Bài đăng nổi bật

Việt Nam nhìn từ Chủ thuyết phát triển

Thứ Hai, 25 tháng 9, 2017

Tham luận 7: Sự nhường nhịn/văn hoá nhường nhịn trong quan điểm của Phật giáo

Học đức nhường nhịn của nhà Phật như được rao giảng đã là gian nan, nghiên cứu và ngộ về giáo lý của Đức Phật thực khó vạn lần!
Xin cảm ơn PGS.TS Hoàng Thị Thơ đã gửi bài về tham gia Hội thảo!

SỰ NHƯỜNG NHỊN/VĂN HÓA NHƯỜNG NHỊN
TRONG QUAN ĐIỂM CỦA PHẬT GIÁO

PGS.TS. Hoàng Thị Thơ*

1. Khái niệm “nhường nhịn” của Phật giáo
- Phật giáo Nguyên thủy đã có khái niệm “nhường nhịn”. Nếu xét theo ‎nghĩa chiết tự của từ ghép “nhường nhịn” là gồm: “nhường” và “nhịn”. Ở Phật giáo, “nhường” chính là “bố thí”; “nhịn” chính là “nhẫn”. Những khái niệm này là sự kế thừa truyền thống Ấn Độ cổ từ Bà La Môn giáo (trước Phật giáo)[i] và được ghi rõ trong các kinh sách Phật giáo Nam tông (Nguyên thủy/Theravada) thuộc Nhất thiết hữu bộ (Sarvastivada) và Thuyết nhất thế bộ (Lokottaravada)[ii]. Ngoài Phật giáo, hầu hết các tôn giáo Ấn Độ (Hinduism, Janism, Sikhism) đều giữ truyền thống bố thí như một đạo đức tốt đẹp của người Ấn Độ, tuy thuật ngữ có phần đa dạng hóa ở mỗi giáo.
- Phật giáo Bắc tông (Đại thừa) tiếp tục hệ thống hóa đạo đức l‎ý tưởng thành 6 chuẩn mực tuyệt đối “Balamật” [Sanskrit: paramita, Hán: đáo bỉ ngạn] với hàm nghĩa là hoàn hảo”, “hoàn thiện”, “siêu nhiên”, “siêu phàm”, “siêu việt”...
Lục Balamật, gồm hệ thống 6 tiêu chuẩn về phẩm cách của một mẫu hình Bồ Tát điển hình đã tới bờ giác ngộ, giải thoát tuyệt đối trong văn hóa Phật giáo Đại thừa. Kinh sách bàn về Lục BalamậtDu-già sư địa luận (Yogacarabhumisastra) và  Kim Cương  Bát nhã Balamậtđa (Vajraracchedika-prajnaparamita).
Lục Balamật gồm sáu phẩm hạnh của một Bồ tát là:
1- Bố thí Balamật  (danaparamita), tức sự chia sẻ, Nhường nhịn vô điều kiện;
2- Trì giới Balamật (silaparamita), tức giữ Giới hạnh tuyệt đối;
3- Nhẫn nhục Balamật (kshantiparamita), tức nhẫn nhịn (kham nhẫn) tuyệt đối;
4 - Tinh tiến Balamật (viryaparamita), tức nghị lực Phấn đấu tuyệt đối;
5- Thiền định Balamật (dhynaparamita), tức Tập trung tĩnh lặng tuyệt đối; 
6- Trí tuệ Balamật  (prajnaparamita), tức Trí tuệ siêu việt = Tuệ giác = Giác ngộ. 
Trong đó, Bố thí Balamật tức là “nhường” vô điều kiện, và Nhẫn nhục Balamật tức là “nhịn” vô điều kiện. Đây là hai trong sáu tiêu chuẩn cơ bản của một vị Bồ Tát. Nội dung nhường nhịn thể hiện ở đây rất sát với nội hàm nhường nhịn mà Hội thảo khoa học đã đề dẫn (bao dung, khoan dung, khiêm nhường, khiêm cung, nhân nhượng, nhường nhịn):
º Bố thí có nghĩa rộng là đức tính nhường nhịn, chia sẻ, mở rộng lòng yêu thương trước đau khổ của người khác (chúng sinh). Thực hành Bố thí của Phật giáo không chỉ tốt cho xã hội mà còn tốt cho chính mỗi người trong quá trình tu dưỡng tới giải thoát. Đó là mình tự ý thức được thế nào là ích kỷ, bủn xỉn, bần tiện, toan tính, mưu đồ bẩn thỉu... trong hành vi, lời nói và ‎ ý nghĩ của chính mình. Bố thí Balamật là sự nhường, tặng, cho người khác vật chất hay tinh thần vô điều kiện, không có dụng ý, không ghi nhận, hoàn toàn vô tư. Đó là sự bố thí không còn chấp về người cho (dāyaka), vật được cho (dānavatthu), và người nhận (paṭiggāhaka) kể cả khi thực hành bố thí bị người nhận bố thí làm điều trái ý, nghịch lòng, mà tâm người bố thí vẫn hoan hỷ, không phiền muộn, khổ đau. Kinh Kim Cương nói rằng “... bố thí mà không phải bố thí thì mới thực là bố thí, hoặc bố thí mà không chấp ngã, chúng sinh, thọ giả mới thực là bố thí, hoặc bố thí mà không chấp ta là người cho, đây là vật được cho, và kia là người nhận mới là bố thí.”
Bố thí được Phật giáo phân thành 3 phương diện: Tài thí, Vô úy thí và Pháp thí.
+ Tài thí (amisadāna) tức là bố thí hiện vật hay tiền của. Đặc biệt Tài thí còn gồm cả hiến tặng bộ phận thân thể (ngày nay gọi là hiến tạng), hay cả mạng sống (tự thiêu).v,v...
+ Vô úy thí (abhayadana) là sự hy sinh, chia sẻ, chăm sóc để giúp kẻ khác qua được nỗi lo sợ trước bạo lực, lo buồn, sợ hãi và chết chóc... thậm chí là trừ diệt cội nguồn gây lo âu và sợ hãi (ví dụ: mê tíndị đoanbói toán, cờ bạc...) và cho cả chúng sinh.
+ Pháp thí (dharmadana) là góp phần tích cực truyền bá Đạo Pháp (giáo lý Phật giáo) cho mọi người cùng hiểu cùng theo. Bất cứ ai cũng có thể thực hiện Pháp thítùy theo khả năng tu tậphiểu biết và chân thành của mình, chứ không phải chỉ có Tăng đoàn mới đủ tư cách  Pháp thí. Pháp thí đòi hỏi sự thành tâm, tránh bôi bác hay dùng thuật hùng biện để mê hoặc người nghe, tránh lấy Đạo Pháp làm bùa khống chế mọi tranh luận biến thành thủ đoạn áp đặt đức tin... Pháp thí không chỉ có nghĩa là nói những gì ta học hỏi được và am hiểu được một cách chân thật, mà còn là cởi mở thừa nhận những gì không biết hoặc không hiểu, để có được sự hiểu biết đúng đắn hơn về Đạo Pháp[iii].

º Nhẫn nhục nghĩa hẹp là chịu đựng mọi khó khăn trở ngại do hoàn cảnh bên ngoài hoặc người khác, hay do chính thân tâm mình ép buộc. Nghĩa rộng, nhẫn nhục Balamật là không sinh tâm tranh giành hay tự ái, hoặc đòi hỏi hơn thiệt một cách vô điều kiện. Nhẫn nhịn là một pháp của Phật giáo để chống lại sân hận – vì “đốm sân hận có thể đốt hết cả rừng công đức”.  

Trong Phật giáo Nguyên thủy, đức Phật dạy về sức mạnh của lòng kham nhẫn chính là sức mạnh nội tâm của vị Sa môn có thể làm lắng dịu mọi sân hận thù oán của kẻ khác: “… ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người không nhiếc mắng lại kẻ đã nhiếc mắng, không sân hận lại kẻ đã sân hận, không gây lộn lại với kẻ đã gây lộn. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là đạo hành kham nhẫn”[iv]. Người cũng nói rõ điều nguy hại của sự không kham nhẫn là có thể gây tổn hại đáng sợ đến bản thân và chúng sinh[v].
Phật giáo Đại  thừa đã phát triển tiếp thành Nhẫn nhục Ba La Mật gồm: Thân nhẫn, Khẩu nhẫn và ‎Ý nhẫn.
+ Thân nhẫn là nhẫn nhục ở thân xác trước các nghịch cảnh như: cam chịu, không phàn nàn, không trách móc, kêu than... khi thân xác rơi vào nắng mưa, nóng lạnh, đói khát, đau ốm, bị hành hạ, đánh đập ... Một số tông phái của Phật giáo Đại thừa còn phát triển chi tiết hơn thành: Sinh nhẫn (chúng sinh nhẫn) ví như chịu đựng muỗi, kiến cắn không giận, không giết hại; Hữu tình nhẫn là không sân hận với người sân hận, không chửi mắng người chửi mắng mình; Pháp nhẫn (phi tình nhẫn) là nhẫn chịu sự áp bức của thiên nhiên như nóng, lạnh, mưa nắng…; Vô sinh pháp nhẫn là nhẫn đạt đến cao độ trở thành đức tính tự nhiên, ra vào nghịch cảnh và thuận cảnh một cách tự tại[vi].
+ Khẩu nhẫn là nhẫn nhục ở lời nói trước các nghịch cảnh như lời than vãn, nguyền rủa độc ác, mắng nhiếc tồi tệ... vì nhiều khi lời nói lại có sức tàn phá và gây đổ vỡ nhanh hơn tên bắn, ngựa phi… mà không thể lấy lại được.
+ Ý nhẫn là quan trọng nhất và cũng là khó tu nhất vì đòi hỏi tâm phải tĩnh và trong sáng! Ý nhẫn tức là không có ý hắc ám, ý trả thù, oán hờn, oán giận, phản đối... trước mọi nghịch cảnh một cách vô điều kiện.
Nhẫn nhục của Phật giáo không phải là sự bi lụy, yếu đuối, hèn hạ, buông xuôi… mà là một thái độ tích cực, sáng suốt do trí tuệ dắt dẫn. Bởi vì, Phật giáo đã cảnh báo giới hạn “chấp tướng” của nhẫn nhịn một cách hình thức: sợ quyền thế mà nhẫn nhục, chờ thời nên chịu nhịn, đang nằm trong hoàn cảnh bất lợi chưa thể trả thù được, nhẫn nhục để được khen, nhẫn nhịn và chịu nhục để được quyền cao chức trọng, hay nhẫn nhục để thể hiện sự khinh bỉ đối tượng… Như vậy, nếu nhẫn nhục mà còn chứa dục vọng (tham, sân, si, mạn, nghi, biên kiến[vii]) thì không phải nhẫn nhục theo quan điểm Phật giáo.
2. Cơ sở lý luận (triết học) của Phật giáo về nhường nhịn
Cơ sở triết học của Phật giáo cho nhường nhịn (Bố thíNhẫn nhục) nói riêng và cho Lục Balamật nói chung chính là Thuyết Vô Thường, Vô Ngã (Duyên khởi và Tính Không) cùng với hệ thống đạo đức và phương pháp tu hành Bát Chánh Đạo[viii]. Một cách nhất quán, Phật giáo chủ trương con đường tu dưỡng để đạt tới Vô Ngã (Anatman). Đó là mẫu hình lý tưởng vị Bồ Tát không còn chấp Ngã, thậm chí không còn chấp vào các thái cực Tôi (Ngã) >< không Tôi (Vô Ngã), hay thái cực Niết Bàn (giải thoát) >< Khổ... Vì khi còn chấp Có >< Không thì còn bị lạc hướng và rơi vào ảo giả. Đây là điểm mà triết học Tính Không hoàn toàn khác với triết học phương Tây và nhiều giáo khác ở Phương Đông; Nhưng lại chia sẻ cơ bản với triết học Không (Vô) của Đạo ở Lão Trang.
3. “Văn hóa nhường nhịn” theo quan điểm của Phật giáo ứng dụng vào thực tiễn Việt Nam hiện nay
Phật giáo quan niệm mỗi người (cá nhân) đều vốn có Phật tính (tức Vô Ngã), song bị ái dục và vô minh che lấp mà nhầm lẫn là có một Ngã (Tôi/Ta) đích thực nên nảy sinh tham, sân, si, thất tình...[ix] Do vậy, mọi bước tu dưỡng của Phật giáo đều nhằm làm sạch chấp ngã, từ đó mà sáng tỏ cái Tính không/ Phật tính (Vô Ngã) vốn có ở mỗi cá nhân và nhờ đó hướng thiện, tích thiện. Nhiều cá nhân sáng tỏ lẽ Vô Ngã, Vô Thường trở thành điển hình Bố thí, Nhẫn Nhục của Phật giáo[x] thì, sẽ có một cộng đồng tích thiện, hướng thiện. Nhiều cộng đồng (gia đình, chòm xóm, hội bạn...) cùng hướng thiện, tích thiện... thì sẽ có một văn hóa hướng thiện... Và nhường nhịn chỉ là một trong những đặc điểm hướng thiện, tích thiện trong văn hóa, lối sống đạo đức của Phật giáo.
Phật giáo có thờ tượng Phật với bàn tay duỗi thẳng và mở rộng tượng trưng cho bố thí.

 
 Tuy nhiên, Đạo đức Phật giáo hiện đại cần được phát triển tiếp từ góc độ Tiếp cận hệ thống về xã hội. Bởi vì hệ thống xã hội không phải là số cộng giản đơn của những con người cá nhân, mà là một Thực thể mang tính HỆ THỐNG với đặc trưng cơ bản là luôn trong tương tác, quan hệ một cách sống động. Trong tương tác, quan hệ, trao đổi sẽ tạo nên những Tính hợp trội (Emergence) hoặc/và cả Tính kiềm chế (Constraint) đối với mỗi cá nhân trong một chỉnh thể xã hội. Không có đạo đức cá nhân ngoài đạo đức cộng đồng, xã hội, thời đại và ngược lại. Đó là l‎ý do vì sao có đạo đức và điển hình đạo đức nhưng vẫn cần có luật pháp và tòa án… 
Văn hóa nhường nhịn của Phật giáo Việt Nam được thể hiện trong truyền thống chính là những mẫu người (tăng sĩ) biết yêu thương, nhường nhịn, giúp đỡ, chia sẻ điều tốt trong cộng đồng tăng đoàn, trong cộng đồng Phật tử, ở các đại diện của Phật giáo... Đó là lý do vì sao Phật giáo được coi như tôn giáo truyền thống của người Việt Nam và Phật giáo đã góp nhiều thành tích làm việc thiện đối với quốc gia, dân tộc.  
Việt Nam vốn đã có một truyền thống văn hóa nhường nhịn đáng ngưỡng mộ trong lịch sử... khi mọi người sẵn sàng hy sinh quyền lợi, tham vọng, ước mơ cá nhân cho độc lập, hòa bình, thống nhất dân tộc... với những điển hình sáng chói (cả tăng cả tục) trong công cuộc chống ngoại xâm (Hán, Nguyên Mông, Pháp, Mỹ...)... và bảo vệ, xây dựng quốc gia dân tộc!
Tuy nhiên, nhường nhịn không phải là hành vi dễ thực hiện một cách vô điều kiện trong những vụ việc cụ thể mà con người cụ thể khó vượt qua: nhường nhịn thân mạng của chính mình? nhường nhịn tình yêu duy nhất? nhường nhịn niềm tin tôn giáo? nhường nhịn độc lập tổ quốc? v,v...
Nhưng thách thức hôm nay, trước sự tấn công của kinh tế thị trường, Phật giáo Việt Nam như đang quá lúng túng! Đảng & Nhà nước (CSVN) cũng đang rất lúng túng, vì không thể dùng chuyên chính để trừ loạn tham nhũng. Tham nhũng đang làm cho Tổ quốc lâm nguy. Tham nhũng khác với kẻ thù bên ngoài! Khi ĐCS chống Phong kiến, địa chủ, thực dân Pháp, đế quốc Mỹ là chống kẻ thù bên ngoài, còn chống tham nhũng là kẻ tử thù bên trong (nội tạng) của ĐCS.
Để chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay thì, chính các lãnh đạo Đảng và NN, mỗi đảng viên ĐCS với tư cách cá nhân phải phát huy được bản lĩnh Bố thí (Nhường), Nhẫn nhục (Nhịn) của chính mình một cách tự giác để trở thành các vị lãnh đạo lý tưởng có tâm đức Bồ Tát.
Như vậy, đối tượng trước tiên cần học, hiểu và khai thác, thực hành Triết lý của Phật giáo về Nhường (Bố thí) Nhịn (Nhẫn nhục) để làm gương trong công cuộc chống quốc nạn tham nhũng lần này chính là các đảng viên, nhất là các lãnh đạo các cấp, và các ngành./.



* PGS.TS Hoàng Thị Thơ đến từ ViệnTriết học, Viện Hàn Lâm KHXH Việt Nam (VASS)

[i] In Hinduism Dāna (Devanagari: दान) is a Sanskrit and Pali word that connotes the virtue of generosity, charity or giving of alms in Indian philosophies. It is alternatively transliterated as daana.
[ii] In the Pāli Canon, the Buddhavaṃsa lists the ten perfections (dasa pāramiyo) as:
1.Dāna pāramī : generosity, giving of oneself
2.Sīla pāramī : virtue, morality, proper conduct
3.Nekkhamma pāramī : renunciation
4.Paññā pāramī : transcendental wisdom, insight
5.Viriya pāramī : energy, diligence, vigour, effort
6.Khanti pāramī : patience, tolerance, forbearance, acceptance, endurance
7.Sacca pāramī : truthfulness, honesty
8.Adhiṭṭhāna pāramī : determination, resolution
9.Mettā pāramī : loving-kindness
10.  Upekkhā pāramī : equanimity, serenity

[iii]Xin xem: Tìm hiểu phước bố thí do (Tỳ khưu Hộ Pháp) theo nguồn: https://thuvienhoasen.org/a15208/tim-hieu-phuoc-bo-thi
[iv]Chương 8: Pháp, phẩm Gia chủ, Kinh Sức Mạnh (1)” trong Aṅguttāra Nikāya III,  Tăng Chi Bộ Kinh III, Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt , tr. 587.
[v] Kinh Phạm Võng Bồ Tát Giới HT Thích Trí Quang Việt dịch giới thiệu, tr. 20.
[vi] Xem: Sangarakshita, A Survey of Buddhism. Motilal Bannarsidass Publishers 2006. tr.483
[vii] Tham, sân, si, mạn, nghi, biên kiến (tham lam, thù hận, ngu si, ngạo mạn, nghi ngờ, chấp thái cực)
[viii] Bát Chính Đạo gồm: Chính kiến, Chính tư duy, Chính ngữ, Chính nghiệp, Chính mệnh, Chính tinh tấn, Chính định, Chính niệm.
[ix] Thất Tình gồm: hỷ, nộ, ái, ố, ai, cụ, dục/lạc (mừng, giận, thương, ghét, buồn, vui, ham muốn).
[x] Các điển hình Bố thí của Phật giáo như: Đức Phật, phú hộ Anāthapiṇṇika, đại thí chủ Visākhā, vua Asoka (thế kỷ 3 TCN)... 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét