Bài đăng nổi bật

Việt Nam nhìn từ Chủ thuyết phát triển

Thứ Năm, 15 tháng 3, 2018

Sự nhường nhịn trong văn hóa giao thông: nghiên cứu từ góc độ văn hóa


Ở lĩnh vực Giao thông với sự thiếu nhường nhịn, thêm bài tổng hợp này của TS Minh Nguyệt cũng là đủ!

                                                  Photo: baodatviet.vn
Đã từ lâu, tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài, mất an toàn giao thông, tai nạn giao thông, va chạm giao thông… trong giao thông đường bộ ở Việt Nam, đặc biệt là ở các đô thị lớn đã trở nên nghiêm trọng. Hình ảnh đất nước trở nên xấu xí trong mắt bạn bè quốc tế, họ cảm thấy “sợ hãi”, “kinh hoàng” khi tham gia giao thông lộn xộn, rối rắm ở Việt Nam. Nhiều nghiên cứu và kinh nghiệm thực tiễn đã chỉ ra rằng, để giải quyết tận gốc tình trạng trên, nhất thiết phải xây dựng được một nền tảng văn hóa giao thông, mà quan trọng nhất là ý thức của người tham gia giao thông (Đinh Thành Trung, 2016; Lê Sơn, 2012). Văn hóa giao thông được cấu thành bởi ba yếu tố, đó là: con người; hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông; và hệ thống chính sách, pháp luật quản lý giao thông (Sở Thông tin và truyền thông thành phố Hà Nội, 2012). Bài viết này tập trung vào yếu tố con người - chủ thể tham gia giao thông, cụ thể là dưới góc độ văn hóa, chúng tôi nghiên cứu sự nhường nhịn trong văn hóa giao thông.
1. Nghiên cứu ứng xử của con người trong giao thông từ góc độ văn hóa
Nhường nhịn và thiếu nhường nhịn là ứng xử (behavior) của con người trong giao tiếp, trước những tác động của người khác, trong những tình huống nhất định. Nó được hình thành qua quá trình giao tiếp, học tập, rèn luyện và trưởng thành của cá nhân trong xã hội; thể hiện qua thái độ, cử chỉ, lời nói, hành động, biểu cảm nhằm đạt kết quả mong muốn trong mối quan hệ giữa con người với nhau (Trần Mỹ Hạnh, 2016, tr. 1). Ứng xử chuẩn mực trong văn hóa giao thông đó là tuân thủ pháp luật về giao thông, chấp hành chỉ dẫn của những người có trách nhiệm điều hành về giao thông, biết nhường nhịn lẫn nhau khi tham gia giao thông, nhường đường cho các phương tiện tham gia cấp cứu người bị nạn; chủ động nhường chỗ cho người già trẻ em, phụ nữ có thai trên các phương tiện công cộng… Khi phân tích nền tảng văn hóa của ứng xử (Cultural Basis of Behavior), Rahim Jabbar (2003, tr. 11) đưa ra sơ đồ như sau:
Nguồn: Rahim Jabbar, 2003, tr. 11.
Theo sơ đồ của Rahim Jabbar, ứng xử của mỗi cá nhân (The Individual/Person) xuất phát từ những nhận thức, niềm tin (Beliefs), đến những quan điểm, thái độ (Attitutes) và đưa đến những hành động, hành vi (Actions). Trong một xã hội, cộng đồng (The Society/Community), văn hóa được hình thành bởi tác động qua lại giữa những thực hành xã hội (Social Practices); và những quan điểm và bối cảnh thế giới (Perspectives & World View). Qua quá trình tiếp thu văn hóa (Internalization Process) và quá trình xã hội hóa (Socialization Proces), văn hóa trong xã hội, cộng đồng đã tác động đến ứng xử của cá nhân qua nhận thức, niềm tin. Và ngược lại, những ứng xử của cá nhân qua quá trình xã hội hóa sẽ tác động đến văn hóa của xã hội, cộng đồng. Khi ứng xử của cá nhân được đặt trong khuôn văn hóa của cộng đồng, xã hội; và khi giá trị văn hóa của cộng đồng, xã hội được các cá nhân xác lập thì phần giao thoa đó chính là những giá trị và chuẩn mực chung (Values & Norms).
Những giá trị và chuẩn mực trong văn hóa giao thông đó chính là “văn hóa nhường nhịn”, được hiểu là những thái độ, hành vi, cách ứng xử văn minh, lịch sự mà người tham gia giao thông thực hiện một cách tự nguyện, tự giác trên đường. Đó là việc nhường đường cho người khác, biết xin lỗi khi va quệt, cảm ơn khi được nhường đường, xếp hàng khi tham gia giao thông công cộng, khi dừng đẻn đỏ… Dư luận xã hội đã không ngớt phê phán những hành vi thiếu nhường nhịn của người tham gia giao thông như leo lề, lấn vạch, vượt đèn đỏ, bấm còi inh ỏi, đi ngược chiều… Các kiểu hành vi này vẫn diễn ra hàng ngày trong đời sống của chúng ta mà không giảm đi. Phải chăng chúng ta đang thiếu đi cái nhường nhịn trong bản năng của mỗi con người? (Phan Tân, 2017). Do đó, xây dựng sự nhường nhịn – những giá trị và chuẩn mực trong văn hóa giao thông là vấn đề cần thiết và cấp bách trong công cuộc xây dựng đất nước ta giàu đẹp, an bình, văn minh, hiện đại.
2. Sự nhường nhịn trong văn hóa giao thông ở một số quốc gia và bài học cho Việt Nam
 Ở các nước phát triển như Mỹ, “văn hóa nhường nhịn” khi tham gia giao thông không khó để nhận thấy và cảm nhận. Chẳng hạn như “văn hóa nhường xe bus”, xe buýt thường được sử dụng để đưa đón học sinh tới trường, khi xe buýt dừng đón, trả học sinh, các xe khác quan sát thấy tín hiệu này lập tức dừng lại, không vượt sang phía đường bên trái, giữ một khoảng cách xa xe buýt để có khoảng không gian an toàn nhất cho trẻ em; không chỉ xe cùng chiều mà xe ngược chiều cũng dừng lại (Cục Cảnh sát giao thông, 2016). Khi xe cấp cứu có tín hiệu, những người tham gia giao thông ở Mỹ sẵn sàng nhường làn đường. Khi có sự cố va chạm xảy ra thì lời xin lỗi luôn được vui vẻ chấp nhận (Minh Hy, 2015).
Văn hóa giao thông của người Đức cũng là điều đáng phải học tập. Trong tình huống khi có đông xe ở hai đường dồn về một hướng, người Đức rất tự giác thực hiện nguyên tắc “fécmơtuya”, có nghĩa là lần lượt mỗi bên chỉ có một xe chạy vào, lần lượt, chầm chậm nối đuôi nhau, vì vậy, dù có đông xe nhưng cũng không xe nào tranh giành, chèn nhau dẫn tới tắc nghẽn giao thông. Khi chẳng may xảy ra tai nạn giao thông, người Đức sẽ gọi cảnh sát tới lập biên bản, họ rất tự trọng nên thường nói đúng những gì xảy ra, không dối trá và đổ lỗi cho nhau. Người gây tai nạn và người bị tai nạn đối xử, nói năng với nhau rất lịch sự, không gây gổ, cãi nhau (Văn Long, 2015).
Trong khu vực châu Á, như Nhật Bản hay Singapo thì “văn hóa nhường nhịn” cũng gắn liền với ứng xử của người dân. Nhật Bản là một xã hội ngăn nắp, trật tự; người Nhật có tính tực giác cao, có tính nhường nhịn, kiên nhẫn và đặc biệt là có đạo đức. Trong tình trạng động đất hiểm nghèo, người dân vẫn trật tự xếp hàng để đi theo lối thoát hiểm từ các căn nhà cao tầng, tuyệt không có cảnh chen lấn, trong khi mặt ai cũng tái mét vì sợ hãi. Ở Nhật Bản, hầu như không nghe thấy tiếng còi khi xe khi lưu thông trên đường, mọi người đều tuyệt đối chấp hành luật giao thông và nhường nhịn nhau, không có cảnh giành đường hay lấn tuyến. Một lý do đơn giản, quan trọng nhất chính là ý thức người dân (Nguyễn Hữu Trí, 2013). Tại Singapo, du khách rất ấn tượng với “văn hóa nhường nhịn” nơi đây. Hầu hết người dân Singapo đi tầu điện ngầm hoặc xe bus đi làm, những hình ảnh nhường ghế xe bus, ghế tàu rất gần gũi.  Trường hợp nếu xe rẽ phải, trái mà gặp có người đang đi bộ thì sẽ chờ tới khi không còn ai, nhiều khi mất thêm một lượt đèn cũng vẫn chờ (Cục cảnh sát giao thông, 2016).
Với những đất nước có mật độ xe máy dày đặc như Đài Loan  hay có tình trạng kẹt xe, tắc đường trầm trọng như Thái Lan, nhưng người dân vẫn có ý thức tốt. Giao thông ở các quốc gia này cũng rất hiếm khi có tiếng còi xe, tất cả các phương tiện đều đi đúng phần đường của mình, luôn nhường đường cho người đi bộ tại những vị trí giao cắt (Quỳnh Trang, 2017). Đường phố Đài Loan trật tự và ít tắc đường; tại các ngã tư, người dân thường tấp qua lề trái phải tùy vào hướng muốn rẽ để nhường đường cho phương tiện đi thẳng; xe máy không đi vào làn đường ưu tiên như đường của xe buýt; đôi khi người dân phải di chuyển chậm trong giờ cao điểm do mật độ xe máy đông, nhưng tuyệt nhiên không có tình trạng chen lấn, vượt đèn đỏ hay đi lấn làn. Để lên xe buýt, tàu điện, người dân phải xếp hàng, có thể dài tới vài trăm mét. Theo ông Shigeo Yoshizawa (Chủ tịch ủy ban an toàn giao thông, Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy quốc tế)  để có được điều đó, ngoài việc Đài Loan có một quy hoạch tốt và kinh nghiệm về quản lý giao thông, cùng với đó là ý thức của người dân khi tham gia giao thông (Trần Thủy, 2017).
 Nhìn sang nước láng giềng như Lào, thật đáng buồn khi “Văn hóa giao thông của người Việt ‘lùn’ hơn người Lào” (Báo Đầu tư, 2014). Trừ những trường hợp cấp bách như sắp có thể gây tai nạn, còn khi lưu thông trên đường ở Lào gần như là không có tiếng còi xe, “bóp còi xe inh ỏi khi tham gia giao thông trên đất nước Lào như là điều xa xỉ”. Người dân tự giác nhường đường; bật xi-nhan ra hiệu để xin vượt ở những đoạn đường mà họ cảm thấy an toàn cho chính mình và cho người khác đang tham gia giao thông; tới các điểm giao nhau họ đều đứng lại quan sát bên phải, bên trái, đợi tới lúc nào đó các phương tiện khác nhường đường thì họ mới đi; không chèn ép, lạng lách, đánh võng. Đối với người Lào, người tham gia giao thông gây tai nạn cũng rất lấy làm hổ thẹn (Báo Đầu tư, 2014).
Bức tranh “văn hóa nhường nhịn” trong giao thông ở một số quốc gia như đã trình bày ở trên, có thể có những những yếu tố khách quan như họ thưa dân hơn chúng ta, ít phương tiện giao thông hơn, có sở hạ tầng giao thông tốt hơn… nên giao thông có phần “văn minh” hơn. Nhưng một điều rõ ràng và phải thừa nhận đó là người dân ở các quốc gia nói trên có ý thức rất tốt trong văn hóa giao thông. Việc nhường nhịn trong văn hóa giao thông ở một số quốc gia đáng để để chúng ta học tập.
3. Sự nhường nhịn trong văn hóa giao thông ở Việt Nam và những vấn đề đặt ra
Ở Việt Nam, việc nhường đường, giúp đỡ người khuyết tật, người già, phụ nữ có thai, trẻ em... dường như chỉ tồn tại trên những biển quy định, những khẩu hiệu, lời kêu gọi (Phan Tân, 2017). Chúng ta nghĩ gì khi tất cả những người tham gia giao thông trên đường “Thờ ơ nhìn người mù ‘vật vã’ qua đường giữa dòng xe ở Hồ Gươm” (Việt Báo, ngày 24/10/2012). Tham gia giao thông, chúng ta không xa lạ với những hình ảnh mạnh ai nấy chạy, không chịu nhường đường, kèn cựa nhau từng cen-ti-met dẫn đến va quyệt, tạt đầu xe, những tiếng còi inh ỏi… Việc “Nhường đường”, “nhường ghế” phải chăng là điều “xa xỉ” trong văn hóa giao thông? ở đất nước chúng ta (Báo Dân trí, ngày 12/01/2017). “Nhường đường” đã khó nhưng xem ra việc “nhường ghế” trên các tuyến xe buýt còn khó khăn hơn. Mặc dù, nội quy nhường ghế cho người tàn tật, trẻ em, người già, phụ nữ có thai ở ngay lối lên đầu xe buýt mà ai cũng nhìn thấy, nhưng nhiều người “nhìn thấy như không”. Thậm chí nhiều người có thâm niên đi xe buýt, còn “truyền tai” nhau “bí quyết” đi xe buýt có ghế ngồi và không phải… nhường chỗ! (Báo Dân trí, ngày 12/01/2017).
Không chỉ thiếu sự nhường nhịn trong văn hóa giao thông ở nước ta, hơn thế hiện tượng “cướp đường” cũng diễn ra phổ biến, như tình trạng xe chạy lấn làn; chạy ào ào trên vỉa hè, thậm chí có cả xe buýt chạy trên vỉa hè (Sơn Hòa, 2017); xe chạy ngược chiều đường, thậm chí ô tô “vô tư” chạy ngược chiều, chạy lùi trên cao tốc, quốc lộ đang là trình trạng báo động (Vũ Quang Thái, 2017). Khái niệm xếp hàng theo thứ tự có vẻ xa lạ với người Việt (Phan tân, 2017). Hình ảnh khá quen thuộc ở Hà Nội đó là người dân tràn xuống lòng đường để chờ xe buýt, chen lấn, xô đẩy nhau vì ai cũng đều muốn lên xe trước để tìm được ghế ngồi.… Chen lấn lên xe buýt đã thành thói quen? phải chăng văn hóa xếp hàng lên xe buýt vẫn là điều khó thực hiện (Tiến Thành, Tiến Thắng, 2011). Trong khi “người Việt 100%” khi sang sinh sống, học tập, công tác ở các nước văn minh kia rất thuần thục văn hóa xếp hàng, không ai chen ngang, lấn lát, họ như từ đâu tới chứ không phải họ vừa chen lấn không xếp hàng ở trong nước. Họ không chỉ hiểu rằng xếp hàng là nhanh nhất, văn minh nhất và an toàn nhất, mà còn vì e ngại ánh mắt của những người văn minh khác khi nhìn người “lệch chuẩn”! (Phan Tân, 2017). Điều này, càng chứng tỏ rằng những giá trị và chuẩn mực xã hội (Values & Norms) có tác động rất quan trọng đến ứng xử của cá nhân.
Vấn nạn bạo lực trong giải quyết va chạm giao thông là nỗi kinh hoàng về cách ứng xử của người Việt. Dù chỉ va chạm nhẹ, thay vì lời xin lỗi họ giải quyết vấn đề bằng cách đấm, đá, thậm chí rút hung khí ra đánh nhau. Hàng loạt án mạng, thương tích lớn sau va chạm giao thông đã xảy ra, như đánh chết người khi va chạm giao thông ở Sài Gòn (Khánh Trung, 2017), đâm chết người vì mâu thuẫn nhỏ sau va chạm giao thông ở Lạng Sơn (Tuệ Minh, 2017), thanh niên bị đánh lọt xuống nắp cống sau va chạm giao thông, bị đòn vì vượt ẩu, tài xế bị đánh tới tấp vì không nhường đường (Quang Hưng, 2016)…
Trong mắt người ngước ngoài, trật tự giao thông ở Việt Nam được coi như phát hiện mới của họ. Một diện mạo đô thị xấu xí và văn hóa giao thông thấp kém qua cái nhìn một ký giả người Đức, đăng trên trang mạng Welt online Đức, bài báo “Giao thông Hà Nội - một sự điên rồ hoàn toàn bình thường”, ông gọi Việt Nam là đất nước “vạn còi” khi so sánh với Lào là đất nước “vạn tượng”, và còn viết rằng “Người Việt ai cũng có phong cách đi ngổ ngáo, hình thành phong cách chung là không ai nhường ai, chính bởi ai cũng đi và nghĩ như ai, nên thường không sao”,“nhường nhịn ai đó, thì coi như cầm chắc tai nạn” (Báo mới, ngày 18/02/2012). Còn Llewellyn King - một nhà báo, nhà bình luận, người dẫn chương trình khá nổi tiếng người Mỹ gọi “Giao thông Hà Nội là một kỳ quan thế giới”. Ông đã chứng kiến cảnh dòng xe lưu thông trên đường trông như một đàn kiến, lộn xộn một cách nhẫn nại. Nguyên tắc duy nhất tồn tại trên đường là đi bên phải, còn lại là ngẫu hứng (Nhật Minh, 2015).
Từ thực tiễn giao thông ở Việt Nam hiện nay cho thấy, người tham gia giao thông “lựa nhau mà đi”, đi theo kiểu “điền vào chỗ trống” và chủ yếu là “tiện”, họ đi theo cách tiện nhất cho mình, không quan tâm đến người khác thế nào, không chỉ “tiện lợi” mà còn “tùy tiện” bất chấp biển cấm, bất chấp nguy hiểm, bất chấp luật lệ. Văn hóa tham gia giao thông của người Việt Nam còn nhiều hành vi tùy tiện, thiếu sự nhường nhịn, một nguyên nhân quan trọng đó là ý thức cộng đồng thì kém, ý thức cá nhân thì chưa cao. Theo ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó chủ tịch Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, trong các điều tra nguyên nhân tai nạn thì có đến 80% là nguyên nhân trực tiếp của người điều khiển phương tiện hay nói cách khác là ý thức người tham gia giao thông (An Nhi, 2013).
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến những tình trạng kể trên, ở nhân tố con người, dưới góc độ văn hóa, theo PGS.TS Lê Quý Đức (Viện Văn hóa và Phát triển Việt Nam), từ thói quen ứng xử của người Việt Nam, nếp sống nông thôn, nông dân, nông nghiệp giờ tràn ra thành thị là một trong những nguyên nhân quan trọng. Thứ hai là nếp sống tùy tiện thời chiến tranh, tất cả cùng muốn tranh thủ làm sao để có thể nhanh hơn người khác, để có thể xếp hàng chen lấn lên vị trí hàng đầu, để đến đích được sớm hơn của thời kỳ chiến tranh mấy chục năm, rồi thời bao cấp khó khăn để lại cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng làm cho văn hóa tham giao thông của đa số người dân còn kém như hiện nay (Đỗ Thơm, Hương Lan, 2012). Bên cạnh đó, những nguyên nhân khác cũng được xem xét đến như phải chăng người dân sút giảm lòng tin vào công lý, vào sự can thiệp đúng đắn, vô tư, kịp thời, có hiệu quả của pháp luật; nền giáo dục, từ gia đình, nhà trường, xã hội quá nặng về ganh đua thành tích, thiếu đề cao tinh thần hòa bình, tình nhân loại, nền giáo dục của chúng ta thiếu giáo dục tính hướng thiện (Phan Tân, 2017)…
Xây dựng sự nhường nhịn trong giao thông nói riêng, văn hóa giao thông nói chung ở nước ta đã trở thành định hướng và mục tiêu quan trọng của Đảng và Nhà nước, được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Trở lại với sơ đồ phân tích nêu trong nội dung thứ nhất, để giá trị và chuẩn mực của cộng đồng, xã hội trong giao thông được vận hành, cốt lõi nhất là cần điều chỉnh ứng xử trong văn hóa giao thông của người dân, điều đó phải bắt đầu từ gốc rễ nhận thức, niềm tin; giáo dục cũng cần bắt nguồn từ gốc rễ, đó là từ thế hệ trẻ để hình thành nhân cách con người biết nhường nhịn, biết chia sẻ và yêu thương.
Kết luận và đề xuất
Nhường nhịn và thiếu nhường nhịn là ứng xử của con người, mà nền tảng là từ nhận thức, niềm tin đến thái độ và hành vi. Trong văn hóa giao thông, sự nhường nhịn là những giá trị và chuẩn mực của cá nhân và cộng đồng, xã hội mà chúng ta hướng tới. Sự nhường nhịn trong văn hóa giao thông phải xuất phát từ ý thức người tham gia giao thông. Nhường nhịn đôi khi bản thân có thể chịu thiệt thòi một chút nhưng lại không làm ảnh hưởng, hay đem lại những điều tốt đẹp đến người khác, cộng đồng. Từ “văn hóa nhường nhịn” chúng ta có thể xây dựng được những điều to lớn hơn, đó là ý thức tôn trọng pháp luật, thượng tôn pháp luật và tinh thần yêu thương, đùm bọc giúp đỡ nhau. Sự nhường nhịn trong văn hóa giao thông của một số quốc gia đáng để chúng ta học tập.
Phải thẳng thắn thừa nhận rằng, chúng ta còn thiếu sự nhường nhịn trong giao thông. Thiếu nhường nhịn, ai cũng chỉ vì bản thân, không nghĩ đến người khác thì giao thông sẽ càng trở nên hỗn loạn, phức tạp và ẩn họa những tai nạn phía sau. Để đạt tới mục tiêu xây dựng văn hóa nhường nhịn, rộng hơn là văn hóa giao thông, bên cạnh những giải pháp về hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông; và hệ thống chính sách, pháp luật quản lý giao thông; đối với nhân tố con người, chúng tôi đưa ra một số đề xuất như sau:
- Nâng cao ý thức, trách nhiệm của mọi người trong giao thông: trong đó công tác tuyên truyền, giáo dục là rất quan trọng để thấm sâu vào nhận thức của người dân. Bên cạnh đó, cũng cần siết chặt kỷ cương pháp luật, tiếp tục duy trì, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm để răn đe và công bằng với tất cả mọi người, tránh hiện tượng “nhờn luật”. Qua đó, dần tạo nên ý thức tự giác trong chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông của mỗi người.
 - Tăng cường triển khai giáo dục văn hóa giao thông trong các trường học: cần thực hiện ngay từ hệ mầm non, nhằm trang bị thế hệ trẻ có được ý thức tôn trọng pháp luật, chấp hành pháp luật, từ đó hình thành nền tảng nhân cách con người; tạo sức lan tỏa ra xã hội từ thế hệ trẻ.
- Thực hiện các mô hình, công trình thanh niên tham gia bảo đảm trật tự giao thông, xây dựng những tuyến đường kiểu mẫu: tạo được dư luận tốt, nhân rộng mô hình, góp phần nâng cao ý thức của người tham gia giao thông.
- Phát huy tính tiên phong, gương mẫu, nòng cốt của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong văn hóa giao thông: tạo nên hiệu ứng tốt cho xã hội, rèn luyện và xây dựng ý thức của bản thân, gia đình và cộng đồng.
Tài liệu trích dẫn
1.     Báo Đầu tư, 2014, Văn hóa giao thông của người Việt ‘lùn’ hơn người Lào, http://baodautu.vn/van-hoa-giao-thong-cua-nguoi-viet-lun-hon-nguoi-lao-d12290.html, truy cập ngày 25/01/2017.
2.     Báo Dân trí, 2017, “Nhường đường”, “nhường ghế” phải chăng là điều “xa xỉ” trong văn hóa giao thông?, http://dantri.com.vn/doi-song/nhuong-duong-nhuong-ghe-phai-chang-la-dieu-xa-xi-trong-van-hoa-giao-thong-20170112081643771.htm, truy cập ngày 25/01/2017.
3. Báo mới, 2012, Phát ngôn Tuần Việt Nam: Quan trí và dấu ấn!, https://baomoi.com/phat-ngon-tuan-viet-nam-quan-tri-va-dau-an/c/7421255.epi
4.     Báo Việt báo, 2012, Thờ ơ nhìn người mù "vật vã" qua đường giữa dòng xe ở Hồ Gươm, http://vietbao.vn/Video-clip/Clip-Tho-o-nhin-nguoi-mu-vat-va-qua-duong-giua-dong-xe-o-Ho-Guom/2131557680/601/, truy cập ngày 25/01/2017.
5.     Công ty cổ phần nhân lực TTC Việt Nam, 2015, Những điều chúng ta đáng học hỏi từ xã hội Nhật Bản, http://japan.net.vn/nhung-dieu-chung-ta-dang-hoc-hoi-tu-xa-hoi-nhat-ban-1155.htm, truy cập ngày 10/01/2018.
6.     Cục Cảnh sát giao thông, 2016, “Văn hóa nhường nhịn” khi tham giao thông, http://csgt.vn/m/tintuc/5586/Van-hoa-nhuong-nhin-khi-tham-giao-thong.html, truy cập ngày 25/01/2018.
7.      Đinh Thành Trung, 2016, Nâng cao văn hóa giao thông cho người dân, http://baobacgiang.com.vn/bg/y-tuong-sang-tao/169421/y-tuong-du-thi-nang-cao-van-hoa-giao-thong-cho-nguoi-dan.html, truy cập ngày 10/01/2018.
8.      Đức Huy, 2017, Giao thông Đài Loan - vì sao nhiều xe máy nhưng ít tắc đường?, https://vnexpress.net/photo/oto-xe-may/giao-thong-dai-loan-vi-sao-nhieu-xe-may-nhung-it-tac-duong-3654374.html, truy cập ngày 20/01/2018
9.       Khánh Trung, 2017, Thanh niên đánh chết người khi va chạm giao thông ở Sài Gòn, https://news.zing.vn/thanh-nien-danh-chet-nguoi-khi-va-cham-giao-thong-o-sai-gon-post784798.html, truy cập ngày 25/01/2018.
10.   Lê Sơn, 2012, Nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, https://baotintuc.vn/xa-hoi/nang-cao-y-thuc-cua-nguoi-tham-gia-giao-thong-20121025094057245.htm, truy cập ngày 10/01/2018.
11.   Minh Hy, 2015, Văn hóa giao thông trái ngược giữa Mỹ và Ấn Độ, https://vnexpress.net/tin-tuc/oto-xe-may/van-hoa-giao-thong-trai-nguoc-giua-my-va-an-do-3232870.html, truy cập ngày 15/01/2018.
12.       Nhật Minh, 2015, “Giao thông Hà Nội là một kỳ quan thế giới”, http://dantri.com.vn/o-to-xe-may/giao-thong-ha-noi-la-mot-ky-quan-the-gioi-1420965826.htm, truy cập ngày 25/01/2015.
13.       Nguyễn Văn Điệp, 2017, Giải pháp khắc phục tắc nghẽn giao thông ở đô thị, https://baomoi.com/giai-phap-khac-phuc-tac-nghen-giao-thong-o-do-thi/c/23353894.epi, truy cập ngày 10/01/2018.
14.       Nguyễn Hoàng Ánh, 2015, Văn hóa ứng xử trong cộng đồng, http://www.nhandan.com.vn/cuoituan/item/27586702-van-hoa-ung-xu-trong-cong-dong.html, truy cập ngày 20/01/2018.
15.   Phan Tân, 2017, Bàn về xây dựng xã hội nhường nhịn, https://baoviet24h.vn/ban-ve-xay-dung-xa-hoi-nhuong-nhin-279.html, truy cập ngày 20/01/2018.
16.   Quang Hưng, 2016, Những người thích dùng bạo lực sau va chạm giao thông (P3), https://vnexpress.net/tin-tuc/cong-dong/video/nhung-nguoi-thich-dung-bao-luc-sau-va-cham-giao-thong-p3-3437599.html, truy cập ngày 25/01/2018.
17.   Quỳnh Trang, 2017, Văn hóa giao thông ở Việt Nam và một số nước bạn, http://maskonline.vn/van-hoa-giao-thong-o-viet-nam-va-mot-nuoc-ban/, truy cập ngày 25/01/2018.
18.   Sở Thông tin và truyền thông thành phố Hà Nội, 2012, Xây dựng văn hóa giao thông – nguyên nhân và giải pháp, http://ict-hanoi.gov.vn/bao-chi-xuat-ban/-/view_content/699627-xay-dung-van-hoa-giao-thong-nguyen-nhan-va-giai-phap.html, truy cập ngày 10/01/2018.
19.   Rahim Jabbar, 2003, Culture and behavior: Applications for marketing and communications, https://www.slideshare.net/bonnysgrandpa/culture-and-behavior, truy cập ngày 10/01/2018.
20. Sơn Hòa, 2017, Xe buýt chạy ào ào trên vỉa hè Sài Gòn, https://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/giao-thong/xe-buyt-chay-ao-ao-tren-via-he-sai-gon-3594143.html, truy cập ngày 10/01/2018.
21. Tiến Thành, Tiến Thắng, 2011, Chen lấn lên xe buýt đã thành thói quen?, https://tuoitre.vn/chen-lan-len-xe-buyt-da-thanh-thoi-quen-454912.htm, truy cập ngày 10/01/2018.
22.   Trần Thủy, 2017, Xứ sở xe máy la liệt vẫn không tắc đường: Đâu cần phải cấm, http://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/hay-hoc-dai-loan-xe-may-la-liet-van-khong-tac-duong-388588.html, truy cập ngày 10/01/2018
23.  Trần Mỹ Hạnh, 2016, Đánh giá thực hiện quy tắc ứng xử tại các bệnh viện công thuộc thành phố Hà Nội. Tóm tắt Luận văn Thạc sĩ, chuyên ngành quản lý công, Học viện Hành chính quốc gia.
24.   Tuệ Minh, 2017, Đâm chết người vì mâu thuẫn nhỏ sau va chạm giao thông, https://vov.vn/tin-nong/dam-chet-nguoi-vi-mau-thuan-nho-sau-va-cham-giao-thong-691882.vov, truy cập ngày 25/01/2018.
25.  Văn Long, 2015, Văn hóa giao thông ở Đức, http://vietnamnet.vn/vn/doi-song/van-hoa-giao-thong-o-duc-230413.html, truy cập ngày 20/01/2018.
26.  Vũ Quang Thái, 2017, Báo động nạn đi ngược chiều, đi lùi trên cao tốc, quốc lộ, http://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/bao-dong-nan-di-nguoc-chieu-di-lui-tren-cao-toc-quoc-lo-527226, truy cập ngày 20/01/2018.

TS. Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Viện KHXH vùng Nam Bộ, Bài viết dành cho Hội thảo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét