Bài đăng nổi bật

Việt Nam nhìn từ Chủ thuyết phát triển

Thứ Sáu, 15 tháng 9, 2017

Tham luận 3: Xây dựng xã hội nhường nhịn - một khát vọng tốt lành

Mặc dù sách Xây dựng Xã hội nhường nhịn đã chỉ ra rất nhiều hành vi thiếu nhường nhịn, nhưng theo Tiến sĩ Phạm Huy Thông vẫn cho là chưa đủ, bởi nếu kể mãi cũng không hết. Theo ông cần thiết chúng ta phải làm ngược lại: chỉ ra có chỗ nào mà xã hội Việt Nam có sự nhường nhịn không?
Sau khi đưa ra một loạt những giá trị tốt đẹp có từ truyền thống, từ các nhóm xã hội khác nhau có sự nhường nhịn; đồng thời tìm ra những nguyên nhân dẫn đến sự thiếu nhường nhịn hiện nay Tiến sĩ Phạm Huy Thông khẳng định rằng: Ý tưởng xây dựng xã hội nhường nhịn của Phan Tân là một khát vọng tốt lành, nhưng trong hoàn cảnh hiện nay của Việt Nam, khát vọng của Phan Tân vẫn chỉ là khát vọng mà thôi.
Buồn!!!!
Cảm ơn Tiến sĩ Phạm Huy Thông, Xin giới thiệu đến quý vị!



XÂY DỰNG XÃ HỘI NHƯỜNG NHỊN - MỘT KHÁT VỌNG TỐT LÀNH

TS Phan Tân có một đề án “Nhận thức, thái độ, hành vi của người dân về sự nhường nhịn trong xã hội hiện nay" và trước đó cũng chủ đề này bước đầu đã xã hội hóa bằng cuốn sách Xây dựng Xã hội nhường nhịn - Quyển 1, do NXB Hội Nhà văn ấn hành năm 2017. Thật là một ý tưởng tuyệt vời, một khát vọng tốt lành trong hoàn cảnh của xã hội Việt Nam hôm nay.
Không ai là không thấy, không trải nghiệm về sự xuống cấp trầm trọng của xã hội Việt Nam ngày nay trên tất cả các lĩnh vực. Trong phần hai của cuốn sách nói trên, TS Phan Tân đã dựng lại thực trạng 6 lĩnh vực về ăn, mặc, ở; du lịch, lễ hội; giáo dục đào tạo; giao thông; văn hóa; sản xuất, kinh doanh để chứng minh rằng Việt Nam thiếu vắng một “xã hội nhường nhịn”. Mặc dù TS Phân Tân đã chỉ ra rất nhiều nhưng tôi vẫn cho là chưa đủ. Bởi nếu kể mãi cũng không hết. Cần thiết chúng ta phải làm ngược lại: chỉ ra có chỗ nào mà xã hội Việt Nam có sự nhường nhịn không?
1. Những nhóm, cộng đoàn có thể sống nhường nhịn
* Trước hết là những người cùng huyết tộc, trong một gia đình. Đây là nhóm có thể sống gắn bó, yêu thương, nhường nhịn nhau nhất. Tục ngữ, ca dao của Việt Nam có rất nhiều câu ghi lại tình cảm keo sơn, máu thịt đó:
- Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con
- Chị ngã em nâng
- Anh em như thể chân tay
Rách lành đùm bọc, dở hay đỡ đần
- Đôi ta như thể con tằm
Cùng ăn một lá, cùng nằm một nong…
Những thành viên trong một gia đình, cùng một dòng máu nên sẵn sàng hy sinh cho nhau nên họ cũng dễ dàng nhường nhịn nhau.
* Nhóm thứ hai là làng xóm, đồng hương. Nhóm này vì là quen biết nhau, cùng sinh hoạt, sinh sống một địa bàn, cùng chung một bến nước cây đa, mái đình nên quen thân, vị nể nhau. Nhiều tục ngữ, ca dao cũng ghi lại:
- Bán anh em xa, mua láng giềng gần
- Hàng xóm láng giềng, tắt lửa, tối đèn có nhau
- Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn
Nếu đi ra ngoài làng thì người một xã, một huyện, một tỉnh, một nước cũng có tình đồng hương để có dịp gắn kết với nhau:
Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước phải thương nhau cùng”.
 Họ cũng vì thế mà có thể nhường  nhịn nhau ít nhiều. Tuy nhiên nhóm này sự gắn kết lỏng lẻo hơn các nhóm khác.
* Nhóm thứ ba gắn bó với nhau chặt chẽ hơn, chỉ có thua nhóm huyết tộc, gia đình, đấy là nhóm cùng cộng đồng tôn giáo. Nhóm này liên kết các thành viên với nhau vì cùng là tín đồ. Mỗi tôn giáo có những quy định riêng nhưng do được răn dạy họ cùng là con của Chúa, của Đức Phật nên có bổn phận thương yêu nhau. Kinh thánh Kitô giáo dạy: “Anh em đã nghe người xưa bảo rằng: hãy yêu anh em mình và ghét kẻ địch thù; còn Thày, Thày bảo anh em: hãy yêu mến thù địch và khẩn cầu cho những người bắt bớ anh em, ngõ hầu anh em nên những người con của Cha anh em, Đấng ngự trên trời” (Mt 5, 43-45); “Thày ban cho anh em một giới răn là hãy yêu mến nhau như Thày đã yêu mến anh em” (Ga 13, 34)... Thậm chí, liên kết các tín đồ còn có lúc mạnh hơn tình cảm gia đình vì họ sợ Chúa, kính Chúa:
Con chú, con bác thì xa
Con cùng Hội thánh Ê- lê - sa (Eclessia) thì gần
 Hãy xem những cộng đồng tôn giáo gắn kết với nhau chặt chẽ ra sao khi có biến động phải đối phó với lực lượng khác hay.
* Cộng đồng được coi là đông đúc có thể sống yêu thương nhường nhịn nếu được giáo dục nhân bản và sống trong xã hội thượng tôn pháp luật. Điều này rất dễ nhận thấy khi đi ra các nước ở châu Âu. Nơi đây họ kế thừa đạo đức Kitô giáo , và tiếp tục nền giáo dục nhân bản cũng như coi trọng pháp luật. Khi làn sóng tị nạn từ châu Phi tràn qua châu Âu năm 2016, nước Đức và nhiều nước châu Âu khác đã rộng tay đón họ mặc dù đầy tràn những thách thức về an sinh xã hội. Từ bé con đến trưởng thành, đa số người dân đều kiên nhẫn xếp hàng, chờ đèn đỏ và biết giúp đỡ người khác khi bị nạn. Khi vi phạm pháp luật thì Tổng thống cũng như dân thường đều bị tòa án xử nghiêm minh.
2. Góp thêm vào tìm hiểu nguyên nhân
Trong phần ba của cuốn sách “Xây dựng xã hội nhường nhịn”, TS Phan Tân đã đi tìm nguyên nhân của các hiện tượng thiếu nhường nhịn trong xã hội Việt Nam. Theo tác giả có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự thiếu nhường nhịn hiện nay, trong đó có một nguyên nhân mang đặc trưng văn hoá/phản văn hoá đó là “thói xấu của người Việt” do méo mó về văn hóa, thiếu định vị cá nhân, do giáo dục, do năng lực bản tính của người Việt... Tất cả đều đúng nhưng chưa đủ.
a/ Đất nước ta do chiến tranh giữ nước và bảo vệ Tổ quốc liên tục, kéo dài, nên các thế hệ luôn được giáo dục nhau lòng căm thù kẻ xâm lược, kẻ bán nước. Mà kẻ xâm lược, người bán nước cũng là con người. Lòng thù ghét con người khác với cộng đồng mình ngày càng ăn sâu bén rễ vào trong huyết quản người dân và họ cũng ít có thời giờ phân tích kẻ thù đó có gì giống ta và khác ta. Những bài ca, bài thơ luôn cổ vũ việc “thề phanh thây, uống máu quân thù” cùng với việc khen thưởng các danh hiệu cao quý cho những người giết được nhiều giặc, những trận chiến mà “xương chất thành núi, máu chảy thành sông". Mọi người bên đối phương bất kể tuổi tác, chức vụ đều gọi là thằng… Tất cả những cái đó thấm vào con người Việt Nam hôm nay, làm cho họ mất dần tính nhân bản yêu thương, thứ tha cho người khác.
b/ Lý do thứ hai là do quá đề cao cuộc đấu tranh ý thức hệ ai thắng ai, một mất một còn. Triết thuyết của những người cộng sản cực đoan rằng cuộc đấu tranh giai cấp là không có nhân nhượng; chỉ có đấu tranh giai cấp và đặt quyền lợi của giai cấp lên trên hết. Ở Việt Nam, những khẩu hiệu: “Trí, phú, địa, hào, đào tận gốc, trốc tận rễ”; “ Giết, giết, giết, không khi nào ngơi nghỉ”. Thậm chí đặt cả tình cảm cha mẹ, vợ chồng bên dưới cả tình cảm lãnh tụ:
Thương cha, thương mẹ, thương chồng
Thương mình thương một, thương Ông, thương mười
Những cuộc cải cách ruộng đất long trời lở đất, cải tạo tư sản, cải tạo công thương nghiệp... đã để lại di hại lâu dài cho nhiều thế hệ. Chỉ vì một chút lợi nhỏ như được chia chiếc mâm đồng rách mà con cái sẵn sàng đi đấu tố cha mẹ trong cải cách ruộng đất năm 1954.
c/ Trong mục “di họa của nền giáo dục” (tr.118, s đ d), TS Phan Tân đã chỉ ra rằng, nền giáo dục Việt Nam vẫn chủ yếu là dạy học sinh đi thi chứ chưa dạy học sinh làm người. Thật ra, chúng ta cũng đủ các môn học đạo đức, giáo dục công dân, cũng đủ lời răn dạy học sinh lễ phép chăm ngoan nhưng tất cả những cái đó đều là hình thức bởi nó không có bệ đỡ nhân bản và không coi đó là mục tiêu. Giáo dục chỉ nhằm điểm số chứ không nhằm “thành nhân” (nói theo GS linh mục Lương Kim Định là sứ mạng giáo dục có 2 nhiệm vụ là thành công và thành nhân). Các môn học trong nhà trường lại bị chính trị hóa, một chiều mất tính khách quan. Khi khoa học cũng nói dối, nói sai, các thày cô cũng nói dối, nói sai sự thật thì dạy sao cho học sinh nói đúng sự thật được.
d/ Một lý do nữa là tôn giáo trong xã hội ta bị hạn chế tham gia vào việc giáo dục nhân bản. Trước đây, bản thân tôn giáo tồn tại được cũng là khó khăn, còn bây giờ thì hạn chế tham gia dù có Luật Tín ngưỡng, tôn giáo cho phép tôn giáo tham gia vào các lĩnh vực giáo dục, y tế, từ thiện nhân đạo (điều 55) rồi Nghị quyết của Đảng cũng thừa nhận giá trị đạo đức, văn hóa của các tôn giáo nhưng Nghị định hướng dẫn thi hành chi tiết Luật này lại không có nên vẫn không thực thi được, khi Luật có hiệu lực từ 01/01/2018. Trẻ em được học các lớp mẫu giáo hay lớp 1 tình thương của các tôn giáo, ai cũng công nhận chúng ngoan hơn, lễ phép hơn.
e/ Lý do quan trọng nữa là xã hội Việt Nam chưa thượng tôn pháp luật. Luật pháp của ta rất nhiều, rất chi tiết nhưng khó thực thi vì bản thân những người thực thi pháp luật cũng vi phạm pháp luật. Tại sao lại có không ít người vào đồn công an rồi chết bất ngờ? Tại sao doanh nghiệp lấy đất của dân chưa thỏa thuận xong mà khi dân phản đối thì các lực lượng chức năng tham gia trấn áp? Tại sao người dân bắt được những kẻ trộm chó mà lại tự xử chứ không nhờ pháp luật? Tại sao có những kẻ giang hồ như Năm Cam khuynh đảo được cả xã hội? Tại sao lại có đủ thứ chạy trong đó có “chạy chức”, “chạy bằng cấp”, “chạy án” và có những phụ nữ như chị Trần Phạm Thanh L. ở Tân Thạnh, Long An mới đây đã làm đơn xin đi tù càng lâu càng tốt dù chị trước đây cũng tốt nghiệp đại học, đạt danh hiệu tay nghề xuất sắc cấp quốc gia nhưng khi chị bị cưỡng hiếp hai lần, chị làm đơn tố cáo với công an thì công an bảo sao chị không chạy đi, trong khi kẻ cưỡng hiếp kề dao vào cổ 3 mẹ con chị?... Khi người dân không còn tin vào  pháp luật thì dù luật pháp có răn đe thế nào cũng vô hiệu.
Tóm lại ý tưởng xây dựng xã hội nhường nhịn của TS Phan Tân là một khát vọng tốt lành nhưng chỉ là khát vọng. Chúng ta có nhiều ý tưởng khát vọng như giáo dục tiến bộ; xây dựng nước ta giàu đẹp, công bằng, dân chủ, văn minh; xây dựng Nhà nước pháp quyền; xây dựng Chính phủ kiến tạo... Người Việt Nam cũng giỏi, đi thi quốc tế luôn đạt giải cao. Quan chức thì rất nhiều người có bằng cấp Giáo sư, Tiến sĩ. Chúng ta cũng thường xuyên đi giao lưu học hỏi kinh nghiệm nước ngoài và sẵn sàng bỏ tiền thuê chuyên gia, mua sáng chế về áp dụng. Nhưng ở nước ngoài người ta làm tốt mà đưa về Việt Nam, cái gì cũng méo mó, biến dạng và còn làm nghèo đất nước hơn. BOT là một ví dụ. Bởi vậy, trong hoàn cảnh hiện nay của Việt Nam, khát vọng của TS Phan Tân vẫn chỉ là khát vọng mà thôi.
                                                                    Hà Nội, ngày 12-9-2017

* Tiến sĩ Phạm Huy Thông, là Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban đoàn kết Công giáo Thành phố Hà Nội.
* Photo: doanhnhansaigon

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét