-te/nhung-nu-hon-ngot-lim-y-nghia-nhat-nam-2015-c415a755910.html
http://vnexpress.net/tin-tuc/cuoi/anh/nhung-su-kien-duoc-che-anh-nhieu-nhat-nam-2015-3328395.html
http://www.baomoi.com/Google-2015-Nguoi-Viet-tim-vo-nguoi-ta-nguoi-Singapore-tim-Ly-Quang-Dieu/c/18295666.epi





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét