Bài đăng nổi bật

Việt Nam nhìn từ Chủ thuyết phát triển

Thứ Năm, 15 tháng 3, 2018

Đã có một thời… nhường nhịn!

Mình đã cố đặt hàng cho một số "cây đa, cây đề" viết về những cái gì đó còn chưa đẹp của thời bao cấp là nguyên nhân cho sự thiếu nhường nhịn hiện nay, nhưng ở đây GS Phan An cũng đã có cái nhìn tích cực cho thời kỳ này!


                                                    Photo: Dothi.net

1. Ngày cuối năm Âm lịch, tôi dạo chơi một chợ hoa xuân Mậu Tuất ở thành phố Hồ Chí Minh. Hoa xuân đua sắc, người người chen nhau, tranh nhau chụp ảnh bên hoa. Tôi dừng lại ở gian hàng thư pháp trong chợ. Mấy ông đồ trẻ khăn đóng áo dài, nghiên mực, thếp giấy bày sẵn đón khách để cho chữ (thực ra là bán chữ). Người vào xin chữ khá đông (thực ra là mua chữ). Đủ thứ chữ, từ chữ Hán, chữ nôm, chữ Quốc ngữ… cho đến chữ Anh, chữ Pháp. Các ông đồ trẻ nhiệt tình đáp ứng khách hàng, có nhiều chữ thư pháp Quốc ngữ mà tôi đọc mãi chẳng biết là chữ gì nữa! Tôi quan sát, phần lớn người xin chữ chọn các chữ “Phúc”, “Lộc”, “Thọ”, một số khác chọn chữ “Tâm”, “Xuân”, “An”, “Lạc”… Tôi nghĩ, nếu có một cuộc điều tra xã hội học tại các chiếu thư pháp này sẽ rất thú vị, giúp hiểu hơn nét văn hóa trong dịp đầu xuân đương đại! Người ta xin nhiều chữ “Phúc”, “Lộc”, “Thọ” là phải thôi, ngày xuân năm mới cũng là những hy vọng, nguyện ước tốt đẹp.
Tôi đứng mãi khá lâu và chợt thấy một người xin chữ “Nhẫn” bằng Hán tự. Đó là một người đàn ông có tuổi, dáng vẽ một công chức nhà nước, điềm đạm và chậm rãi. Tôi hỏi ngạc nhiên và thói quen nghề nghiệp lại nổi lên, tôi tìm cách làm quen và hỏi chuyện anh. Quả đúng anh là một cán bộ nhà nước đảm nhiệm công tác tổ chức, anh đã về nghỉ hưu. Anh giải thích lý do anh xin chữ “Nhẫn”. Theo anh, nhẫn có nhiều cách hiểu: nhẫn nại, nhẫn nhục, nhẫn nhịn… Với anh, nhẫn là nhẫn nhịn. Anh xin chữ “Nhẫn” này không phải cho anh, mà là cho con, cháu anh. Câu chuyện với anh còn dài, anh nói về cái thời của anh, một thời bao cấp, anh nói về cái thời hôm nay nhiều thay đổi về sự nhẫn nhịn, nhường nhịn… Quả thực là may mắn với tôi, mấy hôm trước anh Phan tân có gọi điện nói tôi viết một cái gì đó cho hội thảo về “Xây dựng xã hội nhường nhịn” hiện nay. Tôi không dám nói đây là một tham luận hoặc báo cáo khoa học mà là một ghi chép tản mạn để tham khảo cho ai quan tâm vấn đề này.
2. “Thời bao cấp” là một từ dùng để chỉ một thời gian dài trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở miền Bắc. Khoảng từ sau 1954 đến năm 1975 và một số năm sau đó cho đến trước “đổi mới” năm 1986. Tôi đã sống và làm việc trong giai đoạn đó. Có thể có nhiều ý kiến về thời bao cấp, nhưng với tôi đó là thời kỳ yên bình và nhiều “nhường nhịn”. Tôi đã học Đại học không phải đóng học phí, còn được học bổng, có chỗ ở trong ký túc xá. Học xong được phân công công tác, có việc làm ổn định. Tất nhiên, cũng có người làm việc ở Hà Nội, và có người được phân công lên miền núi, vùng sâu vùng xa như bây giờ. Cuộc sống đảm bảo theo qui định cấp phát, phân bổ của nhà nước. Thực tế cũng có sự khác nhau ít nhiều giữa người dân và cán bộ viên chức nhà nước, giữa cán bộ cấp cao với cấp thấp…
Tuy nhiên, sự chênh lệch về mức sống giữa mọi người trong xã hội không quá cao. Chế độ tem, phiếu đảm bảo cho sự công bằng tương đối trong xã hội, cho quyền lợi và nghĩa vụ người lao động một cách yên phận và hài lòng
Đối với tôi, cuộc sống thời bao cấp khá an bình, mặc dù đó cũng có những năm tháng chiến tranh khốc liệt. Nói như bây giờ, thì mọi thứ trong thời bao cấp đã được lập trình sẵn, không có xung đột, tranh chấp, giành giật nhau. Quả thực, một đôi lúc, đôi nơi cũng có tranh chấp, giành nhau chút ít do sự phân phối không công bằng, hoặc vật phẩm ít mà phải chia cho nhiều người. Tuy nhiên mọi việc đều được giải quyết trên cơ sở tự nguyện, tự giác nhường nhịn nhau, và những quyết định thuộc về tập thể hoặc đa số…
Ngững năm tháng thời bao cấp, theo tôi, đó là một dạng xã hội nhường nhịn, nhường nhịn vì sự tử tế, tình người và hơn hết là dồn cho một mục đích cao cả là đánh giặc cứu nước, thống nhất đất nước và về sau là xây dựng xã hội chủ nghĩa. Cái lý tưởng về một xã hội tốt đẹp được đề cao và định hướng cho sự vươn tới của mỗi cá nhân và cộng đồng. Trong cái xã hội tốt đẹp đó, luôn được thực thi bởi một triết lý giản đơn: Mình vì mọi người và mọi người vì mình!.
3. Tôi không rõ cái thời Nghiêu, Thuấn ở Trung Quốc ra sao, cái thời Thái Tổ, Thái Tông ở Việt Nam ra sao. Theo nhiều người tra cứu sử sách, thì đó là thời kỳ thái bình, thịnh tự và ở góc độ nào đó cũng có thể xem là thời nhường nhịn. Bởi lẽ, vào thời đó nhà nhà ban đêm không cần phải đóng cửa, khóa cửa, không có trộm cướp, giành giật nhau. Đó là cái thời hoàng kim, con người sống là để yêu nhau! Đến nổi ngoài đường, đánh rơi đồ đạc, của cải qúy giá mà không ai thèm nhặt! Nhu cầu con người đã được thỏa mãn không có tranh cướp… và nếu thế thì có lẽ cũng không cần thiết phải nhường nhịn nữa chẳng để làm gì! Tôi không tin lắm về cái thời kỳ Nghiêu, Thuấn hoặc Thái Tổ, Thái Tông, có chăng đó là khát vọng của cha ông thuở xưa, cầu mong đất nước thái bình, thịnh trị, khi mà xã hội đương thời chưa có sự nhường nhịn, chia sẽ.
Ngược lại, thời bao cấp là một thực tại, một hiện hữu mà tôi đã từng trải qua. Đó là những năm tháng khó khăn và đất nước nghèo đói. Miền Bắc vừa phải lo chi viện sức người, sức của cho miền Nam, vừa phải bương chải để xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa, sống nhờ một phần viện trở của Liên Xô và Trung Quốc. Tuy nghèo khó, vất vả nhưng con người sống nghiêm túc, không có nhiều chuyện tham ô, tham nhũng, chen lấn giành giật, cướp của giết người… không phải cái tâm lý, ngày qua là ngày đẹp nhất, mà tôi nói vậy mà thực tế là như vậy. Người dân sống trong sự kiểm soát chặt chẽ của chính quyền và bằng lòng với hiện tại. Kể ra, trong xã hội cũng có một số xung đột, nhưng phần nhiều là nhỏ lẽ, đơn giản, cũng có đó đây vài ông chủ nhiệm hợp tác xã tham ô vụn vặt. Thời kỳ bao cấp cũng là sự tiếp nối những truyền thống văn hóa làng xã, đề cao tính cộng đồng cùng sự chia sẽ, nhường nhịn nhau, sự phân tầng xã hội giữa giàu nghèo dường như rất mờ nhạt. Bởi lẽ, vào thời điểm đó, chủ nghĩa cá nhân là xấu, tư hữu là xấu và người giàu thường được coi là không lương thiện. Người lớn thường đem chú Công an ra dọa trẻ con khi chúng sai trái. Mặc dầu, chú Công an là tốt, là đại diện cho quyền lực nhà nước, xã hội đương thời!
Cho tới hôm nay, bởi tuổi cao, sức yếu, trí nhớ kém, nhưng tôi vẫn còn nhiều kỷ niệm về sự nhường nhịn, chia sẽ trong thời bao cấp. sách báo, truyền thông của một thời và cho tới tận hôm nay vẫn còn nhắc nhiều đến cái xã hội nhường nhịn đã qua.
4. “Xã hội nhường nhịn”, có lẽ đã có từ lâu ở Việt Nam. Cái “xã hội nhường nhịn hôm nay”, theo tôi là sự tiếp nối của văn hóa, của truyền thống nhân văn Việt Nam trong một bối cảnh mới, khi đất nước đang bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Những diễn biến văn hóa, xã hội trong thời gian qua đã làm cho nhiều người lo ngại. Không ít tác giả, luận văn, báo cáo đã than phiền về sự “suy thoái văn hóa”, về “đạo đức đang suy đồi”, một “xã hội tranh giành”… Cũng từ đó, có sự suy diễn, ngày hôm qua hơn hôm nay! Cuộc sống hôm qua yên bình hơn hôm nay, thời buổi bây giờ nhiều xáo trộn quá! Bây giờ, người ta không còn nhường nhịn gì nữa! Phải chăng vì vậy, bây giờ cần xây dựng một xã hội nhường nhìn và đó cũng là cái giá cho sự phát triển!
Thực tế, theo tôi, đất nước hôm nay vẫn đang tồn tại một xã hội nhường nhịn, văn hóa Việt Nam hôm nay vẫn tiếp tục đề cao sự nhường nhịn vốn có truyền thống từ xa xưa của dân tộc Việt Nam. Cái xã hội nhường nhịn được kiến tạo bởi cha ông xưa, vẫn còn ghi dấu đậm nét trong nếp sống, trong văn chương ca dao, tục ngữ còn truyền lại đến bây giờ. Những dẫn liệu đó đã được nhiều người nhắc lại, trích dẫn, tôi không nhắc lại nữa.
Trở lại câu chuyên với người đàn ông xin chữ “Nhẫn” tôi đã nói ở phần đầu bài viết. Sau khi làm quan, anh đã hài lòng về những năm tháng nghèo khó thời bao cấp, nhưng đó cũng là thời của tình người, của sự nhường nhịn và chia sẽ. Anh đặt câu hỏi với tôi, trong không khí cuối năm, sắp sang năm mới với nhiều hy vọng cho thời cuộc, cho sự “ôn cố tri tân”. Anh hỏi tôi: sao cái thời bao cấp khốn khó thế, mà mình cảm thấy bình yên, con người trọng nhân nghĩa, sẽ chia. Còn bây giờ cuộc sống khá hơn, đất nước yên bình, mà sao nó cứ nhiều chuyện chẳng biết ra sao nữa? Tôi biết, anh tránh nói đến cái sự bất ổn, chông chênh hôm nay về mặt văn hóa đạo đức, cái tình người trong ứng xử, đối đãi với nhau.
Quả thực câu hỏi của anh, không chỉ riêng anh mà đã có nhiều người trăn trở, cảnh báo về sự suy thoái, xuống cấp của văn hóa, đạo đức hôm nay, khi đồng tiền lên ngôi thì đạo đức xuống cấp! Có lẽ, cũng vì vậy mà cần có việc xây dựng xã hội nhường nhịn? Tôi chia sẽ với anh những ưu tư, suy nghĩ nhưng có lẽ không hoàn toàn như vậy, anh và cũng không ít người có cái nhìn lo lắng, bi quan về văn hóa đạo dức hôm nay và cũng chưa tin vào giới trẻ, luyến tiếc một thời đã qua!
5. Tôi không phải là người hoài cổ, lạc quan. Tôi không mong muốn được trở lại thời bao cấp, mặc dù ở đấy đã từng có sự nhường nhịn và chia sẽ cả về vật chất lẫn tinh thần. Sự nhường nhịn ấy đã góp phần vào việc hoàn thành những nhiệm vụ lịch sử, chiến thắng 30/4/1975, thống nhất đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Chắc rồi sẽ có những cái nhìn về thời bao cấp, về những cái hay và cả cái dỡ nữa, hoặc nói cách tế nhị hơn là cái chưa hay. Chính vì sự bao cấp nên con người thụ động, trông chờ vào nhà nước, cái chủ nghĩa tập thể đã làm thui chột sự phấn đấu cá nhân, một xã hội đồng đều và một mức độ nào đó là sự bất động. Hẳn vì thế, mới dẫn đến sự đổi mới từ năm 1986, mà quan trọng là đổi mới tư duy. Sự đổi mới đó đem lại một sinh khí mới cho đất nước phát triển. Sự phát triển cũng đồng nghĩa với cái giá phải trả, và những hệ lụy của nó từ phía mặt trái, cái mà nhiều người lo lắng là sự suy đồi của đạo đức, là sự băng hoại của hệ giá trị văn hóa Việt Nam.
Riêng tôi, tôi vẫn tin rằng, xã hội dương đại ở Việt Nam vẫn còn đó, những giá trị nhân văn, trong đó có sự nhường nhịn. Con người Việt Nam luôn biết ứng xử có văn hóa và phê phán những phi văn hóa. Xây dựng xã hội nhường nhịn hôm nay là những có gắng nhường nhịn phù hợp với sự phát triển, đáp ứng cuộc sống đương đại. Tôi không quá bi quan, lo lắng về những biểu hiện phi văn hóa, về sự tranh cướp đang diễn ra. Người Việt Nam luôn biết cách hóa giải vấn đề, biết cách xây dựng xã hội nhường nhịn đương đại. Nói như Karl Marx, lịch sử không đặt ra những vấn đề không thể giải quyết được…
GS Phan An, bài viết dành cho Hội thảo TRUYỀN THỐNG VIỆT NAM, VĂN HÓA VIỆT NAM VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ THỰC TIỄN ĐẶT RA YÊU CẦU XÂY DỰNG XÃ HỘI NHƯỜNG NHỊN Ở VIỆT NAM HIỆN NAY

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét