Bài đăng nổi bật

Việt Nam nhìn từ Chủ thuyết phát triển

Chủ Nhật, 24 tháng 9, 2017

Con người ta dù có phải nhường nhịn nhau nhưng vẫn muốn một sự công bằng!

Nhân dịp anh Ngô Sỹ Thuyết gửi về bài Luật Nhân quả trong khuôn khổ bàn luận về Xây dựng Xã hội nhường nhịn, mình đã có cuộc tranh luận - phỏng vấn, tuy lan man nhưng khá thú vị.
Xin giới thiệu cùng quý vị!



Ngô Sỹ Thuyết: Vâng, sự nhường nhịn hoặc những mất mát/ thiệt thòi (trong ngắn hạn) của mình phải được xã hội hoặc đối tác ghi nhận. Bài viết của tôi sẽ chỉ ra rằng có luật nhân - quả và tự nhiên có cơ chế ghi lại toàn bộ thông tin về các hành động / suy nghĩ, công/ tội của bất kỳ người nào. Nói cách khác, có những cơ chế giống như những "vị thần" cần mẫn và khách quan ghi chép lại toàn bộ "hồ sơ" của một con người cho dù đó là ai đi chăng nữa.
Phan Tân: Nhưng giải pháp nào để người dân có thể biết và an tâm khi làm điều thiện, an tâm khi nhường nhịn nhau? Con dân đều được nghe Đức Phật dạy về Luật Nhân quả, nghe Thiên chúa nói về sự bao dung và thiên đường tươi đẹp của nước Chúa... như là những sự an ủi xa vời nào đó mỗi khi thấy bất lực vì không được công bằng. Lời giải Luật Nhân quả của anh có thực tế hơn không?
Ngô Sỹ Thuyết: Thực ra từ bao đời nay các bậc chân nhân thánh hiền đã dạy dỗ con cháu về sự nhường nhịn, khiêm cung, bớt tranh giành,.. để có một xã hội nhân ái biết yêu thương nhau. Nhiều hệ thống phát luật cũng bảo vệ người yếu thế, trừng trị kẻ gian ác, một số ít nơi thành công, nhưng nhìn chung mong manh, dễ bị sụp đổ. Ở thời mạt pháp thế giới lại đầy rẫy những điều ác, cái xấu... chung quy con người ta có vẻ không còn biết "SỢ" là gì nữa, lúc nào cũng kêu Trời, gọi Chúa (sướng cũng kêu, khổ cũng kêu, chẳng có gì cũng kêu) mà hầu như chẳng biết Kính Sợ Ngài, không động não để xem Ngài đang vận hành, quản lý thế gian này như thế nào, bằng những công cụ, phương tiện gì !.
Câu hỏi "Lời giải Luật Nhân quả có thực tế hơn không?" là câu hỏi "rất thực tế", nếu chúng ta chỉ hô hào chung chung hoặc viết lại, nói lại những điều cổ nhân đã dạy đi dạy lại rồi thì kết cục cũng chăng đi đến đâu. Do vậy, trên cơ sở những hiểu biết về kho tri thức nhân loại từ xa xưa tới nay cộng với thành tựu của khoa học kỹ thuật chúng ta cần có những cách thức để tri thức "cổ kim đông tây" cùng nhau tích hợp để giải quyết những vấn đề của mỗi nước và của thế giới.
Điều tôi muốn nói đến là cách thức Quản trị thông tin dữ liệu mà xã hội loài người sản sinh ra trong mọi hoạt động của mình từng phút từng giây. Thời đại Internet giúp con người kết nối được với nhau, sự trao đổi thông tin dữ liệu trở nên dễ dàng hơn. Vấn đề lưu trữ, chia sẻ dữ liệu đã được đưa lên Trời (Điện toán đám mây), nhiều hình thức thu nhập thông tin số liệu đã hình thành (email, Facebook, eBook, ....) các công cụ tìm kiếm ngày càng mạnh mẽ và thông minh hơn (Google,...) Tuy nhiên có thể chúng ta vẫn cần thêm những công cụ, phương tiện mới, sáng tạo vượt bậc và thuận theo cách mà Tự nhiên đang quản lý, vận hành vạn vật. Anh có viết một bài "Kết hợp Đức trị, Pháp trị và Kỹ trị để quản lý xã hội" với mong muốn đẩy mạnh việc sử dụng công nghệ thông tin, đặc biệt là Phần mềm "Tổ chức quản lý Cây thông tin dữ liệu" để nâng cao một bước năng lực quản trị xã hội cho đất nước này. Bài "Thông tin số liệu là Gốc của mọi vấn đề" cũng có ý như vậy, trước hết phải có cách gì đó để ghi lại (số hóa) vào hệ thống máy tính toàn bộ hoạt động cơ bản nhất của con người trong xã hội. Từ đó các tổ chức, doanh nghiệp cũng được tin học hóa, cả đất nước được số hóa và được vận hành giám sát bởi những chương trình phần mềm ngày càng tinh vi và thông minh, đặc biệt là sự minh bạch và công bằng cho tất cả.
 Đúng ra, loài người được sinh ra là để học lại những cách thức của tự nhiên mà thôi. Các nhà khoa học là người khám phá, phát hiện ra những quy luật, định luật sẵn có của tự nhiên. Cái gọi là phát minh, sáng chế là cách tạo ra những công cụ, phương tiện cả lý thuyết lẫn thực hành để phát hiện và mô phỏng hoặc ứng dụng những quy luật/ định luật của tự nhiên từ đó tìm cách ứng dụng vào cuộc sống. Khoa học thể hiện khát vọng vươn lên làm chủ và hiểu rõ bản chất của toàn bộ thế giới này, có nghĩa là cũng cố vươn lên để bằng Trời, bằng Chúa, bằng ... Tự nhiên!. Các tôn giáo lại hướng con người đến được với Thượng Đế/ Ông Trời bằng con đường Tâm linh. Như vậy, có nhiều cách để trở thành Một với Thượng Đế, với Trí tuệ Vũ trụ, với Đạo Trời /Đạo Vũ trụ.
 Một ví dụ cho thấy con người còn cần học hỏi tự nhiên nhiều hơn nữa: Gần đây chúng ta nói nhiều đến cách mạng 4.0, Internet  vạn vận kết nối (IoT), Robot, trí tuệ nhân tạo,... nhưng đi sâu vào thế giới sinh vật chúng ta mới thấy sự "lập trình" hết sức thông minh, đầy "trí tuệ" xuất hiện đầy rẫy trong đó. Chẳng hạn đoạn mã ADN chính là các mã lệnh của các "chương trình phần mềm", chứa cả mã lệnh, câu lệnh, và dữ liệu; các cơ chế đọc, phiên dịch mã lệnh thành các bít thông tin để thực thi những "lệnh" cụ thể nào đó một cách hết sức tài tình. Trong mỗi tế bào hoạt động của các bộ phận nhỏ ly ti giống như các robot trong một nhà máy với chức năng, nhiệm vụ nhất định. Các cơ chế Input/ Output, lưu trữ, xử lý "tin" được vận hành theo cách thức mà các nhà "Lập trình" tạo ra, tất cả đều nhịp nhàng, ổn định, bền vững và hết sức vi diệu. Vậy mà những sự vi diệu đó lại được tự nhiên thực hiện từ trước, cách chúng ta hàng tỉ năm!. Phải nói rằng sự thông minh khi đó để tạo ra những virus, vi khuẩn, đơn bào, đa bào,... cây cối, động thực vật,... là sự thông minh thần thánh.
Chúng ta muốn trở thành thần thánh, muốn vươn lên hơn nữa nên con người cũng không ngừng nỗ lực để học hỏi những cách thức mà thiên nhiên đang sử dụng để quản trị vũ trụ cùng vạn vật. 
Tóm lại, việc nghiên cứu để xây dựng một hệ thống lý thuyết là cần thiết, giúp chúng ta có được những hiểu biết nhất định để tiếp cận và hiểu được một cách đúng đắn tri thức của tiền nhân. Bên cạnh đó, chúng ta cần tìm ra những giải pháp, công cụ, phương tiện để biến những mong muốn cao đẹp của tiền nhân trở thành hiện thực, phục vụ cho chính chúng ta và con cháu của chúng ta. Trên phương diện là "dân Tin học/ Kỹ sư lập trình" tôi muốn nhấn mạnh rằng, có thể chúng ta đã có một giải pháp hết sức căn cơ để giải quyết mọi vấn đề đặt ra không chỉ của riêng Việt Nam mà của cả thế giới. Có lẽ, sự chuẩn bị của tôi, của bạn cũng như của rất nhiều người khác đều không là vô ích, hy vọng là vậy.
Phan Tân: Cách lý giải của anh qua đối thoại cũng như trong bài viết Luật Nhân quả rất sâu sắc, nó giúp người trong cuộc nghiên cứu sâu vận dụng vào việc hiểu và tạm thời luận rằng: cái gì cũng có giá (có nhân-quả) của nó. Hãy nhường nhịn đi, sẽ được ghi nhận có lúc nào đó sẽ được trả, có thể là kiếp sau. Nhưng để nói rằng Luật Nhân quả có quan hệ mật thiết với việc ta bàn Xây dựng xã hội nhường nhịn vẫn có vẻ mơ hồ, thiếu thuyết phục và chúng ta sẽ lạc đề.
Ngô Sỹ Thuyết: Nói đến sự "nhường nhịn" là đã ít nhiều liên quan đến cái thiệt/ hơn, được mất trước mắt của một cá nhân/ một tổ chức/ cộng đồng/ quốc gia nào đó rồi. Người ta nếu sẵn lòng nhường nhịn sẽ coi sự hy sinh, thiệt thòi đó là bình thường, đôi khi còn "vui vẻ" coi đó là việc tích phúc, tích đức, thể hiện sự cao quý của mình. 
Dù vậy, con người ta vẫn mong có sự công bằng, vì vậy, cần có những công cụ, phương tiện ghi chép lại những câu chuyện đẹp đẽ về sự hy sinh nhường nhịn. Nếu người ta tin vào thần thánh, Trời đất, tin vào sự linh thiêng họ sẽ nghĩ rằng việc làm thánh thiện, hành động nhường nhịn của mình sẽ không vô ích mà được "ghi sổ" để "tích điểm", tích phúc, đó như một lẽ tự nhiên, đem lại niềm vui cho người ta. 
Ngược lại, hành động, cử chỉ thể hiện lòng tham, cái ác, cái ích kỷ của ai đó (dù họ có được cái lợi trước mắt) cũng phải được "ghi lại" để ngày nào đó có một vị quan tòa công minh, thần công lý làm sở cứ "phán xét/ tính sổ" đó là lẽ công bằng mà ai cũng mong muốn.
Nói vậy, mong vậy nhưng điều này mơ hồ, định tính, cảm tính chứ không rõ ràng, định lượng, vì vậy người ta mới cần đến những giải pháp, những công cụ, phương tiện để có thể chủ động ghi lại vào hồ sơ/ cơ sở dữ liệu mọi hoạt động trong xã hội loài người. Ở thời đại CNTT người ta cần những giải pháp công nghệ, những phần mềm thông minh, mạnh mẽ để thực hiện những mong ước thần thánh đó. Ngoài sự tự động hóa cao của các chương trình phần mềm, chính mỗi người dân khi được kết nối, được tham gia vào hệ thống sẽ trở thành tai, mắt, chân tay,  cành nhánh, thực hiện sự giám sát để cập nhật thông tin số liệu vào hệ thống một cách tự nhiên, tự giác, tự nguyện và đầy hứng thú (theo quy định của luật pháp và cả những nguyên tắc/ giá trị đạo đức).
Những cơ sở dữ liệu, những hồ sơ được tin học hóa, số hóa trước hết giúp cho việc thực thi pháp luật và tuân thủ pháp luật được công minh, công bằng cho tất cả mọi người. Ngoài ra đó cũng là minh chứng cho thấy có "Luật nhân quả" từ bao đời nay rồi, chỉ có điều Ông Trời quá nhân từ và Đạo Trời quá cao siêu, vi diệu mà thôi, Ngài chỉ muốn con người tự giác, tự tu dưỡng đạo đức để nhường nhịn và cùng nhau xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn mà thôi. Song vì con người hiện nay quá kiêu ngạo và sa đọa, sùng bái sức mạnh vật chất, coi thường giá trị tinh thần, đạo đức nên có thể đưa loài người đến thảm họa diệt vong. Bởi vậy mới có sự phát triển mạnh mẽ của Internet của khoa học máy tính để một lần nữa thế giới thực và thế giới ảo gần nhau hơn, đan xen trộn lẫn với nhau, để loài người lại có dịp "học tập, làm theo" cách thức mà Tự nhiên đang sử dụng để quản trị vạn vật. Chỉ có điều, cần có sự "Sáng Tạo" vượt bậc để có được những công cụ, phương tiện thực hiện thật tốt việc quản trị thông tin dữ liệu của toàn bộ chúng sinh. Nên nhớ rằng, cơ thể của mỗi người chúng ta có đến 50-60 nghìn tỉ tế bào các loại thế mà ngần ấy "đối tượng" được quản lý, giám sát một cách chặt chẽ và hoàn toàn tự động cả trăm năm trời, điều đó thôi thúc chúng ta tìm hiểu bí quyết nào, phần mềm nào, thuật toán nào, cách thức tổ chức thông tin dữ liệu như thế nào để có thể quản trị một số lượng khổng lồ các "đối tượng/ phần tử" cần quản lý đến như vậy. Nếu coi mỗi người trong xã hội là một phần tử/ đối tượng cần quản lý/ giám sát/ quan tâm chăm sóc thì rõ ràng khối lượng thông tin dữ liệu của 100 triệu dân Việt đâu có lớn, quá nhỏ bé so với con số 50-60 nghìn tỉ!.
Tôi viết và nói như vậy là hơi đi vào giải pháp kỹ thuật cụ thể rồi đó, muốn xây dựng được xã hội nhường nhịn, thân thiện từ xuất phát điểm như VN hiện nay không thể hô hào chung chung được đâu, phải biết kết hợp giữa Đức trị, Pháp trị và Kỹ trị. Đức trị để nêu cao giá trị đạo đức cao quý của con người; Pháp trị để có những quy định để mọi đối tượng có thể sống chung được với nhau; Kỹ trị là dùng công nghệ, kỹ thuật để hỗ trợ Đức trị và Pháp trị, để quản trị xã hội theo hướng văn minh, hiện đại.
Trước kia, những điều tôi nói có thể xa vời nhưng ngày nay, nói về công nghệ thông tin, về Internet, về cơ sở dữ liệu, về tin học hóa,... về sự liên quan giữa ảo và thực, về một xã hội văn minh được tin học hóa, tự động hóa,.. ngày càng trở nên dễ hiểu và gần gũi hơn. Chỉ có điều, Ngành Công nghệ thông tin, giới IT và những kỹ sư Tin học của Việt Nam phải làm được những gì để có được những Phần mềm và những giải pháp quản trị thông tin dữ liệu thực sự hiệu quả mà thôi.
Phan Tân: Những câu 'đời cha ăn mặn, đời con khát nước", "rồi sẽ bị báo ứng", "ông Trời có mắt", "nhân nào quả nấy"... có lẽ ai cũng hiểu, ai cũng biết, nhưng tại sao xã hội ngày càng loạn về sự thiếu nhường nhịn.
Kỹ trị của anh như là mục đích thay ông trời, thay tạo hóa quản lý xã hội, quản lý cái "đầu vào - đầu ra", để thi hành "nhân - quả", nhưng sẽ rơi vào tình trạng viễn tưởng trong hiện tại, và công chúng hiện nay họ không tin vào chuyện đó.
Vậy lời giải thực tiễn là cái gì? nói ra người ta có thể nhìn thấy, sờ thấy!
Đồng ý là sự phát triển công nghệ hiện nay, với sự kiểm soát của các loại phương tiện truyền thông hiện đại, sự cập nhật kịp thời sự kiện, sự việc, hành vi của con người nó đã làm cho những hành vi xấu giảm bớt, hay biểu hiện kín hơn. Nhưng không đồng nghĩa ta xem đó là ý trời, ý chúa, hay một lực lượng siêu nhiên nào đó đang chi phối, vận hành.
Vì vậy, cái giải pháp phải chăng là: Phát triển khoa học công nghệ vào giám sát sự minh bạch trong mọi hoạt động xã hội góp phần xây dựng xã hội lành mạnh/nhường nhịn?
Ngô Sỹ Thuyết: Giải pháp mà anh đề cập đến rất cụ thể cho vấn đề minh bạch và quản trị thông tin chứ không phải chỉ hô khẩu hiệu "Phát triển khoa học công nghệ ..." hay đổi mới thể chế kinh tế, chính trị.
Năm 2012 anh trình bày "Dự án điều chế văc-xin phòng chống tham nhũng cho VN" trong cuộc thi "Sáng kiến PCTN VACI2011" do WB và Thanh tra CP phối hợp tổ chức. Đề án của anh được giải và cho thực hiện!. Nội dung của Đề án cũng là dùng phần mềm MNC để xây dựng một xã hội minh bạch, có trách nhiệm giải trình. 
Vấn đề "Thế Thiên hành Đạo" thực ra cần nghĩ một cách đơn giản hơn: chúng ta đều là công cụ, phương tiện để thực thi một chức năng nào đó, đóng một vai trò nhất định nào đó trong gia đình, xã hội nói riêng, trong lịch sử loài người nói chung. Mỗi người đều có một vị trí, vai trò, nhiệm vụ nào đó, giống như trong một vở đại kịch vậy. Chúng ta, đại đa số đều chỉ lờ mờ nhận ra được "sứ mệnh" của mình, nửa tin, nửa không vì vậy hầu như ai cũng đều nỗ lực cố gắng, phấn đấu lao động, học tập, tìm tòi để vươn lên. Có những cá nhân trở thành vĩ nhân, thiên tài, có những bậc chân nhân thánh hiền, có những nhà tư tưởng, nhà khoa học, nghệ sĩ,... và bao cuộc đời bình thường khác. Ít hoặc nhiều, tất cả đều được tham gia vào sự tiến hóa của loài người. Không ai là người "Thay Trời hành Đạo" mà một số người có thể "được lựa chọn" để thực thi những vai trò, nhiệm vụ đặc biệt nào đó. Có câu rằng "Trời là ông Thánh không nói; Lời ông Thánh là lời Trời nói" hoặc "Trời có nói gì đâu mà bốn mùa cứ tiếp nối, vạn vật cứ sinh hóa. Trời có nói gì đâu?" ý nói rằng con người cũng như vạn vật chỉ là phương tiện, là công cụ, là sự biểu hiện, hiển dương của Chương trìnhTạo hóa hoặc Ông Trời/ Thượng Đế vậy.
Những ai có sứ mệnh "Thay Trời hành Đạo" thực ra là những "người được lựa chọn" và biết được sứ mệnh cao cả của mình, thấy được "vai diễn" mà mình phải gánh vác, phải làm tròn một cách vinh quang nhất cho dù có phải chịu muôn vàn vất vả, thiệt thòi đối với bản thân và gia đình. Đức tin vào ông Trời/ Thượng Đế/ Tạo hóa giúp cho họ có động lực, chí tuệ, tài năng, ý chí, nghị lực và sự Minh Triết cần thiết để hoàn thành được sứ mệnh của mình.
Các vấn đề phải được nhìn nhận và giải quyết tận gốc rễ  thì mới có thể đảm bảo thành công, vấn đề của Việt Nam cũng vậy, không chỉ là khoa học, công nghệ, văn hóa, giáo dục, an ninh quốc phòng mà là tất cả mọi vấn đề, mọi lĩnh vực, phải đi từ gốc, minh bạch từ gốc, và minh bach Thông tin số liệu lại là gốc của mọi vấn đề nên cuối cùng phải làm sao để việc quản trị những kho dữ liệu quốc gia được thực thi sớm nhất có thể, bằng những phần mềm, giải pháp CNTT măng tính nền tảng, bền vững, thuận theo cách thức mà tự nhiên/ Tạo hóa đang vận hành vũ trụ này.
Phan Tân: Xin cảm ơn anh và hy vọng chúng ta sẽ có dịp tranh luận tiếp theo!

 


LUẬT NHÂN QUẢ QUA GÓC NHÌN IT THỜI HIỆN ĐẠI
Ngô Sỹ Thuyết(*)
1. Luật Nhân quả từ một góc nhìn
1.1. Luật nhân quả sẽ được hiểu như thế nào với quan điểm “lập trình”?
Thông thường, hiểu một cách nôm na “nhân quả” là: nhân nào quả nấy, đầu vào thế nào thì đầu ra (kết quả) tương ứng;… ý muốn nói rằng những thành quả/ hậu quả / kết quả,… của một giai đoạn nhất định hoàn toàn phụ thuộc vào những nguyên nhân, yếu tố, mong muốn,… thôi thúc ban đầu. Do đó, những việc tốt, việc thiện, việc có ích,... sẽ cho kết quả (thường là) những việc tốt lành tương ứng và ngược lại.
Có một điều là, yếu tố thời gian phải được xem xét một cách đặc biệt trong mỗi giai đoạn đánh giá nhân / quả. Nếu thời gian không đủ lớn một cách tương ứng với tầm cỡ của sự vật hiện tượng (SVHT) thì sự đánh giá sẽ phiến diện và không chính xác (tất nhiên cũng có những thời điểm “kỳ dị” đặc biệt để sự kiện “rẽ nhánh” hoặc bùng nổ”, những thời điểm quyết định thay đổi “quả” nhưng đó cũng là sự tích tụ của cả một quá trình lâu dài trước đó) . Một trong những yếu tố khác cần lưu ý là những “nguyên nhân” luôn luôn được bổ sung vào tiến trình đánh giá SVHT, bởi đầu ra / quả của đoạn này lại là “nhân” của đoạn tiếp theo. Nếu bạn là một người “lập trình tin học” thì bạn hiểu điều này rất rõ. Nhân chính là đầu vào (Input) và Quả chính là đầu ra (Output), các tiến trình I/O liên tục diễn ra trong hoạt động của tự nhiên cũng như xã hội.
Nhưng, trong một “chương trình phần mềm tin học” thì mọi thông tin, mọi thay đổi, mọi kết quả tính toán đều được ghi lại, lưu trữ, được mã hoá, số hoá để tạo nên kho dữ liệu (database) nhằm phục vụ cho nhu cầu khai thác, quản lý, nghiên cứu, kinh doanh của con người. Từ đây, đặt ra một câu hỏi là, vậy nếu luật nhân quả tác động đến con người thì Ai, Cái gì làm nhiệm vụ giám sát ghi lại nhất cử nhất động của cả tỉ người và vạn vật trong vũ trụ này. Nếu không có gì ghi lại, lưu lại tức là sự vật hiện tượng cứ thế “trôi” vào dĩ vãng mất tăm, ai cũng như ai, đều như nhau (trong sáng và sạch sẽ!) mỗi khi bước vào một ngày mới. Điều này thật không công bằng chút nào cả và thật sự không đúng với thực tế. Người ta vẫn nói mọi việc làm có “Trời biết, Đất biết và Người biết”.
Chắc chắn rằng, không chỉ “biết” mà những việc làm của bất cứ ai cũng phải được “ghi lại”, “lưu lại” ở đâu đó, bằng một cách thức, phương tiện gì đó trong vũ trụ này. Và cũng như bạn sử dụng Internet để đọc tin: những chương trình (phần mềm) âm thầm, tự động ghi lại rất nhiều thứ như giờ phút bạn bắt đầu online, bạn vào những trang web nào, gửi email cho ai, sử dụng máy tính để làm gì, sở thích của bạn là gì (thường vào những trang nào),… rất nhiều thứ được ghi lại trong file log để người ta có thể dùng những thông tin, số liệu đó vào những mục đích nhất định, đơn giản là họ muốn biết bạn là ai.
Thật là thú vị nếu ta hình dung có một Chủ thể “cai quản” Vũ trụ này thì để mọi thứ không bị xáo trộn hỗn loạn, được vận hành một cách trơn tru như hiện nay rõ ràng Chủ thể đó phải thiết lập một hệ thống giám sát toàn bộ SVHT theo một bản thiết kế được lập sẵn trước đó. Cách thức giám sát bằng những quy luật, định luật và những “chương trình phần mềm” gọi chung là Chương trình Tạo hoá, hoàn toàn tự động và hết sức vi diệu – kết quả của một quá trình tiến hoá, hoàn thiện hàng chục tỉ năm trước và lâu hơn nữa!.
1.2. Chương trình Tạo hóa
Tôi chỉ muốn nói rằng, luật nhân quả muốn công bằng, chính xác thì Chương trình Tạo hoá phải có chức năng ghi chép, lưu trữ, số hoá mọi thông tin về các hành động của mỗi người (một cách tự động, đầy đủ và chính xác). Các thông tin, số liệu đó là “nguyên liệu, đầu vào – nhân” cho một tiến trình nhất định và là yếu tố quyết định đến Quả. Có những hành động gây hậu quả tức thì song lại có những việc “đời cha ăn mặn” đến “đời con khát nước”. Và cũng có cả việc “nhân định thắng thiên” do ông/ bà ta biết nỗ lực điều chỉnh những hành vi sẽ gây nên quả xấu của mình. 
Nhà Phật thường nói đến cái Vô thường, ý nói sự vật diễn tiến vô cùng vi diệu, không thể biết trước được điều gì, song Nhà Phật lại hay nhắc đến cái “hữu duyên”, vậy cũng phải có cách gì “ghi lại” cái duyên 1, duyên 2, … duyên n để đến lúc nào đó “duyên lành hội đủ”. Rõ ràng, phải có “vị thần” hoặc “chương trình phần mềm” nào đó âm thầm ghi lại những cái “nhân duyên” kia để đến thời điểm nhất định nào đó tạo nên một SVHT.
Biết vậy, chúng ta sẽ học hỏi gì từ Tạo hoá / Ông Trời để làm cho cuộc đời này tươi đẹp thêm. Trước hết, sự phát triển của ngành khoa học máy tính và công nghệ thông tin giúp chúng ta tư duy rộng mở, gần gũi với sự vi diệu của Chương trình Tạo hoá, thật ảo đam xen, có thể xem đó là sự “phối Thiên” để học tập và làm theo cách thức mà Thượng Đế / Ông Trời - Nhà lập trình vĩ đại nhất đang sử dụng để “cai quản” Vũ trụ này.
Chúng ta sẽ không thể đạt ngay được “trình độ” vi diệu, thần thánh của Thượng Đế, song từng bước, từng bước chúng ta sẽ đạt được những thành quả nhất định, sự phát triển của Internet và những hệ thống tổng đài viễn thông là một minh chứng rõ rệt. Quyền năng của Đức Phật “Thiên thủ, Thiên nhãn – Nghìn mắt, nghìn tay” có thể nói đã “nhường chỗ” cho những hệ thống Tổng đài, hệ thống mạng máy tính với hàng vạn, hàng triệu chân tay, tai mắt thoắt ẩn thoắt hiện vươn xa khắp hang cùng ngõ hẻm trên trái đất, thậm chí vươn đến cả Sao hoả.
Thứ hai, mỗi chúng ta phải nhận ra rằng, mình chỉ là một phần (không phải Trung tâm) của Vũ trụ, mỗi người đều có sự liên quan đến vũ trụ (không ai có thể sống độc lập một mình) bởi vậy mọi hành động, suy nghĩ, lời nói của mình đều có tác động, ảnh hưởng đến cả hệ thống. Sự tự do tuyệt đối do đó là điều không thể, có những ràng buộc, những luật chi phối, giám sát mọi hành động của mỗi người. Ngay cả những suy nghĩ của bạn cũng bị ràng buộc, giới hạn bởi “cái biết và sự nhận thức” của bạn, bạn và tôi không thể biết, hiểu được mọi thứ, đó là điều chắc chắn.
Những kẻ ngông cuồng cho rằng “Thiên cao, Hoàng Đế viễn” (Trời ở cao, Vua ở xa) việc ta làm (xấu, ác, gian manh) không ai biết và tìm mọi cách che giấu những việc biết là xấu xa đó đã quên hoặc không biết rằng:
“Cho dù tránh được hôm nay/ Thoát sao cho được lưới dày Nhân Gian”.
Thứ ba, để khai mở cho những kẻ Vô minh không biết Trời Đất Thiên Địa, Thiện Ác là gì thì các nhà Minh Triết – Hiền Triết thời nay (nếu có) phải làm gì và làm như thế nào. Đây cũng là một vấn đề lớn mà chúng ta cần suy nghĩ nghiêm túc. Tôi cho rằng, chúng ta chỉ có một cách duy nhất là phải “học tập và làm theo” Ông Trời/ Thượng Đế và Chương trình Tạo hoá của Ngài. Phải dùng chính sức sáng tạo (phần mềm, trí tuệ, tri thức) của loài người để tạo nên những sản phẩm phần mềm đặc biệt, giống như những Cây trong thiên nhiên, vươn những cành, nhánh, lá qua mạng Internet và bầu khí quyển tới mọi chỗ, mọi nơi, mọi thân phận con người. Để mọi người đều thấy rằng, với thời đại Internet thì không còn cảnh “Thiên cao, Hoàng Đế viễn” nữa và hãy coi chừng, mọi hành động của mỗi người, thậm chí cả những suy nghĩ còn trong đầu ta cũng đều được âm thầm ghi lại trong một tệp Log nào đó trên Trời (trong thực tế đó là sự xuất hiện của Điện toán đám mây). Biết vậy, để chúng ta sống, làm việc, suy nghĩ và hành động tốt đẹp hơn, thánh thiện hơn.
1.3. Ứng dụng luật Nhân - Quả
Tôi cho rằng luật Nhân Quả hết sức quan trọng, nhất là ở thời điểm này của xã hội Việt Nam, bởi vậy chúng ta sẽ nên suy nghĩ và thảo luận một cách nghiêm túc, có tính xây dựng nhất về ứng dụng của luật nhân – quả. 
Từ trước đến nay, luật nhân quả được nói đến thiên về định tính, nhắc nhở, răn dạy xây dựng Niềm Tin. Nếu con người không tin vào nhân quả nữa thì xã hội đã vô cùng tăm tối, những kẻ không biết sợ (hậu quả) là gì sẽ bất chấp đạo lý làm đủ những việc xấu xa, tồi tệ mà không lo sợ bị trừng phạt. Khi không còn niềm tin nữa thì con người ta chơi vơi, không nơi bấu víu, không tin vào sự công bằng, không được ai bảo vệ, chỉ còn tin vào sức mạnh vật chất và đồng tiền. Quan sát tình hình kinh tế, xã hội, văn hoá, giáo dục, đạo đức,… của Việt Nam hiện nay chắc hẳn chúng ta đang hết sức lo ngại, bất an. 
2. Kiến giải Luật Nhân quả trong bối cảnh xã hội hiện nay
Để tiếp tục chủ đề này, tôi sẽ lần lượt đưa ra những kiến giải của mình về những vấn đề sau:
i). Nguyên nhân nào đưa đất nước đến hiện trạng(quả) này; 
ii). Làm thế nào để thoát khỏi quả (đắng) này;
iii). Hình dung về một tương lai tươi đẹp của nước ta, dân ta.
2.1. Nguyên nhân nào đưa đất nước đến hiện trạng (quả) này
Lời Thánh nhân: “Trời kia, khi sắp trao cho ai nhiệm vụ lớn, tất trước làm cho khổ cái chí, nhọc gân cốt, đói thể xác, cùng túng cái thân. Động làm việc gì cũng làm cho trái loạn ý muốn của mình. Trời khiến thế, để kích động cái tâm, kiên nhẫn cái tánh, nhằm bổ sung những gì còn khiếm khuyết”.
Chẳng có gì là không phải trả giá cả, chúng ta phải trả giá bằng những cuộc chiến khốc liệt, tương tàn. Có thể đây là “kiếp nạn” thứ 9x9 = 81 mà đất nước ta, dân tộc ta phải trải qua chăng, hoặc nếu may mắn thì đây có thể là “kiếp nạn”/ “bài học” cuối cùng mà chúng ta được tham gia kiến tạo cùng trời đất?. 
Thế hệ lãnh đạo đất nước sau chiến tranh là những tướng lĩnh, quân nhân và bộ máy chiến tranh. Họ đem luôn hành trang “bài học thành công” trong chiến đấu vào công cuộc xây dựng đất nước. Một trong những cái đó là: độc đoán và phi dân chủ bởi trong cuộc chiến, mục đính chính là giành thắng lợi. Người ta có quyền dùng mọi thứ, mọi cách, mọi thủ đoạn để tiêu diệt đối phương, việc đánh lừa, phản trắc, tàn độc (đối với cả địch và ta),… cũng là chuyện bình thường, được chấp nhận và thậm chí được ca ngợi là sáng kiến, sáng tạo. Và cái tính “dối trá” được tiếp tục sử dụng trong thời bình bởi những người coi “thương trường là chiến trường”. Ngay một Công ty công nghệ cao như F-P-T, những người lãnh đạo mặc dù không là những người lính thực sự nhưng vẫn hừng hực khí thế “chiến tranh nhân dân”, “ra đi, ra đi, áo quần không có,…”! Rất nhiều doanh nhân “thành đạt” khác cũng vậy, cái quán tính thời chiến, cái dư âm của cuộc chiến tranh để lại hậu quả thật kinh khủng.
Có thể nói rằng, tới nay, về phương diện của cải vật chất xã hội, đất nước đã khá lên nhiều lần, việc ăn no, mặc ấm, được học hành không còn là chuyện lớn nữa. Song cái băn khoăn, lo lắng đến bất an của chúng ta là độc lập, chủ quyền và vị thế, tương lai và đạo đức, văn hoá của người Việt ở đâu trong thế giới này. Rõ ràng, nếu như được làm lại chúng ta sẽ có thể làm tốt hơn nhiều lần nếu chúng ta không bám mãi vào quá khứ hào hùng của cuộc chiến để ăn mày dĩ vãng mãi đến nỗi không thể cất cánh được.Tôi cho rằng, cái nguyên nhân chính yếu đưa đẩy đất nước đến hoàn cảnh hiện nay đó là sự thiếu trung thực, làm sai lệch thông tin, và nghệ thuật “dối trá” được sử dụng quá nhiều trong cuộc chiến và vẫn tiếp tục trở thành những “bài học kinh nghiệm” trong “công cuộc” xây dựng đất nước. Nếu sự dối trá, làm sai lạc thực tế, nói một đằng, làm một nẻo là “nền tảng” của xã hội, của toàn hệ thống và của mỗi người thì đất nước tất loạn, lòng người tất rối. Thông tin đầu vào sai thì làm sao có đầu ra mong muốn, nhân xấu làm sao có quả ngọt. 
Do vậy, chúng ta dù có đau xót đến mấy, cũng phải dũng cảm thừa nhận rằng, chúng ta, nhiều thế hệ đã và đang lừa dối, tự lừa dối và hèn hạ tiếp tay cho sự dối trá làm băng hoại đạo đức xã hội và huỷ hoại tương lai của Nước Việt. 
Nếu bạn tạm thời chấp nhận đó là nguyên nhân chính yếu dẫn đến hiện trạng như hiện nay chúng ta sẽ chuyển sang phần tiếp: Làm thế nào để chống lại sự dối trá hòng đem lại môi trường xã hội trung thực, nhân bản và minh bạch hơn.
2.2. Làm thế nào để đất nước thoát hiểm
Cho dù một bộ máy chính quyền có mục ruỗng, thối nát đến mấy, chúng ta hàng ngày vẫn cần đến những anh công an, những chú bộ đội hay những viên quan chức, công chức huống hồ là đại đa số viên chức nhà nước hiện nay không hẳn là những đồ bỏ, yếu kém và tham lam. 
Nhưng làm thế nào để mong ước của Montesquieu (1689-1755) trở thành sự thực: "Tôi sẽ là người sung sướng nhất đời nếu có cách gì làm cho người cầm quyền tăng thêm được tri thức về những việc họ phải quản lý, và làm cho người thừa hành thêm hứng thú khi họ tuân lệnh". Còn chúng ta, chúng ta cần lắm một phép màu kỳ diệu làm cho những vị đó dũng cảm mà tránh xa sự giả dối.
Là con người bất kỳ ai đều thích tự do hơn là tự giác, chúng ta không mong (và cũng không thể có) sự trung thực 100% song phải có ước mong cháy bỏng rằng nền tảng đạo đức của mỗi người phải dựa trên sự trung thực. 
Chúng ta cũng không thể hô hào một cách chung chung đầy cảm tính về niềm tin, đạo đức, về phê và tự phê bình hay sự hứa hẹn cứu rỗi của các vị thánh thần cao xa mà con người từng có những cơ hội để thực hiện. Đến nước này, chúng ta cần có những công cụ, phương tiện thiết thực, thậm chí có thể cần tới cả một luận thuyết về sự kết hợp kỳ diệu sức mạnh của sự sáng tạo với sức mạnh của thời đại công nghệ thông tin để đất nước thoát hiểm.
Có thể khi đọc những gì tôi viết, quý vị sẽ cả cười, ôi, giờ là thời nào mà còn nói chuyện Thánh, chuyện thần, Đạo với chả Đức!. Ngày xưa có Thánh sao chúng nhân vẫn phải lầm than, khổ đau?. Ông Thánh ngày nay – nếu có sẽ như thế nào, làm gì để... hành Đạo, để ngăn chặn sự thái quá, sa đoạ, suy đồi?. 
Tôi chỉ có thể trả lời rằng, mọi thứ đã được “lập trình” trong Chương trình Tạo hoá. Các Thánh mỗi giai đoạn chỉ thực thi một “sứ mệnh” nhất định, không hơn không kém, chưa thể xây dựng được Thiên đường khi chưa học qua các bài học cần thiết.
Thánh nhân thời nay (nếu có) sẽ phải sử dụng sức mạnh của trí tuệ, của tri thức. Hành đạo và truyền giáo bằng … máy tính và Internet. Ngài sử dụng sức mạnh của mạng, của chương trình phần mềm để giám sát, tính đếm, ngăn chặn cái “quá lạm, quá chướng, quá ham tiền tài” đối với mọi thứ, mọi việc, mọi người một cách hoàn toàn tự động.
Với tư duy hệ thống, chính mỗi người lại được tham gia vào hệ thống mạng để thực thi vai trò, sứ mệnh của mình. Kết nối với nhau và kết nối với Thượng Đế (“Thị vị phối thiên cổ chi cực”) là diệu pháp của người xưa mà người thời nay có thể thực hiện được cho bất kỳ người nào, thật là tuyệt vời, thưa quý vị. 
Và để minh chứng cho sức mạnh của Chương trình Tạo hoá, không cần đi đâu xa, chúng ta chỉ cần nhìn vào cơ thể chính mình. Trung bình ta có 50-60 nghìn tỷ tế bào các loại, mỗi tế bào có một mã số định danh (ID), một cơ chế tựa như một “chương trình phần mềm” trong ta có nhiệm vụ quản lý/ quản trị toàn bộ các tế bào, không cái nào bị bỏ sót, bỏ rơi, tất cả trong một “Tiểu vũ trụ” thống nhất, hoạt động trơn tru, hài hoà trong cả cuộc đời dài tới trăm năm. Bao nhiêu thông tin, bao nhiêu dữ liệu phải lưu trữ xử lý; bao nhiêu tình huống, bao nhiêu quyết định phải thực thi, tự động, hoàn toàn tự động và nhịp nhàng. Nếu không được “lập trình”, không được “tin học hoá, tự động hoá” làm sao cái cơ thể nhỏ bé của chúng ta có thể quản trị được khối lượng thông tin, dữ kiện to lớn như vậy.
Thật nực cười khi đem “cái phần mềm” của ta so sánh với hệ thống tin học nào đó phải “quản” 90 triệu dân Việt Nam hay cả 7 tỷ người trên trái đất. 
Chắc chắn quý vị chưa thể tin được rằng có cách gì đó, phương tiện, công cụ gì đó để ngăn chặn được sự giả dối trong một sớm một chiều, song bạn cũng phải hiểu rằng, muốn kiểm soát được sự giả dối thì phải quản trị thông tin thật tốt, và không chỉ quản trị thông tin ở tầm mức đối với 1 tổ chức doanh nghiệp mà phải ở tầm vĩ mô toàn quốc, nhất quán, đồng bộ và thực tế. Những mẩu tin, những con số, những sự kiện hiện tượng phải được ghi lại một cách trung thực nhất, đầy đủ nhất, đúng đắn và kịp thời. “Học tập và làm theo” bí quyết của thiên nhiên, của Tạo hoá chúng ta cũng sẽ làm được những điều kỳ diệu nhưcác vị thần thánh.
2.3. Tương lai của chúng ta
Giả thiết rằng, sau một thời gian nhất định, chúng ta có một cách thức quản trị thông tin tuyệt vời. Hệ thống được vận hành trơn tru, luồng dữ liệu được kết nối giữa các kho dữ liệu (database) quốc gia phản ánh đầy đủ mọi mặt hoạt động trong đời sống xã hội một cách chính xác và khoa học. Giới tinh hoa và những nhà lãnh đạo, những chuyên gia ở mọi lĩnh vực luôn đủ dữ kiện và số liệu, cơ sở khoa học để vận hành và điều chỉnh cỗ máy kinh tế, chính trị, xã hội, văn hoá, giáo dục, an ninh, quốc phòng,… Một người dân bất kỳ ở đâu khi mới sinh ra đều được cấp ngay cho một mã số định danh ID duy nhất và những thông tin cơ bản được nhập vào cơ sở dữ liệu dân cư Việt Nam. Sau đó, cứ mỗi giai đoạn của cuộc đời, những thông tin số liệu về người có ID đó tiếp tục được cập nhật vào những “cuốn sách điện tử”, được lưu trữ … trên Trời bởi những phần mềm và công nghệ Điện toán đám mây. Đến lúc học xong, đi làm kiếm tiền, hồ sơ của người này được bổ sung dữ liệu về các khoản thu nhập và các loại thuế liên quan. 
Tóm lại, ngoài con người vật chất mỗi chúng ta còn có 1 con người ảo là tập hợp những mảng hồ sơ chứa những con số, những mẩu tin, những sự kiện liên quan đến cuộc đời của mình. Khác với cách thức quản lý giấy tờ thủ công hoặc tin học nửa vời như hiện nay, mọi thứ đều được nhập vào máy tính. Và khi đó, ta kiếm được đồng nào, làm gì, đóng bao nhiêu thuế, công – tội ra sao,… đều được lưu lại, được số hoá và không thể che giấu.
Cái “tự do (tùy tiện)” của mỗi người có thể không còn nữa, mỗi người phải luôn biết rõ rằng, mình làm bất cứ việc gì đều bị/ được ghi lại, lưu lại, đều để lại dấu vết cụ thể và rõ ràng, dĩ nhiên ai cũng như ai, không có vùng cấm, không có ngoại lệ bởi hiến pháp, pháp luật quy định chi tiết vấn đề quản trị thông tin trong một xã hội với nền kinh tế tri thức.
Tôi tin rằng những người lãnh đạo đất nước thấy rất rõ được tầm quan trọng của hệ thống thông tin quốc gia và hiệu quả của bộ máy chính quyền hoàn toàn phụ thuộc vào trình độ quản trị thông tin của quốc gia đó, chỉ có điều, không phải muốn là được, nhất là đối với các vị không đủ tài, đủ đức. Họ không thể biết cách làm như thế nào, bắt đầu từ đâu. 
Hệ quả của việc quản trị thông tin tốt là chúng ta sẽ sử dụng và quản lý mọi nguồn lực quốc gia một cách hiệu quả nhất bởi không còn chuyện tham nhũng lãng phí nữa.
Tuy nhiên, trước khi đạt được viễn cảnh như trên chúng ta cũng phải trả một cái giá nhất định cho việc thực thi những kỷ luật nghiêm khắc về chế độ báo cáo và cung cấp thông tin, điều này thực không hề dễ chịu chút nào cả. Nhưng, sự đời có nhiều thứ đâu phải chúng ta muốn là được, không muốn thì... thôi. 
Tôi thì chỉ mong rằng, thậm chí tin chắc rằng chúng ta sẽ không chỉ có những định tính về luật Nhân - Quả mà còn có thể ĐỊNH LƯỢNG được luật đó. Bằng cách tin học hoá, số hoá, bằng sự sáng tạo của Trí tuệ Việt và sự phò trợ của Cha Trời & Mẹ Đất chúng ta có thể định lượng được mọi thứ, mọi việc, công và tội thậm chí là cả thiện và ác, và do đó sự công bằng mới đến được tới mọi người, mọi miền của đất nước./.




(*) Ngô Sỹ Thuyết, Kỹ sư tin học, Hà Nội

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét