Đức tính nhường nhịn là tổng hòa của hai mặt: bẩm sinh và điều kiện kinh tế, xã hội, môi trường... trong đó yếu tố bẩm sinh có tính quyết định nhiều hơn. Đây cũng là một giả thuyết cần được chứng minh thêm!
photo: yduoc365.com
Đặt vấn đề
"Nhường nhịn" là một đức tính của con người
nhưng thực tế cho thấy mức độ của đức tính này không chia đều cho từng người, từng
nhóm xã hội, từng dân tộc, từng quốc gia...Vậy điều gì tạo ra sự khác nhau ấy ?
bài viết này đi tìm câu trả lời từ mối quan hệ biện chứng giữa điều kiện kinh tế
xã hội với yếu tố bẩm sinh của con người-liên hệ với trường hợp người dân Nam bộ.
Giả thuyết nghiên cứu của bài này là: đức tính nhường
nhịn là tổng hòa của hai mặt: bẩm sinh và điều kiện kinh tế, xã hội, môi trường...
trong đó yếu tố bẩm sinh có tính quyết định nhiều hơn.
1-Tìm hiểu nguồn gốc của đức tính nhường nhịn
Nhường nhịn là một đức tính, một tố chất của sinh vật
nói chung - ngay cả loài thú dữ cũng có hành vi nhường nhịn đối với con cái và
đồng loại của chúng. Riêng loài người, đức tính nhường nhịn là một tố chất
nhưng mức độ không đều nhau - có thể nhận biết ngay ở những đứa trẻ độ tuổi mẫu
giáo - khi phần bản năng còn chiếm ưu thế vượt trội -đã có những đứa dễ dàng
cho bạn mượn đồ chơi - nhưng có đứa không mà còn tranh giành của bạn... đến tuổi
trưởng thành - con người vẫn thế: thời phong kiến và thực dân, giữa các quốc
gia hầu như không có sự nhường nhịn về chủ quyền và lãnh thổ - mà ngược lại là
sự thôn tính lẫn nhau. Lĩnh vực kinh tế cũng vậy - chỉ là mối quan hệ bất bình
đẳng - như viện trợ của Mỹ chỉ là những củ cà rốt để bên cạnh cây gậy của
"nước Mỹ trên hết". Sự nhường nhịn giữa các quốc gia chỉ còn là một số
chương trình do liên hợp quốc như viện trợ nhân đạo, viện trợ phát triển,
chương trình từ thiện hoặc xóa nợ... nhưng rất nhỏ bé so với sự tranh giành và
cướp đoạt - thể hiện ở tình trạng thường xuyên xảy ra chiến tranh nhiều quy mô và
chạy đua vũ trang trên toàn thế giới.
Từ thực tế đó cần đặt ra câu hỏi: nếu như ở cấp độ quốc
gia hầu như không có sự nhường nhịn - thì vì sao trong một quốc gia, giữa các cộng
đồng và giữa các cá nhân vẫn có sự nhường nhịn ở những mức độ khác nhau? Người xưa đã có câu: "một điều nhịn, chín điều lành". Vậy đâu là nguồn gốc của
đức tính nhường nhịn và những yếu tố nào tác động trực tiếp đến đức tính đó? Có
thể tìm câu trả lời từ yếu tố bản năng sinh học sẽ được trình bày sau đây:
Ngày nay các nhà khoa học đã khám phá được những bí mật
về tiến hóa và năng lực của não bộ loài người như sau: trải qua hàng triệu năm
tiến hóa - từ Homo Sapiens - đến ngày nay - bộ não con người mới sử dụng được từ
5 đến 7% năng lực tư duy. Não bộ có bán cầu não trái chứa đựng các năng lực tư
duy thiên về logic, khoa học kỹ thuật và bán cầu não phải chứa đựng năng lực
thiên về cảm xúc, xã hội, văn hóa, nghệ thuật. Các nhà khoa học cũng đã phát hiện
não bộ có 9 hệ số về năng lực và tính cách (IQ, EQ, SQ, CQ, PQ, AQ, SQ, MQ, StQ).
Các hệ số đó không bằng nhau trong một bộ não và tổng số của mỗi người cũng khác
nhau. Cụ thể: hệ số thông minh (IQ) của của con người hiện nay dao động từ khoảng
140 đến 25. Người xưa đã nói "nhân vô thập toàn"- được hiểu là các hệ
năng lực và tính cách không bằng nhau. Và câu "chín người, mười ý", "bách
nhân bách tính"- được hiểu là tổng các hệ số của mỗi người khác nhau hoặc cấu
trúc chín hệ số ấy không giống nhau.
Đó là cơ sở thực tiễn để suy luận: đức tính nhường nhịn
thuôc về lĩnh vực cảm xúc, tinh thần nên phần lớn nằm ở bán cầu não phải và liên
quan nhiều đến các hệ số EQ (cảm xúc), SQ (thông minh xã hội), MQ (đạo đức) - tức
là người nào có tổng của ba hệ số ấy cao hơn thì có đức tính nhường nhịn nhiều hơn.
Các nhà khoa học còn phát hiện: trong vòng đời một con người, các hệ số ấy hầu
như không thay đổi - nhưng khai thác các hệ số được bao nhiêu phần còn tùy thuộc
vào điều kiện kinh tế xã hội và hoàn cảnh riêng của mỗi người. Cụ thể là: nếu một
người có tổng ba hệ số ấy ở mức thấp thì dù có các điều kiện kinh tế xã hội rất
thuận lợi cũng không trở thành người có đức tính nhường nhịn cao - đó là trường
hợp những người giàu có, được học hành nhiều nhưng vẫn ích kỷ, tham nhũng. Ngược
lại những người có tổng ba hệ số ấy cao thì dù điều kiện sống không thuận lợi họ
vẫn thể hiện đức tính nhường nhịn và chia sẻ - đó là trường hợp của những người
không giàu có, học hành không nhiều - nhưng họ mở những quán cơm 2000, sửa xe,
cắt tóc miễn phí cho những người nghèo hơn...
Mặc dù khoa học đã khám phá được nhiều bí mật về năng
lực cuả bộ não - nhưng chưa thể can thiệp để làm thay đổi các hệ số đó - tuy
nhiên điều kiện kinh tế, xã hội, giáo dục, tuyên truyền, vận động và pháp luật
có thể nâng cao tỷ lệ khai thác các hệ số đó trong từng con người - trên cơ sở
đó nâng cao văn hóa nhường nhịn trong cộng đồng và xã hội.
Tóm lại, đức tính nhường nhịn có nguồn gốc bản năng
sinh học và mang tính quyết định hơn - nhưng điều kiện kinh tế xã hội và hoàn cảnh
sống của mỗi người ảnh hưởng đến mức độ của đức tính nhường nhịn đó.
2- Tìm hiểu nguồn gốc và điều kiện phát triển đức
tính nhường nhịn của người dân Nam bộ:
Cư dân người Việt ở Nam bộ có nguồn gốc từ đàng ngoài
di cư vào - các cuộc di dân đó dường như đã hàm chứa sự chọn lọc tự nhiên về
năng lực và tính cách. Trước hết họ phải là những người có khí chất mạnh mẽ, dám
chấp nhận thử thách khó khăn, dám phiêu lưu mạo hiểm và phải có đức tin vào sự đoàn
kết, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau giữa những người cùng ra đi - mới dám rời bỏ gia
đình, quê hương... để đi về phương nam xa lạ. Các đoàn người di dân đó còn có một
bộ phận là tù nhân bị phong kiến đàng ngoài đưa đi lưu đầy - trong đó một phần
là dân "anh chị" trộm cắp - phần còn lại là những người dám chống lại
sự áp bức bóc lốt của địa chủ, phong kiến - họ là những người nghĩa hiệp... Nhìn
chung các đoàn di dân ấy có những tính cách và năng lực nổi bật là: khí chất mạnh
mẽ, năng động, dám phiêu lưu, mạo hiểm, đoàn kết, nghĩa hiệp và bất khuất... Những
con người ấy đến vùng đất hoàn toàn xa lạ, họ đã khai hoang lập ấp ở những nơi khắc
nghiệt như: "muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lội như bánh canh"... với những
công việc nặng nhọc và nguy hiểm như "phá sơn lâm, đâm hà bá"... thì
không thể sống riêng biệt, và không thể một mình làm được mọi việc. Hoàn cảnh sống
ấy đã thử thách tính cách và năng lực của con người và thành quả sức lao động của
họ là những cánh đồng lúa trữu hạt, những xóm làng trù phú và cuộc sống xung
túc - thành quả ấy chứng tỏ những thử thách khó khăn ấy đã bồi đắp cho những
tính cách và năng lực tốt đẹp của người dân Nam bộ và hạn chế dần những tính
cách hẹp hòi ích kỷ .
Những tính cách đặc trưng Nam bộ thể hiện khá rõ qua
cuộc sống và văn thơ của Nguyễn Đình Chiểu - Ông mô tả tính cách người Nam bộ
trong bài văn tế Nghĩa sĩ Cần Giuộc và nhân vật Lục Vân Tiên trong tác phẩm Kiều
Nguyệt Nga - không phải từ cái nhìn bằng đôi mắt thường mà bằng sự cảm nhận đức
tính hào sảng, nghĩa hiệp ẩn sâu bên trong vẻ bề ngoài mộc mạc giản dị của người
dân Nam bộ. Đó là những con người "côi
cút làm ăn"... nhưng khi giặc đến thì - " nào đợi ai đòi ai bắt...chẳng thèm trốn ngược, trốn xuôi...ngoài
cật một manh áo vải, trong tay một ngọn tầm vông..." - cũng đốt xong
nhà đạo, cũng chém bay đầu quan hai Pháp... Họ là những người "thà thác mà đặng câu dịch khái...hơn còn mà
chịu chữ đầu Tây". Người dân Nam bộ rất yêu mến và thần tượng nhân vật
Lục Vân Tiên - vì đó là người nghĩa khí, hào hiệp "Giữa đường thấy sự bất bằng chẳng tha" - cùng với lòng
hiếu thảo của Kiều Nguyệt Nga.... Có thể nói: các nghĩa sĩ Cần Giuộc ngoài đời
thường và Lục Vân Tiên trong văn thơ Nguyễn Đình Chiểu chỉ là một - là tinh hoa
của người Nam bộ với lối sống "Thương
người như thể thương thân", ngay thẳng, thật thà và rộng lượng. Trong
thời kỳ kháng chiến, nếu ai đi qua khu vườn vắng người chỉ cần nói lớn "Bác
Bảy ơi cho xin trái bầu..." thì cứ hái mang đi và không bị coi là ăn trộm.
Thời gian qua, ở Nam bộ và Tp Hồ Chí Minh có rất nhiều
phong trào xã hội như: xây nhà tình thương, nhà tình nghĩa, phụng dưỡng mẹ VN
anh hùng, mái ấm tình thương, đền ơn đáp nghĩa, quy tập hài cốt liệt sĩ... ở Tp
Hồ Chí Minh còn có những quán cơm 2000 đ cho người nghèo, hộp cơm miễn phí cho
bệnh nhân, sửa xe, cắt tóc miễn phí cho người cơ nhỡ, thùng nước trà đá miễn
phí cho khách bộ hành... có chương trình mùa hè xanh của sinh viên, các đội
tình nguyện giúp đỡ mùa thi, các lớp học tình thương, các chương trình xóa đói
giảm nghèo, lá lành đùm lá rách... Tất cả những phong trào và hoạt động xã hội ấy
đều biểu hiện đức tính nhường nhịn của người dân Nam bộ - và không phải ngẫu
nhiên mà Tp Hồ Chí Minh nêu khẩu hiệu: xây dựng đô thị văn minh hiện đại và...
nghĩa tình... Tất nhiên không phải tất cả người dân Nam bộ đều có đầy đủ những
đức tính tốt đẹp ấy nhưng nhìn chung thì đó là những đức tính nổi trội hơn.
Có thể nói - đức tính nhường nhịn là tài sản văn hóa
vô giá của người dân Nam bộ đã được thử thách và bồi đắp qua nhiều thời kỳ lịch
sử lâu dài - nhưng ngày nay cần được bảo tồn và phát huy trước tác động mạnh mẽ
của tính chất cạnh tranh quyết liệt từ kinh tế thị trường.
***
Lời kết:
để xây dựng một xã hội có văn hóa nhường nhịn cần một hành lang luật pháp chặt
chẽ và cơ chế thực thi nghiêm khắc để có thể ngăn chặn, trừng phạt những biểu
hiện vi phạm quyền dân chủ - đồng thời bảo đảm công bằng xã hội và bảo vệ những
con người chân chính. Tuy nhiên luật pháp không thể can thiệp sâu vào từng hành
vi văn hóa ứng xử của từng người - mà chỉ có thể nâng cao dần trình độ dân trí
và đạo đức xã hội. Để xây dựng văn hóa nhường nhịn ở quy mô toàn xã hội là vai
trò của chủ trương, chính sách - trong đó yếu tố gương mẫu của người lãnh đạo
có vai trò hết sức to lớn - như thời kỳ tỏa sáng của đạo đức Hồ Chí Minh - đó
là mẫu hình để xây dựng văn hóa nhường nhịn.
Tài liệu tham khảo
- Khoahoc.tv: Khám phá bộ
não người
- vnexpress.net-Khám phá bí mật trí não
Ts Nguyễn hữu Nguyên, CTV trung tâm Triết học/Viện KHXH Nam bộ, bài viết dành cho Hội thảo TRUYỀN THỐNG VIỆT NAM, VĂN HÓA VIỆT NAM VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ THỰC TIỄN ĐẶT RA YÊU CẦU XÂY DỰNG XÃ HỘI NHƯỜNG NHỊN Ở VIỆT NAM HIỆN NAY
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét