Bài đăng nổi bật

Việt Nam nhìn từ Chủ thuyết phát triển

Thứ Hai, 25 tháng 1, 2016

Viết tiếp về Chủ thuyết phát triển


1- Việt Nam đã xây dựng thể chế xã hội chủ nghĩa trong 70 năm nay, cái được và cả cái hạn chế của thể chế đã thể hiện rõ. 70 năm xây dựng hệ thống chính trị và thể chế chính trị trên nền tảng lý luận chủ nghĩa Mác-Lênin với Đảng Cộng sản cầm quyền. Những ưu thế về phép biện chứng của Chủ nghĩa Mác-Lênin, về tiến trình phát triển cơ bản của nhân loại là không thể phủ nhận. Tuy nhiên cùng với thời gian, cùng với sự tiến bộ của loài người, nhiều lý luận phát triển, nhiều sản phẩm lý luận do con người tìm ra cũng đang tạo ra những phát triển đột phá vượt bậc, đó là những tinh hoa của nhân loại mà dân tộc không thể không kế thừa. Từ đó, một số ý kiến đòi phủ nhận sạch trơn, phủ nhận một cách cực đoan chủ nghĩa Mác-Lênin là không thể chấp nhận. 
Vấn đề là các nhà lý luận phải kết hợp những hạt nhân hợp lý của Chủ nghĩa Mác-Lênin và những tinh hoa lý luận của nhân loại thành nền tảng tư tưởng trong xã hội mới. Hơn lúc nào hết, trong lúc này, cơ hội này Đảng Cộng sản phải nắm lấy, nhưng để có thể đảm đương được nhiệm vụ này Đảng phải biết tự hoàn thiện, tự đổi mới mình.
2- Một thực tế hiện nay về thực trạng chủ quyền quốc gia bị đe doạ đang tạo ra những phong trào xã hội rộng rãi. Chính quyền Trung Quốc đã bằng những phương pháp cực đoan thông qua xâm lăng hàng hóa bẩn, lao động thực dân, đặc biệt là ngày ngày gắm nhấm lãnh thổ chúng ta cả trên bộ và trên biển. Điều đó đã tạo ra sự bất bình sâu rộng, sự đề phòng trong mọi người dân Việt Nam. 
Cảnh giác trước Trung Quốc là bài học không bao giờ thừa mà tiền nhân đã dạy con cháu qua hàng ngàn năm lịch sử.
3- Nền kinh tế có vẻ như là độc lập, có tăng trưởng, có phát triển nhưng các chỉ báo từ Ngân hàng Thế giới, từ các định chế kinh tế, từ ngân hàng Trung ương, các bộ ngành về vấn đề nợ công, hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước... đang cho  thấy một thực tế bờ vực của nền kinh tế. Các chỉ báo về sự phát triển ngày càng thua kém những quốc gia tưởng chừng lạc hậu hơn Việt Nam như Lào, Campuchia, Miến Điện... đang trở thành hiện thực. 
Vấn đề hiện nay là chính thể phải chấp nhận một sự bình đẳng trong phát triển kinh tế, chấp nhận bình đẳng giữa các kiểu, loại hình kinh tế; không độc quyền, không lợi ích nhóm. Sân chơi trong cạnh tranh kinh tế phải là của tất cả mọi người, mọi thành phần kinh tế.
4- Văn hóa đang ngày càng xuống cấp, cái ác lên ngôi, con người tranh giành nhau bất kể ở đâu, bất kể khi nào, miễn là thấy có cái lợi trước mắt. Cái sự nhịn nhường thật hiếm thấy. 
Xây dựng xã hội nhường nhịn, ở đó con người biết sống tử tế, biết xấu hổ, biết nhường nhịn, tự hoàn thiện mình, phải được xem là cái căn bản của xã hội hiện nay.
5- Giáo dục là lĩnh vực bị lên án nhiều nhất vì cái luẩn quẩn không có lối thoát, cho dù đã có hàng loạt cải cách. Các nhân sĩ trí thức đều mong muốn góp phần vực dậy nền giáo dục mà không được lắng nghe. Nếu chúng ta tạm quên đi những dự toán khổng lồ làm lợi cho ai đó, mà hãy kêu gọi sự giúp đỡ của những nhà giáo, nhà khoa học, những nhân sĩ tâm huyết, chắc rằng nền giáo dục sẽ có lối thoát. Trách nhiệm này thuộc về Bộ Giáo dục và Đào tạo.
6- Ngành Y tế luôn bị nhìn với con mắt thiếu thiện cảm từ người bệnh bởi thái độ, hành vi lệch lạc của một số y bác sĩ không được khắc phục mà cứ liên tiếp các sự kiện diễn ra: không phong bì sản phụ phải chết tức tưởi, không phong bì người bệnh cứ nằm đó chờ cho dù bệnh trạng có nguy cấp đến đâu, trẻ em muốn được hưởng cái quyền chăm sóc, quyền sống an toàn qua chế độ tiêm vacxin cũng đã phải xếp hàng chen lấn với một món tiền không nhỏ... Trách nhiệm này thuộc về Bộ Y tế.
7- Môi trường ngày càng ô nhiễm trầm trọng, người dân không còn niềm tin vào "miếng ăn đưa vào dạ dày" hàng ngày bởi thực phẩm bẩn từ Trung Quốc tràn sang, bởi sự thiếu nhận thức và hám lợi của một số người dân sản xuất lương thực, thực phẩm mà không cần biết cái nguy hại từ thực phẩm do mình làm ra. Các hành vi xả thải, xả độc thiếu kiểm soát và thiếu sự nghiêm trị nghiêm minh từ pháp luật cứ thế hoành hành. Tài nguyên bị khai thác cạn kiệt, rừng bị tàn phá có chủ đích, thủy điện mọc lên không cần tính đến cân bằng sinh thái... Trách nhiệm này tránh sao khỏi phải quy cho Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn.
8- Khoa học và Công nghệ có thể nói là không thua kém các quốc gia phát triển trên nhiều lĩnh vực, nhưng ở đâu đó câu chuyện kết quả nghiên cứu phải xếp vào tủ và tư duy chạy dự án, chạy chương trình để được %, để chia chác không còn là chuyện xa lạ. Kết quả là sản phẩm khoa học đã bị méo mó, bị sao chép, bị cắt xén... Đồng hành với tình trạng này, ở các công trình giao thông, xây dựng, tỷ lệ % thực làm, thực chi cho công trình không bằng tỷ lệ % cho vào túi của nhóm lợi ích, những chuyện đó đã trở thành chuyện thường ngày ở huyện. Trách nhiệm này không ai khác các nhà quản lý khoa học, các nhà quản lý giao thông, xây dựng phải đối diện.
9- Nền ngoại giao với chính sách 3 không ở tầm chiến lược là hợp lý nhưng chúng ta có thấy rằng, phần lớn những người dân Việt Nam đi ra nước ngoài hiện nay chỉ là vì mục đích kinh tế cho chính bản thân họ và gia đình họ, và cũng không thể không xấu hổ hơn cho những người lãnh đạo quốc gia khi mà những con em phụ nữ Việt Nam phải chấp nhận làm dâu xứ người một cách tự nguyện hay cưỡng ép là chỉ vì muốn cứu lấy thảm trạng kinh tế của gia đình. Trách nhiệm này thuộc về cả Bộ Ngoại giao, Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội, Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch. 
Nền ngoại giao chân chính, tự chủ phải là truyền bá văn hóa nước nhà ra thế giới, tiếp thu tinh hoa nhân loại cho sự phát triển bền vững và đồng hành cùng thời đại.
Có lẽ hơn lúc nào hết, giờ đây mỗi người lãnh đạo, quản lý phải tự xác quyết trách nhiệm của mình, phải biết nhận lỗi, biết tự xấu hổ trước quốc dân và đồng bào về những việc mình chưa làm được.
Mỗi người dân cũng phải tự biết rằng chúng ta không phải không có lỗi. Hãy biết rằng sự tiếp tay cố ý hay vô tình cho cái xấu, cái ác; sự bàng quan, vô cảm trước nỗi đau của đồng loại chính là lỗi khó trốn tránh. Vì vậy hãy bắt đầu sự thay đổi từ những cá nhân đơn lẻ hơn là chờ đợi sự thay đổi ở phương diện vĩ mô toàn bộ cấu trúc.
Hơn lúc nào hết, Đảng Cộng sản (đang xem mình là lực lượng lãnh đạo toàn diện xã hội) cần kêu gọi toàn dân, toàn quân hãy bỏ qua những sai lầm của Đảng trong lịch sử cũng như hiện tại, hãy xốc lại tinh thần cùng xây dựng một đất nước Việt Nam Dân chủ và Thịnh vượng.
                                                                                                                                 Phan Tân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét