5 nhà xuất bản từ chối khai sinh bởi "nhạy
cảm" cho cái từ XÂY DỰNG XÃ HỘI NHƯỜNG NHỊN.
Những tưởng bạn ấy đã ra đời đầu Đinh Dậu bởi
Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, nhưng khi ký đến quyết định xuất bản thứ Tư (3 quyết
định trước bị thay thế đều từ những lỗi dỡ hơi), bà Giám đốc, Tổng biên tập mới
nhìn vào tên sách và đòi đổi thành VĂN HOÁ NHƯỜNG NHỊN, bởi theo bà ấy
"cái từ XÃ HỘI NHƯỜNG NHỊN chưa tồn tại và nó thế nào ấy...".
Cứ tưởng rằng bạn ấy không ra đời được, ấy vậy
mà hôm nay cầm bạn ấy trên tay mới tin rằng hoá ra sự tử tế vẫn có thể tồn tại
khi mình kiên trì tìm kiếm.
Chúc mừng sự khai sinh!
Xin cám ơn Nxb Hội nhà văn, cám ơn nhà văn Tạ
Duy Anh, cám ơn VINABOOK JSC, nhưng:
Không biết rồi đây chúng ta sẽ xây dựng cái đất
nước này bằng tuyên ngôn gì khi mà số đông vẫn sợ hãi trước CÁI ÁC, không đấu
tranh chống cái ÁC; phần THIỆN và sự TỬ TẾ hình như đang vất vả để tồn tại. Mọi
người vẫn tôn vinh sự giàu có từ TRANH CƯỚP; khi luật pháp chưa sờ đến nhóm
giàu có này thì họ vẫn là những người đáng "ngưỡng mộ" trong con mắt
đám đông cho dù biết mười mươi rằng đồng tiền của họ có vấn đề.
Tâm lý nô lệ và sợ hãi trước "quyền lực bẩn"
và sự giàu có bất minh vẫn ngự trị trong đám đông.
Cái xã hội mà mọi người thấy Sai không dám đấu
tranh, thấy Đúng không dám ủng hộ.
Mọi người đều đổ lỗi cho nhau mà không ai nhận
ra rằng biết sai và biết xin lỗi chỉ làm cho mình lớn lên hơn, tử tế hơn (cho
dù sai ít hay sai nhiều).
Chao ôi, muốn làm người tử tế mà không được, mà
khi cố làm người tử tế thì lại trở thành bất thường, kỳ dị trong con mắt của
đám đông.
Xin trích mấy câu tuyên ngôn từ sách để tạm kết
cho một lời ai điếu!
Đã đến lúc mỗi người dân, mỗi người lãnh đạo, quản lý phải tự
xác định trách nhiệm của mình trước những hành vi thiếu chuẩn!
Cần có những thay
đổi bắt đầu từ những cá nhân đơn lẻ thay vì chờ đợi sự thay đổi từ phương diện
vĩ mô của toàn bộ cấu trúc xã hội!
Xin mời mọi người đón đọc!
Đôi lời phi lộ cho XÂY DỰNG XÃ
HỘI NHƯỜNG NHỊN
Trong nổ lực tìm kiếm lời giải đáp
cho các hiện tượng không đẹp diễn ra trong đời sống hàng ngày được báo chí phản
ánh như: leo lề,
lấn vạch, vượt đèn đỏ gây ách tắc giao thông; chen lấn, xô đẩy mua hàng giảm
giá, nhận quà miễn phí; hay những hành vi "hôi của" trước người gặp
nạn, tranh cướp ấn ở đền chùa, bẻ hoa trong lễ hội, phá cổng trường để đăng ký
cho con học... tác giả phát hiện ra rằng
dường như chúng ta đang thiếu đi cái nhường nhịn trong cuộc sống.
Qua
các thông tin được phản ánh trên báo chí, trên các trang mạng liên quan đến chủ
đề này được tác giả tổng hợp, phân tích cho thấy rõ ràng còn có những hành vi
thiếu nhường nhịn trong ăn, mặc, ở; thiếu nhường nhịn trong du lịch, lễ hội;
thiếu nhường nhịn trong giáo dục, đào tạo; thiếu nhường nhịn trong giao
thông...
Sự
thiếu nhường nhịn đã gây ra sự rối loạn xã hội không đáng có, làm ảnh hưởng lớn
đến cuộc sống của không ít người dân; đặc biệt là làm xấu đi hình ảnh của người
Việt trong con mắt người nước ngoài.
Những
sự thiếu nhường nhịn này thể hiện qua sự tranh giành, tranh cướp vì mục đích
mình phải hơn người khác; trong khi đó trái ngược với sự hơn thua này là sự
thua thiệt, yếu kém trong sản xuất, kinh doanh - một lĩnh vực rất cần sự cạnh
tranh vì sự phát triển.
Nguyên
nhân cho sự thiếu nhường nhịn trên, có phần từ căn cốt lịch sử, truyền thống
của người Việt được thể hiện qua các lời răn dạy từ ca dao, tục ngữ, từ chính
bản tính thâm căn cố hữu: dối ẩu, vô cảm, thiếu ý thức pháp luật... nhưng hơn
hết đó là sự méo mó về văn hóa chuyển đổi mà ở đó chúng ta đã vô tình cổ súy
cho sự lệch lạc quá lâu những chữ danh, chữ lợi, kích thích bạo lực, kích thích
tranh cướp; ở đó thiếu sự định hướng đúng đắn về giáo dục, nặng về ganh đua
thành tích, thiếu tinh thần hòa bình, tình nhân loại và hướng thiện; ở đó chúng
ta đã thiếu định vị cho cá nhân bản thân mỗi con người - không tự xác định cần
thay đổi mình trước khi chờ đợi sự thay đổi mang tầm vĩ mô toàn bộ cấu trúc.
Xây
dựng được một xã hội nhường nhịn làm nền tảng cho một xã hội cạnh tranh lành
mạnh, vì thịnh vượng - văn minh là mục tiêu tác giả mong muốn
được trình bày trong cuốn sách này.
Trước
hết là một khát vọng xã hội mà ở đó cần có những người tử tế, những hành động
tử tế. Xã hội nhường nhịn mà ở đó nền tảng căn bản văn hóa xã hội phải được xây
dựng trên hệ giá trị tình người, tình nhân bản, tinh thần nhân đạo nhân nghĩa.
Mỗi con người phải tự định vị bản thân, biết sống làm gương; bên cạnh đó là một
thể chế dân chủ cần thiết để con người không phải lo âu về các lợi thế mà mình
không có, một xã hội đầy tinh thần cộng đồng trách nhiệm.
Xã hội
nhường nhịn mà ở đó và trên hết mọi người tự
xây dựng cho mình “văn hóa xấu hổ”, "văn hóa chịu trách nhiệm",
"văn hóa từ chức".
+ Trước hết là văn hóa xấu hổ:
*
Xấu hổ vì quốc gia phát triển chậm, vì
không cạnh tranh được với thế giới về những
phát minh, sáng tạo, sáng kiến...
*
Xấu hổ vì chen ngang chỉ để
tranh giành miếng ăn tầm thường, cái lợi nhỏ nhặt, làm xấu đi hình ảnh quốc gia
trong tâm thế hội nhập.
*
Xấu hổ vì một thành viên
nào đó trong cộng đồng có hành vi lệch lạc làm ảnh hưởng đến uy tín cộng đồng.
+ Tiếp đến là "văn hóa chịu trách
nhiệm":
*
Chịu trách nhiệm trước thiệt hại do
cá nhân, tổ chức mình gây ra, không đổ lỗi cho người khác hay tổ chức khác.
+ Cuối cùng là "văn hóa từ
chức":
* Sẵn sàng từ chức nếu cá nhân mình có lỗi.
* Sẵn sàng từ chức nếu cơ quan, đơn vị mình quản lý yếu kém.
Phần cuối của cuốn sách là sự gợi mở tiếp theo cho một nghiên cứu
cơ bản. Các cặp phạm trù được gợi ý như: nhường nhịn/ nhẫn nhục; nhường nhịn/
cạnh tranh; nhường nhịn/ tranh cướp; con người nhường nhịn, Xã hội nhường
nhịn... đã được định nghĩa rõ ràng với mục đích làm tiền đề cho các nghiên cứu
tiếp theo.v.v...
Phải xem cả cuốn mới có ý kiến 😁
Trả lờiXóaCám ơn bạn! Hy vọng tôi sẽ được tặng sách cho bạn và được tranh luận với bạn!
Trả lờiXóa