Lễ mừng Quốc khánh 2/9 được trời phù hộ, diễn ra an toàn đến
phút cuối, nhưng rồi dư luận lại dậy sóng bởi cái thật/giả, đúng/sai, được/không
được của cái chuyện cấp bậc hàm trong quân đội.
Chuyện thứ nhất, trước hết cần khẳng định rằng, quân hàm trong
quân đội là một loại giá trị cốt lõi của lực lượng vũ trang mà mỗi người quân
nhân phải nổ lực phấn đấu, cộng với thời gian phải đủ chín cho mỗi giá trị đó
được gắn lên vai người quân nhân, cũng đặc biệt có người do những thành tích xuất
sắc đặc biệt nào đó thì có thể rút ngắn thời gian cho việc tăng giá trị (nếu là
chiến tranh thì phải tiêu diệt được nhiều kẻ thù, nếu là thời bình thì phải có những
đóng góp nào đó thật xuất sắc trong khoa học, trong công tác gắn với hoạt động
dành cho lực lượng vũ trang). Và đó, dù sao, câu "lính tuổi quân, dân tuổi
đời" vẫn thường là "chân lý" sống, quan hệ và thăng tiến của người
quân nhân. Tóm lại là người quân nhân phải đổ mồ hôi, máu, thời gian cuộc đời
và nhiều trường hợp là cả tính mạng mới có những quyết định phong quân hàm theo
niên hạn hay vượt cấp. Chuyện cô vận động viên bơi lội Nguyễn Thị Ánh Viên, 19
tuổi được đề nghị phong quân hàm sĩ quan quân đội bậc Thiếu tá vì thành tích
bơi lội Xuất sắc tại Seagame 28 thì thật là... (trước đó khi 18 tuổi Ánh Viên
được phong hàm Đại úy). Không biết những bậc chú, bác tầm ngoài 40 tuổi đang
mang quân hàm thiếu tá (mà là phần lớn) sẽ nghĩ gì? Giá trị của cái quân hàm sĩ
quan của lực lượng vũ trang phải được đánh giá như thế nào nữa? Có cần thiết phải
nói là "trường hợp đặc biệt và con người đặc biệt" trong lĩnh vực thể
thao có liên quan đến những giá trị của lực lượng vũ trang hay không?
Chuyện thứ hai, diễu binh, diễu hành là phô diễn sức mạnh của một
quốc gia dân tộc, của một thể chế. Nếu sự phô diễn là có thật thì sức mạnh là
có thật, nếu sự phô diễn là giả - không có thật thì sức mạnh đó là giả. Nếu những
người có trách nhiệm cho rằng đó là quy định trong diễu binh, diễu hành kiểu
"ít sao gạch thì phải cho thêm sao gạch, ít huân huy chương thì gắn thêm
huân huy chương" cho dù chỉ là tượng trưng để "cho thống nhất"
liệu có nên không?
Chuyện cô Phạm Trúc Sơn Quỳnh 22 tuổi và có thể còn nhiều
người khác mang lon Trung tá (trong lễ diễu binh chào mừng 70 năm Quốc khánh)
và trong đội ngũ duyệt binh những người trẻ mang quân hàm cao hơn, mang nhiều
huân huy chương (tượng trưng cho chiến công) trước ngực thì thật là không nên.
Những câu hỏi: Giá trị của quân hàm cho lực lượng vũ trang?
Giá trị cho những hy sinh? Giá trị cho sự thật/giả? .v.v... có cần thiết tiếp tục
thể hiện trong thời điểm sự giả dối đang lên ngôi này không?./.
Phan Tân
Phan Tân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét