Bài đăng nổi bật

Việt Nam nhìn từ Chủ thuyết phát triển

Thứ Ba, 7 tháng 4, 2020

Tham vấn người dân bản địa trong việc giải quyết các vấn đề xã hội và định hướng dư luận xã hội vùng dân tộc thiểu số

Tạp chí Triết học, số 10(341)2019
Tóm tắt: Tham vấn người dân bản địa trong việc giải quyết các vấn đề xã hội và định hướng dư luận xã hội liên quan đến cuộc sống của cá nhân và cộng đồng nơi họ cư trú là hoạt động thực tiễn tích cực của chính quyền, nhà quản lý. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa hiện nay, đây là hoạt động bắt buộc, bảo đảm quyền được phát triển, quyền biểu đạt của người dân, đặc biệt là nhóm cộng đồng các dân tộc thiểu số. Bài viết này bàn về vai trò của công tác tham vấn người dân vùng dân tộc thiểu số nước ra trong việc giải quyết các vấn đề xã hội và định hướng dư luận xã hội liên quan đến cuộc sống cá nhân và cộng đồng nơi họ cư trú.
Từ khóa: Tham vấn cộng đồng, dư luận xã hội, định hướng dư luận xã hội, dân tộc thiểu số, người dân bản địa.

Trong bối cảnh xã hội hiện đại, việc người dân ngày càng tham gia sâu hơn, trực tiếp hơn vào các quyết sách, các  chiến lược phát triển liên quan đến cuộc sống hiện tại của họ đang là xu hướng tích cực và được các nhà nước chấp nhận. Vai trò của tham vấn là gì? Người dân thể hiện sự tham vấn của mình như thế nào? Chính quyền và các bên liên quan tổ chức để người dân thực hành vai trò tham vấn như thế nào? Yếu tố nào tạo nên sự thành công khi hoạch định phát triển có sự tham vấn từ người dân? Tất cả những câu hỏi trên đều là những vấn đề cấp thiết đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội hiện nay từ cấp độ quốc gia, vùng và địa phương. Bài viết bàn về vai trò của công tác tham vấn người dân bản địa trong việc giải quyết các vấn đề xã hội và định hướng dư luận xã hội liên quan đến cuộc sống của cá nhân và cộng đồng nơi họ cư trú. Đây được xem như một minh chứng để phân tích thêm về vai trò tham vấn người dân trong bối cảnh phát triển hiện tại.

1. Tham vấn người dân trong quá trình phát triển và những minh chứng thực tiễn vấn đề xã hội vùng dân tộc thiểu số

1.1. Tham vấn người dân trong quá trình phát triển

Tiếp cận tham vấn cộng đồng là một trong những phương pháp nghiên cứu phát triển nông thôn có sự tham gia của người dân. Do nội hàm và mục đích sử dụng của các đề tài cụ thể, cũng như do sự thay đổi trong quá trình chuyển ngữ, phương pháp này được diễn giải dưới nhiều thuật ngữ khác nhau (như phương pháp nghiên cứu có sự tham vấn các cộng đồng trong dự án phát triển; phương pháp đánh giá nông thôn có sự tham gia,...).
Điểm cốt lõi của phương pháp này là đưa người dân vào trung tâm của tiến trình thảo luận, ra quyết định và cùng hợp tác để xử lý vấn đề hay thực hành quá trình phát triển. Nó nhấn mạnh vai trò quyết định của cộng đồng với tư cách những con người cụ thể trong thực hiện dự án phát triển cộng đồng đó hay giải quyết các vấn đề xã hội của họ (ngay từ khi bắt đầu và trong suốt quá trình thực hiện dự án). Ở phương diện khác, tham vấn cộng đồng cũng là quá trình đẩy mạnh và thực hiện sự hợp tác giữa hàng loạt các cơ quan chính phủ, các tổ chức nghề nghiệp, các cộng đồng và các cá nhân có liên quan, trong đó vai trò tham vấn các cá nhân liên quan được coi trọng, bởi họ chính là  người bị/chịu tác động trực tiếp từ quá trình phát triển.
Phương pháp tiếp cận tham vấn cộng đồng được thể hiện và vận dụng trong nhiều lĩnh vực và được diễn giải nhiều chiều cạnh khác nhau. Nghiên cứu của  Paul Sillitoe nhấn mạnh vai trò của tham vấn cộng đồng trong việc ứng dụng các tri thức địa phương để giải quyết các vấn đề phát triển của chính họ [Xem: 4, tr.163- 196]. Giới nghiên cứu nông thôn gọi đó là “phương pháp đánh giá nông thôn có sự tham gia” (Participatory Rural Appsaisal - PRA), và xem đây là “một phần quan trọng trong bộ công cụ của lĩnh vực phát triển hiện đại cho phép người dân nông thôn chia sẻ, tăng cường và phân tích tri thức của họ về đời sống và các điều kiện để lập kế hoạch hành động” [2, tr.299].
Theo các nhà nghiên cứu phát triển, tham vấn cộng đồng có thể giải quyết được nhiều vấn đề, trong đó chủ yếu là: 1) Cải thiện việc quá trình điều phối thống nhất trong xây dựng kế hoạch; 2) Giảm thiểu mức độ phức tạp trong quá trình xây dựng kế hoạch; 3) Cải thiện việc truyền thông và mức độ tham gia của cộng đồng; 4) Kiểm soát hiệu quả sử dụng đất; và 5) Thiết lập các quy trình xây dựng kế hoạch và thực hiện giám sát một cách hiệu quả [Xem: 3].
Theo nghiên cứu của Hà Hữu Nga, tham vấn cộng đồng trong các dự án phát triển có 10 nguyên tắc quan trọng: Tham vấn đúng lúc, tham vấn đầy đủ, lấy cộng đồng làm trung tâm, tham vấn bằng tương tác và thảo luận, tham vấn có hiệu quả, tham vấn đáng tin cậy và nghiêm túc, tham vấn được hướng dẫn chu đáo, thái độ cởi mở chân thành và được đánh giá rõ ràng, chi phí hiệu quả, tham vấn một cách linh hoạt. Dựa trên 10 nguyên tắc này, mô hình tổ chức tham vấn 4 bước, vốn được xem là mô hình phổ biến và được nhiều nhà nghiên cứu ứng dụng, được xác lập: Bước 1, xác định tầm nhìn và sự tác động; bước 2, thực hiện các thao tác tham vấn mà các chuyên gia kỹ thuật chuyên môn và có nhiều kinh nghiệm đứng ra tổ chức để những người liên quan tham gia tham vấn; bước 3, kiểm nghiệm các tri thức đã thảo luận để đưa ra quyết định và xem xét ở các góc độ khác nhau cũng như xem xét sự đồng thuận giữa các nhóm, các cá nhân tham gia tham vấn; bước 4, đánh giá - tức cung cấp đầy đủ các thông tin thu thập  qua cuộc tham vấn cho toàn thể cộng đồng có liên quan để họ nắm được quá trình thực hiện cũng như kết quả của quá trình tham vấn mà họ đã tham gia.
Ở đây, chúng tôi không đi sâu phân tích các chiều cạnh của phương pháp tham vấn, mà chỉ tập trung vào việc sử dụng phương pháp này như thế nào. Bởi trọng tâm của bài viết là thảo luận vấn đề tổ chức thực hành vai trò tham vấn cộng đồng trong việc giải quyết các vấn đề xã hội và định hướng dư luận xã hội.

1.2. Minh chứng từ thực tiễn những vấn đề xã hội vùng dân tộc thiểu số

Để phân tích các bước tổ chức tham vấn cộng đồng, xin được đưa ra một vài dụ về dư luận xã hội từ một vấn đề xã hội mà chúng tôi đã được biết đến trong quá trình khảo sát thực địa đầu năm 2019.
dụ thứ nhất: Việc xây dựng khu xử lý rác tại một miền núi tỉnh Nghệ An. Khi được biết chính quyền xã có kế hoạch xây dựng khu xử lý rác gần đầu nguồn con suối chính chảy qua bản, người dân (chủ yếu là dân tộc Thái) trong bản đã “bàn tán” với nhau và đều lo ngại khu xử lý rác sẽ làm ô nhiễm con suối vốn rất quan trọng với họ. Nhiều người bàn tán tạo nên một luận mạnh mẽ khiến chính quyền xã phải tổ chức họp trao đổi. Chính quyền giải thích rõ rằng khu xử lý rác sẽ được xây dựng theo quy chuẩn bảo vệ môi trường và xử lý rác thải với công nghệ cao, nên sẽ không gây ô nhiễm môi trường. Hơn nữa, việc quy hoạch xây dựng khu xử lý rác đã được cấp trên phê duyệt và nó nằm trên địa phận của bản khác. Nhưng người dân vẫn không tin tưởng điều đó phản ứng mạnh mẽ, vì họ cho rằng khu xử lý rác có thể nằm trên địa phận bản khác nhưng sẽ ảnh hưởng đến đầu nguồn con suối chảy qua bản họ. Do đó, đã gần 5 năm trôi qua việc xây dựng khu xử lý rác ở đây vẫn chưa thực hiện được.
dụ thứ hai: Câu chuyện diễn ra một bản người dân tộc thiểu số thuộc khu vực miền núi tỉnh Nghệ An liên quan đến việc xây dựng sân bóng đá. Người dân bản cư trú thành hai khu vực (đầu bản và cuối bản), giữa hai khu vực này là một khoảng đất bị ngập nước. Khi nghe tin chính quyền xã cấp cho bản  một  mảnh đất  ở  cuối  bản  để  làm  sân  bóng, người dân bắt đầu phản ánh. Những người phía đầu bản cho rằng việc làm sân bóng  ở cuối bản là không công bằng vì họ phải   đi xa, nhiều khi có thể không “giành” được sân để chơi, do đó họ muốn xây dựng sân bóng ở giữa bản.  Còn  người dân cuối bản thì đương nhiên ủng hộ xây dựng sân bóng ở cuối bản, lý do họ đưa   ra là vì mặt bằng ở đó thuận lợi hơn,  trong khi ở giữa bản sẽ tốn rất nhiều công sức và tiền bạc để bồi đắp khu vực  bị ngập nước. Được sự giúp đỡ của một số chuyên gia, chính quyền xã và bản đã tổ chức tham vấn người dân về việc lựa  chọn địa điểm xây dựng sân bóng. Sau nhiều thảo luận, hầu hết người dân  đã  ủng hộ việc xây dựng sân bóng ở cuối bản, và để đảm bảo công bằng, họ đưa ra hai mức đóng góp khác nhau (cuối bản đóng cao hơn, đầu bản đóng thấp hơn). Kết quả là đã giải quyết được vấn đề.

2. Tổ chức tham vấn cộng đồng trong việc giải quyết các vấn đề xã hội từ luận xã hội

Việc tham vấn cộng đồng trong giải quyết các vấn đề xã hội là nhằm có được những dư luận xã hội tích cực. Trên cơ sở khảo sát, đánh giá từ thực tiễn, theo chúng tôi, tham vấn cộng đồng được tổ  chức theo các bước sau:
Thứ nhất, xác định vấn đề xã hội.
Dư luận xã hội là một hệ thống các thông tin về vấn đề xã hội nào đó được truyền tải đi và được nhiều người quan tâm, bàn luận. Để nắm bắt dư luận xã hội, cần xác định được vấn đề xã hội chính  của nguồn luận hội đó. Như vậy, cần phân tích nội dung chính của dư luận xã hội là những gì và mức độ của nó như thế nào.
Ở ví dụ thứ nhất đã nêu trên, khi biết chính quyền có dự định xây dựng khu xử lý rác chung của xã ở phía đầu nguồn con suối, vấn đề người dân quan tâm là bảo vệ con suối của họ không bị ô nhiễm. Họ phản ứng bằng các ý kiến của mình, tạo thành dư luận không đồng thuận với kế hoạch của chính quyền địa phương. Như vậy, vấn đề xã hội ở đây chính là kế hoạch xây dựng khu xử lý rác của chính quyền và việc giữ gìn con suối của người dân trong bản. Trong vấn đề này, khu xử lý rác là cái chưa tồn tại (mới đang có kế hoạch xây dựng), còn con suối là yếu tố đã tồn tại và giữ vai trò quan trọng trong đời sống cộng đồng. Việc bảo vệ con suối là bảo vệ giá trị, lợi ích của người dân trong bản. Đó là vấn đề người dân quan tâm.
Thứ hai, phân tích các bên liên quan.
Khi xác nhận được vấn đề xã hội, bước thứ hai cần phân tích các bên liên quan đến vấn đề xã hội đó. Việc phân tích các bên liên quan cần có cái nhìn rộng rãi và đa chiều.
Xét theo mối quan hệ trong vấn đề xã hội, thông thường có những bên liên quan trực tiếp (dễ dàng nhìn thấy) và những bên liên quan gián tiếp (thường xuất hiện qua các mối liên quan ở phía sau vấn đề xã hội và ít hiện diện rõ ràng, nhưng không thể đánh giá hết mức độ ảnh hưởng của họ). Xét theo tính chất tác động của vấn đề xã hội, có những bên liên quan chịu tác động tích cực (có được lợi ích từ vấn đề xã hội), những bên liên quan chịu tác động tiêu cực (chịu nhiều thiệt thòi từ vấn đề xã hội) và những bên liên quan chịu tác động trung tính (không nhận được nhiều lợi ích mà cũng không chịu quá nhiều thiệt thòi, nhưng không thể không tính đến). Xét theo vị thế các bên liên quan, có các bên liên quan chủ động (giữ thế chủ động và có quyền quyết định mạnh đến vấn đề xã hội, thường là những người có quyền quyết định việc tiếp tục hay chấm dứt vấn đề xã hội đó - những nhà hoạch định chính sách hay các nhà đầu tư dự án...), các bên liên quan thụ động (chịu tác động của các vấn đề xã hội trong khi họ chưa/không được tham gia vào việc quyết định vấn đề xã hội đó)...
Như vậy, có nhiều cách phân loại đối tượng liên quan khác nhau tùy theo cách tiếp cận. Nhưng các cách phân loại này chỉ mang tính tương đối, chủ yếu có giá trị về mặt nhận thức luận. Như ở ví dụ thứ nhất về việc xây khu xử lý rác và bảo vệ con suối, có nhiều bên liên quan như chính quyền địa phương, cơ quan tài nguyên môi trường, người dân trong bản, người dân ở bản khác nhưng có liên quan đến con suối đó, thậm chí những người ở nơi khác nhưng có hoạt động đánh bắt cá ở con suối đó hay có hoạt động sinh kế khác liên quan đến con suối đó...
Trong việc tổ chức tham vấn người dân để giải quyết vấn đề xã hội từ dư luận xã hội, việc phân tích các bên liên quan có ý nghĩa hết sức quan trọng. Trước hết, nó cho biết những ai sẽ tham gia vào quá trình tham vấn, đặc biệt những bên liên quan chịu tác động tiêu cực, chịu nhiều thiệt thòi do vấn đề xã hội gây ra. Phân tích các bên liên quan cũng là cơ sở để quyết định lựa chọn cách tổ chức tham vấn và lựa chọn chuyên gia để tham gia sao cho hiệu quả.
Thứ ba, lựa chọn người tham gia  tham vấn.
Việc lựa chọn những người tham gia tham vấn để giải quyết vấn đề xã hội từ  dư luận xã hội cũng gặp nhiều thách thức. Lý tưởng là sẽ mời tất cả các bên liên quan cùng tham vấn. Với những vấn đề hẹp, số lượng người liên quan ít thì điều này khả thi. Nhưng với những vấn đề  rộng lớn hơn, liên quan đến nhiều đối tượng thì việc mời tất cả những  người liên quan đến cùng tham vấn sẽ gặp khó khăn, ngay cả khi có thể mời được thì chi phí cho việc thực hiện cũng sẽ vô cùng  lớn và tính khả thi sẽ nhỏ dần. Nếu lựa chọn đại diện thì tính hiệu quả sẽ như thế nào? Đây chính là mấu chốt của vấn đề. Tính đại diện được hiểu một cách tương đối, mà sự tham vấn cần nhất là đảm bảo được các đại diện chủ chốt của các bên liên quan. Các cuộc họp thôn bản thường chỉ mang tính giải quyết vụ việc hay để bàn thảo các việc chung và hướng đến cộng đồng chung. Còn việc tổ chức tham vấn hướng đến các đối tượng cụ thể hơn, thậm chí phải tiếp cận các đối tượng qua nhiều đợt để có thể có được nhiều tiếng nói và tìm được sự hợp tác  trong  việc chia sẻ tri thức cũng như chia sẻ cơ hội   để giải quyết vấn đề xã hội do dư luận tạo ra. Những đối tượng cần thiết phải mời tham gia tham vấn là những người tạo ra dư luận, những bên liên quan đến vấn đề xã hội mà dư luận hướng đến (bao gồm  cả các nhà quản lý).
Thứ tư, lựa chọn người điều hành quá trình tham vấn.
Với các dự án phát triển, người ta thường mời một đội ngũ chuyên gia có nhiều tri thức và kinh nghiệm trong việc  tổ chức tham vấn cộng đồng. Còn với các vấn đề xã hội từ dư luận xã hội ở các địa phương vùng dân tộc thiểu số hiện nay, việc mời các chuyên gia có kinh nghiệm từ bên ngoài cộng đồng đến điều hành tham vấn sẽ có sự khách quan nhất định. Tuy nhiên, hạn chế của việc này là ở chỗ các chuyên gia này cần phải có quá trình nắm bắt thông tin, chi phí cho họ cũng cao hơn và nhiều khi còn tạo ra khoảng cách trong việc tăng cường hợp tác giữa các bên liên quan để giải quyết vấn đề. Trong khi đó, có nhiều vấn đề xã hội thực ra không cần đến chuyên gia bên ngoài bản thân những người trong cộng đồng (những người có năng lực để liên kết và điều hành quá trình tham vấn một cách hiệu quả, có thể là già làng, trưởng bản hay một người nào đó...) cũng có thể giải quyết được. Như vậy, tùy theo vấn đề hội mà cân nhắc việc lựa chọn chuyên gia điều hành tham vấn.
Thứ năm, xác định tầm nhìn hay mục tiêu của việc tham vấn cộng đồng.
Để giải quyết vấn đề xã hội một cách triệt để, cần có tầm nhìn chiến lược hơn, sâu rộng hơn và giải quyết được các mâu thuẫn về nhiều mặt giữa các bên liên quan.
Tất nhiên, việc này khá khó khăn, đòi hỏi nguồn kinh phí lớn để thực hiện, nhiều khi vượt quá khả năng của địa phương. Trong khi đó, việc giải quyết vấn đề với  tầm nhìn ngắn hạn thì chỉ đạt được mục đích trước mắt, còn các mâu thuẫn cơ bản chưa hẳn đã được giải quyết và tiềm ẩn nguy cơ tái sản sinh ra các vấn đề xã hội, tức là sự tham vấn bị thất bại do không giải quyết được vấn đề xã hội đặt ra. Thông thường, với các dự án phát triển có vốn đầu tư lớn, người ta cần xác định tầm nhìn dài hạn. Còn các địa phương khi tổ chức tham vấn thì cần xem xét đến yếu tố nguồn lực và tính hiệu quả tương đối trong xử lý vấn đề xã hội.
Thứ sáu, thực hiện tham vấn cộng đồng. Tùy theo mức độ và số lượng đối tượng liên quan mà các chuyên gia sẽ tiến hành các cuộc tham vấn (tổ chức bao nhiêu cuộc, phân chia số lượng người tham gia ra sao). Họ có thể tổ chức tham vấn nhiều đối tượng hoặc theo nhóm đối tượng, mục đích cơ bản là để những người tham gia thể hiện được ý chí và nguyện vọng của mình. Việc tiếp cận các nhóm khác nhau hoặc toàn thể là để cho nhiều người được tham gia thảo luận các vấn đề và bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình nhưng không làm mất quyền lợi của người khác. Khi tổ chức tham vấn nhiều nhóm khác nhau, có thể sẽ không tránh khỏi sự tranh luận gay gắt, khi đó cần đến năng lực của chuyên gia làm công tác điều hành tham vấn. Họ cần có những phương pháp, biện pháp khéo léo để xử lý tình huống, tránh những xung đột bạo lực, tránh việc những bên liên quan bỏ về khiến cuộc tham vấn có nguy cơ bị thất bại. Họ có vai trò định hướng cho các bên liên quan tham  gia thảo luận nhiều hơn và tương tác với nhau nhiều hơn để có được những thông tin, tri thức phù hợp và được nhiều bên chia sẻ, chứ không phải lôi kéo mọi người theo định hướng của mình. Tri thức chuyên gia trong quá trình tham vấn cần thể hiện sao cho không quá nổi trội, nhưng cũng không bị gạt ra bên lề các cuộc thảo luận.
Thứ bảy, kiểm nghiệm các nội dung tham vấn.
Đây là việc nhóm các nội dung đã tham vấn thành các vấn đề chủ chốt và toàn diện nhất về vấn đề xã hội và thảo luận lại với các bên liên quan để kiểm nghiệm lại những kết quả trước đó. Cần theo sát lợi ích chung của xã hội và lồng ghép các loại tri thức, thông tin đã được tham vấn vào quá trình ra quyết định; cố gắng tạo điều kiện để đưa tiếng nói của các nhóm cộng đồng lên cao hơn nhưng không vượt ra khỏi lợi ích chung của xã hội. Điều quan trọng trong bước này là đưa các lựa chọn hay đề xuất phương án giải quyết vấn đề xã hội đã được những người tham gia tham vấn thảo luận nhiều nhất đến với cộng đồng để đánh giá, xem xét khả năng chấp nhận của cộng đồng về các lựa chọn, đề xuất đó. Nếu phần lớn cộng đồng không chấp nhận các lựa chọn, đề xuất đưa ra thì kết quả cần phải hủy bỏ và sự tham vấn cần trở lại bước đầu để xác định lại tầm nhìn và mục tiêu. Nếu phần lớn cộng đồng chấp nhận thì có nghĩa là sự tham vấn đã có kết quả.
Thứ tám, đánh giá các kết quả từ sự tham vấn.
Sau khi cộng đồng và các chuyên gia đi đến quyết định và đưa ra các khuyến nghị, giải pháp để giải quyết vấn đề xã hội từ dư luận xã hội, cần cung cấp đầy đủ thông tin cho các bên liên quan để họ nắm bắt. Điều này là cần thiết vì cộng đồng còn tiếp tục theo dõi và giám sát quá trình thực hiện các kết quả tham vấn đó. Việc làm này cũng giúp những người điều hành đánh giá lại quá trình tổ chức tham vấn và xem xét đến các thảo luận cũng như quá trình tương tác, hợp tác giữa các nhóm liên quan với nhau trong việc giải quyết vấn đề. Nó làm cho mối quan hệ giữa các chuyên gia với các nhóm xã hội liên quan, giữa các nhóm xã hội với nhau trở nên gần gũi hơn.
3. Vai trò của việc tham vấn người dân bản địa định hướng dư luận hội

3.1. Vai trò của việc tham vấn người dân bản địa

Trong các cuộc tham vấn, người dân luôn được đặt vào vị trí trung tâm, họ có tâm thế chủ động quyết định việc giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến mình. Họ được bày tỏ ý kiến của mình,  thể hiện ý kiến, nguyện vọng, bảo vệ lợi ích chính đáng của bản thân, gia đình và góp phần vào xây dựng lợi ích chung của xã hội. Tâm thế chủ động cũng giúp họ  thể hiện rõ tinh thần chủ thể trong giải quyết vấn đề. Đồng thời, người dân còn được tham gia đánh giá, giám sát quá trình thực hiện các lựa chọn, đề xuất đã đưa ra trong quá trình tham vấn. Điều đó có nghĩa người dân được chủ động giữ vai trò trung tâm của mình ngay từ đầu cho đến khi giải quyết xong vấn đề xã hội cũng như giám sát và theo dõi các tác động của nó. Cũng qua những đợt tham vấn, những người tham gia đều có điều kiện đánh giá lại và tăng cường năng lực hợp tác với nhau để cùng giải quyết vấn đề liên quan đến cuộc sống của chính họ.
Việc tham vấn người dân trong giải quyết các vấn đề xã hội cũng giúp nâng cao năng lực quản trị xã hội của chính quyền địa phương. Qua quá trình tham vấn, những người cán bộ quản lý cũng có điều kiện đánh giá lại năng lực quản trị xã hội cũng như cách thức và phương pháp thể hiện.
Điểm cốt lõi nhất là việc tham vấn người dân giúp địa phương giải quyết được các vấn đề xã hội dựa trên sự tương tác và thảo luận, hợp tác của nhiều nhóm đối tượng khác nhau có liên quan đến vấn đề xã hội đó. Nó tạo nên hiệu ứng tích cực là các quyết định, lựa chọn đưa ra được hầu hết người dân ủng hộ vì đó là sản phẩm tham vấn từ họ. Cũng vì vậy mà quá trình thực hiện được dễ dàng hơn và hiệu quả hơn khi có sự đánh giá và giám sát của người dân. Nó giúp giảm thiểu được các tác động tiêu cực đến xã hội, tránh được lợi ích nhóm, giúp người dân nâng cao năng lực tiếp cận các nguồn lực phát triển hay năng lực hợp tác giải quyết các vấn đề xã hội hơn.
Xét trường hợp ví dụ thứ nhất được đưa ra ở trên, chính quyền chưa cung cấp đủ thông tin và chưa thảo luận đầy đủ với người dân mà đã đi đến quyết định nên bị người dân phản ứng mạnh mẽ, khiến dự án khó thực hiện và mối quan hệ giữa các nhóm hội, giữa chính quyền với người dân cũng bị ảnh hưởng xấu. Với trường hợp xây dựng sân bóng, khi được chủ động thảo luận và được cung cấp đầy đủ thông tin, người dân sẽ hợp tác và đưa ra quyết định tối ưu, có lợi cho nhiều người nhất.

3.2. Định hướng dư luận xã hội thông qua tham vấn người dân bản địa

Theo chúng tôi, định hướng dư luận xã hội là việc hết sức quan trọng, hướng đến một tâm trạng xã hội tốt trước sự đe dọa của những dư luận tiêu cực. Không phải chỉ khi dư luận xã hội từ các vấn đề xã hội xảy ra thì chính quyền mới can thiệp, định hướng dư luận của người dân, mà phải những chiến lược, chính sách phát triển hợp lý để tránh các vấn đề vốn được tiên liệu sẽ xuất hiện. Việc tham vấn người  dân có giá trị trong việc định hướng dư luận qua việc tham vấn xây dựng các chiến lược phát triển liên quan đến lợi ích của chính họ.
Như vậy, cần xác định rằng, người dân không chỉ tham gia mà phải được tham vấn vào quá trình hoạch định chiến lược phát triển của cộng đồng họ hay có liên quan đến đời sống của họ. Người dân cần được cung cấp đầy đủ thông tin về các dự án phát triển cũng như các vấn đề xã hội liên quan đến họ. Từ việc tiếp nhận thông tin một cách đầy đủ, họ có quyền tham gia vào việc thảo luận, lựa chọn chiến lược, phương án thực hiện. giúp người dân chủ động trong việc giám sát cũng như tự xây dựng chiến lược phát triển của mình hướng đến lợi ích chung của xã hội và lợi ích cá nhân của họ. Nói cách khác, khi người dân được đưa vào vị trí trung tâm của các quá trình phát triển kinh tế - xã hội thì tự nhiên các dư luận xã hội cũng được định hướng theo chiều tích cực.
Một giá trị quan trọng nữa là trong quá trình tham vấn, những bên liên quan, bao gồm cả người dân, chính quyền địa phương và các chuyên gia... đều có những tương tác, thảo luận với nhau nhằm hợp tác để tìm ra tiếng nói chung. Quá trình này giúp cho các bên liên quan nâng cao năng lực hợp tác và thảo luận, tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm trong việc thể hiện ý chí, nguyện vọng của mình trên cơ sở tôn trọng các giá trị, lợi ích chung của xã hội. Thông qua quá trình tham vấn, người dân nâng cao ý thức và năng lực làm chủ cuộc sống, còn chính quyền, các chuyên gia lại nâng cao năng lực quản trị, hợp tác. Gần như phần lớn những người tham gia đều được rèn luyện và tích lũy kinh nghiệm trong sự tương tác và hợp tác với nhau nhằm giải quyết những vấn đề xã hội. Khi có những vấn đề xã hội mới xuất hiện, việc tham vấn người dân sẽ giúp có được những chiến lược xử lý hiệu quả hơn thay vì tạo ra các dư luận xã hội tiêu cực.
Tóm lại, việc định hướng luận xã hội từ việc tham vấn người dân cần tổ chức qua những chiến lược phát triển kinh tế - xã hội ở cả địa phương hay cấp vùng, quốc gia là hoạt động quan trọng. Hãy đặt người dân vào vị trí trung tâm của sự phát triển,   trao  quyền   lựa  chọn,   quyết định
chiến lược phát triển, giám sát quá trình thực hiện và đánh giá kết quả tác động. Những nhà quản lý giữ vai trò đứng ra tổ chức các hoạt động tham vấn để  người dân thể hiện tốt hơn và nâng cao sự hợp tác, tương tác giữa họ với nhau để phát triển xã hội.
Trong bối cảnh hiện nay, việc hoạch định các chính sách phát triển vùng dân tộc thiểu số cần có các thông tin đa chiều, cập nhật thường xuyên, khách quan, tôn trọng quyền dân chủ, quyền được phát triển và được biểu đạt của người dân. vậy, tham vấn cộng đồng người dân vùng dân tộc thiểu số, định hướng dư luận xã hội, giải quyết vấn đề xã hội nơi chính họ chịu ảnh hưởng, nơi chính họ hưởng lợi hoạt động tất yếu phù hợp với sự phát triển.

Tài liệu tham khảo

[1]           Becker, Ted & Slaton, Christa D. (2000), The Future of Teledemocracy, Westport, Connecticut, Praeger.
[2]           John Van Willigen, Husein Mahmoud (2015): Đánh giá nông thôn có sự tham gia. In trong “Nhân học phát triển: lịch sử, lý thuyết và công cụ thực hành”. Nxb Tri thức, Hà Nội.
[3]           Hà Hữu Nga (2010), Tham vấn cộng đồng trong các dự án phát triển. Tài liệu tập huấn cho dự án của Ngân hàng Thế giới (World Bank) tại Hà Nội.
[4]           Paul Sillitoe (2015), Từ quan sát tham gia đến phát triển có sự tham gia: Làm cho Nhân học có hiệu quả. In trong “Nhân học phát triển: Lịch sử, lý thuyết và công cụ thực hành”. Nxb Tri thức, Hà Nội.

(*) Bài viết là kết quả của Đề tài “Những vấn đề lý luận và thực tiễn về dư luận xã hội ở vùng dân tộc thiểu số nước ta trong bối cảnh toàn cầu hóa”, Mã số: CTDT.37.18/16-20.

Phan Tân

Bùi Minh Hào22 Nghiên cứu sinh Dân tộc học. Email: buihao261@gmail.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét