Bài đăng nổi bật

Việt Nam nhìn từ Chủ thuyết phát triển

Thứ Bảy, 21 tháng 1, 2017

Những vấn đề xã hội Việt Nam và dư luận qua báo chí và các bộ sưu tập sự kiện năm 2016

Phan Tân
Kết thúc năm 2016 việc tổng hợp, bình chọn các sự kiện nổi bật trong nước từ các báo in, báo mạng có vẻ nghiêng về sắp xếp theo lĩnh vực, ngành như: 10 sự kiện khoa học công nghệ, 10 sự kiện thể thao, 10 sự kiện công tác đoàn và phong trào thanh niên, 10 sự kiện văn hóa - du lịch... Việc bình chọn 10 sự kiện tiêu biểu cho tất cả các mặt kinh tế - xã hội có vẻ vắng bóng, ngoài một số trang như Dân Trí, Dân Việt, Tiền Phong, Thông tấn xã... các báo và trang mạng khác đều dẫn theo bình chọn của Thông tấn xã. Từ góc độ dư luận xã hội mà các sự kiện này đã trở thành các vấn đề xã hội trong năm chúng tôi lựa chọn một danh sách 8 vấn đề xã hội nổi bật. Đặc biệt, có những vấn đề tuy không được bình chọn trên các trang báo, trang mạng nhưng được chúng tôi lựa trên cơ sở dư luận quan tâm và các báo đã dành khá nhiều thời lượng trong thời điểm xảy ra sự kiện.

1. Lễ hội đầu năm
Năm nào cũng vậy, lễ hội đầu năm trên khắp cả nước là dịp để người dân no nê với món ăn tinh thần. Vì vậy, với người dân phương Đông nói chung và người Việt Nam là không thể bỏ được. Câu chuyện lễ hội không được đưa vào bộ sưu tập của bất cứ  trang nào và nếu điểm vào đây sẽ trở thành việc xưa nay cũ, nhưng có lẽ năm 2015 những đỉnh điểm mặt trái của lễ hội đã được bộc lộ hết. Chém, chọi, cướp - 3 C đó cộng thêm với dẫm đạp, trèo, xin... đã bội thực trên các mặt báo hàng ngày của các tháng giêng, hai.
Có những bài báo còn thẳng thắn than rằng: những tiêu cực của lễ hội chứng minh cho thời "văn hóa mạt" (vtc.vn). Trên các báo, xuất hiện nhan nhản các dòng tít như: "Trèo lên bàn thờ cầu may Phỉ báng thánh thần"; "Rải tiền lẻ bừa bãi, nhét tiền vào tay Phật là phỉ báng thánh thần"; "Phẫn nộ hành vi vo tiền ném vào mặt thánh thần"; "Vì sao người dân hết lòng "hối lộ thần thánh"?"... liên quan đến từ cướp, có: "Cướp lộc: có người lợi dụng lễ hội để trả thù"; "Rùng mình với những hình ảnh xấu ở lễ hội tháng Giêng”; "Trai làng Sơn Đồng tranh cướp hỗn loạn tại lễ hội Giằng Bông"; "Biển người hò hét xông vào cướp lộc sau lễ Khai ấn đền Trần"; "Lễ hội đền Gióng: 'cướp an toàn' cũng kích động lòng tham"; "Lễ hội cướp Phết: khơi gợi sự man rợ của con người và hủy diệt văn hóa"; "Hỗn loạn lễ hội cướp Phết: du khách 'chạy mất dép'"; "Đánh đấm đổ máu tại lễ hội cướp Phết ở Phú Thọ"; “Hỗn loạn ở lễ hội cướp phết Hiền Quan”; “Hỗn chiến ở lễ hội cướp phết”; “Dân cướp phết, quan tranh lộc”; “Ẩu đả hỗn loạn trong lễ hội cướp phết lấy may”; “Cảnh giẫm đạp tại lễ hội cướp phết ở Vĩnh Phúc”; “Hình ảnh hỗn chiến kinh hoàng trong lễ hội cướp phết ”; “Giẫm đạp kinh hoàng trong lễ hội cướp phết lấy may”; “Giẫm đạp, đổ máu cướp Phết ở lễ hội cầu may mắn”; "Màn tranh cướp hội Vu Lan kinh hoàng của người Việt"; “Lại hỗn loạn tại lễ hội"... Liên quan cụm từ “chặt chém” có: "Lễ hội rằm tháng Giêng: dịch vụ thi nhau chặt chém"; "Quen thói chặt chém đầu năm"; "Du khách bị chặt chém 500.000 đồng một bó nhang"; "Chặt chém đang xảy ra tại lễ hội đền Trần”; “Ẩu đả, chặt chém trong lễ hội Phết ở Phú Thọ”; “Chặt chém mùa lễ hội”, "Chặt chém" ở chùa Hương mùa lễ hội”, “Nạn 'chặt chém' du khách mùa lễ hội đầu năm”; "Chặt chém kinh ngoàn tại lễ hội bánh dân gian Nam bộ"; "Lễ hội hoa Đà Lạt: quá tải, chặt chém du khách"; "Lại tình trạng chặt chém trong lễ hội Việt"...


Cướp ấn, kiếm ở lễ hội đền Trần             (Photo: Tổng hợp từ internet)
 
Cướp hoa tre tại hội Gióng               (Photo: news.zing.vn)


 
Loạn cướp phết ở lễ hội Huyền Quan          (Photo: thanhnien.vn)

Nguyễn Quang Thiều đã nói đúng "chúng ta đã bỏ quên ngôi chùa thiêng nhất",
"Ngôi đền hay ngôi chùa thiêng nhất chính là ngôi đền, ngôi chùa dựng trong lòng người. Vậy mà chúng ta đã bỏ quên những ngôi đền, ngôi chùa thiêng nhất ấy. Khi lòng không yên thì sống giữa đền, giữa chùa cũng không thấy yên. Khi lòng không từ bi thì quỳ dưới chân Thần Phật trong tiếng mõ, tiếng chuông... lòng vẫn ác. Khi lòng không hiểu được hạnh phúc thì nằm giữa bạc vàng, châu báu cùng vẫn thấy bất hạnh"(tuanvietnam).
Một điều rất thú vị rằng, bên cạnh những đỉnh điểm của những tiêu cực ở những lễ hội phía Bắc thì ở phía Nam tại Bình Dương, Lễ hội rước kiệu Bà lại chứng minh cho công chúng một cách viên mãn về những điều tốt đẹp diễn ra mà người dân địa phương đem lại đó là những sự trợ giúp tối đa về các dịch vụ phục vụ khách miễn phí làm ấm lòng khách hành hương, một sự trật tự và sự tôn nghiêm thành kính của cả cộng đồng...
Hy vọng mùa lễ hội năm 2017, những điều tốt đẹp từ lễ hội rước kiệu Bà ở Bình Dương sẽ được nhân rộng trên cả nước.
Nước suối, khăn lạnh và nhiều loại miễn phí ở Lễ rước kiệu bà Bình Dương
Photo: internet

2. Thảm họa môi trường vùng biển miền Trung
Hiện tượng hải sản chết bất thường hàng loạt bắt đầu xảy ra ngày 6/4/2016 tại Hà Tĩnh (khu cảng Vũng Áng và các xã Kỳ Lợi... của Thị xã Kỳ Anh) sau đó lan ra ở các tỉnh Quảng Bình (10/4/2016), Thừa Thiên-Huế (15/4/2016), Quảng Trị (16/4/2016) với số lượng và tần suất tăng theo thời gian tại từng vùng khác nhau và kéo dài đến ngày 4/5/2016.
Sự kiện này đã được hàng loạt báo đưa vào bình chọn top sự kiện nổi bật nhất năm 2016: 1 trong 7 sự kiện kinh tế - xã hội nổi bật của trang vnexpress.net, 1 trong 8 sự kiện của báo Đầu tư chứng khoán, 1 trong 10 sự kiện kinh tế - xã hội của Thời báo kinh tế Việt Nam; của Thông tấn xã Việt Nam, của báo Dân trí, báo Giao thông, báo Tiền Phong, trang Dân Việt, trang VTC News, đài phát thanh truyền hình Kiên Giang...
Khi sự hoang mang lan rộng, cùng với tuyên bố thiếu suy nghĩ của ông giám đốc Formosa về việc chọn cá hay chọn thép, các tổ chức dân sự, các nhà hoạt động xã hội, các  nghệ sĩ trí thức… đã vô cùng phẫn nộ. Thế nhưng, đáp lại sự phẫn nộ này, chính quyền vì sự thận trọng của mình không có những phản ứng kịp thời. Thông qua phát ngôn của các quan chức Hà Tĩnh, quan chức Bộ Tài nguyên Môi trường…, cho thấy sự lúng túng của các cơ quan chức năng trong xử lý tình huống.

Photo: internet
 Làn sóng dư luận đã được đẩy lên cao khi vấn đề được ví như thảm họa môi trường ở Minamanta (Nhật Bản) năm 1956 cũng là chất kim loại nặng mà nhà máy Chisso thải ra môi trường và nước Nhật đã phải mất đến 50 năm để xử lý thảm họa; phải chi 48,5 tỷ yên (khoảng 10 ngàn tỷ VNĐ) để nạo vét lòng biển trong vòng 14 năm.
Dân chúng cả nước choáng váng và kinh hoàng khi nghĩ rằng trong bữa ăn hàng ngày đã không còn món ăn hải sản, dọc bời biển miền Trung sẽ là biển chết: không du lịch, không tắm biển... Lần đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam đối diện với thảm họa môi trường ảnh hưởng cuộc sống của hàng triệu người. Ngư dân 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế mất kế sinh nhai, tàu thuyền nằm bờ suốt 8 tháng. Ngành khai thác thủy sản giảm 20% sản lượng, góp phần kéo GDP cả nước chỉ tăng trưởng dưới 6% sau 9 tháng.
Đặc biệt là những thông tin trái chiều liên tục sau đó được các ban ngành, cán bộ chính quyền từ trung ương đến địa phương đưa ra mâu thuẫn, phủ định lại nhau khiến dân chúng không biết tin vào đâu. Đâu đó, người dân đã biểu tình phản đối Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa, khi doanh nghiệp này có đường ống xả thải chôn dưới đáy biển. Vài ngày trước khi xảy ra cá chết hàng loạt, công ty đã tiến hành súc rửa đường ống. Khoảng 300 tấn hóa chất nhập về để làm việc này được đánh giá là cực độc.
Sau khi Chính phủ vào cuộc điều tra, cộng với sức ép của dư luận trong nước và quốc tế, Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh thừa nhận gây ra sự cố môi trường biển.
Sự cố đã để lại bài học đắt giá cho mục tiêu tăng trưởng nóng, tăng trưởng bằng mọi giá.

3. Thiên tai và nhân tai
Tác động của biến đổi khí hậu đã gây ra nhiều hiện tượng thiên tai cực đoan ở Việt Nam, không chỉ khiến 235 người chết do lũ lụt trong năm 2016 mà còn gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất nông lâm ngư nghiệp. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ước tính tổng thiệt hại toàn ngành do thiên tai trong năm lên đến 37.650 tỷ đồng (tương đương 1,7 tỷ USD) - đây là con số cao nhất từ trước tới nay.
Thiên tai và hậu họa của nó trở thành 1 trong 10 sự kiện được bình chọn của Thông  tấn xã Việt Nam, Thời báo kinh tế Việt Nam, của báo Dân trí, trang Phát thành truyền hình Kiên Giang, trang Dân Việt...
Từ đầu năm 2016, nhiều vùng miền đã trải qua nạn hạn hán khốc liệt nhất từ trước tới nay. Hậu quả là ở vùng ĐBSCL có 11/13 tỉnh bị ảnh hưởng xâm nhập mặn, với 405.000 ha lúa và hoa màu, 28.500ha cây ăn quả, 82.000 ha diện tích tôm nuôi bị mất trắng... Khu vực Tây Nguyên cũng đã có 157.000 ha đất nông nghiệp bị hạn.
Ở khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, hạn hán cũng đã khiến 40.500 ha lúa phải dừng sản xuất, 36.000 ha cây trồng khác bị hạn... Từ giữa tháng 10 đến giữa tháng 12/2016, các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên đã gặp liên tiếp 5 đợt mưa lũ lớn trên diện rộng với cường độ cực đoan, gây ra lũ chồng lũ ở nhiều tỉnh.
Tính riêng 5 đợt lũ đã khiến 111 người chết và mất tích, hơn 316.000 ngôi nhà, 42.800 ha lúa, 39.000 ha hoa màu bị ngập hư hại.

Thủy điện Hố hô với quy trình xã lũ kiểu "nhân tai",       Photo: thanhninen.vn
Trong sự kiện này, hoạt động cứu trợ đã trở thành một tâm điểm của dư luận. Hoạt động thiện nguyện của các tổ chức, cá nhân tự phát đã có phần "lấn át" hoạt động cứu trợ từ phía chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội.
Giao thông, phương tiện để đi đến vùng thiên tai không còn khó khăn như trước; lực lượng thiện nguyện ngày càng trẻ hóa, họ muốn tận mắt chứng kiến sự tàn phá của thiên tai, trải nghiệm cảm giác thống khổ của người dân nên đã tự tổ chức các chuyến, các đoàn cứu trợ tự phát đi vào với đồng bào. Đặc biệt hiện tượng một cá nhân "người của công chúng - MC Phan Anh" đã huy động được hơn 22 tỷ đồng từ các nhà hảo tâm ở cả trong và ngoài nước cho hoạt động cứu trợ cũng khiến dư luận đặt ra nhiều cầu hỏi về vai trò, uy tín của các tổ chức chính trị - xã hội.

Dư luận đã không thể không nghì ngờ về vai trò của chính quyền khi mà tiếp tục những tin tức như: "Đoàn cứu trợ ra khỏi nhà dân, thôn đến thu lại tiền hỗ trợ"; "Cán bộ thôn thu hồi tiền cứu trợ lũ lụt của dân"; "Nhiều người bất bình khi bị thu hồi tiền cứu trợ để chia đều"; "Nhận cứu trợ lũ lụt 500 ngàn, bị thôn thu lại 400 ngàn"; "Tiền hàng cứu trợ mưa lũ miền Trung bị thôn thu lại, dân bức xúc"... được đưa lên mặt các báo chính thống.

Trước đây từng có hiện tượng xà xẻo, ngâm hàng cứu trợ quá lâu… tại một số ban tiếp nhận điều phối cứu trợ, dẫn đến mất niềm tin trong một bộ phần người hảo tâm. Vì thế, không ít đoàn từ thiện tự đi đến vùng thiên tai, không thông qua các tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận và phân phối hàng cứu trợ tại địa phương cũng là điều dễ hiểu.
Việc Thủy điện Hố Hô (Hà Tĩnh) bất ngờ xả lũ làm cho 5.000 hộ dân và một số địa bàn lân cận bị nhấn chìm trong lũ, trở thành tâm điểm chỉ trích của dư luận; biểu hiện về sự thiếu trách nhiệm của một nhóm người lên mưu sinh của người dân. Dư luận cho rằng đây không chỉ là thiên tai mà còn là nhân tai, nhân họa.

4. Sự kiện sát hại lãnh đạo tỉnh Yên Bái
Tám viên đạn K59 bắn vào ba người, bốn viên cho ông Bí thư Tỉnh ủy Phạm Duy Cường, ba viên cho ông Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Ngô Ngọc Tuấn, viên còn lại dành cho người gây án: Đỗ Cường Minh, Chi cục trưởng Kiểm lâm tỉnh Yên Bái (ngày 18/8/2016).

Vụ án gây chấn động Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái và báo chí vì kẻ hạ thủ là một cán bộ kiểm lâm cao cấp. Ngay sau khi vụ án xảy ra, Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái đã mở cuộc họp báo công khai trả lời báo chí chi tiết sự việc, tuy nhiên nguyên nhân vụ giết người mang nhiều tình tiết bí ẩn khiến dư luận cả nước sục sôi với nhiều phán đoán: đây là vụ án liên quan đến tình ái? đây là vụ án liên quan đến chức quyền? đây là vụ thanh toán có sự tham gia của một số thế lực nào đó?... Động cơ giết người chính là câu hỏi bức xúc nhất của dư luận ngay sau khi vụ án diễn ra, mỗi người nhận định một cách khác nhau. Các tình tiết, các phương án hành động được công chúng dựng lên bởi dựa vào những thông tin ban đầu như: "viên đạn tự sát của Đỗ Cường Minh lại được bắn từ sau gáy ra trước"; "Cơ quan công an quyết định không khởi tố rồi lại khởi tố vụ án", "8 viên đạn hay 7 viên đạn?", "súng hung thủ nằm trong ngăn kéo"... Các báo chính thống chỉ "đưa đi đưa lại" mấy chủ đề hiếm hoi: "Chưa rõ nguyên nhân vụ nổ súng sát hại Bí thư Yên Bái "; "Tin tức mới nhất về vụ nổ súng sát hại Bí thư tỉnh Yên Bái "; Nghi phạm Đỗ Cường Minh để lại thư tuyệt mệnh?; 'Bắn bí thư Yên Bái xong, ông Minh còn chào hỏi cán bộ khác'; "Vụ bắn Bí thư tỉnh ủy Yên Bái: Liệu ông Đỗ Cường Minh có phải hung thủ?"...

Nguyên nhân dẫn đến hành động nghiêm trọng này vẫn là một dấu hỏi lớn đối với người dân. Hàng chục lý do xoay quanh động cơ giết người của một cán bộ kiểm lâm làm người ta chú ý ngay tới việc phá rừng cũng như buôn lậu gỗ đang là đề tài nóng của tỉnh Yên Bái.
Đáng ngạc nhiên là trong hàng ngàn người tham gia chuyển tin về một vụ án mạng có đến ba người chết, không có bất kỳ ai bày tỏ sự phẫn nộ với thủ phạm và thương cảm các nạn nhân! Người dùng facebook tỏ ra rất thích thú với việc ai đó gọi ông Đỗ Cường Minh là “xạ thủ” và nhấn mạnh rằng, “thành tích” của ông Minh có giá trị hơn nhiều so với thành tích của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh (người vừa giúp Việt Nam có huy chương vàng và huy chương bạc Olympic đầu tiên tại Olympic Rio 2016).
4 tháng sau (26/12), Công an tỉnh Yên Bái đã "Trực tiếp: Họp báo về kết quả điều tra vụ sát hại Bí thư Yên Bái", với thông tin "Do bất mãn, bức xúc cá nhân trong bố trí sắp xếp nhân sự khi sáp nhập Chi cục lâm nghiệp vào Chi cục kiểm lâm tỉnh Yên Bái, Đỗ Cường Minh đã dùng súng bắn chết ông Phạm Duy Cường và ông Ngô Ngọc Tuấn".
Kết luận này không khó khăn để tìm ra, giá như nó được công bố sớm hơn.
Công an Yên Bái tổ chức họp báo công bố kết quả vụ nổ súng,   Photo: tuoitreonline

5. Vấn đề công tác cán bộ và những quyết định bổ nhiệm
Sau sự kiện nổ súng ở Yên Bái được cơ quan chức năng kết luận là "do mâu thuẫn trong công tác cơ cấu nhân sự" và vấn đề tài sản trong két sắt của quan chức ở cơ quan cũng để cho dư luận không khỏi nghi ngờ. Phải chăng vì tham vọng quyền lực, quan chức và những nguồn lợi kéo theo đã đến mức họ đã đánh đổi cả mạng sống của mình.
Soi chiếu vào đó là những sự kiện bổ nhiệm cán bộ cấp vụ kiểu "Thánh Gióng". Dư luận xôn xao vụ bổ nhiệm kì lạ ông Vũ Minh Hoàng, 26 tuổi, quê ở Bắc Ninh giữ chức Phó Vụ trưởng Vụ kinh tế thuộc Ban chỉ đạo Tây Nam bộ mặc dù ông Hoàng chưa một ngày làm việc tại đây.
 Ông Hoàng được cử đi du học, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Nhật Bản ngay sau khi được xét tuyển tháng 5/2014 đến tháng 9/2017.
Điều kì lạ là trong thời gian ông Hoàng ở nước ngoài, mọi việc bổ nhiệm, thuyên chuyển đối với ông vẫn diễn ra. Và sau 32 ngày nhậm chức trên giấy, ông Hoàng được UBND TP Cần Thơ làm công văn gửi Ban chỉ đạo Tây Nam bộ "xin" về bổ nhiệm làm phó giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư - thương mại và hội chợ triển lãm TP Cần Thơ.
Con đường thăng tiến từ một sinh viên vừa mới chân ướt chân ráo ra trường, chưa một ngày làm việc, lên những chức vụ như mơ của ông Hoàng cứ ngỡ như chuyện trong phim ảnh, trên sân khấu. Vấn đề mà dư luận đặt ra là các cấp có thẩm quyền cần sớm làm rõ ai là tác giả "vở diễn" này?
Cùng thời điểm này, việc ông Vũ Quang Hải, 30 tuổi (con trai của nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng) tham gia Hội đồng quản trị Tổng công ty cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (SABECO) cũng được dư luận đưa ra bàn tán. Liên quan đến cả ông Vũ Đình Duy, 41 tuổi –thành viên Hội đồng thành viên Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) cũng được ông Vũ Huy Hoàng (bổ nhiệm ngay trước khi về hưu 01 ngày. Tuy nhiên, đình đám nhất trong câu chuyện  nhân sự phải là trường hợp Trịnh Xuân Thanh, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang.
Điều bất ngờ cho dư luận là trong các trường hợp được bổ nhiệm này, các nhân sự đều đã "có công lớn" trong việc làm cho tài sản nhà nước thất thoát nghiêm trọng. Trịnh Xuân Thanh trước khi làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, đã làm Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) và PVC thời điểm đó đã thua lỗ 3.200 tỷ đồng. Ông Vũ Đình Duy trước đó từng làm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần hóa dầu và xơ sợi dầu khí (PVTex), nhưng bị giáng xuống chức do để Công ty làm ăn bết bát, thua lỗ lên đến 1.400 tỷ.
Có thông tin Công ty mà ông Vũ Quang Hải từng làm Tổng giám đốc trước đó là Công ty cổ phần Đầu tư Tài chính Công đoàn Dầu khí Việt Nam (PVFI) đã thua lỗ 220 tỷ đồng. Cho dù cơ quan chức năng trả lời chưa có cơ sở khẳng định việc thua lỗ của PVFI nhưng những khoản tiền khủng bị bốc hơi và cả ông Thănh, ông Duy đều ra nước ngoài "chữa bệnh" không về đã thực sự gây phẫn nộ trong dư luận.
Liên quan đến tham vọng quyền lực trong năm dư luận cũng đã sự sôi với việc Sở Lao động, thương binh và xã hội tỉnh Hải Dương có 46 biên chế, trong đó 44 cán bộ lãnh đạo từ cấp phó phòng trở lên. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa có tới 8 phó giám đốc, trong khi quy định của Chính phủ là lãnh đạo các sở ngành cấp tỉnh, thành không được quá 3 cấp phó. Nnhiều lãnh đạo chủ chốt tại huyện miền núi A Lưới, tỉnh Thừa Thiên – Huế đều là anh em của nhau.v.v...
Những lùm xùm trong việc bổ nhiệm cán bộ này đã được báo Dân trí xếp vào 1 trong 10 sự kiện lớn năm 2016.

6. Khởi động cuộc chiến chống tham nhũng quyền lực
Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ, đã được ban hành và bắt đầu được triển khai thực hiện bằng nhiều biện pháp cụ thể, quyết liệt, nhận được sự đồng tình hưởng ứng của đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân. 
Đầu tháng 11 Ban Bí thư Trung ương Đảng dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã họp và thống nhất 100% bằng phiếu kín quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức Bí thư Ban cán sự đảng Bộ Công Thương trong thời gian 2011-2016 đối với ông Vũ Huy Hoàng, nguyên ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Ban cán sự Đảng, nguyên Bộ trưởng Công Thương.
Cùng trong tháng 11 Quốc hội cũng đã ra Nghị quyết phê phán nghiêm khắc ông Vũ Huy Hoàng trước cử tri cả nước do đã có những vi phạm về công tác cán bộ trong thời gian đảm nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Công Thương, gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, Nhà nước, Bộ Công Thương, gây bức xúc trong xã hội.
Đây được xem là sự kiện chống tham nhũng đáng chú ý nhất năm và báo hiệu sự khởi đầu cho cuộc chiến chống tham nhũng quyền lực ở cấp cao.
Cuộc chiến chống tham nhũng được bình chọn là 1 trong 10 sự kiện kinh tế - xã hội của Thời báo kinh tế Việt Nam, của Thông tấn xã Việt Nam, Báo Dân Trí gọi là Chống suy thoái trong Đảng, VTC News nhấn mạnh Đảng thể hiện sự quyết tâm chính trị cao trong việc làm trong sạch đội ngũ.

7. Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đến Việt Nam

Photo: 24h.com
Obma và bún chả Việt Nam,    Photo: cafef.vn
Chuyến thăm của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama tới Việt Nam Nam từ ngày 22/8 - 25/8/2016 giành được nhiều sự chú ý của công luận trong nước cũng như quốc tế. Cho tới lúc này có thể nói chuyến thăm đã thành công như mong đợi, với việc hai bên đạt được nhiều thỏa thuận trong các lĩnh vực quan trọng.
Sự kiện chuyến thăm của ông Obama được bình chọn là một trong 10 sự kiện nổi bật trên trang Dân Việt.
Điều đặc biệt để lại ấn tượng cho chuyến thăm là  hàng ngàn người dân đã đổ ra đường một cách tự nguyện (cả vào giờ khuya) để vẫy chào ông, một hành động chưa có tiền lệ trước đây. Thay cho những nghi thức ngoại giao là những cái vẫy tay nồng nhiệt, chân tình, ấm áp của người dân.
Người dân Việt Nam không còn nhìn người dân Mỹ, Chính phủ Mỹ như những kẻ thù. Khác với chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trước đó, người dân Việt Nam đã chào đón ông bằng những biểu ngữ phản đối, bằng những cuộc tụ tập tìm kiếm sự ủng hộ phản đối...
Mọi nơi Tổng thống Obama đến đều trở thành tâm điểm của dư luận. Người dân Việt Nam như "phát cuồng" với hình ảnh gần gũi, giản dị của ông chủ Nhà Trắng. Ông được người dân chào đón nồng hậu ở khắp mọi nơi.
Ông Obama đã vui vẻ tươi cười khi tiếp xúc, nói chuyện với mọi tầng lớp xã hội, bắt tay với người dân, thưởng thức món ăn Việt trong một quán bình dân, trú mưa dưới hiên nhà dân như một người lao động bình thường. Nó tương phản với thái độ trịch thượng, hách dịch, hung hăng của ông Tập Cận Bình (cả khi phát biểu trước Quốc Hội Việt Nam 11/2015).

8. Về những vụ án oan
Sau ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang) với 10 năm tù oan, tiếp đến là ông Huỳnh Văn Nén (Bình Thuận) với 17 năm oan trái, tưởng rằng án oan "thấu Trời xanh" chỉ có thể đến thế, vậy mà tháng 12/2016 xuất hiện thêm ông Hàn Đức Long (Bắc Giang), với 11 năm tù oan. Có lẽ như chuyện oan sai đã không còn lạ lẫm ở đất nước này nên năm 2016 sự kiện 11 năm oan sai của ông Long đã không được bất cứ báo nào đưa vào top các sự kiện. Tuy nhiên, sự kiện này lại không giảm nhiệt trên các trang báo. Vào google gõ từ khóa "Hàn Đức Long" + "án oan" đã cho ra 170.000 kết quả trong 0,25 giây, với đầy các tít bài: "Tin mới vụ tử tù Hàn Đức Long: “Tôi được thả nhưng gia đình đã tan nát“"; "Hàn Đức Long người 4 lần bị tuyên án tử hình được trả tự do"; "Vụ Hàn Đức Long: Sẽ là vụ "Nguyễn Thanh Chấn" tiếp theo?"; "Ông Chấn và Hàn Đức Long: "Ý tưởng" lời khai, thư sám hối giống nhau lạ?"; Vụ Hàn Đức Long: Vì sao 49 bút lục bị bỏ ngoài hồ sơ?"; Bắc Giang: Vợ “đội đơn” lên VKSND Tối cao kêu oan cho chồng"; "Sai lầm điều tra vụ án oan: Lấy dấu chân lạ kết tội chung thân"; "Ông Hàn Đức Long có thể đòi bồi thường oan sai 12-15 tỷ đồng"; "Ông Hàn Đức Long đề nghị luật sư tố cáo những người đã bức cung "; "Tử tù Hàn Đức Long nấc nghẹn kể phút được trả tự do".v.v...

Không biết tiếp theo đây sẽ là án oan nào thấu trời nữa?!

Hàn Đức Long
Hai người tù thế kỷ: Huỳnh Văn Nén và Nguyễn Thanh Chấn
Hai gia đình Hàn Đức Long và Nguyễn Thanh Chấn,   Photo: NetNew.vn

Qua một loạt các vấn đê xã hội, dường như năng lực, trách nhiệm của cán bộ quản lý, giám sát có vấn đề. Mặc dù Luật Trưng cầu dân ý đã có hiệu lực từ ngày 01/7/2016 và chưa được triển khai trưng cầu trên thực tế bất cứ  vấn đề gì, nhưng mong rằng cuộc chiến chống tham nhũng quyền lực có kết quả như mong đợi thì hy vọng vấn đề xã hội tương tự sẽ không còn được đề cập ở năm 2017
Tài liệu tham khảo
http://danviet.vn/tin-tuc/nhung-su-kien-noi-bat-nam-2016-732909.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét