Kính gửi: Toàn thể các quý vị đáng kính
Trong nổ lực tìm kiếm cơ sở lý luận, giải đáp cho các hiện tượng
không đẹp diễn ra trong đời sống hàng ngày liên quan đến sự thiếu nhường nhịn,
chúng tôi đã được Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam cho phép nghiên cứu đề
tài: Nhận
thức, thái độ, hành vi của người dân về sự nhường nhịn trong xã hội hiện nay.
Với mong muốn mô tả, đánh giá, nhận diện và lý giải nguyên nhân của một số biểu hiện thiếu nhường nhịn qua
nhận thức, thái độ, hành vi của người dân; đồng thời tìm hiểu các yếu tố tác động hình thành xã hội nhường nhịn, từ đó tìm kiếm một số giải pháp góp phần xây dựng một xã hội
phát triển lành mạnh (tức là phát triển toàn diện, hài hòa, và bền vững) ở Việt
Nam.
Một việc tưởng khiêm nhường nhưng lại quá lớn lao cho một
cá nhân ai đó. Vì vậy, xin có thư ngỏ này với mong muốn kính mời sự góp sức của
tất cả cộng đồng/các quý vị - những người tâm huyết cùng tham gia nghiên cứu vì
những gì mà giá trị, bản sắc văn hóa dân tộc đã có cần phải được gìn giữ và
phát triển.
Mọi chia sẻ dù nhiều, ít nhưng nó đi từ tâm thức của quý
vị đều đáng quý với chúng tôi.
Chúng tôi cũng sẵn sàng tham gia và mở diễn đàn tranh luận
qua các trang mạng xã hội, các buổi tọa đàm, các hội thảo về quan điểm nghiên cứu
"Xã hội nhường nhịn" để
chúng ta tìm được sự đồng thuận nhất định - tất cả vì phát triển bền vững.
Mọi chia sẻ xin liên lạc về:
Phan Tân, số 1 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội
Điện thoại: +84.98.3316573,
Email: phantanxh@gmail.com
Xin trân trọng cảm ơn và cầu mong nhận được sự hợp tác
giúp đỡ!
Đề tài nghiên
cứu:
NHẬN THỨC, THÁI ĐỘ, HÀNH VI CỦA NGƯỜI
DÂN VỀ
SỰ
NHƯỜNG NHỊN TRONG XÃ HỘI HIỆN NAY
Chủ nhiệm: TS Phan Tân
Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam
1. Tính cấp thiết của
nghiên cứu:
Đức tính nhường nhịn, văn hóa nhường nhịn,
hay sự nhường nhịn là những thuật ngữ song hành trong giao tiếp, trong đời sống
hàng ngày. Những hành vi ứng xử như: nóng giận - nhu mì, ác nghiệt - hiền lành,
tranh giành - nhường nhịn.v.v... đều mang trong nó sắc thái sự nhường nhịn hoặc
phản nhường nhịn của một phía đối tượng; nó như là một phía của âm hoặc dương.
Tuy nhiên, để nghiên cứu nó một cách nghiêm túc với danh nghĩa một cụm từ ngữ
bàn về một vấn đề xã hội còn vắng bóng.
Thời gian qua, nhiều trang báo, nhiều hội nghị, hội thảo đã lên tiếng về những
hiện tượng nhức nhối trong văn hóa của người Việt khiến những ai tự coi là có
văn hóa đều không khỏi xấu hổ: chen lấn, tranh cướp, đè lên nhau xin ấn ở Đền
Trần, xin vay tiền ở đền bà Chúa Kho khiến nhiều người ngất xỉu, thương vong; đạp
đổ cổng trường để xin cho con vào học; hỗn chiến để ăn sushi miễn phí; gào thét
tranh cướp suất ăn buffet 100.000 đồng;
giành nhau từng chiếc áo mưa miễn phí; giẫm đạp lên nhau mua hàng giảm
giá; bỏ mặc người gặp nạn để hôi của trong các vụ tai nạn giao thông; bác sĩ vô
cảm với người bệnh;...
Không ít người trong xã hội
ta dường như chỉ chực chờ có cơ hội là "vi phạm" quy định, luật pháp,
phá vỡ trật tự vốn có. Khái niệm "xếp hàng" có vẻ như còn xa lạ với
người Việt. Trong thói quen giao thông, mỗi khi sắp kết thúc đèn đỏ tại các nút
giao thông thì tất thảy đều ra sức... "bấm còi inh ỏi". Hành vi leo lề,
lấn tuyến trở thành thói quen khó bỏ của không ít người. Chỉ một tắc nghẽn giao
thông nhỏ là ngay lập tức “mạnh ai nấy lách”... đến mức ông Chủ tịch TP Hà Nội
đã phải thừa nhận tại một buổi Tổng kết công tác Trật tự giao thông đô thị rằng
"không đâu đi lại lộn xộn như Hà Nội" (http://dantri.com.vn/
xa-hoi/chu-tich-thanh-pho-khong-o-dau-di-lai-lon-xon-nhu-ha-noi-1014127.htm?mobile=true).
Việc nhường đường, giúp đỡ người khuyết tật, người già, phụ nữ có thai, trẻ
em,... dường như chỉ tồn tại trên những biển quy định, những khẩu hiệu, lời kêu
gọi. Người nước ngoài chứng kiến trật tự giao thông ở Việt Nam được coi như
phát hiện mới của họ. Một ký giả Đức đăng trên trang mạng Welt online bài viết tiêu đề "Giao thông Hà Nội
- một sự điên rồ hoàn toàn bình thường" đã so sánh với đất nước Lào
"vạn tượng" ông gọi Việt Nam là đất nước "vạn còi", và còn
viết rằng "Người Việt ai cũng có
phong cách đi ngổ ngáo, hình thành phong cách chung là không ai nhường ai,
chính bởi ai cũng đi và nghĩ như ai, nên thường không sao", và "nhường nhịn ai đó, thì coi như cầm chắc tai
nạn" (Tuần Việt Nam, ngày 12/9/2010). Còn ký giả Mỹ Llewellyn
King, đã đăng bài trên Huffington Post gọi "Giao thông Hà Nội là một kỳ
quan thế giới"(Báo Dân Trí, ngày 4/1/2015).
Những người bán hàng rong
trên đường, những người chiếm vỉa hè bày bán hàng ăn trên phố... lại tranh nhau
chỗ ngồi, chỗ bán hàng, không chịu nhường nhau dù là nửa hàng gạch; sẵn sàng
cãi lộn, thậm chí đánh chửi nhau mặc dù họ cùng đang vi phạm trật tự công cộng.
Ở nhà ga, bến xe nhan nhản những hành vi phá hàng chen nhau mua vé, để rồi chen
nhau cả khi lên tàu xe lẫn khi xuống; thậm chí ngay cả khi đã có vé, có chỗ, đã
có số ghế ngồi, nghĩa là những nơi không ai tranh cướp được với mình nữa, người
ta cũng không chịu xếp hàng mà vẫn chen nhau, dẫm đạp nhau.
Bạo lực không chỉ diễn ra trong các băng nhóm xã hội đen
và những vụ cướp tàn bạo của bọn cướp chuyên nghiệp, mà trong các quan hệ giao
tiếp, quan hệ bình thường nhất trong đời sống hàng ngày cũng có thể thấy diễn
ra ở mọi lúc, mọi nơi. Người ta có
thể đâm chém nhau chỉ vì một cái nhìn bị cho là “đểu”, một lời nói “khó ưa”;
truy sát nhau chỉ vì “va quệt” nhỏ. Thậm chí, thói quen sử dụng bạo lực đang
lan cả vào giới công chức, kể cả ở cấp phó giám đốc sở vẫn hành xử với nhau như
côn đồ. Trên các trang mạng, thỉnh thoảng clip các nữ sinh đánh nhau được tung
lên cũng làm giật mình bao bậc phụ huynh, và “nó vẫn diễn ra liên tục mặc dù
nhiều hình phạt đã được đưa ra”. Những hành vi bạo lực của người dân chống lại
cán bộ công quyền đã không còn hiếm trong xã hội...
- Có ý kiến cho rằng dường như
chúng ta không có văn hóa xếp hàng! Chuyện xếp hàng thời bao cấp đã bị làm méo
mó văn hóa chờ đợi bởi hành vi "xếp gạch". Có ý kiến cho rằng sự
tranh cướp vốn có nguồn gốc từ "văn hóa xôi
thịt đình làng", tâm lý "một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp",
hay "ăn cơm đi trước, lội nước đi sau", "trâu chậm uống nước đục"...
đã được truyền từ nhiều thế hệ và vẫn tồn tại trong gen, trong huyết quản và
tâm thức nhiều người Việt, hễ có dịp là bùng lên. Thậm chí có ý kiến còn cho rằng
việc tranh cướp này “thế mới vui”(!?).
- Trong nền giáo dục, từ gia
đình, nhà trường, xã hội quá nặng về ganh đua thành tích; thiếu đề cao tinh thần hòa bình, tình nhân loại; nền giáo dục của
chúng ta thiếu giáo dục tính hướng
thiện. Cái tư duy truyền đời “Khôn thì ăn người / Dại thì người ăn” khó có thể
mất đi. Bài học "Hai con dê qua cầu" cuối
cùng cũng chỉ là bài học của hai con dê, mà không thể ngấm vào cái văn hoá nhường
nhịn của người Việt. Các lớp học lái xe được học đầy đủ về Luật Giao thông
nhưng thực tiễn thực thi luật lại không đủ nghiêm để răn
đe trường hợp này.
- Nhiều người nghi ngờ và đặt câu hỏi, phải chăng người dân sút giảm lòng
tin vào công lý, vào sự can thiệp đúng đắn, vô tư, kịp thời, có hiệu quả của
pháp luật? "Cũng những người Việt" khi sang sinh sống, học tập, công
tác ở các nước văn minh kia lại rất thuần thục văn hóa xếp hàng, không ai chen
ngang, lấn át. Phải chăng điều này nói lên rằng lỗi của cá nhân, của con người
chỉ một phần, lỗi của cơ chế, của nền nếp có lẽ lớn hơn?
Để làm rõ những vấn đề trên, mô tả, lý giải nhận thức, thái độ, hành vi của
người dân về sự nhường nhịn, tìm hiểu nguyên nhân của một xã hội thiếu nhường
nhịn, những yếu tố tác động đến sự nhường nhịn; đồng thời tìm kiếm một số giải
pháp cơ bản xây dựng một xã hội nhường nhịn bảo đảm sự phát triển xã hội bền vững
là cần thiết.
Đây là những lý do chúng tôi lựa chọn đề tài:
Nhận thức, thái độ, hành vi của
người dân về sự nhường nhịn trong xã hội hiện nay
2. Mục tiêu nghiên cứu:
2.1. Mục tiêu tổng quát
Mô tả, đánh giá được nhận thức, thái độ,
hành vi của người dân về sự nhường nhịn trong xã hội hiện nay, góp phần xây dựng
một Xã hội phát triển lành mạnh (tức là phát triển toàn diện, hài hòa, và bền vững)
ở Việt Nam
2.2. Mục tiêu cụ thể
- Thiết lập khung lý thuyết nghiên cứu, hệ thống hóa các khái niệm công cụ
hỗ trợ nghiên cứu liên quan đến chủ đề nhường nhịn. Tiếp cận, tìm kiếm mối liên
hệ của sự nhường nhịn, văn hóa nhường nhịn, xã hội nhường nhịn từ một số lý
thuyết như: lý thuyết đồng thuận xã hội, xã hội lành mạnh, xã hội hài hòa,... Thực
hiện ủy thác kép của Xã hội học nói riêng, của Khoa học xã hội nói chung: vừa
hoàn thiện cơ sở lý luận & khoa học xã hội vừa phục vụ tốt nhu cầu phát triển
xã hội lành mạnh (tức là phát triển toàn diện, hài hòa, và bền vững) ở Việt Nam
hiện nay.
- Mô tả, đánh giá được thực trạng nhận thức, thái độ, hành vi của người dân
về sự nhường nhịn trong đời sống hiện nay.
- Nhận diện và lý giải nguyên nhân của một số biểu hiện thiếu nhường nhịn
qua nhận thức, thái độ, hành vi của người dân. Tìm hiểu các yếu tố tác động
hình thành xã hội nhường nhịn
- Tìm kiếm một số giải pháp hiện thời góp phần xây dựng một xã hội phát triển
lành mạnh (tức là phát triển toàn diện, hài hòa, và bền vững).
3. Đối tượng nghiên
cứu
Nhận thức, thái độ, hành vi của người dân về
sự nhường nhịn trong cuộc sống. Cụ thể:
-
Những cảm nhận, đánh giá về sự nhường nhịn và không nhường nhịn; những cảm
nhận, đánh giá sai/đúng, tốt/xấu... về các hành động, sự kiện, vấn đề xã hội
liên quan đến sự nhường nhịn.
-
Thái độ phản ánh của người dân về sự nhường nhịn trong cuộc sống, cụ thể: đồng
ý hay không đồng ý và chủ ý cư xử của người dân theo một cách nào đó về các
hành động, các sự kiện, vấn đề xã hội...
- Những hoạt động, tiến
trình phản ứng, phản hồi của người dân xuất phát từ nhận thức, thái độ về sự
nhường nhịn trước các hành động, các sự kiện, vấn đề xã hội.
- Những yếu tố cấu thành
xã hội nhường nhịn.
4. Các nội dung
chính triển khai nghiên cứu:
4.1. Nội dung 1:
Một số vấn đề lý luận
cơ bản tiếp cận nghiên cứu quan điểm xã hội nhường nhịn
1) Thuật ngữ nhường nhịn và các thuật ngữ liên quan
Qua tiếp cận nghiên cứu, liên quan đến thuật ngữ nhường nhịn chúng tôi gặp
một số thuật ngữ như bao dung, khoan dung, khiêm nhường, khiêm cung, nhân nhượng...
Các thuật ngữ này đang được quan niệm rộng rãi như sau:
* Bao dung là lòng tôn trọng sự khác biệt của người
khác đối với mình trong phong tục tập quán, quan niệm sống, niềm tin và tôn
giáo, chủng tộc và cách thức hành động, cho phép người khác làm những chuyện mà
bản thân mình không tán thành.
*
Khoan dung là thái độ ôn hòa, cảm
thông và tha thứ với những sai phạm, lỗi lầm mà người khác đã gây ra và của cả
chính mình. Không chỉ vậy, khoan dung còn là cách thể hiện sự cưu mang, giúp đỡ
của bản thân với những người lầm đường lạc lối, giúp cho họ được trở về hòa nhập
với cuộc sống hơn. Khoan dung với chính mình là tự làm cho bản thân cảm thấy nhẹ
nhõm, thoải mái hơn để có thể đưa ra quyết định, mục tiêu đúng đắn hơn.
Khác biệt giữa bao dung và khoan dung: Bao dung là
sự chấp nhận và tôn trọng con người là đa dạng về đủ mọi mặt, còn khoan dung là
đức tính rộng lượng, dễ dàng thông cảm, chấp nhận và tha thứ khiếm khuyết cũng
như lỗi lầm của người khác. Người khoan dung cũng có thể không bao dung khi
không tôn trọng những gì mà mình không đồng ý. Còn người bao dung thì luôn có
tính khoan dung vì đã chấp nhận sự khác biệt của người khác, nên cũng dễ thông
cảm và tha thứ; coi như khoan dung là một phần của bao dung, bao dung có ý
nghĩa rộng lớn và tổng quát hơn.
*
Khiêm nhường có thể
được hiểu là một đức tính tốt của con người mà nó thể hiện được sự nhường nhịn
trong con người. Cắt nghĩa từng từ một ta thấy khiêm có nghĩa là khiêm tốn, nhường
có nghĩa là nhường nhịn. Vì thế khiêm nhường có nghĩa là khiêm tốn và nhường nhịn
trong các mối quan hệ, không tự đánh giá cao bản thân mình và cũng không
khoe khoang. Nói tóm lại khiêm nhường chính là không tranh giành sự hơn kém với
người khác, khiêm tốn không ba hoa hay khoe khoang và đồng thời cũng là nhường
nhịn sẵn sàng cho họ ý nghĩ là hơn mình.
*
Khiêm cung là biểu hiện sự lễ phép, cung kính nhún nhường. Khiêm là khiêm tốn, khiêm nhường, ngầm hiểu
một sự nhún nhường, nhũn nhặn. Cung là cung kính, ngầm hiểu một sự tôn trọng
tha nhân, tôn trọng môi trường sống, cùng là dành cho tha nhân và môi trường một
sự lưu tâm chú ý đặc biệt. Tôn trọng không có nghĩa là che dấu một tự ti hay tự
tôn mặc cảm bằng một lớp áo ngoài khiêm nhường trong xử thế. Tôn
trọng là xác nhận tha nhân, ngoại vật có quyền tồn tại, có những nét đặc thù,
bất khả xâm phạm. Nói riêng, mình và người bình đẳng, không hơn, không kém.
Đức khiêm cung biểu hiện trong
lời lẽ, cử chỉ, thái độ, hành vi, thậm chí trong cách đi đứng ăn mặc, nói chung
trong nếp sống hàng ngày của con người. Làm mình nhỏ bé, không nhằm để che dấu
một mặc cảm mà thật lòng thấy mình nhỏ bé trước cái bao la và phức tạp của vũ
trụ, thì đó có thể là dấu hiệu cụ thể của tính khiêm cung.
Đối nghịch với đức khiêm cung là tính cao
ngạo, kiêu căng, hãnh diện quá mức về mình. Thấy mình cao hơn, hay hơn người,
giỏi hơn người, rồi ngạo mạn, kiêu căng, xem trời bằng vung, là một tâm thức
giới hạn việc học hỏi và tu sửa..
* Nhân nhượng là sự nhượng bộ để
đi đến một thỏa thuận khác. Nhận nhượng một vấn đề vì một vấn đề khác lớn hơn,
vì ẩn chứa một mục đích khác cao cả hơn. Nhân nhượng thường được đề cập trong
văn cảnh chính trị, ngoại giao.
Đối với các cụm thuật ngữ: nhường nhịn, xã hội nhường nhịn, con người nhường
nhịn... tạm thời được hiểu như sau:
* Nhường nhịn là tự mình nhường
cho người khác phần hơn, là sự thông cảm, tha thứ cho nhau trong các quan hệ xã
hội để cuộc sống tốt đẹp hơn.
* Con người nhường nhịn: Con người nhường nhịn không phải cứ là người hiền lành,
không phải là người không cạnh tranh trong hoạt động sống. Người nhường nhịn là
người biết cạnh tranh vươn đến "cái đẹp"*,
phải là người biết xấu hổ, biết thông cảm, chia sẻ, biết dung hòa trong quan hệ; lấy tình
thương, trách nhiệm và lòng vị tha để thay thế cho sự tức giận, bốc đồng.
Con người thiếu nhường nhịn là người không thể tự kiểm
soát được mình trước những kích thích từ môi trường bên ngoài, là người có tâm
thế bốc đồng, kích động, sẵn sàng tranh cướp lợi ích nào đó miễn là có cơ hội.
Sự nhường
nhịn ít nhất có thể coi là có hai trình độ: Nhường
quyền lợi vật chất thuộc tinh thần cao cả, có tự nguyện hy sinh. Nhường lời, nhường bước thuộc văn hóa
ứng xử. Nhường nhịn trong cách hiểu không chỉ là lối ứng xử thông thường; không
phải nhường và nhịn sẽ làm cho mình thiệt thòi và yếu hèn, mà nó dạy con người
một lẽ sống, luyện một thói quen theo nhân cách tốt, nếu không, có thể xảy ra
những hậu quả thiếu nhân đạo.
* Xã hội nhường nhịn: Xã hội nhường nhịn là xã hội ở đó mỗi cá nhân tự định vị được bản thân
trong tổ chức, nhóm xã hội của mình; mỗi tổ chức, nhóm xã hội được xây dựng vì
một xã hội trách nhiệm, dân chủ, minh bạch; con người biết điều tiết hài hòa lợi
ích giữa cá nhân và cộng đồng (xem thêm Phan Tân 2017).
2) Quan điểm Xã hội nhường nhịn qua tiếp cận một số quan
điểm, lý thuyết xã hội liên quan
- Xã hội nhường nhịn
và quan điểm Xã hội hài hòa
Xem xét quan điểm Xã hội hài
hoà với trạng thái tồn tại và phát triển cân đối, điều hòa giữa các mặt của đời
sống xã hội, giữa các cộng đồng dân cư, giữa con Người với Tự nhiên, là giai đoạn
lý tưởng và hình thức hoàn mỹ của sự phát triển trong sự thống nhất biện chứng
của các mặt đối lập trong quan hệ với quan điểm về Xã hội nhường nhịn.
Chú ý: Song đề lý thuyết "Xã hội hài hòa hoặc/và Xã hội bất
hòa"
- Xã hội nhường nhịn
và quan điểm Xã hội lành mạnh
Quan điểm hoá giải các vấn đề xã hội nảy sinh, bức xúc
cũng như phòng ngừa các lệch lạc văn hoá để làm cho Xã hội thấm nhuần các giá
trị và chuẩn mực chân (cái đúng), thiện (cái tốt), mỹ (cái đẹp), lợi (lợi ích,
phúc lợi), tâm linh lành mạnh, đảm bảo sinh kế an toàn và định hướng phát triển
bền vững của Xã hội lành mạnh với Xã hội nhường nhịn.
Chú ý: Song đề lý thuyết "XH lành mạnh hoặc/và Xã hội không
lành mạnh"
- Xã hội nhường nhịn
và lý thuyết Đồng thuận xã hội
Xã hội nhường nhịn được xem xét
trong mối quan hệ về sự đồng tình, nhất trí hay tán thành, ủng hộ một cách rõ ràng
hay ngầm định của đa số các thành viên trong xã hội đối với các
hành động, sự kiện, vấn đề xã hội nào đó của đồng thuận xã hội.
Bên cạnh vai trò là động lực thúc đẩy Xã hội phát
triển, đồng thuận xã hội còn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc điều chỉnh
xã hội, giúp Xã hội duy trì được sự ổn định, cân đối và hài hoà.
Chú ý: Song đề lý thuyết "đồng thuận xã hội hoặc/và
xung đột xã hội"
- Xã hội nhường nhịn
và lý thuyết Nhu cầu
Một hệ thống thứ bậc các nhu cầu nhất định của con Người (từ nhu cầu cơ bản
đến nhu cầu cao cấp) cần đáp ứng để hướng đến cuộc sống lành mạnh và có ích cả
về thể chất và tinh thần đã khiến cho mọi động cơ hoạt động của con Người, của
Xã hội liên tục đòi hỏi phải được thỏa mãn ngày càng cao đã được thể hiện trong
cuộc sống liên quan đến sự nhường nhịn.
Chú ý: Song đề lý thuyết "thỏa mãn nhu cầu hoặc/và
giải thoát nhu cầu"
- Xã hội nhường nhịn
và lý thuyết Khinh-Trọng
Quan điểm Xã hội nhường nhịn tìm kiếm sự lựa chọn hợp lý & hợp tình,
tuân thủ chuẩn mực vốn có và cố gắng giữ gìn và phát triển các chuẩn mực được
thừa nhận. Thuyết khinh - trọng với tư cách là Tiếp cận lý thuyết bao trùm, tổng
– tích hợp liên & xuyên ngành, thừa nhận tất cả các trạng thái có thể tồn tại
của sự vật, hiện tượng; đặc biệt nó thừa nhận sự hợp lý của thực tại ở các dạng
thức (kể cả cực đoan). Nó cho phép các chủ thể hành động tự do lựa chọn giữa
các khung mẫu (thể khinh - trọng) khác nhau. Như vậy ở đây bản thân sự vật, hiện
tượng (tồn tại) cũng xuất hiện các thể khác nhau, như "được cái này, mất cái kia",
hay "hơn cái này, thiệt cái kia", hay "chấp nhận cả hai: vẹn cả
đôi đường"; nếu không khéo có khi bị "mất cả chì lẫn chài",…Điều
quan trọng hơn là luôn có sự điều chỉnh hoặc thay đổi khinh – trọng các thể trạng
đa dạng nêu trên…
Chú ý: Song đề lý thuyết "khinh – trọng chủ quan hoặc/và
khinh – trọng khách quan"
4.2. Nội dung 2:
Xã hội Việt Nam hiện
nay - nhường nhịn và/hoặc thiếu nhường nhịn
1) Hiện tượng xã hội trong đời sống liên quan đến hình
thái ý thức về xã hội nhường nhịn
Các sự kiện, vấn đề xã hội xảy ra liên quan đến sự nhường nhịn/thiếu nhường
nhịn thông qua mô tả của các bài báo, báo cáo... được tổng hợp, sắp xếp theo
các biểu hiện:
- Quan hệ nhường nhịn/thiếu
nhường nhịn,
Tìm hiểu trong mối quan hệ xã hội hàng ngày những quan hệ được xem là nhường
nhịn, hoặc/và thiếu nhường nhịn đã được phản ánh như thế nào...
- Ứng xử nhường nhịn/thiếu
nhường nhịn,
Quan hệ xã hội về sự nhường nhịn hoặc/và thiếu nhường nhịn thể hện qua các ứng
xử cụ thể...
- Hành động nhường
nhịn/thiếu nhường nhịn,
2) Thực trạng nhận thức, thái độ, hành vi của người dân về
sự nhường nhịn qua đo lường của xã hội học
Vận dụng lý thuyết nhu cầu của Abraham
Maslow, nội dung nhận thức, thái độ, hành vi của người dân về sự nhường
nhịn trong cuộc sống được thể hiện và đo lường qua các cấp độ khác nhau, thể hiện
theo các mức độ nhu cầu từ thấp đến cao qua các cấp độ nhu cầu này có thể đánh
giá, xem xét trình độ xã hội, quan hệ xã hội, nhu cầu xã hội theo chuẩn giá trị
văn minh hướng đến.
Mô tả các chỉ tiêu, chỉ báo về sự nhường nhịn và thiếu nhường nhịn qua nhận
thức, thái độ, hành vi của người dân (từ số liệu khảo sát thực tế), cụ thể:
- Nhận thức, thái độ,
hành vi về sự nhường nhịn thể hiện qua nhóm nhu cầu sinh lý (ăn, uống, ở, đi lại... - nhu cầu bậc 1)
Đây là nhóm nhu cầu căn bản nhất, nhóm nhu cầu để con người tồn tại, như là
nguồn và định hướng của một mục tiêu cá nhân; mặc dù trong xã hội văn minh/phát
triển những nhu cầu này đã được nâng lên tầm nghệ thuật cảm thụ nhưng trong từng
điều kiện, trong từng hoàn cảnh con người đã hành động để thoã mãn nhóm nhu cầu
này như thế nào? con người đã đấu tranh để có được nhu cầu này như thế nào với
nhận thức về sự nhường nhịn/thiếu nhường nhịn.
- Nhận thức, thái độ,
hành vi về sự nhường nhịn thể hiện qua nhóm nhu cầu an toàn (an ninh, an toàn, sức khoẻ, bảo hiểm, công việc, tiền
công... - nhu cầu bậc 2)
Khi nhu cầu bậc thấp được thoã mãn, những nhu cầu cao hơn sẽ là động cơ
hành động. Để tìm kiếm hay thoã mãn nhu cầu an toàn, nhu cầu sức khoẻ, công việc...
con người đã hành động như thế nào nếu sự cung cấp của xã hội, nguồn lực xã hội
có hạn hoặc được phân chia không công bằng?
- Nhận thức, thái độ,
hành vi về sự nhường nhịn thể hiện qua nhóm nhu cầu tình cảm/yêu mến và phụ thuộc (các quan hệ gia đình, xã hội, du lịch... - nhu cầu bậc
3)
- Nhận thức, thái độ,
hành vi về sự nhường nhịn thể hiện qua nhóm nhu cầu được tôn trọng (đạt địa vị, được tôn trọng, tin tưởng... - nhu cầu bậc
4)
- Nhận thức, thái độ,
hành vi về sự nhường nhịn thể hiện qua nhóm nhu cầu tự thể hiện/hoàn thiện/tâm
linh (muốn thành đạt, được công nhận... - nhu cầu
bậc 5)
=>Tóm lại, nhận thức, thái độ, hành vi của người dân về sự nhường
nhịn và thiếu nhường nhịn sẽ được nghiên cứu, đánh giá được triển khai trên 3
quan điểm định hướng:
+ Khi người ta thoã mãn nhu cầu ở bậc thấp người ta sẽ có nhu cầu ở bậc tiếp
theo;
+ Khi một nhu cầu đang thoã mãn và bị đe doạ thì nhu cầu đó trở thành cấp
bách;
+ Theo quan niệm ban đầu, khi một nhu cầu chưa thoã mãn thì người ta sẽ
chưa quan tâm tới nhu cầu ở bậc cao hơn, tuy nhiên trong điều kiện hiện nay các
nhu cầu đều được cùng đồng thời thoã mãn bởi điều kiện tiếp cận nguồn lực xã hội
và năng lực hưởng thụ là ít có giới hạn.
Cho nên, khi nghiên cứu nhu cầu để dẫn đến hành động của con người tốt/xấu,
nhường nhịn/thiếu nhường nhịn, theo chúng tôi không tồn tại ranh giới rõ ràng
giữa các cấp độ nhu cầu trên mà các cấp độ nhu cầu này thay thế nhau chi phối
hành vi của con người nên không thể cực đoan phán xét con người chúng ta đang ở
đâu trong các cấp bậc nhu cầu ấy mà chỉ xét tại một thời điểm nhất định đối với
các cá nhân và nhóm nhỏ cụ thể.
Vấn đề quan trọng nhất trong nghiên cứu cấp độ nhu cầu này là ngưỡng, mức độ
cần và mức độ đủ, bên cạnh đó mà nhận thức và bản lĩnh của mỗi cá nhân/nhóm xã
hội khi hành động để thoã mãn nhu cầu. Bởi con người không khác nhau về loại
nhu cầu mà chỉ khác nhau ở ngưỡng, mức của nhu cầu, và nó còn thay đổi theo thời
gian...!
Đồng thời dựa trên địa vị, tài sản và vị trí của một con người, nhóm người
trong xã hội mà chúng tôi sẽ đánh giá hành động nhường nhịn/thiếu nhường nhịn của
họ khi thoã mãn nhu cầu.
4.3. Nội dung 3:
Những yếu tố cơ bản
cấu thành xây dựng xã hội nhường nhịn ở Việt Nam hiện nay
1) Nguyên nhân của biểu hiện thiếu nhường
nhịn trong đời sống hiện nay
Tìm hiểu nguyên nhân từ các khía cạnh:
- Truyền thống văn hóa - lịch sử: qua lịch
sử chống ngoại xâm, lịch sử văn hóa qua thơ ca, hò, vè...
- Chuyển đổi văn hóa: các giá trị, chuẩn mực
sống của con người Việt Nam, của dân tộc Việt Nam đã từng tồn tại và chuyển đổi
như thế nào, đặc biệt những giá trị sống, chuẩn mực sống liên quan đến sự nhường
nhịn.
- Giáo dục: triết lý giáo dục và các cuộc cải
cách giáo dục đã tác động như thế nào đến việc hình thành lối sống, nhân cách sống
của người học dấn đến hành vi thiếu sự nhường nhịn.
- Kinh tế thị trường: những so sánh về tác
động của nền kinh tế trước bao cấp (kinh tế thuộc địa), kinh tế bao cấp và kinh
tế thị trường đến việc thõa mãn nhu cầu và các hoạt động đạt nhu cầu cuộc sống
dẫn đến các hành động, hành vi thiếu nhường nhịn
- .v.v...
2) Những yếu tố cơ bản cấu thành xã hội nhường nhịn
- Xây dựng lại hệ
giá trị cốt lõi - chìa khóa xử lý những bế tắc đạo đức hiện nay
- Thượng tôn pháp
luật, đạo đức xã hội
+ Nghiêm khắc trong thực thi luật pháp quy định các quan hệ xã hội.
+ Nghiêm khắc tuân thủ và yêu cầu mọi người tuân thủ các giá trị đạo đức,
các chuẩn mực sống.
3) Những giải pháp hiện thời trước mắt
- Xây dựng xã hội
nhường nhịn từ những hành động làm gương
+ Sự kiện làm gương;
Bên cạnh những sự kiện thiếu nhường nhịn, cần thiết phải chú tâm tổ chức được
những sự kiện đẹp, đi vào lòng người. Ví dụ: bên cạnh lễ hội tranh cướp ở phía
Bắc thì có lễ hội rước Kiệu Bà ở Bình Dương diễn ra bằng những hoạt động, hành
động đẹp của cộng đồng và các cá nhân. Bên cạnh những lễ hội hoa bị tàn phá
cũng còn có những lễ hội hoa đẹp. Bên cạnh những chuyến xe tai nạn hôi của cũng
còn có những chuyến xe tai nạn mà người dân giúp đỡ người gặp nạn. Bên cạnh những
hành vi rối loạn, tranh cướp, không chịu xếp hàng thì còn có những trật tự đẹp,
văn minh diễn ra.v.v... những sự kiện đẹp đó phải được ý thức tuyên truyền,
nâng tầm hình ảnh lên các không gian công cộng...
+ Con người làm gương (từ chính các quan hệ, lối ứng xử, hành động xã hội).
Trong gia đình ông bà, bố mẹ làm gương cho con cháu, anh chị làm gương cho
em; ra xã hội người lớn tuổi làm gương cho người nhỏ tuổi, cấp trên làm gương
cho cấp dưới; trong nhà trường thầy cô làm gương cho học trò... bằng những hành
động, hành vi cụ thể....
- Xây dựng các
trang mạng xã hội chuyên đưa tin,
lên án những vụ việc, những hành vi thiếu nhường nhịn; tạo dư luận rộng rãi phê phán các thói hư tật xấu; ca ngợi những sự kiện,
hành vi đẹp.
- Cần thiết phải có
phong trào đánh động về "văn hóa xấu hổ", "văn hóa tự chịu trách
nhiệm"; làm cho con người thấy xấu
hổ, tự nhục, tự vấn...
=> Các giải pháp đưa ra phải hướng đến
giá trị bền vững về sự nhường nhịn qua các quan hệ xã hội, ứng xử xã hội, hành
động xã hội; đồng thời, hướng đến nhận thức nhường nhịn, thái độ nhường nhịn,
hành vi nhường nhịn thông qua các hình thức giáo dục/tự giáo dục, tuyên truyền/tự
tuyên truyền.
5. Các hội thảo/tọa
đàm khoa học sẽ được triển khai
Dự kiến tổ chức 02 cuộc toạ đàm, 01 hội thảo
theo 3 chủ đề
5.1. Chủ đề Hội thảo:
Truyền thống Việt
Nam, Văn hóa Việt Nam - tiền đề căn cốt của văn hóa nhường nhịn và những vấn đề
thực tiễn đặt ra yêu cầu xây dựng xã hội nhường nhịn ở Việt Nam hiện nay (tổ chức tại TP Hồ
Chí Minh)
- Mục đích: Làm rõ căn cốt của sự nhường nhịn trong truyền thống Việt
Nam, trong văn hoá Việt Nam; Làm rõ thực trạng nhường nhịn và thiếu nhường nhịn
trong đời sống hàng ngày ở các vùng, miền văn hoá thông qua các sự kiện, vấn đề
xã hội xảy ra được bình luận, phân tích từ đó rút ra sự cần thiết yêu cầu xây dựng
xã hội nhường nhịn
- Yêu cầu: Làm rõ được những khảo cứu, thảo luận truyền thống, văn
hóa truyền thống của Việt Nam qua các cứ liệu để lại từ lịch sử, các nghiên cứu
lịch đại về văn hóa ứng xử, đạo đức, thói quen giao tiếp của người Việt, làm tiền
đề khởi đầu cho xây dựng lối sống nhường nhịn, văn hóa nhường nhịn, xã hội nhường
nhịn thời hiện đại.
Đánh giá được thực trạng về các sự kiện, hiện tượng xã hội thiếu nhường nhịn
đã xảy ra; bình luận về các nguyên nhân của vấn đề; kết nối lý luận và thực tiễn,
phương pháp luận, phương pháp và kỷ thuật tiếp cận nghiên cứu xã hội nhường nhịn
trước những biến đổi xã hội hiện nay.
5.2. Chủ đề tọa đàm thứ Nhất:
Cơ sở lý luận và
phương pháp luận nghiên cứu sự nhường nhịn/xã hội nhường nhịn (tổ chức tại Hà Nội)
- Mục đích: Xác định được khái niệm, quan điểm về sự nhường nhịn, về
xã hội nhường nhịn trong xã hội Việt Nam - tham khảo thêm từ một số lý thuyết
KHXH liên quan
- Yêu cầu: thể hiện được các quan điểm, quan niệm về đạo đức, thói
quen, phong tục, văn hóa ứng xử trong mối quan hệ với sự nhường nhịn, đó là đức
tính nhường nhịn, văn hóa nhường nhịn, thói quen giao tiếp nhường nhịn, lối ứng xử nhường nhịn... Đồng thời xem
xét đến các khía cạnh hợp lý của quan điểm nhường nhịn từ các lý thuyết
Đồng thuận xã hội, lý thuyết Xã hội hài hoà, lý thuyết Xã hội lành mạnh,..., từ đó cùng thống nhất một nhận thức về xã hội nhường
nhịn.
5.3. Chủ đề tọa đàm thứ Hai:
Những nhân tố cơ bản
cấu thành xây dựng xã hội nhường nhịn ở Việt Nam hiện nay (tổ chức tại Hà Nội)
- Mục đích: Thống nhất những nhân tố cơ bản cấu thành xây dựng xã hội
nhường nhịn trên cơ sở các giá trị, chuẩn mực hướng tới một xã hội văn minh
- Yêu cầu: Tổng hợp, thảo luận hoàn chỉnh các nhân tố cơ bản, các
giải pháp xây dựng xã hội nhường nhịn mang đặc trưng của Việt Nam. Các giải
pháp phải làm rõ được các nội dung của xã hội nhường nhịn thông qua các quan hệ
xã hội, ứng xử xã hội, hành động xã hội.
6. Tiếp cận nghiên
cứu - phương pháp nghiên cứu
Xét một cách tổng thể đề tài sẽ tiếp cận tổng – tích hợp
lý thuyết và phương pháp trong nhìn nhận mối quan hệ giữa văn hóa hoặc/và phản
văn hóa, giữa giá trị hoặc/và phản giá trị, lợi ích hoặc/và phi lợi ích, giữa
khinh hoặc/và trọng...
Nội dung nghiên cứu liên quan đến nhiều lĩnh vực khoa học chuyên ngành như:
văn hóa học, đạo đức học, xã hội học, giáo dục học... Tuy nhiên, chúng tôi sử dụng
tiếp cận xã hội học là tiếp cận chính, bởi Xã hội học đòi hỏi tiếp cận, nghiên
cứu xã hội phải có một cách nhìn tổng thể về các mối quan hệ xã hội, về sự thay
đổi xã hội dựa trên những biến đổi xã hội. Cách tiếp cận xã hội học thường
phong phú và đa dạng; trong tiếp cận xã hội học có xã hội học văn hóa, xã hội học
giáo dục... Đặc biệt, xã hội học có một hệ các phương pháp nghiên cứu có thể
làm rõ các quan hệ xã hội, các biến đổi xã hội và có thể tính toán đến những dự
báo phát triển nhất định để đưa ra các giải pháp quản lý xã hội phù hợp, khả
thi.
Theo hướng tiếp cận trên, để thực hiện được các nội dung nghiên cứu, đề tài
sử dụng các phương pháp sau:
1) Phương pháp nghiên cứu, phân tích tài liệu
Đây là phương pháp quan trọng để tìm hiểu những vấn đề cơ
bản qua tiếp cận các lý thuyết trong khoa học xã hội đặt trong mối quan hệ với
quan điểm Xã hội nhường nhịn. Tìm hiểu theo chiều lịch đại những quan điểm,
quan niệm và hành động thông qua truyền thống văn hóa dân tộc, lịch sử văn hóa
dân tộc tiếp cận quan niệm, quan điểm về xã hội nhường nhịn.
Tài liệu thu thập để nghiên cứu, phân tích thông qua các
nguồn:
+ Các báo cáo, công trình nghiên cứu khoa học trong và
ngoài nước có liên quan;
+ Các tài liệu dịch thuật được chọn lọc từ các ngôn ngữ
khác nhau.
2) Phương pháp chuyên gia
Lấy ý kiến của các chuyên gia qua toạ đàm/ hội thảo khoa học:
+ Thống nhất nhận thức, khái niệm về Xã hội nhường nhịn;
+ Làm rõ cái đức nhường nhịn trong xã hội Việt Nam từ truyền thống đến hiện
đại.
+ Thống nhất về tính cấp thiết cần phải có giải pháp xây dựng xã hội nhường
nhịn ở Việt Nam trong bối cảnh hiện nay
Dự kiến tổ chức 03 cuộc tọa đàm/hội thảo khoa học với các chuyên gia, nhà
khoa học theo 3 chủ đề nghiên cứu (xem thêm nội dung, kế hoạch triển khai
nghiên cứu)
3) Phương pháp điều tra xã hội học
- Mục đích khảo
sát:
+ Khảo sát đánh giá nhận thức, thái độ, hành vi của người dân về các hành động
xã hội liên quan đến nhường nhịn - phản nhường nhịn trong đời sống xã hội, từ
đó đề xuất một số giải pháp cơ bản xây dựng một mẫu hình về xã hội nhường nhịn ở
Việt Nam.
+ Quan sát các hoạt động xã hội, hành vi xã hội trong giao tiếp, ứng xử của
công chúng.
+ Phát phiếu Xã hội học thăm dò ý kiến công chúng nhằm mục đích tìm hiểu nhận
thức, thái độ, hành vi của công dân đối với các hành động, hành vi nhường nhịn
và thiếu nhường nhịn đang diễn ra trong xã hội; những kỳ vọng của công dân đối
với tiến trình xây dựng một xã hội tốt đẹp.
- Phạm vi khảo sát:
Trong giới hạn tài chính cho phép, đề tài tiến hành chọn mẫu nghiên cứu đại
diện trên 2 địa bàn: thành phố Hà Nội và tỉnh Nghệ An.
- Yêu cầu:
+ Phiếu thăm dò xã hội học sẽ được tiến hành thu thập thông tin trên địa
bàn 2 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Nghệ An trong đó mỗi thành phố chọn 2 vùng địa
bàn riêng biệt để khảo sát: vùng trung tâm và vùng nông thôn ngoại vi.
Mỗi địa bàn tỉnh, thành phố chọn 400 mẫu, tổng 2 địa bàn là 800 mẫu phiếu
điều tra theo mẫu đại diện.
+ Thảo luận nhóm người dân ở các địa bàn nhằm tìm kiếm sự đồng thuận bước đầu
tại cộng đồng về các khuôn mẫu của xã hội nhường nhịn trong cộng đồng dân cư.
Mỗi địa bàn tổ chức 05 cuộc thảo luận nhóm, mỗi nhóm từ 8-10 người tham dự.
Thành phần các nhóm cho mỗi địa bàn gồm: 04 cuộc cho nhóm công dân cư trú trên
địa bàn phường/xã đại diện cho 02 vùng trung tâm và nông thôn ngoại vi; 01 cuộc
cho nhóm cán bộ cấp quận, huyện.
Tổng số có 10 cuộc thảo luận nhóm.
- Mô tả
cách chọn mẫu
Quy trình chọn mẫu được thực hiện theo 2 bước:
* Bước 1, lựa chọn mẫu theo cụm. Địa bàn Hà Nội được chúng tôi tạm chọn theo phương
án đại diện cho thành phố lớn khu vực miền Bắc (đô thị trung tâm). Địa bàn tỉnh
Nghệ An chúng tôi tạm chọn theo phương án đại diện cho một tỉnh khu vực Bắc Trung
bộ (nông thôn ngoại vi)
Từ địa bàn 2 tỉnh, thành phố trên, tiếp tục phân cụm chọn các quận, huyện;
mỗi quận, huyện, tiếp tục phân cụm chọn các phường, xã, trên nguyên tắc lựa chọn
đại diện vùng Trung tâm và Ngoại vi. Quần thể mẫu nhỏ nhất là cấp xã, phường.
Cụ thể:
1) TP Hà Nội
Chọn 1 quận trung tâm, 1 quận ngoại vi; chọn 1 huyện gần trung tâm và 1 huyện
nông thôn ngoại vi xa trung tâm.
Một quận chọn 01 phường, xã tiêu biểu cho đại diện trung tâm và ngoại vi của
địa bàn
2) tỉnh Nghệ An
cũng lựa chọn trên tiêu chí trung tâm và ngoại vi để lấy 4 xã, phường.
Với quần thể mẫu nhỏ nhất là cấp xã, phường, chúng tôi có 8 xã, phường được
chọn, mỗi xã phường được phân phối 100 mẫu.
* Bước 2, từ các xã, phường, thị trấn được chọn, chúng tôi tập hợp danh sách các hộ gia đình, lấy từ danh
sách cử tri do chính quyền cung cấp. Từ đây, sử dụng phương pháp chọn mẫu ngẫu
nhiên hệ thống, theo bước nhảy k = N/100.
=> Trên đây là phác thảo nghiên cứu của
chủ đề Xây dựng xã hội nhường nhịn, rất mong được các nhà khoa học, các quý vị
quan tâm nghiên cứu, góp ý kiến vì mục tiêu xây dựng được một xã hội phát triển
bền vững.
Tham khảo:
TỔNG QUAN TÌNH
HÌNH NGHIÊN CỨU
1. Nghiên cứu ở ngoài nước
Cho đến nay chưa thấy có nghiên cứu nào trên thế giới diễn đạt bằng tiếng
Anh đề cập đến cụm Thuật ngữ "Concession Society" (Xã hội nhường nhịn)
trong nghiên cứu; mặc dù dưới dạng hàm ý ta có thể tìm thấy trong các thuật ngữ
khác như: Good Society (Xã hội tốt đẹp), Healthy Society (Xã hội lành mạnh),
Wisdom Society (Xã hội minh triết),...
2. Nghiên cứu xã hội nhường nhịn ở Việt Nam
Trên diễn đàn các nhà khoa học cũng như báo chí ở Việt Nam những luận bàn về
xây
dựng xã hội nhường nhịn đang vắng bóng. Trong đạo Phật, các nhà tu hành
có thuyết giảng về văn hóa nhường nhịn,
về cái sự nhịn nhục đặc trưng của người
theo đạo Phật. Thượng tọa Thích Chân Quang trong bài thuyết giảng "Đức tính nhường nhịn"
(http://yume.vn/jimmy_coltech/article/duc-tinh-nhuong-nhin-35C01BFB.htm) đã đi
từ việc giải thích, phân biệt giữa cái sự nhường và sự nhẫn nhục, cái bố thí;
xem xét cái tâm vị kỷ, cái khao khát địa vị của con người, cái cạnh tranh vì
quyền lợi, từ đó giải thích về cái sự nhường, ý nghĩa đạo đức của hạnh nhường
nhịn, cái gốc của hạnh nhường nhịn cần có trong xã hội, cũng như trong Phật
pháp. Đó là: hạnh bố thí của sự nhường; gốc tình thương của sự nhường, từ đây ảnh
hưởng đến sự hòa hợp - đoàn kết - thân ái do sự nhường đưa lại. Đặc biệt là ông
đã giải thích quy luật nhân quả mang đặc trưng của nhà Phật thông qua đức nhường
nhịn.
Một vài bài báo xuất hiện trên các diễn đàn nhân các sự kiện xảy ra đã đề cập
đến sự nhường nhịn như:
1) Nguyễn Sĩ Dũng (2007), với bài viết "Hai con dê, một chiếc cầu",
đăng trên tạp chí Tia Sáng (http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=76&News=179&Category
ID=3). Tác giả phân tích tính pháp lý về hành vi của hai con dê
khi thiếu đi sự nhường nhịn nhằm nhắn nhủ rằng, bài học "Hai con dê qua cầu"
được đưa vào giáo dục đạo đức từ nhỏ, hẳn không ai không nhớ, nhưng dường như
nó chỉ là bài học của hai con dê, mà không thể ngấm vào cái văn hoá nhường nhịn
của người Việt.
2) Giang Lân (2012), qua bài "Nhường và Nhịn
còn hay đã mất", đăng trên báo mạng VTC, (http://vtc.vn/nhuong-va-nhin-con-hay-da-mat.447.334819.htm;) đã so
sánh các sự nhường nhịn xưa và nay, thấy được sự xuống cấp nghiêm trọng của văn
hóa nhường nhịn ngày nay và chỉ ra một trong những nguyên nhân đưa đến thảm cảnh
đó là do nền giáo dục quá nặng về ganh đua thành tích; thiếu đề cao tinh thần hòa bình, tình nhân loại; nền giáo dục của
chúng ta thiếu giáo dục tính hướng
thiện. Có thể nói, đó là một nền giáo dục mà từ gia đình đến xã hội đều hướng
theo tinh thần “Khôn thì ăn người / Dại thì người ăn”, “Khôn sống
mống chết”
3) Hoàng Cửu Long (2011),với bài "Văn hóa nhường nhịn trên đường",
được chứng kiến những thái độ, hành vi ứng xử không biết nhường nhịn nhau trong
giao thông mà dẫn đến nhiều thực tế đau lòng, tác giả kêu gọi xây dựng văn hóa giao thông ngay trong chính bản thân, gia đình và
toàn xã hội. "Đó là hành động tự giác chấp hành luật lệ, là hành động nhường
nhịn nhau trên đường" (http://tuoitre.vn/tin/ban-doc/cung-lam-bao/20110218/van-hoa-nhuong-nhin-tren-duong/425025.html)
4) Đặc biệt, báo Tin tức, (tháng
11/2014) đã có phát động loạt bài viết "Học lại văn hóa nhường đường" của nhóm phóng viên bản báo http://baotintuc.vn/van-hoa/hoc-lai-van-hoa-nhuong-duong-20141117183631064.htm.
Chủ đề này đã mô tả khá nhiều những hành vi xấu trong lưu hành giao thông, sự
vô cảm, vô ý thức mà những người Việt tham gia giao thông đang phơi bày trong đời
sống hàng ngày và đặc biệt là để lại những hình ảnh thiếu đẹp trước du khách và
bạn bè quốc tế. Các tác giả đã phải kêu lên rằng "Sẽ đáng lo ngại làm sao
khi đó là một câu chuyện phổ biến trong Xã hội hiện nay, thế hệ trước thiếu văn
hóa giao thông, thế hệ sau cũng học theo “bỏ quên” văn hóa giao thông";
"đã đến lúc phải học lại văn hóa giao thông; phải giáo dục văn hóa giao
thông, dạy về luật giao thông như một bộ môn hiểu biết xã hội bắt buộc trong
trường học; để xây dựng những thế hệ mới, hiểu luật và có ý thức tuân thủ theo
luật".
Các bài viết này dưới hình thức bài báo online, cũng chỉ mới mô tả những hiện
tượng thiếu sự nhường nhịn trong xã hội, những hiện tượng "chướng tai gai
mắt" dường như đi ngược với truyền thống văn hóa của dân tộc để đưa ra
trình trước công luận, để kêu gọi một sự đồng cảm, tìm kiếm sự hành động chung
của Xã hội.
Đồng hành với các bài báo, trên thực tiễn một vài địa phương hiếm hoi đã
triển khai công tác tuyên truyền, kêu gọi sự nhường nhịn khi tham gia giao
thông bằng các băng rôn, biểu ngữ. Tuy nhiên, dường như những hành động này vẫn
chưa thực sự đi vào cuộc sống.
3. Những kết quả nghiên cứu của chính chủ nhiệm đề tài đã
đạt được liên quan đến đề tài
1) Một nghiên cứu của chính tác giả "Vấn đề xây dựng xã hội nhường nhịn" đăng trên Tạp chí Thông tin Khoa học xã hội số
01(385)/2015, một bài bằng tiếng Anh "Disscussion
to Establish the Concession Society in the Vietnam" đăng trên Tạp chí
SYLWAN (SYLWAN, 1959(10). ISI Indexed - Oct 2015, pp. 19-35), với cách đặt vấn
đề là: Hiện nay, trong văn hóa giao tiếp nói chung, ở tất cả các trình độ, đang
thiếu một đức tính, một phẩm chất - mà sự thiếu hụt đã đến mức nghiêm trọng,
nguy hiểm - đó là sự nhường nhịn, hay có thể diễn đạt ở các sắc thái khác là đức
tính nhường nhịn, văn hóa nhường nhịn,
thói quen giao tiếp nhường nhịn, lối ứng xử nhường nhịn... và ở bất cứ
góc độ nào thì đời sống tinh thần xã hội cũng bộc lộ ra chính khiếm khuyết - thiếu
nhường nhịn.
Tác giả nhấn mạnh tình trạng THIẾU HOẶC KHÔNG CÓ NHƯỜNG NHỊN đang là VẤN NẠN
của Xã hội Việt Nam đang chuyển đổi kép từ truyền thống đến hiện đại và từ thể
chế bao cấp XHCN kiểu cũ sang thể chế thị trường XHCN trong bối cảnh hội nhập
toàn cầu hoá.
Trong phạm vi một bài báo khoa học, tác giả cũng
đã tiếp cận vấn đề từ 3 hướng: 1) Đánh giá
thực trạng vấn nạn thiếu hoặc không có nhường nhịn xã hội; 2) Phân tích nguyên
nhân của thực trạng nêu trên; và 3) Đề xuất giải pháp cơ bản nhằm khắc phục vấn
nạn thiếu hoặc không có nhường nhịn xã hội, và mong muốn xây dựng thành công
hình thái xã hội nhường nhịn ở Việt Nam trong tương lai.
Đây là một tiếp cận nghiên cứu khởi đầu nên bài viết chưa đi sâu vào phân
tích các bình diện phức tạp của vấn đề, mà mới chỉ nêu ra những thức nhận ban đầu
về thực trạng thiếu hụt này ở nước ta. Sự thức nhận có tính cảnh báo, thức tỉnh
hết sức cần thiết với mong muốn các công trình nghiên cứu tiếp theo sẽ đi vào vấn
đề một cách toàn diện hơn, sâu sắc hơn.
2) Trong quý 2/2017, Quyển 1 cuốn Xây
dựng Xã hội nhường nhịn đã được Nxb Hội nhà văn xuất bản. Cuốn sách là nổ lực
tiếp theo tìm kiếm lời giải đáp cho các hiện tượng không đẹp diễn ra trong đời
sống hàng ngày.
Qua các thông tin được phản
ánh trên báo chí, trên các trang mạng liên quan đến chủ đề này được tác giả tổng
hợp, phân tích cho thấy rõ ràng còn có những hành vi thiếu nhường nhịn trong
ăn, mặc, ở; thiếu nhường nhịn trong du lịch, lễ hội; thiếu nhường nhịn trong
giáo dục, đào tạo; thiếu nhường nhịn trong giao thông...
Sự thiếu nhường nhịn đã
gây ra sự rối loạn xã hội không đáng có, làm ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của
không ít người dân; đặc biệt là làm xấu đi hình ảnh của người Việt trong con mắt
người nước ngoài.
Những sự thiếu nhường nhịn
này thể hiện qua sự tranh giành, tranh cướp vì mục đích mình phải hơn người
khác; trong khi đó trái ngược với sự hơn thua này là sự thua thiệt, yếu kém
trong sản xuất, kinh doanh - một lĩnh vực rất cần sự cạnh tranh vì sự phát triển.
Nguyên nhân cho sự thiếu
nhường nhịn trên, có phần từ căn cốt lịch sử, truyền thống của người Việt được
thể hiện qua các lời răn dạy từ ca dao, tục ngữ, từ chính bản tính thâm căn cố
hữu: dối ẩu, vô cảm, thiếu ý thức pháp luật... nhưng hơn hết đó là sự méo mó về
văn hóa chuyển đổi mà ở đó chúng ta đã vô tình cổ súy cho sự lệch lạc quá lâu
những chữ danh, chữ lợi, kích thích bạo lực, kích thích tranh cướp; ở đó thiếu
sự định hướng đúng đắn về giáo dục, nặng về ganh đua thành tích, thiếu tinh thần
hòa bình, tình nhân loại và hướng thiện; ở đó chúng ta đã thiếu định vị cho cá
nhân bản thân mỗi con người - không tự xác định cần thay đổi mình trước khi chờ
đợi sự thay đổi mang tầm vĩ mô toàn bộ cấu trúc.
Xây dựng được một xã hội
nhường nhịn làm nền tảng cho một xã hội cạnh tranh lành mạnh, vì thịnh vượng -
văn minh là mục tiêu tác giả mong muốn được trình bày trong cuốn sách này.
Trước hết là một khát vọng
xã hội mà ở đó cần có những người tử tế, những hành động tử tế. Xã hội nhường
nhịn mà ở đó nền tảng căn bản văn hóa xã hội phải được xây dựng trên hệ giá trị
tình người, tình nhân bản, tinh thần nhân đạo nhân nghĩa. Mỗi con người phải tự
định vị bản thân, biết sống làm gương; bên cạnh đó là một thể chế dân chủ cần
thiết để con người không phải lo âu về các lợi thế mà mình không có, một xã hội
đầy tinh thần cộng đồng trách nhiệm.
Xã hội nhường nhịn mà ở đó
và trên hết mọi người tự xây dựng
cho mình “văn hóa xấu hổ”, "văn hóa chịu trách nhiệm", "văn hóa
từ chức"..
+ Trước hết là "Văn
hóa xấu hổ":
*
Xấu hổ vì Quốc gia phát
triển chậm, vì không cạnh tranh được với Thế giới về những phát minh, sáng tạo, sáng kiến…
* Xấu hổ vì chen
ngang chỉ để tranh giành miếng ăn tầm thường, cái lợi nhỏ nhặt, làm xấu đi hình
ảnh quốc gia trong tâm thế hội nhập.
* Xấu hổ vì một
thành viên nào đó trong cộng đồng có hành vi lệch lạc làm ảnh hưởng đến uy tín
cộng đồng.
+ Tiếp đến là "Văn hóa
chịu trách nhiệm":
* Chịu trách nhiệm trước
thiệt hại do cá nhân, tổ chức mình gây ra, không
đổ lỗi cho Người khác hay Tổ chức khác.
+ Cuối cùng là "Văn hóa
từ chức":
* Sẵn sàng từ chức nếu
cá nhân mình có lỗi.
* Sẵn
sàng từ chức nếu
cơ quan, đơn vị mình quản lý yếu kém.
Phần cuối của
cuốn sách là một ước vọng của tác giả nếu ai đó nghiên cứu Xã hội nhường nhịn với
tư cách là một lý thuyết, hay chính xác hơn là ở mức
độ TIẾP CẬN một LÝ THUYẾT với đầy đủ bộ các khái niệm, các cặp phạm
trù, phương pháp tiếp cận... để nó có thể không còn là ý tưởng "xa xỉ".
Và ở mức độ nhất định bước đầu phải hình thành được 3 bộ phận: Lập Thuyết (Cơ sở
lý thuyết xã hội nhường nhịn), Luận Thuyết
(Thao tác hoá lý thuyết xã hội nhường nhịn), Dụng Thuyết (Vận dụng lý thuyết xã hội nhường nhịn).
Do vậy, việc
đi sâu mô tả, phân tích một cách có hệ thống, các bình diện phức tạp của vấn đề,
lý giải
và xây dựng một hệ giá trị, quy tắc, chuẩn mực sống trong xã hội
có cơ sở lý luận và thực tiễn ở Việt Nam nhằm xây dựng một xã hội có căn bản của văn hóa nhường nhịn, ngăn chặn những hiện tượng
thiếu nhường nhịn thì đòi hỏi phải có sự nghiên cứu nghiêm túc, bài bản./.
* Cái
đẹp ở đây theo nghĩa rộng, là tất cả những gì có giá trị; những mặt hàng sản
xuất có tiện ích giá trị, những hành động đẹp...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét