Bài đăng nổi bật

Việt Nam nhìn từ Chủ thuyết phát triển

Thứ Ba, 7 tháng 9, 2021

Dư luận xã hội ở vùng dân tộc thiểu số: những vấn đề lý luận và thực tiễn

 Đến lúc chấm dứt định kiến về vùng dân tộc thiểu số: vùng đất lạc hậu, kinh tế phát triển thấp kém, đầy mê tín dị đoan...; không chỉ trong toàn cầu hóa mà cả trong lịch sử từ xa xưa người dân vùng dân tộc thiểu số đã vượt qua định kiến về sự yếu thế, họ đã lên tiếng trong tình huống cần thiết.

Vấn đề đặt ra là phải coi trọng tiếng nói của người dân, họ cần được tham gia vào việc hoạch định chiến lược, chính sách phát triển cho chính cộng đồng và vùng.

Xin giới thiệu bà con sách mới:

DƯ LUẬN XÃ HỘI ở vùng Dân tộc thiểu số: những vấn đề lý luận và thực tiễn (Sách chuyên khảo)


LỜI TỰA

Trong xu thế vận động, biến đổi và phát triển chung, vùng dân tộc thiểu số - thường là vùng cao, vùng sâu, vùng xa - ở nước ta sẽ có tốc độ chuyển đổi nhanh hơn những năm trước đây. Toàn cầu hóa, hiện đại hóa, thị trường hóa với vai trò quản lý, thúc đẩy, định hướng của Nhà nước bằng các chính sách cụ thể chắc chắn sẽ tạo môi trường phát triển tốt cho vùng đất này.

Quá trình biến đổi kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội ngoài mang lại những tác động tích cực tới đời sống người dân còn có thể mang đến những tác động tiêu cực không thể tránh khỏi như: ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên, phát sinh và gia tăng các loại tệ nạn, sự lệch chuẩn về văn hóa truyền thống, nguy cơ phai nhạt bản sắc... Những điều này tác động trực tiếp đến chính giá trị, lợi ích của mỗi cá nhân, tổ chức, cộng đồng người dân tộc thiểu số (DTTS).

Chúng ta biết rằng, với những sự kiện xã hội từng xảy ra ở vùng DTTS như bạo động ở Tây Nguyên năm 2001 và năm 2004, Mường Nhé năm 2011, những mâu thuẫn/xung đột liên quan đến đất đai ở Tây Nam Bộ những năm 2000... Không thể loại trừ việc trước đó đã có những vấn đề xã hội bức xúc nhưng không được giải tỏa, không được định hướng cũng như đã có những ý kiến, những phản ứng trong cộng đồng.

Với trình độ ngày càng cao, người dân vùng DTTS ngày càng nhận thức và thấu hiểu quyền được lên tiếng của mình. Lắng nghe tiếng nói của người dân, những ý kiến từ chính người trong cuộc để biết về nhu cầu cuộc sống, nhu cầu của sự phát triển chung hay nói cách khác, việc tổ chức thăm dò, nắm bắt dư luận xã hội (DLXH), có định hướng dư luận nhằm phục vụ cho các chiến lược phát triển bền vững vùng DTTS là công việc hết sức quan trọng.

Nhằm giải đáp một phần nhu cầu thực tiễn của thực trạng trên, trong khuôn khổ Chương trình Khoa học và Công nghệ cấp quốc gia giai đoạn 2016-2020 Những vấn đề cơ bản và cấp bách về dân tộc thiểu số và chính sách dân tộc ở Việt Nam đến năm 2030, mã số CTDT/16-20, được sự đồng ý và tạo điều kiện của Văn phòng Chương trình và Học viện Khoa học xã hội, chúng tôi đã triển khai thành công đề tài: "Những vấn đề lý luận và thực tiễn về dư luận xã hội ở vùng dân tộc thiểu số nước ta trong bối cảnh toàn cầu hóa", mã số CTDT.37.18/16-20, trong 3 năm 2018-2020.

Trên cơ sở các tiếp cận liên xuyên ngành: xã hội học, chính trị học, dân tộc học, nhân học, văn hóa học, tâm lý học,... các tiếp cận về phát triển bền vững, tiếp cận quyền con người - quyền phổ quát về tự do ngôn luận, tiếp cận năng lực chủ thể của người dân... chúng tôi đã triển khai nghiên cứu thực địa trên địa bàn 11 tỉnh vùng dân tộc thiểu số, mỗi tỉnh chọn 02 huyện và mỗi huyện chọn 02 xã/thị trấn (đại diện cho trung tâm và ngoại vi trên địa bàn), cụ thể: (1) tỉnh Lạng Sơn chọn thị trấn Thất Khê và xã Cao Minh (huyện Tràng Định), thị trấn Lộc Bình và xã Xuân Dương (huyện Lộc Bình); (2) tỉnh Hà Giang chọn thị trấn Đồng Văn và xã Phố Cáo (huyện Đồng Văn), thị trấn Vinh Quang và xã Chiến Phố (huyện Hoàng Su Phì); (3) tỉnh Lai Châu chọn thị trấn Mường Tè và xã Bum Nưa (huyện Mường Tè), thị trấn Phong Thổ và xã Vàng Ma Chải (huyện Phong Thổ); (4) tỉnh Sơn La chọn thị trấn Sông Mã và xã Pú Bẩu (huyện Sông Mã), thị trấn Ít Ong và xã Ngọc Chiến (huyện Mường La); (5) tỉnh Nghệ An chọn thị trấn Hòa Bình và xã Yên Na (huyện Tương Dương), thị trấn Tân Lạc và xã Châu Bình (huyện Quỳ Châu); (6) tỉnh Đăk Lăk chọn thị trấn Liên Sơn và xã Yang Tao (huyện Lăk), thị trấn Quảng Phú và xã Ea Drơng (huyện Cư M'gar); (7) tỉnh Kon Tum chọn thị trấn Đắk Hà và xã Ngọk Wang (huyện Đăk Hà), thị trấn Đắk Glei và xã Xốp (huyện Đắk Glei); ( tỉnh Ninh Thuận chọn thị trấn Phước Dân và xã Phước Hậu (huyện Ninh Phước), xã Phước Đại và xã Phước Thành (huyện Bắc Ái); (9) tỉnh Bình Phước chọn thị trấn Đức Phong và xã Thống Nhất (huyện Bù Đăng), thị trấn Lộc Ninh và xã Lộc Quang (huyện Lộc Ninh); (10) tỉnh Trà Vinh chọn thị trấn Cầu Kè và xã Châu Điền (huyện Cầu Kè), thị trấn Cầu Ngang và xã Trường Thọ (huyện Cầu Ngang); (11) tỉnh Kiên Giang chọn thị trấn Minh Lương và xã Minh Hòa Phú (huyện Châu Thành), thị trấn Gò Quao và xã Định Hòa (huyện Gò Quao).

Từ mỗi đơn vị xã/thị trấn chúng tôi chọn 75 đơn vị mẫu (đối tượng - thông tín viên đại diện cho người dân trên địa bàn) để phỏng vấn trực tiếp bằng bảng hỏi và mỗi đơn vị tỉnh chọn 50 đơn vị mẫu để phỏng vấn sâu đại diện bao gồm cả nhà quản lý, người có uy tín, người dân. Như vậy, tổng mẫu chúng tôi có được là 3.300 bảng hỏi phỏng vấn và 550 phỏng vấn sâu; ngoài ra là một loạt các hoạt động tọa đàm, hội thảo, thu thập tài liệu trong nhiều thời kỳ...

Tất cả hoạt động này, với mong muốn mang ý nghĩa thực tiễn sâu sắc là (i) làm rõ bức tranh toàn cảnh của DLXH ở vùng DTTS nước ta hiện nay trong bối cảnh toàn cầu hóa. Đó là một diễn tiến về quá trình hình thành, phát triển của DLXH với các yếu tố tác động của nó vốn tồn tại trong xã hội truyền thống và yếu tố của xã hội hiện đại; từ đó cung cấp một bộ tư liệu tham khảo, một cái nhìn bao quát cho các nhà hoạch định chính sách truyền thông, thông tin; cung cấp cơ sở khoa học cho các nhà nghiên cứu DLXH, nhà quản lý về cơ chế tiếp nhận, phản hồi, định hướng DLXH ở vùng DTTS khi vận dụng nghiên cứu DLXH về một vấn đề xã hội cụ thể. Đồng thời, (ii) đề xuất một số giải pháp, kiến nghị trong đổi mới quan điểm chung về nghiên cứu DLXH, cơ chế chính sách, tổ chức, bộ máy nghiên cứu, tiếp nhận, phản hồi, định hướng dư luận ở vùng DTTS nói riêng và xã hội Việt Nam nói chung.

Cuốn sách chuyên khảo bạn cầm trên tay là sản phẩm được rút ra từ Báo cáo Tổng hợp của đề tài.

Qua đây, chúng tôi xin chân thành cảm ơn Ủy ban Dân tộc (Cơ quan chủ quản), Học viện Khoa học xã hội (Cơ quan chủ trì) đã giúp đỡ, hỗ trợ chúng tôi hoàn thành đề tài - nền móng cho công trình xuất bản này.

Xin cảm ơn các nhà khoa học, các thông tín viên đã góp sức cùng chúng tôi hoàn thành nghiên cứu thú vị này.

Với thời gian ngắn để hoàn thành sản phẩm, nhóm tác giả không thể tránh khỏi sai sót. Rất mong các độc giả góp ý để xuất bản lần sau được hoàn thiện hơn!

Hà Nội, ngày 10 tháng 01 năm 2021

Phan Tân





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét