Bài đăng nổi bật

Việt Nam nhìn từ Chủ thuyết phát triển

Thứ Ba, 7 tháng 9, 2021

Hành trình tìm đến Dư luận xã hội ở vùng dân tộc thiểu số

 Sách xuất bản tại Nhà xuất bản Hồng Đức

LỜI TỰA

Khi viết những dòng này trong không gian đô thị sầm uất hiện đại, chúng tôi dường như vẫn còn nghe văng vẳng lời người dân từ những nơi xa xôi kia rằng: "Dân như con nhái bên bờ ruộng, đói thì kêu", “Nguyên tắc để dân yên ổn là đừng để dân đói, đừng để dân kiêu, đừng để dân phàn nàn. Ba cái đấy mà không làm được thì dân loạn; thế nên, trên phải để ý đến điều đó...". Suốt hành trình những đợt điền dã thực địa, chúng tôi bị ám ảnh bởi những tiếng nói từ cơ sở, tiếng nói trực tiếp từ người dân vùng dân tộc thiểu số (nơi đang chiếm một phần đáng kể diện tích và dân số của cả nước) và những nhu cầu bình dị nhất trong chuỗi quyền con người - quyền được nói.

Ở 11 tỉnh vùng dân tộc thiểu số (Lai Châu, Sơn La, Hà Giang, Lạng Sơn, Nghệ An, Trà Vinh, Kiên Giang, Bình Phước, Đăk Lăk, Kon Tum, Ninh Thuận) với 22 huyện, 44 xã nơi chúng tôi từng đặt chân đến, hình ảnh những người dân lam lũ, cần cù, chất phác nhưng cũng đầy hào hiệp, nghĩa tình đã để lại những dấu ấn sâu đậm trong chúng tôi. Cuộc sống của họ sẽ thanh bình vừa đủ bên những thửa ruộng bậc thang, những nương rẫy tươi tốt nếu không có sự tiếp cận "khai hóa" của nhiều “lực lượng”.

Như chúng ta biết, trong chiến lược phát triển bền vững, hệ thống cơ chế, chính sách của Nhà nước về phát triển vùng dân tộc, miền núi đến nay tương đối toàn diện, bao phủ gần như toàn bộ các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội... Các chính sách được ban hành kịp thời, ngày càng được chi tiết, cụ thể hóa hơn các quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước, đời sống của người dân vùng dân tộc thiểu số nói chung được nâng lên rõ rệt; tuy nhiên, so với vùng đồng bằng, đô thị vẫn còn là khoảng cách khó có thể "đuổi kịp".

Có nhiều yếu tố tác động để bình luận về sự chậm trễ này và sẽ là hàm hồ, vội vàng đưa ra một quy kết nào đó. Hành trình của chúng tôi, cũng chỉ là những thâu lượm rời rạc những câu chuyện được gặp, được chứng kiến để suy ngẫm.

Trong tiềm thức được tiếp nhận của chúng tôi, không ít người gán nhãn cho người dân tộc thiểu số là những con người sống ở nơi xa xôi, hẻo lánh và không có ảnh hưởng gì tới các sự kiện chính trị của đất nước, có trình độ văn hóa thấp, mê tín dị đoan, có nền kinh tế nặng về tự cung tự cấp và là tác nhân chính gây ra suy thoái môi trường... Nhưng sự thực không phải như vậy. Trên mỗi bước đường điền dã, chúng tôi luôn thấy ở họ sự kiên cường, sự hợp lý trong cách tồn tại theo văn minh tự nhiên; tuy nhiên, hiện nay những con người nơi đây cũng không nằm ngoài vòng ảnh hưởng của toàn cầu hóa.

Ngoài những đổi thay dưới tác động từ các yếu tố mang tính "khai hóa" và toàn cầu hóa, bản thân mỗi tộc người cũng muốn tự khẳng định bản sắc và năng lực nội tại vươn lên như một quy luật tiến hóa tự nhiên. Trên bước đường khẳng định bản sắc và năng lực nội tại ấy, bên cạnh những thành tựu của phát triển, người dân tộc thiểu số từng bước tiệm cận với hiện đại hóa, toàn cầu hóa thì họ cũng gặp phải không ít khó khăn như thiếu tư liệu sản xuất, thiếu việc làm, ô nhiễm môi trường,v.v...

Trong hoàn cảnh đó, như một điều tất yếu, nhu cầu được nói, được biểu đạt trước những vấn đề liên quan đến giá trị, lợi ích của cá nhân và cộng đồng đã trỗi dậy. Trên bước đường chúng tôi đi qua, họ đã nói, họ đã thể hiện quan điểm của mình và với chúng tôi họ vốn có hoặc/và họ đã thay đổi; họ đã đặt mình trong sự phát triển chung để khẳng định họ không phải là "nhóm yếu thế", tiếng nói của họ phải được trân trọng. Chúng ta không được tự mình tước đi cơ hội thấu hiểu về những gì đang xảy ra liên quan đến bức tranh về dư luận xã hội ở vùng dân tộc thiểu số.

Như đã nói ở trên, nững câu chuyện chúng tôi thâu lượm và trình bày trong cuốn sách này là nguồn tư liệu phục vụ đề tài cấp Nhà nước Những vấn đề lý luận và thực tiễn về dư luận xã hội vùng dân tộc thiểu số ở nước ta trong bối cảnh toàn cầu hóa (Mã số: CTDT.37.18/16-20), hy vọng giúp ích cho những ai cần tham khảo khi quan tâm đến vùng dân tộc thiểu số.

Xin chân thành cảm ơn Ủy ban Dân tộc (Cơ quan chủ quản đề tài), Học viện Khoa học xã hội (Cơ quan chủ trì đề tài) đã cho phép chúng tôi triển khai nghiên cứu có ý nghĩa này.

Xin cảm ơn các thông tín viên đã vì sự phát triển của cộng đồng mà cất lên những tiếng nói tâm huyết.

Cuối cùng xin cảm ơn các bạn điều tra viên đã cùng trên Hành trình tìm đến dư luận xã hội vùng dân tộc thiểu số!

Trân trọng giới thiệu!!




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét