Bài đăng nổi bật

Việt Nam nhìn từ Chủ thuyết phát triển

Thứ Ba, 31 tháng 5, 2016

Chuyện cá chết và 60 phút mở của VTV: chia sẻ trên mạng xã hội để làm gì


Hai ngày nay, cả facebook Việt tràn ngập các ý kiến phản ứng về Chương trình 60 phút mở của VTV: Chia sẻ trên mạng xã hội để làm gì (27//5/2016). Tràn ngập bởi nội dung chương trình đã chạm vào "một phần việc trong ngày" của hơn 40 triệu người Việt - sử dụng facebook, đặc biệt là đụng chạm vào vấn đề xã hội tâm điểm mà cả xã hội đang "nín thở" chờ thông tin - nguyên nhân cá chết, nước biển ô nhiễm. Cả chương trình "chia sẽ... để làm gì" để lại lời chê có, lời khen có, nhưng có lẽ phần chính là tập trung tổng sỉ vả 2 "người của công chúng" là Tạ Bích Loan, Hồng Thanh Quang và có phần ủng hộ Phan Anh.

Trên tổng thể chung có một số ý kiến "ngoài luồng" nhận định:

- Việc công bố nguyên nhân cá chết ở biển miền Trung đang đi vào im lặng và "có nguy cơ chìm xuồng" thì việc đưa ra, đề cập nội dung MC Phan Anh đã chia sẻ clip "cá chết sau 2 phút" nhằm nhắc nhở cộng đồng, nhắc nhở các cơ quan báo chí, nhắc nhở các cơ quan hữu quan "không im lặng" như thời gian qua.
- Chương trình là "cuộc đấu" giữa VTV và VTC liên quan đến 2 sự kiện: "cá chết sau 2 phút bơi trong nước biển" và "dùng chổi quét rau giả sâu ăn".

- Đối với mỗi con người và từng chi tiết cụ thể của chương trình thì đây là một buổi đấu tố của những người làm chương trình trên VTV (cụ thể ở đây là cô Tạ Bích Loan và ê kíp) đối với Phan Anh và nó được thể hiện qua từng lời nói, từng cử chỉ cụ thể.
Dưới góc độ dư luận và tin đồn chúng ta phân tích sự kiện như thế nào:
+Sự kiện "cá chết sau 2 phút bơi trong nước biển" được quay bằng clip và được phát trên chương trình VTC ngày 26/4 là sự kiện có thật, nhiễm độc biển miền Trung cũng có thật, công chúng được mắt thấy, tai nghe. Nếu chậu nước có được ai bỏ thêm thuốc độc để cá nhanh chết hay không thì trách nhiệm cần tìm hiểu tiếp theo không phải là của công chúng mà là trách nhiệm của cơ quan hữu quan. Khi được mắt thấy, tai nghe từ một cơ quan truyền thông chính thống (không phải là tin đồn đâu đâu không có căn cứ), công chúng có thể lan truyền tin tức - sự kiện theo bản năng, theo cảm xúc và theo nhận thức của cá nhân và kể cả lan truyền sau khi công chúng đã có thảo luận với nhau theo nhóm quan hệ của mình.

Phan Anh, share clip trên, trước hết cũng với tư cách là một công chúng viên. Nếu sự kiện cá chết trong 2 phút được xây dựng bởi ý đồ xấu xa nào đó nhưng được truyền thông chính thống đưa ra với mục đích khác thì Phan Anh cũng chỉ là nạn nhân của truyền thông mà thôi. Tuy nhiên, như đề cập ở trên "Tầm ảnh hưởng của những người nổi tiếng tới xã hội bây giờ  là không hề nhỏ, họ lệch lạc sẽ kéo theo nhiều hệ quả khôn lường". Đa số ý kiến trên mạng xã hội ủng hộ Phan Anh nhưng cũng có những ý kiến nghiêm khắc cho rằng anh đã sai khi share bài một cách "vô trách nhiệm" và "đổ thêm dầu vào lửa", còn "bồng bột, thiếu chín chắn", "gieo rắc hoang mang, ảnh hưởng tới nổ lực của chính quyền trong việc khắc phục hậu quả"...
+ Người dẫn chương trình Tạ Bích Loan có thể không đồng tình với hành vi share của Phan Anh (bởi đó là quyền đưa ra quan điểm theo tư cách cá nhân) nhưng ở đây cô ấy đã đóng nhầm vai. Cô ấy đang là người dẫn chương trình của một chương trình truyền hình quốc gia. Tạ Bích Loan không được thể hiện kiểu áp đặt câu chuyện "mục đích", "động cơ", "ý đồ", "mưu đồ" trong chương trình này. Điều này vô tình đã đụng chạm đến hành vi "lướt face" đang diễn ra thường ngày của hơn 40 triệu người Việt. Tạ Bích Loan đã sai khi cho rằng chia sẽ thông tin mà khi "không làm nghề đó, không có sứ mệnh, không có nghĩa vụ phải làm... thì động cơ là gì?"

Còn khách mời Hồng Thanh Quang đã đặt mình vào vị trí của một "đàn anh" để "dạy dỗ em út", "hạ nhục người đối thoại" nên đã tạo ra sự phản cảm đáng tiếc.
+ Thông tin tiêu cực có" tốc độ lan truyền cao gấp 4 lần" thông tin tích cực (điều này tạm cho là đúng vì không ai có thể đo được chính xác) đó là trạng thái tâm lý xã hội. Trong thực tế cuộc sống, chúng ta đều thấy được rõ ràng những thông tin/vấn đề tiêu cực thường tạo sóng xã hội nhiều hơn, đậm đặc hơn, lan tỏa nhanh hơn các thông tin/vấn đề tích cực. Việc sử dụng thông tin, có giải pháp giải tỏa, triệt tiêu thông tin tiêu cực, gia tăng thông tích cực cho không khí xã hội, tâm trạng xã hội tốt đẹp hơn là trách nhiệm của người quản lý, điều hành xã hội, nó là nghệ thuật lãnh đạo, đất nước, còn nếu không các thông tin nó sẽ chìm lặng lại hoặc dần mất đi khi xã hội tự thấy không còn nhu cầu bàn luận, không còn là mối bận tâm, không ảnh hưởng đến tinh thần của từng cá nhân, của công chúng; nói chính xác hơn nó không còn ảnh hưởng đến lợi ích, giá trị của cá nhân, cộng đồng.

+ Facebook (một loại hình của mạng xã hội) là nơi để mọi người kết bạn, chia sẻ những vấn đề riêng, "chung"; nơi bà nội trợ, bà nông dân cả một đời không ra khỏi lũy tre làng cũng có thể kết bạn được với nhiều người "nơi xa lắm" miễn là có sự đồng cảm, đồng điệu, cùng có mối quan tâm chung, và thậm chí có thể "kết bạn sỉ vả nhau" vì vô tình có liên kết nào đó bất đồng quan điểm. Facebook đã gắn cho tất cả mọi người cái "trách nhiệm" chia sẻ thông tin, nó thõa mãn nhu cầu về quyền được cho và nhận thông tin của con người. Mỗi người ở góc độ của mình để có "nguồn tin" và việc chia sẽ tin hay không là "quyền" công dân của họ, không chỉ là nhà báo, hay cơ quan hữu quan mới được quyền chia sẽ thông tin. Tuy nhiên, bên cạnh đó thì trách nhiệm xã hội của một nhóm người có thể như "Tầm ảnh hưởng của những người nổi tiếng tới xã hội bây giờ là không hề nhỏ, họ lệch lạc sẽ kéo theo nhiều hệ quả khôn lường".
Người chơi facebook thì phải có trách nhiệm nhưng đâu thể đòi hỏi mọi người phải có kiến thức toàn diện để nhận chân biết thông tin này chỉ có đúng, chỉ có sai hoặc vừa đúng vừa sai. Vì vậy, công chúng tin vào những phát ngôn của cơ quan hữu quan và các tổ chức truyền thông pháp lý rồi tiếp tục bình luận và truyền tin đi là điều dễ hiểu.

+ Đây là một "chương trình dàn dựng", một chương trình để diễn, các nhân vật đã biết kịch bản. Công chúng đã bị cuốn theo kịch bản đó mà không biết rằng các xung đột trong show diễn cũng đã được chuẩn bị. Truyền hình có mục đích là thể. Tuy nhiên, có cần thiết không khi hậu quả để lại là một làn sóng phản ứng gay gắt của công chúng từ các hành vi của nhân vật (người dẫn chương trình và khách mời). Show chương trình đã phải gỡ clip trên mạng và trên cả youtube, niềm tin vào truyền thông chính thống tiếp tục bị mất đi; người trong cuộc buộc phải tự đóng facebook của mình bởi không thể chịu đựng nổi những cơn cuồng tổng sỉ vả của công chúng, "người của công chúng" thì không thể thảm hại hơn, kiểu "kiếm củi 3 năm đốt một giờ".
+ Tranh luận về những quan điểm khác biệt là tốt, đặc biệt tranh luận trên truyền hình, bởi cái văn hóa này ở Việt Nam còn rất thiếu. "Mọi người có quyền lên tiếng về quan điểm của mình, và quan điểm cần được tôn trọng, các quan điểm cần được tranh luận có văn hóa văn minh". Không tranh luận thì không tìm ra được chân lý. Tuy nhiên, các bên tranh luận không được bình đẳng, không được bảo vệ chính kiến của mình, bị áp đặt kiểu lấy thịt đè người thì tốt nhất đừng tranh luận thì hơn. Bởi nó chỉ càng làm cho xã hội, công chúng bức xúc hơn mà thôi.

=> Cuối cùng, những hashtags mà "người chơi" đưa ra mới là thông điệp thực sự:
# Share có ý thức (tiếp nhận, xử lý, rồi viết về nó, đừng hấp tấp - Nguyễn Sơn)

# Đừng im lặng (mỗi người đều có quyền lên tiếng - Phan Anh)
# Nghĩ trước share sau (Hà Minh Trí)

# Trách nhiệm (hãy chịu trách nhiệm với việc mình làm - Hồng Thanh Quang)
# Tôn trọng sự khác biệt (tôn trọng quan điểm của người khác - Phạm Mạnh Hà)

# Facebook tỉnh táo (facebook là sân chơi - Tạ Bích Loan).

Tuy nhiên, các hashtags này chỉ đúng với một số ít người thôi, còn số đông cộng đồng dùng facebook hôm nay chỉ cần thông tin tức thời, cái gì, ở đâu và share ngay, sau đó mới từ từ ngẫm, nghĩ và bình luận đúng/sai thế nào - nếu sự việc được bàn luận tiếp.
                                                                                                                                   Phan Tân

Read more...

1.      Lao động online, Tin nóng showbiz: Người trong cuộc nói về màn “đấu tố” MC Phan Anh, http://laodong.com.vn/van-hoa/tin-nong-showbiz-nguoi-trong-cuoc-noi-ve-man-dau-to-mc-phan-anh-556971.bld

2.      Khuê Tú, MC Phan Anh giống như bị cáo trong một phiên tòa, http://news.zing.vn/mc-phan-anh-giong-nhu-bi-cao-trong-mot-phien-toa-post653681.html

3.      Dũng Văn Bùi, facebook, https://www.facebook.com/congdan.phoco/posts/156456980383734b

4.      Song Đức, Dư luận phản ứng với chương trình trò chuyện MC Phan Anh, http://news.zing.vn/du-luan-phan-ung-voi-chuong-trinh-dau-to-mc-phan-anh-post653564.html


6.      Và nhiều trang facebook khác...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét