Bài đăng nổi bật

Việt Nam nhìn từ Chủ thuyết phát triển

Thứ Ba, 7 tháng 9, 2021

Dư luận xã hội ở vùng dân tộc thiểu số: những vấn đề lý luận và thực tiễn

 Đến lúc chấm dứt định kiến về vùng dân tộc thiểu số: vùng đất lạc hậu, kinh tế phát triển thấp kém, đầy mê tín dị đoan...; không chỉ trong toàn cầu hóa mà cả trong lịch sử từ xa xưa người dân vùng dân tộc thiểu số đã vượt qua định kiến về sự yếu thế, họ đã lên tiếng trong tình huống cần thiết.

Vấn đề đặt ra là phải coi trọng tiếng nói của người dân, họ cần được tham gia vào việc hoạch định chiến lược, chính sách phát triển cho chính cộng đồng và vùng.

Xin giới thiệu bà con sách mới:

DƯ LUẬN XÃ HỘI ở vùng Dân tộc thiểu số: những vấn đề lý luận và thực tiễn (Sách chuyên khảo)


LỜI TỰA

Trong xu thế vận động, biến đổi và phát triển chung, vùng dân tộc thiểu số - thường là vùng cao, vùng sâu, vùng xa - ở nước ta sẽ có tốc độ chuyển đổi nhanh hơn những năm trước đây. Toàn cầu hóa, hiện đại hóa, thị trường hóa với vai trò quản lý, thúc đẩy, định hướng của Nhà nước bằng các chính sách cụ thể chắc chắn sẽ tạo môi trường phát triển tốt cho vùng đất này.

Quá trình biến đổi kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội ngoài mang lại những tác động tích cực tới đời sống người dân còn có thể mang đến những tác động tiêu cực không thể tránh khỏi như: ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên, phát sinh và gia tăng các loại tệ nạn, sự lệch chuẩn về văn hóa truyền thống, nguy cơ phai nhạt bản sắc... Những điều này tác động trực tiếp đến chính giá trị, lợi ích của mỗi cá nhân, tổ chức, cộng đồng người dân tộc thiểu số (DTTS).

Chúng ta biết rằng, với những sự kiện xã hội từng xảy ra ở vùng DTTS như bạo động ở Tây Nguyên năm 2001 và năm 2004, Mường Nhé năm 2011, những mâu thuẫn/xung đột liên quan đến đất đai ở Tây Nam Bộ những năm 2000... Không thể loại trừ việc trước đó đã có những vấn đề xã hội bức xúc nhưng không được giải tỏa, không được định hướng cũng như đã có những ý kiến, những phản ứng trong cộng đồng.

Với trình độ ngày càng cao, người dân vùng DTTS ngày càng nhận thức và thấu hiểu quyền được lên tiếng của mình. Lắng nghe tiếng nói của người dân, những ý kiến từ chính người trong cuộc để biết về nhu cầu cuộc sống, nhu cầu của sự phát triển chung hay nói cách khác, việc tổ chức thăm dò, nắm bắt dư luận xã hội (DLXH), có định hướng dư luận nhằm phục vụ cho các chiến lược phát triển bền vững vùng DTTS là công việc hết sức quan trọng.

Nhằm giải đáp một phần nhu cầu thực tiễn của thực trạng trên, trong khuôn khổ Chương trình Khoa học và Công nghệ cấp quốc gia giai đoạn 2016-2020 Những vấn đề cơ bản và cấp bách về dân tộc thiểu số và chính sách dân tộc ở Việt Nam đến năm 2030, mã số CTDT/16-20, được sự đồng ý và tạo điều kiện của Văn phòng Chương trình và Học viện Khoa học xã hội, chúng tôi đã triển khai thành công đề tài: "Những vấn đề lý luận và thực tiễn về dư luận xã hội ở vùng dân tộc thiểu số nước ta trong bối cảnh toàn cầu hóa", mã số CTDT.37.18/16-20, trong 3 năm 2018-2020.

Trên cơ sở các tiếp cận liên xuyên ngành: xã hội học, chính trị học, dân tộc học, nhân học, văn hóa học, tâm lý học,... các tiếp cận về phát triển bền vững, tiếp cận quyền con người - quyền phổ quát về tự do ngôn luận, tiếp cận năng lực chủ thể của người dân... chúng tôi đã triển khai nghiên cứu thực địa trên địa bàn 11 tỉnh vùng dân tộc thiểu số, mỗi tỉnh chọn 02 huyện và mỗi huyện chọn 02 xã/thị trấn (đại diện cho trung tâm và ngoại vi trên địa bàn), cụ thể: (1) tỉnh Lạng Sơn chọn thị trấn Thất Khê và xã Cao Minh (huyện Tràng Định), thị trấn Lộc Bình và xã Xuân Dương (huyện Lộc Bình); (2) tỉnh Hà Giang chọn thị trấn Đồng Văn và xã Phố Cáo (huyện Đồng Văn), thị trấn Vinh Quang và xã Chiến Phố (huyện Hoàng Su Phì); (3) tỉnh Lai Châu chọn thị trấn Mường Tè và xã Bum Nưa (huyện Mường Tè), thị trấn Phong Thổ và xã Vàng Ma Chải (huyện Phong Thổ); (4) tỉnh Sơn La chọn thị trấn Sông Mã và xã Pú Bẩu (huyện Sông Mã), thị trấn Ít Ong và xã Ngọc Chiến (huyện Mường La); (5) tỉnh Nghệ An chọn thị trấn Hòa Bình và xã Yên Na (huyện Tương Dương), thị trấn Tân Lạc và xã Châu Bình (huyện Quỳ Châu); (6) tỉnh Đăk Lăk chọn thị trấn Liên Sơn và xã Yang Tao (huyện Lăk), thị trấn Quảng Phú và xã Ea Drơng (huyện Cư M'gar); (7) tỉnh Kon Tum chọn thị trấn Đắk Hà và xã Ngọk Wang (huyện Đăk Hà), thị trấn Đắk Glei và xã Xốp (huyện Đắk Glei); ( tỉnh Ninh Thuận chọn thị trấn Phước Dân và xã Phước Hậu (huyện Ninh Phước), xã Phước Đại và xã Phước Thành (huyện Bắc Ái); (9) tỉnh Bình Phước chọn thị trấn Đức Phong và xã Thống Nhất (huyện Bù Đăng), thị trấn Lộc Ninh và xã Lộc Quang (huyện Lộc Ninh); (10) tỉnh Trà Vinh chọn thị trấn Cầu Kè và xã Châu Điền (huyện Cầu Kè), thị trấn Cầu Ngang và xã Trường Thọ (huyện Cầu Ngang); (11) tỉnh Kiên Giang chọn thị trấn Minh Lương và xã Minh Hòa Phú (huyện Châu Thành), thị trấn Gò Quao và xã Định Hòa (huyện Gò Quao).

Từ mỗi đơn vị xã/thị trấn chúng tôi chọn 75 đơn vị mẫu (đối tượng - thông tín viên đại diện cho người dân trên địa bàn) để phỏng vấn trực tiếp bằng bảng hỏi và mỗi đơn vị tỉnh chọn 50 đơn vị mẫu để phỏng vấn sâu đại diện bao gồm cả nhà quản lý, người có uy tín, người dân. Như vậy, tổng mẫu chúng tôi có được là 3.300 bảng hỏi phỏng vấn và 550 phỏng vấn sâu; ngoài ra là một loạt các hoạt động tọa đàm, hội thảo, thu thập tài liệu trong nhiều thời kỳ...

Tất cả hoạt động này, với mong muốn mang ý nghĩa thực tiễn sâu sắc là (i) làm rõ bức tranh toàn cảnh của DLXH ở vùng DTTS nước ta hiện nay trong bối cảnh toàn cầu hóa. Đó là một diễn tiến về quá trình hình thành, phát triển của DLXH với các yếu tố tác động của nó vốn tồn tại trong xã hội truyền thống và yếu tố của xã hội hiện đại; từ đó cung cấp một bộ tư liệu tham khảo, một cái nhìn bao quát cho các nhà hoạch định chính sách truyền thông, thông tin; cung cấp cơ sở khoa học cho các nhà nghiên cứu DLXH, nhà quản lý về cơ chế tiếp nhận, phản hồi, định hướng DLXH ở vùng DTTS khi vận dụng nghiên cứu DLXH về một vấn đề xã hội cụ thể. Đồng thời, (ii) đề xuất một số giải pháp, kiến nghị trong đổi mới quan điểm chung về nghiên cứu DLXH, cơ chế chính sách, tổ chức, bộ máy nghiên cứu, tiếp nhận, phản hồi, định hướng dư luận ở vùng DTTS nói riêng và xã hội Việt Nam nói chung.

Cuốn sách chuyên khảo bạn cầm trên tay là sản phẩm được rút ra từ Báo cáo Tổng hợp của đề tài.

Qua đây, chúng tôi xin chân thành cảm ơn Ủy ban Dân tộc (Cơ quan chủ quản), Học viện Khoa học xã hội (Cơ quan chủ trì) đã giúp đỡ, hỗ trợ chúng tôi hoàn thành đề tài - nền móng cho công trình xuất bản này.

Xin cảm ơn các nhà khoa học, các thông tín viên đã góp sức cùng chúng tôi hoàn thành nghiên cứu thú vị này.

Với thời gian ngắn để hoàn thành sản phẩm, nhóm tác giả không thể tránh khỏi sai sót. Rất mong các độc giả góp ý để xuất bản lần sau được hoàn thiện hơn!

Hà Nội, ngày 10 tháng 01 năm 2021

Phan Tân





Read More »

Hành trình tìm đến Dư luận xã hội ở vùng dân tộc thiểu số

 Sách xuất bản tại Nhà xuất bản Hồng Đức

LỜI TỰA

Khi viết những dòng này trong không gian đô thị sầm uất hiện đại, chúng tôi dường như vẫn còn nghe văng vẳng lời người dân từ những nơi xa xôi kia rằng: "Dân như con nhái bên bờ ruộng, đói thì kêu", “Nguyên tắc để dân yên ổn là đừng để dân đói, đừng để dân kiêu, đừng để dân phàn nàn. Ba cái đấy mà không làm được thì dân loạn; thế nên, trên phải để ý đến điều đó...". Suốt hành trình những đợt điền dã thực địa, chúng tôi bị ám ảnh bởi những tiếng nói từ cơ sở, tiếng nói trực tiếp từ người dân vùng dân tộc thiểu số (nơi đang chiếm một phần đáng kể diện tích và dân số của cả nước) và những nhu cầu bình dị nhất trong chuỗi quyền con người - quyền được nói.

Ở 11 tỉnh vùng dân tộc thiểu số (Lai Châu, Sơn La, Hà Giang, Lạng Sơn, Nghệ An, Trà Vinh, Kiên Giang, Bình Phước, Đăk Lăk, Kon Tum, Ninh Thuận) với 22 huyện, 44 xã nơi chúng tôi từng đặt chân đến, hình ảnh những người dân lam lũ, cần cù, chất phác nhưng cũng đầy hào hiệp, nghĩa tình đã để lại những dấu ấn sâu đậm trong chúng tôi. Cuộc sống của họ sẽ thanh bình vừa đủ bên những thửa ruộng bậc thang, những nương rẫy tươi tốt nếu không có sự tiếp cận "khai hóa" của nhiều “lực lượng”.

Như chúng ta biết, trong chiến lược phát triển bền vững, hệ thống cơ chế, chính sách của Nhà nước về phát triển vùng dân tộc, miền núi đến nay tương đối toàn diện, bao phủ gần như toàn bộ các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội... Các chính sách được ban hành kịp thời, ngày càng được chi tiết, cụ thể hóa hơn các quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước, đời sống của người dân vùng dân tộc thiểu số nói chung được nâng lên rõ rệt; tuy nhiên, so với vùng đồng bằng, đô thị vẫn còn là khoảng cách khó có thể "đuổi kịp".

Có nhiều yếu tố tác động để bình luận về sự chậm trễ này và sẽ là hàm hồ, vội vàng đưa ra một quy kết nào đó. Hành trình của chúng tôi, cũng chỉ là những thâu lượm rời rạc những câu chuyện được gặp, được chứng kiến để suy ngẫm.

Trong tiềm thức được tiếp nhận của chúng tôi, không ít người gán nhãn cho người dân tộc thiểu số là những con người sống ở nơi xa xôi, hẻo lánh và không có ảnh hưởng gì tới các sự kiện chính trị của đất nước, có trình độ văn hóa thấp, mê tín dị đoan, có nền kinh tế nặng về tự cung tự cấp và là tác nhân chính gây ra suy thoái môi trường... Nhưng sự thực không phải như vậy. Trên mỗi bước đường điền dã, chúng tôi luôn thấy ở họ sự kiên cường, sự hợp lý trong cách tồn tại theo văn minh tự nhiên; tuy nhiên, hiện nay những con người nơi đây cũng không nằm ngoài vòng ảnh hưởng của toàn cầu hóa.

Ngoài những đổi thay dưới tác động từ các yếu tố mang tính "khai hóa" và toàn cầu hóa, bản thân mỗi tộc người cũng muốn tự khẳng định bản sắc và năng lực nội tại vươn lên như một quy luật tiến hóa tự nhiên. Trên bước đường khẳng định bản sắc và năng lực nội tại ấy, bên cạnh những thành tựu của phát triển, người dân tộc thiểu số từng bước tiệm cận với hiện đại hóa, toàn cầu hóa thì họ cũng gặp phải không ít khó khăn như thiếu tư liệu sản xuất, thiếu việc làm, ô nhiễm môi trường,v.v...

Trong hoàn cảnh đó, như một điều tất yếu, nhu cầu được nói, được biểu đạt trước những vấn đề liên quan đến giá trị, lợi ích của cá nhân và cộng đồng đã trỗi dậy. Trên bước đường chúng tôi đi qua, họ đã nói, họ đã thể hiện quan điểm của mình và với chúng tôi họ vốn có hoặc/và họ đã thay đổi; họ đã đặt mình trong sự phát triển chung để khẳng định họ không phải là "nhóm yếu thế", tiếng nói của họ phải được trân trọng. Chúng ta không được tự mình tước đi cơ hội thấu hiểu về những gì đang xảy ra liên quan đến bức tranh về dư luận xã hội ở vùng dân tộc thiểu số.

Như đã nói ở trên, nững câu chuyện chúng tôi thâu lượm và trình bày trong cuốn sách này là nguồn tư liệu phục vụ đề tài cấp Nhà nước Những vấn đề lý luận và thực tiễn về dư luận xã hội vùng dân tộc thiểu số ở nước ta trong bối cảnh toàn cầu hóa (Mã số: CTDT.37.18/16-20), hy vọng giúp ích cho những ai cần tham khảo khi quan tâm đến vùng dân tộc thiểu số.

Xin chân thành cảm ơn Ủy ban Dân tộc (Cơ quan chủ quản đề tài), Học viện Khoa học xã hội (Cơ quan chủ trì đề tài) đã cho phép chúng tôi triển khai nghiên cứu có ý nghĩa này.

Xin cảm ơn các thông tín viên đã vì sự phát triển của cộng đồng mà cất lên những tiếng nói tâm huyết.

Cuối cùng xin cảm ơn các bạn điều tra viên đã cùng trên Hành trình tìm đến dư luận xã hội vùng dân tộc thiểu số!

Trân trọng giới thiệu!!




Read More »

Public Opinion of Ethnic Minority Area in Northern Vietnam in the Context of Globalization

            Đăng trên tạp chí 

International Journal on Minority and Group Rights 28 (2021) 645-665

©   koninklijke brill nv, leiden, 2021  |  doi:10.1163/15718115-bja10013

            Phan Tan

Doctor of Sociology, Graduate Ho Chi Minh National Academy of Politics, Social Sciences of Publishing House of Vietnam Academy of Social Sciences,

Hanoi, Vietnam

phantanxh@gmail.com

 

Le Thi Thuy Ly

Doctor of Philosophy in Cultural Studies, Graduate Academy of Social Sciences, Institute of Cultural Studies of Vietnam Academy of Social Sciences, Hanoi, Vietnam

Abstract

 Researching public opinion in ethnic minority areas of Vietnam in general and ethnic minority area of Northern Vietnam in particular to understand what people are desiring is essential.

Ethnic minorities in Northern Vietnam are not only concerned with the urgent  issues associated with their daily lives, but also diverse social issues in an age where communication is strongly developing. People always show dynamism and activeness in practices related to public opinion. And remarkably, in this picture, there is no clear slice between modern elements of the globalization context and traditional elements. Views that ethnic minorities are always passive need to be revised. It is necessary to create conditions for people to participate more effectively in the policy making process.

 

Keywords

 ethnic minority areas public opinion globalization Northern Vietnam prejudice

 

1                                         Introduction

Socio-economic changes are a major concern in the studies of ethnic minori- ties in Northern Vietnam in the period from after Doi Moi (Renovation) to the present; however, public opinion to what is happening to the people them- selves has not been investigated in-depth and comprehensively. Therefore, the study of public opinion here to understand what people are looking for and struggling is essential.

Our article is constructed by material collected from our research trips in Northern provinces of Vietnam (Lang Son, Ha Giang, Lai Chau and Son La) from November 2018 to April 2019 within the framework of  the State-level Science  Topics  Theoretical  and  Practical  Issues  of  Public  Opinion  in  Ethnic Minority Areas in the Context of Globalization chaired by the Graduate Academy of Social Sciences.1

 

2                                         Approach

The highlands are not marginal and have no influence on Vietnam’s political events, but on the other hand play an important role for the whole country.2 However, in the simplified view of many Kinh people (i.e., ethnic majorities) of the highland, it is considered as a land abandoned by history. In addition, and more importantly, many other false and negative perceptions of the Kinh peo- ple about highland residents also exist, namely: the ecological environment in this place has been damaged by the ignorance of the people through shift- ing cultivation, local customs are filled with superstitions, the self-sufficient economic system is still the main choice, and they prefer to live in the past rather than transform themselves towards marketization, etc.3 Such a view of essentialism which believes that there is a pre-existed and inherent ‘iden- tity’ in contemporary ethnic minorities that constantly dominates those com- munities – has led to a long-term prejudice and a lot of bad consequences for ethnic minorities. Around the collective behaviour of ethnic minorities, including the formation and dissemination of public opinion, there have been many opinions that they have limited awareness and easily become objects for evil forces to provoke and take advantage of. Such an approach eliminates the diverse possibilities of reality and it unlikely to give us a true understanding of ethnic minorities, whereas humans are always complex and tend to act in a meaningful way. It is necessary to realize and grasp the ‘web of significance’ in which they are placing themselves.4 We are aware that, if we maintain a prejudice that ethnic minorities are incapable of answering why they did what they did, we will lose the chance to understand what is happening in relation to public opinion in ethnic minority areas. Our study, therefore, is carried out on the principle of focusing on the view of the insider. With the grounded the- ory approach, this study uses research results from specific places to discuss existing theories.

Read More »

Tác động của Toàn cầu hóa đến dư luận xã hội vùng dân tộc thiểu số ở Việt Nam

 Bài đăng ở Tạp chí Thông tin Khoa học xã hội, số 06 (450) 2020)

Tóm tắt: Kể từ khi đất nước tiến hành công cuộc Đổi mới (1986), hội nhập, toàn cầu hóa đã có tác động ngày càng lớn đến đời sống kinh tế, văn hóa và xã hội vùng dân tộc thiểu số (DTTS), đồng thời cũng tác động đáng kể đến bức tranh dư luận xã hội (DLXH) nơi đây qua việc làm thay đổi những thực hành liên quan của người dân. Kết quả khảo sát thực địa của chúng tôi ở nhiều địa phương thuộc vùng DTTS cho thấy, người dân đã không ngừng mở rộng những vấn đề quan tâm của mình trong bối cảnh mới, - bằng phương tiện truyền thông kỹ thuật số - họ đã nói được với nhiều người hơn, ở nhiều nơi, vào nhiều thời điểm và theo nhiều cách thức đa dạng hơn về điều họ muốn nói.

Từ khóa: Dư luận xã hội, Toàn cầu hóa, Dân tộc thiểu số

Abstract:

After the time when Vietnam carried out the Innovation (“Đổi Mới”) work, thereby promoting its integration with the world, the context of globalization has had an increasingly large impact on the economic, cultural and social life of the ethnic minorities. It also has a significant impact on the public opinion landscape here by changing the related practices of the people. The results of our field survey in many ethnic minority areas show that people are constantly expanding their concerns between the new context and - using digital media - they spoke to many people, in many places, at different times and in a variety of ways about what they wanted to say.

Key words: Public opinion, globalization, ethnic minorities

Mở đầu1(*)(**)[1](*)(**)

Ở Việt Nam có 53 DTTS. Theo Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14/01/2011 của Chính phủ về công tác dân tộc, vùng DTTS là địa bàn có đông các DTTS cùng sinh sống ổn định thành cộng đồng trên lãnh thổ đất nước.

Trên tinh thần xác định hội nhập kinh tế là trọng tâm để từ đó mở rộng ra các lĩnh vực khác, quá trình hội nhập với toàn cầu đã đưa đến những chuyển biến mạnh mẽ về kinh tế và tiếp đó là về xã hội và văn hóa ở Việt Nam. Đặc biệt, vùng DTTS, vùng núi cao, vùng sâu, vùng xa tưởng chừng như sẽ khó khăn với tiến trình hội nhập thì cũng đã có nhiều thay đổi, trong đó có những thay đổi về bức tranh DLXH.

1. Vài nét về vùng dân tộc thiểu số dưới tác động của toàn cầu hóa

Vùng DTTS Việt Nam chia sẻ bối cảnh chung với các vùng miền khác khi đất nước đẩy mạnh hội nhập. Đặc biệt kể từ khi Đổi mới, Việt Nam là một trong những nước đang phát triển nhận được nhiều dự án về kinh tế và văn hóa - xã hội do nước ngoài và các tổ chức quốc tế tài trợ mà vùng DTTS chính là đích đến của một bộ phận đáng kể trong số đó.

Người dân vùng DTTS đã đón nhận cả hai dòng chảy lớn nhất của toàn cầu hóa: toàn cầu hóa về kinh tế và toàn cầu hóa về văn hóa.

* Về kinh tế: Toàn cầu hóa đã làm thay đổi cơ bản hoạt động kinh tế của Việt Nam nói chung và vì thế, nó cũng dẫn đến sự gắn kết của thị trường vùng DTTS với thị trường quốc tế về hàng hóa, dịch vụ, tài chính - tiền tệ... Điều này mang lại cả những ảnh hưởng tích cực lẫn tiêu cực đối với đời sống của người vùng DTTS.

Có thể thấy, toàn cầu hóa về kinh tế đã đem đến cho vùng DTTS Việt Nam những mặt tích cực. Thứ nhất, nền kinh tế quốc gia trở thành một bộ phận của nền kinh tế thế giới giúp cho nền kinh tế của vùng DTTS có điều kiện hội nhập với thế giới bên ngoài, mở rộng cơ hội tìm kiếm thị trường và thu hút vốn đầu tư. Thứ hai, sự hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu đem đến khả năng khai thác, vận dụng một cách hiệu quả thế mạnh của từng địa phương cho sự phát triển (ví dụ như thế mạnh về sản phẩm du lịch, về các mặt hàng nông nghiệp truyền thống...). Thứ ba, xu thế toàn cầu hóa đặc biệt mở ra triển vọng lớn cho các địa phương trong việc tiếp thu những thành tựu về khoa học - công nghệ hiện đại để “đi tắt đón đầu”, rút ngắn được khoảng cách phát triển với các khu vực khác.

Tuy nhiên, toàn cầu hóa cũng khiến vùng DTTS Việt Nam phải đối mặt với một số vấn đề. Thứ nhất, sự thúc đẩy khai thác tài nguyên cho mục đích công nghiệp hóa và những hệ lụy của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho mục đích xuất khẩu dẫn đến việc người DTTS tại chỗ mất tư liệu sản xuất. Thứ hai, mặt trái từ sự đầu tư dồn dập của các tập đoàn kinh tế bên ngoài vào các vùng DTTS gây ảnh hưởng lớn tới môi trường sống cả về mặt tự nhiên và xã hội, khiến cho tình trạng ô nhiễm (đất, không khí, nguồn nước...), bệnh tật, tệ nạn xã hội... gia tăng. Thứ ba, việc di cư ồ ạt lên vùng cao thúc đẩy mâu thuẫn tộc người do khả năng tự bảo vệ của người dân tộc tại chỗ còn hạn chế (liên quan đến vốn kinh tế, vốn xã hội...), khiến vùng DTTS có nhiều bất ổn. Thứ tư, bối cảnh mới khiến cho cơ hội nghề nghiệp của người DTTS tại chỗ không nhiều, vì nhìn chung họ không phải luôn có đủ trình độ, k năng, kinh nghiệm... để đáp ứng. Thứ năm, năng lực thị trường thấp khiến người dân vùng DTTS có nguy cơ tụt hậu khi tham gia vào nền kinh tế toàn cầu, làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo ở đây.

Như vậy, ảnh hưởng của toàn cầu hóa về kinh tế đối với người DTTS mang tính hai mặt. Nó mở ra cơ hội cho họ, nhưng cũng đưa tới nhiều thách thức.

* Về văn hóa: Toàn cầu hóa thúc đẩy sự giao lưu giữa các hệ giá trị văn hóa trên thế giới với hệ giá trị văn hóa dân tộc. Nó tạo điều kiện cho những hệ giá trị văn hóa mới từ bên ngoài du nhập, dẫn đến việc người dân vừa tiếp thu các chuẩn mực/giá trị mới, vừa đánh giá/lựa chọn lại các chuẩn mực/giá trị cũ trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, điều này đã góp phần làm thay đổi văn hóa của nhiều tộc người, nhiều vùng miền. Đặc biệt, bối cảnh toàn cầu hóa khiến người DTTS có cơ hội tiếp xúc với các hệ tư tưởng khác nhau trên thế giới, dẫn đến việc nhìn nhận lại các ngôn thuyết liên quan đến tiến hóa luận, qua đó làm họ có ý thức cao hơn/khác đi về vấn đề tộc người, vấn đề dân chủ - nhân quyền...

Cũng như ảnh hưởng của toàn cầu hóa kinh tế, ảnh hưởng của toàn cầu hóa văn hóa đối với người DTTS có tính đa chiều. Bên cạnh việc nền văn hóa của mỗi dân tộc có cơ hội lan tỏa ra bên ngoài cũng như tiếp nhận những yếu tố bên ngoài để làm phong phú cho chính mình, người DTTS cũng phải đối mặt với những nguy cơ mà tiêu biểu là nguy cơ xóa nhòa các đường biên văn hóa dẫn đến xung đột giữa các nền văn hóa và nguy cơ bị “hòa tan”.

2. Dư luận xã hội của người dân vùng dân tộc thiểu số trong bối cảnh toàn cầu hóa

Trong bối cảnh vùng DTTS chịu tác động mạnh mẽ của toàn cầu hóa, dư luận xã hội của người dân nơi đây cũng chịu tác động đáng kể. Dưới đây là một số ghi nhận của chúng tôi trong quá trình điền dã ở 11 tỉnh thành từ Bắc vào Nam thuộc vùng DTTS trong khuôn khổ Đề tài khoa học cấp Nhà nước Những vấn đề lý luận và thực tiễn về DLXH ở vùng DTTS trong bối cảnh toàn cầu hóa[2].

2.1. Phương tiện truyền thông - một trong những công cụ đưa người dân tộc thiểu số bước vào toàn cầu hóa

Trong số các phương tiện truyền thông mà người dân có thể tiếp cận, chúng tôi tập trung phân tích hai kênh quan trọng là truyền hìnhinternet - những phương tiện đã đưa thế giới đến gần hơn với người dân ở vùng DTTS và vì thế có vị trí quan trọng trong đời sống DLXH nơi đây.

Khảo sát của chúng tôi cho thấy, truyền hình là một trong những kênh quan trọng hàng đầu hiện nay đối với người dân các khu vực này trong việc tìm kiếm thông tin (72,6% người được khảo sát tiếp cận thông tin qua kênh này). Còn internet tuy chưa thực sự phổ biến song cũng là kênh được nhiều người lựa chọn (29,8%).

Theo nghiên cứu hơn một thập niên trước của C. Baker (2008), truyền hình là phương tiện truyền thông nằm trong mối quan tâm của công chúng trên thế giới. Còn theo kết quả nghiên cứu của chúng tôi, hiện nay ở Việt Nam, truyền hình vẫn đang chiếm một vị trí đặc biệt ý nghĩa trong việc tiếp cận thông tin của người dân vùng DTTS, giúp người dân tiếp cận với cả những vấn đề vượt lên trên biên giới quốc gia. Sự hiện diện phổ biến của chiếc tivi đã khiến truyền hình trở thành kênh truyền thông giữ vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần thường nhật của người dân. Một phần đáng kể nhờ đó mà người dân vùng DTTS không còn ở trong tình trạng thiếu thông tin từ các phương tiện truyền thông đại chúng, kể cả trong trường hợp họ không biết đọc (vì “báo hình” đáp ứng được nhu cầu thông tin của cả những người mù chữ). Trong các chương trình truyền hình, thời sự (bao gồm cả thời sự quốc tế) là một trong những chương trình được yêu thích của rất nhiều người. Ngoài ra, các kênh truyền hình mất phí cũng không xa lạ với những gia đình ở vùng trung tâm, hoặc những gia đình có điều kiện khá giả ở vùng ngoại vi.

Internet cũng là kênh quan trọng trong việc tìm kiếm, trao đổi thông tin của người DTTS. Dù chưa phủ song hoàn toàn ở vùng DTTS, nhưng internet đã được sử dụng bởi hơn 1/3 số người được hỏi (38,2%). Trong số đó, có 76,3% truy cập nhiều hơn 1 lần/ngày, 16,9% truy cập 1 lần/3-4 ngày; số người cả tuần mới truy cập một lần chỉ chiếm 6,8%. So với kết quả nghiên cứu của D. Trend hơn một thập niên trước, khi phần lớn các tộc người không thuộc phương Tây và đa số dân cư trên thế giới vẫn chưa thể sử dụng internet do “thiếu tiền, thiếu sự tiếp cận hoặc không có kiến thức” (Trend, 2005: 2), thì con số này ở vùng DTTS Việt Nam hiện nay rất đáng kể.

Mặc dù còn có những tranh cãi, nhưng internet được xem như một không gian của sự dân chủ hóa (Poster, 1997). Trước hết, nó tạo điều kiện cho sự lưu hành thông tin và đối thoại. Sau nữa, do đặc tính siêu văn bản khi văn bản này dẫn dắt đến văn bản khác bởi các đường liên kết điện tử, nó khiến độc giả có tính tích cực (Landow, 2005). Tất cả những điều đó đều gắn với sự dân chủ, vì tự do thông tin luôn là hòn đá tảng của dân chủ. Trên thực tế, với việc mở ra những cơ hội mới cho những tiếng nói mới, internet đã tạo ra một không gian tự do cho đời sống dư luận của người dân Việt Nam nói chung và người dân vùng DTTS nói riêng.  Internet tạo ra cơ hội cho tất  cả mọi người được tiếp cận và chia sẻ thông tin, không phân biệt sắc tộc, dân tộc, giới tính, tuổi tác, nghề nghiệp, địa vị xã hội... Đúng như nhận định của Sassen (2002), internet chính là một phương tiện trung gian để những người thường bị xem “không phải tinh hoa” đóng góp vào một xã hội dân sự dân chủ hơn. Nói cách khác, nó cho phép tất cả các nhóm bị loại trừ tham gia vào các quá trình dân chủ.

Để truy cập internet, số liệu khảo sát của chúng tôi cho thấy, người dân chủ yếu sử dụng điện thoại thông minh (smartphone) thay vì các thiết bị khác, không chỉ vì nó có sự “hội tụ công nghệ” (đa chức năng), mà còn vì nó thuận tiện trong sử dụng. Trong số 83,7% thông tín viên cho biết có sử dụng điện thoại, có tới một nửa sử dụng điện thoại thông minh, và hầu hết những người sử dụng internet cũng là những người sử dụng điện thoại thông minh (93,7%).

Điện thoại thông minh thực tế vẫn là một thứ tài sản khá có giá trị với nhiều người DTTS. Ở vùng ngoại vi, việc có được một chiếc điện thoại thông minh là một sự cố gắng nhất định:Điện thoại của tôi mua trả góp hàng tháng! Đã mua đứt được đâu, tháng năm trăm ngàn! Người ta có mình phải có chứ, người ta mua được mình cũng phải mua được. Thời buổi này là thời buổi công nghệ mà” (nam 40 tuổi, người M'Nông, xã Yang Tao, huyện Lăk, tỉnh Đăk Lăk). Ngược lại, ở khu vực trung tâm, điện thoại thông minh hết sức phổ biến, việc không có nó sẽ được là một sự lạ:Bây giờ mà không dùng nó thì có mà không bình thường à?” (nam 40 tuổi, người Nùng, thị trấn Thất Khê, huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn); “thanh niên từ 15 - 16 tuổi là bắt đầu dùng mạng rồi” (Trưởng khu phố thị trấn Thất Khê, huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn).  

Có thể nói, bức tranh DLXH ở vùng DTTS hiện nay liên quan nhiều đến những điều kiện về truyền thông khi mà sự giao lưu với thế giới bên ngoài dân tộc, ngoài địa phương, thậm chí ngoài đất nước của người dân được cải thiện.

2.2. Những thay đổi về nội dung và hình thức trong DLXH vùng dân tộc thiểu số

Toàn cầu hóa đã tác động mạnh mẽ đến quá trình hình thành DLXH của vùng DTTS ở cả hai khía cạnh nội dung và hình thức.

* Nội dung Dưới tác động của bối cảnh toàn cầu hóa, người dân vùng DTTS Việt Nam không còn chỉ giới hạn “mô hình quan tâm” ở những sự kiện, hiện tượng có ảnh hưởng trực tiếp đến mình như trước (Cantril, 1966). Do sự bùng nổ của công nghệ thông tin, người dân nơi đây ngày quan tâm nhiều hơn đến những vấn đề xã hội, không chỉ ở địa phương mà còn cả ở ngoài phạm vi dân tộc, địa phương, vùng miền, có thể là những vấn đề rộng lớn mang tính toàn cầu như ô nhiễm môi trường, khủng bố, buôn người xuyên biên giới, buôn bán hàng giả... Điều này là dễ hiểu, vì toàn cầu hóa đã dẫn đến một quá trình “giải ranh giới” qua việc xóa mờ đường biên giữa các quốc gia/vùng lãnh thổ.

Ô nhiễm môi trường toàn cầu là vấn đề được các thông tín viên đề cập khá nhiều:Ngày nay ô nhiễm là ô nhiễm chung, không thể nói là chuyện riêng của nước nào. Bởi vì ô nhiễm bây giờ không còn ở mức độ đơn giản và cục bộ như xưa nữa. Như cái chuyện hiệu ứng nhà kính đấy... Thế nên đã là công dân thế giới thì đều phải có ý thức cả (nam 61 tuổi, người Thái, khối 4, thị trấn Tân Lạc, Quỳ Châu, Nghệ An). Tuy nhiên, chiếm vị trí quan trọng trong mối quan tâm của dư luận vùng DTTS vẫn là những vấn đề thiết thân của người dân ở địa phương, trong đó nổi bật nhất chính là vấn đề sinh kế: sự suy thoái của đất đai và nguồn nước sản xuất do ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường; tình trạng bị vô hiệu hóa của tri thức bản địa trong nông nghiệp; sự phụ thuộc bất khả kháng của hộ gia đình vào hệ thống kinh tế bên ngoài; sự bất bình đẳng trong thu nhập và trong việc tiếp cận các cơ hội phát triển; việc được đền bù tư liệu sản xuất chưa thỏa đáng từ các dự án phát triển... Những vấn đề này ít nhiều đều có liên quan đến các giá trị mới - cái được hình thành bởi toàn cầu hóa. Trong đó, đáng chú ý nhất là những vấn đề liên quan đến ý thức về quyền con người và tộc người.

* Hình thức

Về đối tượng: Trước đây, người dân thường chỉ trao đổi thông tin với những người thân quen. Nhưng hiện tại, bên cạnh những mối quan hệ truyền thống, nhờ Internet và các phương tiện kỹ thuật số người ta có thể dễ dàng tiếp xúc với người khác (kể cả những người xa lạ) trong một không gian ảo. Nói cách khác, Internet kết nối những con người từ các nền tảng đa dạng lại với nhau. Mỗi người sẽ trở thành một điểm trong một tập hợp liên kết, sự trải rộng của tập hợp ấy “vượt xa những gì mà người sử dụng có thể tưởng tượng” (Shields, 1996: 7). Với nhiều tính năng của mạng xã hội, những người tham gia vào các thực hành liên quan đến dư luận sẽ thoải mái trao đổi, thể hiện ý kiến về những vấn đề mình quan tâm. Có những ý kiến cho biết, khi cảm thấy cần lên tiếng về một vấn đề của địa phương, họ thường sử dụng những cách thức quan phương (ví dụ thông qua các tổ chức chính trị - xã hội), nhưng lúc nào bức xúc quá thì sẽ đưa ý kiến lên mạng xã hội. Mạng xã hội là nơi mà nhiều người sẽ biết đến câu chuyện người ta muốn nói, nhờ đó câu chuyện sẽ lan xa hơn mức chờ đợi (nam 36 tuổi, người Dao, bản Sì Choang, xã Vàng Ma Chải, Phong Thổ, Lai Châu).

 Về địa điểm: D. Croteau và W. Hoynes (2003) từng nhận định, Internet đã phá tan sự cách biệt về mặt địa lý giữa những người tương tác. DLXH vùng DTTS hiện nay cũng tương tự, không có một không gian “vật chất” nào tồn tại giữa người nói và người tiếp nhận, vì không gian ảo đã xóa nhòa mọi ranh giới:Thời buổi công nghệ thông tin rồi, đâu phải như ngày xưa. Anh em bây giờ muốn nói chuyện gì cũng không cần phải tụ tập với nhau mới nói được (nam 53 tuổi, người Thái, tổ 7, thị trấn Sông Mã, Sông Mã, Sơn La).

Bảng 1: Thời điểm trao đổi những thông tin quan trọng sau khi tiếp nhận (%)

 

Có sử dụng Internet

Không sử dụng Internet

Chung

1. Trao đổi ngay sau khi nhận tin

12,9

26,3

21,2

2. Suy nghĩ kĩ rồi mới trao đổi

57,8

44,2

49,4

3. Tùy vào từng loại tin, vấn đề mà suy nghĩ kĩ hoặc trao đổi ngay khi nhận tin

28,6

27,2

27,7

4. Khác

0.7

2,2

1,6

 R.D. Putnam (1995) từng lo ngại rằng, những xu hướng kỹ thuật đang “riêng tư hóa” hoặc “cá nhân hóa” một cách triệt để việc chúng ta sử dụng thời gian rảnh rỗi, và vì vậy cộng đồng của chúng ta sẽ trở nên tuy rộng nhưng nông hơn. Tuy nhiên, ở nhiều trường hợp nghiên cứu của chúng tôi, người dân khẳng định việc chỉ gặp gỡ gián tiếp qua phương tiện kỹ thuật số không làm giảm đi mối quan hệ của họ với những người khác trong cộng đồng. Ngược lại, trên góc độ nào đó, nó còn có thể làm cho mối quan hệ ấy gắn bó hơn:Ai cũng bận rộn cả, hết việc mưu sinh lại đến việc nhà cửa nên có phải lúc nào cũng gặp nhau được đâu, chính nhờ cái điện thoại mà vẫn duy trì được sự giao tiếp thường xuyên. Chia sẻ với nhau được nhiều chuyện, có chung nhiều mối quan tâm thì sự thân thiết lại còn tăng lên ấy chứ! (nữ 35 tuổi, người Tày, khu 1, thị trấn Thất Khê, Tràng Định, Lạng Sơn). Đây cũng chính là một điều kiện thuận lợi cho việc tăng cường sức sống của các thực hành liên quan đến dư luận ở người dân.

Về thời điểm: Các phương tiện truyền thông kỹ thuật số đã xóa đi nhiều giới hạn của sự tương tác về mặt thời gian, hay nói cách khác là xóa đi nhiều khoảng thời gian (riêng tư) được mặc định là không nên tương tác (giờ ăn, giờ ngủ,…). Việc xâm phạm thời gian riêng tư của người khác có thể không còn bị coi là vấn đề lớn, bởi người tiếp nhận thông tin có thể được lựa chọn “đáp lại thông tin” ngay lập tức hay không. Bây giờ chuyện liên lạc rất thuận tiện, lúc nào cũng được chứ không như trước! Có những việc không trao đổi sớm để quyết định là lỡ mất thời điểm (nam 56 tuổi, người Thái, khu 11, thị trấn Mường Tè, Mường Tè, Lai Châu).

Về cách thức: Với việc cân nhắc về các thông tin trước khi trao đổi, chỉ 21,2% số người được hỏi cho biết sẽ trao đổi ngay sau khi nhận được thông tin, còn 49,4% suy nghĩ kĩ rồi mới trao đổi và 27,7% tùy theo vấn đề mà quyết định (Bảng 1). Như vậy, có tới hơn 3/4 số người được hỏi bộc lộ sự thận trọng trong việc này. Điều này được giải thích rằng: “Bây giờ dân trí mở mang hơn, thông tin lại có nhiều nên phải cân nhắc, nói gì cũng nghĩ kĩ rồi mới nói. Nhất là khi mình trao đổi với người của chính quyền và đoàn thể về những cái có liên quan đến quyền lợi của dân tộc mình, mình không thể nói bừa được. Đấy cũng cũng là trách nhiệm công dân nữa (nam 61 tuổi, người

Bảng 2: Cách ứng xử khi không đồng ý với kết quả giải quyết (hay cách giải quyết) của cán bộ xã/thị trấn (hoặc Ủy ban xã/thị trấn) về một vấn đề cụ thể (%)

 

Có sử dụng Internet

Không sử dụng Internet

Chung

1. Thảo luận, tranh luận cùng cán bộ để tìm ra cái đúng

61,5

52,2

55,7

2. Tập hợp mọi người xung quanh để cùng giải quyết

22,0

19,1

20,2

3. Phản đối gay gắt bằng lời nói

10,6

7,5

8,7

4. Đưa vấn đề ra xin ý kiến ở cuộc họp thôn/bản

58,5

52,8

55,0

5. Viết đơn khiếu nại, tố cáo

16,3

9,6

12,1

6. Dùng sức mạnh/vũ lực để giải quyết

1,0

0,4

0,6

7. Không phản ứng gì, chấp nhận tuân theo

15,3

29,1

23,8

Thái, khối 4, thị trấn Tân Lạc, Quỳ Châu, Nghệ An). Khi xem xét việc này trong mối tương quan với việc sử dụng Internet, có thể thấy những người có sử dụng Internet chính là những người cân nhắc thận trọng hơn cả trong việc trao đổi thông tin (xem Bảng 1).

Khi không đồng ý với cách giải quyết của cán bộ xã/thị trấn trong một vấn đề cụ thể (câu hỏi cho phép chọn nhiều đáp án), 55,7% người được hỏi chọn giải pháp thảo luận, tranh luận để tìm ra cái đúng, 55,0% chọn giải pháp đưa vấn đề ra xin ý kiến ở cuộc họp thôn/bản/buôn/ấp, 20,2% chọn giải pháp tập hợp mọi người xung quanh để cùng giải quyết, 12,1% chọn giải pháp viết đơn tố cáo, 8,7% chọn giải pháp phản đối gay gắt bằng lời nói và 0,6% chọn giải pháp dùng vũ lực (Bảng 2). Khi không đồng ý với cách giải quyết của cán bộ ở thôn/bản/buôn/ấp, sự lựa chọn của người dân cũng gần tương tự. Trong đó, những người sử dụng internet tỏ ra sẵn sàng hơn với tất cả các giải pháp, trừ giải pháp bất hợp pháp là dùng vũ lực.

Để các cấp chính quyền biết đến ý kiến của mình, các cách thức chính của người dân là đề xuất thông qua các kênh như cán bộ thôn/bản/buôn/ấp trên địa bàn (82%), người có uy tín trong cộng đồng sinh sống (48,4%), các tổ chức chính trị - xã hội như đoàn thanh niên, hội phụ nữ, hội cựu chiến binh… (42,5%). Các cách thức được người dân sử dụng ít hơn là: đề xuất thông qua các cuộc bầu cử địa phương bằng phiếu (29,7%), đề đạt trực tiếp tại các cơ quan công quyền (23,1%), đề đạt bằng văn bản (đơn, thư) lên các cấp chính quyền theo trình tự (16,8%). Chỉ một số rất ít người lựa chọn cách thức đề xuất ý kiến thông qua các phương tiện công nghệ thông tin (3,3%), báo chí đài truyền hình/thanh địa phương (1,5%), hay văn bản (đơn, thư) vượt cấp (1,2%). Có thể thấy, cách thức đề xuất ý kiến của người dân nhìn chung khá phong phú. Đặc biệt, những người sử dụng internet - một lần nữa - có sự sẵn sàng đáng kể hơn những người khác trong việc lựa chọn các cách thức đa dạng để phản ánh những ý kiến của mình tới các cấp chính quyền  (xem Bảng 3).

Có thể nói, trong bối cảnh toàn cầu hóa, những người dân vùng DTTS mà chúng tôi tiếp cận bộc lộ khá rõ sự ý thức về quyền và trách nhiệm của mình trong việc cân nhắc trước khi trao đổi thông tin, trong việc ứng xử khi không đồng ý với kết quả giải quyết (hay cách giải quyết) của cán bộ chính quyền về một vấn đề cụ thể, và trong việc lựa chọn những cách phản ánh để chính quyền các cấp biết đến ý kiến của mình. Trong đó, những người sử dụng internet là những người “đáp ứng mạnh hơn” với mọi phương án được đưa

Bảng 3: Cách thức để các cấp chính quyền biết đến ý kiến của mình (%)

 

Có sử dụng Internet

Không sử dụng Internet

Chung

1. Đề xuất ý kiến thông qua người có uy tín trong cộng đồng sinh sống

46,8

49,5

48,4

2. Đề xuất ý kiến thông qua cán bộ thôn/bản/buôn/ấp trên địa bàn

79,8

83,4

82,0

3. Đề xuất ý kiến thông qua các tổ chức chính trị - xã hội (đoàn thanh niên, hội phụ nữ, hội cựu chiến binh…)

44,6

41,2

42,5

4. Đề xuất ý kiến thông qua báo chí và đài truyền hình/thanh địa phương

2,5

0,9

1,5

5. Đề xuất ý kiến thông qua các phương tiện công nghệ thông tin, internet (facebook, zalo…)

8,0

0,3

3,3

6. Thông qua các cuộc bầu cử địa phương bằng các lá phiếu

34,1

26,9

29,7

7. Đề đạt trực tiếp tại các cơ quan công quyền

26,2

21,3

23,1

8. Bằng văn bản (đơn, thư) lên các cấp chính quyền theo trình tự

23,3

12,8

16,8

9. Bằng văn bản (đơn, thư) vượt cấp

1,2

1,3

1,2

ra, nói  cách khác họ kiên quyết hơn rõ rệt trong việc bảo vệ những lợi ích mà họ xem là chính đáng của bản thân và của những người khác.

Như vậy, toàn cầu hóa đang thực sự trở thành yếu tố quan trọng chi phối DLXH vùng DTTS Việt Nam. Trong bức tranh chung khá khả quan, như kết quả khảo sát đã chỉ ra, nổi bật lên là sự tự tin và quyết đoán của những người có mối gắn kết với internet. Theo nghiên cứu của D. Miller và D. Slater, vấn đề không chỉ nằm ở chỗ Internet đã mở rộng khái niệm của họ về sự dân chủ; nó còn nằm ở chỗ những trải nghiệm về dân chủ trên không gian mạng đã thúc đẩy ở họ niềm mong muốn tìm kiếm điều đó trong không gian hiện thực. Đây là một ví dụ nữa cho thấy không gian Internet đã góp phần tạo nên không gian hiện thực ra sao.

Kết luận

Mặc dù, nói như N.L. Jamieson và cộng sự (1998), không có câu chuyện hoang đường rằng các DTTS thì nằm tĩnh tại trong lịch sử và không tương tác với bên ngoài, toàn cầu hóa vẫn là bối cảnh rất quan trọng cho những biến đổi hết sức đa dạng và nhanh chóng ở vùng DTTS của Việt Nam những thập niên qua. Toàn cầu hóa, theo cách của mình, đã tác động đến DLXH ở vùng đất này với mức độ rất đáng kể. Nhờ bước tiến vượt bậc của công nghệ thông tin, sự tiếp cận với thế giới rộng lớn bên ngoài đã làm thay đổi nhiều thực hành liên quan đến DLXH của những người dân nơi đâyq

 

Tài liệu tham khảo

1.      Baker, C. (2008), Cultural Studies: Theory and Practice, SAGE Publications, London.

2.      Cantril, H. (1966), The Pattern of Human Concerns, Rutgers University Press, New Brunswick.

3.      Croteau, D., Hoynes, W. (2003), Media Society: Industries, Images and Audiences, Pine Forge Press, Thousand Oakes, Calif.

4.      Jamieson, N.L., Le, T.C., Rambo, T.A. (1998), “The Development Crisis in Vietnam’s Mountains”, East-West Centre Special Report, Number 6. Hawaii.

5.      Landow, G. (2005), “Hypertext and Critical Theory”, in: D. Trend (ed.), Reading Digital Culture, Blackwell, Oxford.

6.      Miller, D., Slater, D. (2001), The Internet: An Ethnographic Approach, Berg Publishers, London.

7.      Poster, M. (1997), “Cyberdemocracy: The Internet and the Public Sphere”, in: D. Poster (ed.), Internet Culture, Routledge, London.

8.      Putnam, R.D. (1995), “Bowling Alone: America’s Declining Social Capital”, Journal of Democracy, 6 (1): 65-78.

9.      Shields, R. (ed., 1996), Cultures of the Internet: Virtual Spaces, Real Histories, Living Bodies, SAGE, London.

10.  Trend, D. (ed., 2005), Reading Digital Culture, Blackwell, Oxford.



1 Bài viết là kết quả của Đề tài khoa học cấp Nhà nước “Những vấn đề lý luận và thực tiễn về DLXH ở vùng dân tc thiểu số nước ta trong bối cảnh toàn cầu hóa, Mã số: CTDT.37.18/16-20, do TS. Phan Tân làm chủ nhiệm, Học viện Khoa học xã hội chủ trì.

(*) TS., Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; Email: phantanxh@gmail.com

(**) TS., Viện Nghiên cứu Văn hóa, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; Email: lethithuyly@gmail.com

 

[2] Đề tài đã triển khai khảo sát trên địa bàn 11 tỉnh có đông đồng bào DTTS sinh sống (gồm: Lạng Sơn, Hà Giang, Lai Châu, Sơn La, Nghệ An, Kon Tum, Đăk Lăk, Ninh Thuận, Bình Phước, Trà Vinh, Kiên Giang) với 3.283 bảng hỏi, 550 phỏng vấn sâu. Khảo sát được thực hiện trong thời gian 2 năm 2018-2019. Các số liệu, bảng biểu trình bày trong bài viết lấy từ kết quả khảo sát thực tế của Đề tài. Các ý kiến phỏng vấn sâu được trích dẫn từ tư liệu điền dã của Đề tài.


Phan Tân

Lê Thị Thùy Ly - Viện Nghiên cứu Văn hóa

Read More »