Bài đăng nổi bật

Việt Nam nhìn từ Chủ thuyết phát triển

Thứ Năm, 18 tháng 2, 2016

Lễ hội


Đầu năm các báo lại tha hồ đăng bài viết phản ánh về các hoạt động lễ hội, du xuân, khen ngợi có, phê phán có, cái tích cực có, cái tiêu cực cũng không ít. Dù sao cũng phải thừa nhận rằng hoạt động lễ hội, du xuân vào dịp đầu năm là không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người phương Đông nói chung và Việt Nam nói riêng. Vấn đề là phải ứng xử thế nào cho phải.
Xuân Canh Dần năm 2010, mình đã có viết bài về lễ hội, chỉ để báo cáo mà không đăng ở đâu cả. Nay xin đưa lên nguyên văn để quý vị đọc chơi.
(P/s: bối cảnh và nội dung bài viết phản ánh nguyên bản của năm 2010)


MẶT TRÁI CỦA LỄ HỘI
Lễ hội là sinh hoạt văn hoá dân gian, có mặt hầu như ở khắp mọi miền đất nước, nhất là dịp tết đến xuân về. Theo thống kê của Bộ Văn hoá-Thể thao, trên địa bàn cả nước mỗi năm có 7.966 lễ hội. Ngoài những ngày lễ chính thì nhiều địa điểm lễ còn kéo dài quanh năm, thu hút hàng triệu người tham gia.
Việc người dân nô nức rủ nhau đi lễ hội ngày càng đông chứng tỏ nhu cầu cần thoã mãn đời sống tâm linh của người dân ngày càng cao bên cạnh sự phát triển về kinh tế. Và hoạt động văn hoá cổ truyền vốn đã ăn sâu vào tâm thức người Việt - có khoảng thời gian bị chìm lắng nay đang được khơi dậy; nhất là các hội làng được xem như sự khẳng định một nét riêng đặc thù của cộng đồng làng từ đây mà tồn tại và phát triển; các biểu tượng sống động của văn hoá làng được gìn giữ, thanh lọc và phát huy. Hoạt động lễ hội được đánh giá là sự khơi dậy tinh thần dân tộc, thể hiện lòng tôn kính, biết ơn những vị anh hùng cứu nước, các tổ phụ làng nghề, các danh nhân văn hoá... Nói cách khác, đó chính là hình ảnh hội tụ những phẩm chất cao đẹp nhất của con người, giúp con người nhớ về nguồn cội, hướng thiện và nhằm tạo dựng cho mỗi con người một cuộc sống tốt lành, yên vui. Có những lễ hội đã vượt ra khỏi phạm vi cộng đồng làng trở thành sinh hoạt tinh thần của một vùng hoặc quốc gia.
Bên cạnh dư luận tích cực về các lễ hội thì dư luận cũng phê phán gay gắt các hoạt động lễ hội đền, chùa đang bị bến tướng - thương mại hoá đã ập tới, len lách vào nơi cửa Phật, cửa Thánh. Hiện tượng "bao thầu" lễ hội, "chặt chém" du khách nơi chốn linh thiêng ngày càng phơi bày mặt trái của lễ hội đến tận cùng:
- Dư luận đặt câu hỏi: với sự tham gia của hàng loạt quan chức đến hoạt động lễ hội không phải với tư cách cá nhân mà với tư cách nhà nước phải chăng đây là đang can thiệp quá sâu vào hệ thống tín ngưỡng? Không thể biện hộ vấn đề này khi tại lễ hội khai ấn Đền Trần, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định đã phê duyệt 150 thẻ đỏ cho lãnh đạo Trung ương, tỉnh, thành phố vào nơi khai ấn và cấp 1.200 thẻ vàng cho lãnh đạo, cán bộ tỉnh và các huyện trong tỉnh... Hàng tỷ tỷ đồng đã được huy động để chỉ đúc một quả chuông kỷ lục, một bức tượng kỷ lục hay xây mới hoành tráng một ngôi chùa (theo quan điểm to nhất khu vực và thế giới)... hay việc dành hẵn một chuyên cơ từ Việt Nam sang Ấn Độ chỉ để đưa và đón bảo vật nhà Phật, và một đoàn siêu xe có sự hộ tống mở đường của cảnh sát thẳng từ sân bay về tận siêu chùa...
                                                                          Photo: tuoitreonline

Dù cố ý hay vô tình thì sự tham gia của lãnh đạo kiểu này đã làm biến tướng lễ hội và đang chi phối đời sống tín người dân gian - thứ bậc chính trị lại trở thành thứ bậc trong tín ngưỡng dân gian. Sự ưu tiên lãnh đạo trong việc lễ, thụ lộc gây ra phản cảm trong con mắt người dân - không tránh được sự phản ứng tiêu cực của đám đông người tham gia lễ hội.
- Các hoạt động khai hội, khai ấn, hô thần nhập tượng, tham gia đón rước tượng phật, phật bảo... của lãnh đạo các cấp đã tạo cho dư luận có cảm giác rằng "Việt Nam đang thừa nhận đạo Phật trở thành quốc đạo", trong khi đó các hành xử với đạo Thiên chúa giáo thông qua các sự kiện: Tam Toà, Đồng Chiêm, 178 Lương Bằng, Bát Nhã... gần đây đã gợi lên sự phân biệt khinh - trọng giữa các tôn giáo... vô tình làm mất đi sự bình đẳng văn hoá trong đời sống tâm linh.
- Dư luận người đi lễ bức xúc-phản cảm với tình trạng quá nhiều hòm công đức phổ biến ở hầu khắp các di tích, lễ hội như là sự "tận thu" làm ảnh hưởng không gian văn hoá tâm linh cũng như giá trị tốt đẹp của lễ hội. Tính "hướng thiện" nơi cửa Phật bị tính "tiền bạc, lời lỗ" chi phối. Việc thu hút càng đông khách thập phương để càng thu được nhiều lợi nhuận đã trở thành mục tiêu của các ban tổ chức lễ hội. Các dịch vụ ăn uống, phục vụ tại lễ hội đang diễn ra tình trạng chặt chém, mất vệ sinh an toàn thực phẩm, gây ô nhiễm môi trường do lượng rác thải quá lớn.
- Dư luận đã rất bức xúc với các ứng xử thiếu văn hoá diễn ra khắp các lễ hội như chen lấn, xô đẩy để hành lễ, thả tiền vào hậu cung, giếng, ao hồ, cài tiền vào gốc cây, tay tượng... Đền thật, chùa giả thì đua nhau bán đủ loại, từ bùa hộ mệnh đến xin con, phát tài phát lộc... Hướng mê tín, dị đoan đang ngày càng lấn át hành vi du xuân thưởng ngoạn của người đi lễ hội. Quan điểm "dương sao âm vậy", "mâm cao cỗ đầy", càng hoá nhiều đồ mã, tiền vàng cho người âm thì càng được nhiều lộc đã gây ra sự lãng phí cho hàng ngàn gia đình. Có người đã chi hàng trăm triệu đồng vào việc mua sắm đồ vàng mã. Không ít người đã nhận định rằng, ngày nay chùa chiền trở thành nơi con người đến để buôn bán mặc cả, Phật cũng bị "đút lót" với mong muốn rằng con người sẽ được giảm nhẹ những tội lỗi - tín ngưỡng trở thành phong trào cầu xin chức vị.
Để hạn chế tiêu cực, phát huy tính tích cực của lễ hội, đi theo đó là các thiết chế đền, chùa đang ngày càng phát triển dư luận mong muốn:
+ Nhà nước cần có thái độ rõ ràng, bình đẳng giữa các tôn giáo, chứ không thể thiên về tôn giáo này trong khi lại bỏ quên hay xem nhẹ tôn giáo khác.
+ Lãnh đạo cơ quan nhà nước dù ở cấp nào có thể tham gia một nghi lễ với tư cách cá nhân - tín đồ, không tiền hô hậu ủng, không quay phim chụp ảnh, truyền hình. Lãnh đạo cần dùng thế mạnh dẫn dắt của mình để làm gương cho xã hội, ứng xử bình đẳng, chừng mực với mọi hoạt động tôn giáo tín ngưỡng; chăm lo tu dưỡng đạo đức, phải làm nhiều việc tốt cho dân, cho nước để được nhân dân yêu mến, được đồng nghiệp kính trọng suy tôn chứ không nên bằng cách đi xin thần thánh.
+ Cần làm cho xã hội nhận thức đúng đắn về tâm linh, không để vượt quá ngưỡng cần có, nếu không sẽ trở thành cuồng si; làm cho người dân phải "thấy" và "thấm" chiều sâu văn hoá trong lễ hội; biết cách thải loại những hủ tục, những tập quán lạc hậu đang được chế biến theo quá trình "thương mại hoá", "thị trường hoá" những hoạt động tín ngưỡng vốn ẩn chứa những sắc thái tâm linh lành mạnh thành những sản phẩm "buôn thần bán thánh" tạp nham gây nên những phảm cảm tai hại.
+ Cần có giải pháp ở tầm chính sách quốc gia chứ không chỉ "khoán" cho ngành văn hoá hoặc địa phương có lễ hội lo liệu, nhằm chấn chỉnh, loại bỏ những hủ tục lạc hậu, những hành vi cũng như các hoạt động phản văn hoá, các "dịch vụ buôn thần bán thánh" đang vượt khỏi tầm quản lý.
+ Khắc phục tình trạng lợi dụng lễ hội để biến tướng, để thương mại hoá từ khâu khoán cho cơ quan tổ chức lễ hội, khoán thu - khoán chi cho tới từng người dân trên địa bàn lễ hội lợi dụng lễ hội để bắt ép, chặt chém.
+ Cấp uỷ, chính quyền địa phương phải là cấp trực tiếp thực hiện quản lý trật tự tổ chức tại nơi diễn ra lễ hội, bảo vệ cảnh quan môi trường; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, tổ chức thu gom rác thải.

                                                                                                               Phan Tân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét