Bài đăng nổi bật

Việt Nam nhìn từ Chủ thuyết phát triển

Thứ Sáu, 16 tháng 3, 2018

Về một nét văn hóa truyền thống Việt Nam: khoan dung và nhường nhịn

Khoan dung là sự độ lượng, sự tha thứ với những sai phạm, lỗi lầm mà người khác đã gây ra kể cả chính mình và nó xuất hiện với những sự việc, sự kiện đã diễn ra... Nhường nhịn là lối sống tích cực, chủ động, tồn tại và biểu hiện trong tất cả các hành vi.... (PT).
                Tóm tắt

Trong đời sống hiện nay, những tin tức tốt lành thường được các phương tiện thông tin đại chúng chuyển tải đến mọi người làm cho mọi người vui khi nhận được những tin đó. Tuy nhiên, cũng không ít những tin tức đau lòng làm người đọc đau lòng. Bởi các vụ án xảy ra nhiều khi chỉ là mâu thuẫn nhỏ hoàn toàn có thể giải quyết được nếu mọi người nhường nhịn nhau.   
               Từ khóa:  quan hệ, mâu thuẫn, văn hóa, văn hóa nhường nhịn
1 Đặt vấn đề,
Hàng ngày trên các phương tiện thông tin đại chúng đưa rất nhiều tin về các vụ án mạng, về sự đổ vỡ trong quan hệ gia đình, về mâu thuẫn trong quan hệ cha, con mà nguyên nhân nhiều khi chỉ xuất phát từ những điều nhỏ nhặt trong mối quan hệ gia đình và cuộc sống. Những hiện tượng xã hội đó xảy ra ở khắp mọi nơi, ở mọi tầng lớp, ở các tộc người thiểu số. Tại sao, khi xã hội ngày càng phát triển, trình độ dân trí ngày một cao, luật pháp ngày một hoàn thiện, lại xảy ra những vụ án đau lòng, mà nguyên nhân được nhìn nhận là hết sức đơn giản? Có một cái gì đó ẩn chứa qua hiện tượng xã hội này cần được xem xét. Bài viết của chúng tôi muốn lý giải hiện tượng xã hội này qua góc nhin của văn hóa khoan dung và nhường nhịn..
2. Đã có một văn hóa khoan dung và nhường nhịn
Văn hóa gắn liền với một tộc người. Mỗi tộc người, trong những điều kiện tự nhiên và môi trường cụ thể đã sáng tạo cho mình một phức hợp văn hóa. Phức hợp văn hóa đó không chỉ góp phần làm nên tính đa dạng của một nền văn hóa, mà quan trọng hơn là góp phần làm nên  sức mạnh để vượt qua những bước thăng trầm của lịch sử. Là sản phẩm của cộng đồng (của tộc người), văn hóa của bất kỳ một cộng đồng (của một tộc người) nào cũng vừa thể hiện sự kế thừa theo thời gian, lại luôn thay đổi để bổ sung và khẳng định vị thế của văn hóa trong phát triển. Người Việt Nam trong suốt chiều dài của lịch sử vừa phải mở rộng lãnh thổ, xác lập chủ quyền và bảo vệ chủ quyền. Ngày nay, sau nhiều thế kỷ chống ngoại xâm, khi non sông đã thu về một mối thì xây dựng và bảo vệ đất nước vẫn là một nhiệm vụ hàng đầu, không khi nào sao nhãng. Là một quốc gia đa tộc người, nên để chống giặc ngoại xâm có hiệu quả,  thì  phải huy động được sức mạnh của tất cả các tộc người sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam. Muốn làm được việc này, thì phải đoàn kết, tạo nên mối quan hệ thân thiện giữa các tộc người bất luận họ đến Việt Nam từ bao giờ, dân cư nhiều hay ít.
 Trong lịch sử Việt Nam, các triều đại phong kiến, đặc biệt từ sau thế kỷ thứ X, sau khi trải qua hàng ngàn năm Bắc thuộc, đất nước bước vào thời kỳ độc lập, bằng các biện pháp khác nhau  (như thông qua hôn nhân, trao quyền, ban thưởng…) đã giải quyết một cách hiệu quả mối quan hệ tộc người, đoàn kết được các tộc người, tạo nên sức mạnh để dân tộc ta  chiến thắng kẻ thù. Sự đoàn kết và sẻ chia được thể hiện ở mọi cấp độ ( ở bình diện quốc gia dân tộc, trong  cộng  đồng và gia đình). Lịch sử đã ghi nhận và mãi mãi ghi nhận hành động của Thái hậu Dương Vân Nga nhường ngôi vua của con trai cho Lê Đại Hành. Hành động của Thái hậu Dương Vân Nga rất cao thượng, bà đã hy sinh lợi ích cục bộ (dòng họ) để lo cho lợi ích lớn lao (lợi ích quốc gia). Ở giai đoạn tiếp theo của lịch sử, khi đất nước lâm nguy, các thành viên nhà Trần đã đoàn kết, gạt đi những bất hòa để lo việc  nước. Khi đất nước hòa bình, để chia sẻ những khó khăn của các tộc người sinh sống ở các tỉnh miền núi, nhiều đoàn cán thuộc các ngành khác nhau đã lên miền núi.công tác cũng là một biểu hiện của  sự đoàn kết và sẻ chia trong bối cảnh đất nước còn khó khăn.
Tinh thần đoàn kết, sẻ chia  không chỉ thể hiện trong các sự kiện lịch sử, ở tầm quốc gia-dân tộc, mà còn được thể hiện trong đời sống thường ngày trong từng cộng đồng nhỏ (dòng họ, làng hay gia đình) qua ca dao, tục ngữ. Các làng người Việt ở đồng bằng sông Hồng được hình thành ở giai đoạn đầu chủ yếu dựa trên quan hệ huyết thống mà dấu vết của nó là những làng mang tên dòng họ (như Đặng xá,  Lưu xá, Đoàn-Đào…) dần dần do dân số gia tăng dẫn đến chuyển dịch dân cư (do hôn nhân,  do nhận làm con nuôi…) thì  quan hệ láng giềng càng ngày càng có vị trí trong đời sống cộng đồng. Mối quan hệ cộng cảm của những người cùng huyết thống luôn được coi trọng và đề cao, do vậy, khi một thành viên trong gia đình tham gia chống lại triều đình, thì hình phạt “tru di tam tộc” sẽ liên đới tới các thành viên trong gia đình, “giấy rách phải giữ lấy lề”là chiến lược ứng xử trong các gia đình người Việt xưa. Nhưng một khi vì một lý do nào đó phải ly  hương sống xa những người anh em thân thiết, thì “vắng anh em xa, mua láng giềng gần”, “tối lửa tắt đèn có  nhau”. Trong mối quan hệ gia đình là rất gần gũi, rất thân thiết “anh em như thể chân tay”, “chị ngã em nâng”, quan hệ giữa các thành viên trong gia đình là không đổi, nhưng khi phải sống xa cộng đồng (những người thân), thì việc những người sống xa quê lựa chọn cách ứng xử như vậy không chỉ phù hợp với đạo lý của người Việt, mà còn tạo nên hòa khí để người nông dân vượt qua những khó khăn trong buổi đầu lập nghiệp.
Trong đời sống hàng ngày, chúng ta cũng thường gặp những câu ca dao đầy triết lý “một con ngựa  đau cả tàu bỏ cỏ”, giàu hình tượng nói về sự tương thân, tương ái “lá lành đùm lá rách”, nói về sức mạnh đoàn kết “một cây làm chẳng nên non, Ba  cây chụm lại nên hòn núi cao” hay một cung cách ứng xử “năm bỏ làm ba, chín bỏ làm mười” Ca dao tục ngữ là những ghi nhận của cộng đồng về một vấn đề nào đó để ghi nhận một sự kiện gì, nhưng quan trọng nhất là giáo dục con người sống sao cho  phải đạo. Ca dao tục ngữ còn là sáng tạo của nhân dân (của tập thể) là tấm gương phản chiếu đời sống xã hội và ra đời rất sớm. Vì vậy, những câu ca dao tục ngữ phản ánh các hiện tượng xã hội, văn hóa của đời  sống cộng đồng cũng ra đời rất sớm, nó trở thành tài sản của cả cộng đồng. Có thể khẳng định rằng, trong đời sống của người Việt từ lâu đã có một nền văn hóa nhường nhịn và khoan dung. Văn hóa nhường nhịn và khoan dung đã góp phần làm phong phú văn hóa Việt Nam đồng thời góp phần làm dịu và giải quyết các mâu thuẫn,  xích lại gần nhau, đoàn kết tạo nên sức mạnh để dân tộc Việt Nam  chiến thắng kẻ thù xâm lược và chiến thắng  đói nghèo. 
Tuy nhiên, văn hóa của một cộng đồng (của một tộc người) không phải là bất biến mà luôn thay đổi cùng thời gian. Những nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi văn hóa của một cộng đồng (một tộc người) là  do những thay đổi của điều kiện tự nhiên và môi trường xã hội. Văn hóa người Việt là thống nhất trong đa dạng phát triển. Các nghiên cứu về văn hóa Việt Nam cho thấy có sự khác biệt giữa văn hóa người Việt ở đồng bằng sông Hồng. Sự khác biệt được thể hiện  qua hình thức  mà chúng ta quan sát thấy, còn bản chất của các hiện tượng văn nhóa không có những khác biệt,  Chẳnng hạn như quan hệ dòng họ của người Việt là mối quan hệ thân tộc. Khi ở Nam Bộ mối quan hệ thân tộc vẫn duy trì, nhưng. do có nhiều đợt người Việt di cư vào Nam Bộ, nên dễ nhận thấy mối quan hệ dòng họ có  phần lỏng  lẻo hơn so với sự cố kết cộng đồng tại các làng miền Bắc.
Chúng ta cũng nhận thấy một thực tế là không có một nền văn hóa nào lại không có những thay đổi theo thời gian..Có những thành tố văn hóa ở giai đoạn này là mục tiêu mà cả xã hội hướng tới, nhưng ở giai đoạn sau lại là trở lực của sự phát triển. Đã có một giai đoạn dài Nho giáo có vai trò rất lớn đối với  đời sống xã hội Việt Nam, nhưng những tư tưởng quan dạng, trọng nam khinh nữ trong xã hội hiện nay lại không còn phù hợp. Mà một khi Nho giáo không còn giữ vị trí độc tôn chi phối đến đời sống xã hội, thì cũng là  lúc Nho giáo mất dần vai trò trong xã hội.  
Trong bối cảnh hiện nay, khi giao lưu văn hóa và hội nhập và phát triển như là một xu hướng của tất cả các cộng đồng (các tộc người) vì không có một cộng đồng (một tộc người) nào lại muốn tụt hậu trong dòng chảy chung. Đất nước mở cửa, cùng một lúc chúng ta tiếp nhận nhiều luồng văn hóa phù hợp với đất nước ta và có nhiều khi còn có cả các yếu tố văn hóa không phù hợp (độc hại). Trong đời sống xã hội bộc lộ  nhiều hạn chế trong mối quan hệ giữa con người với con người. Những tin tức về các vụ án giết người,, những vụ bạo hành trong gia đình, các mối quan hệ tốt đẹp trước đây bị chi phối  bởi quyền lực và đồng tiền. Những người hàng xóm vẫn sống với tinh làng nghĩa xóm, tối lửa tắt đèn có nhau, nhưng chỉ một mâu thuẫn nhỏ có thể dẫn đến án mạng
3. Xây dựng  văn hóa  khoan dung và nhường nhịn
Tuy nhiên, trong xã hội Việt Nam hiện đại, tính nhân bản, lòng vị tha vẫn là nét chủ đạo. Những tin tức về xã hội; bên cạnh những tin tức không vui, thì chúng ta cũng thấy có những tin làm nức lòng mọi người. Các tổ chức, các cá nhân cùng góp sức góp công vào thực hiện một hết sức có ý nghĩa- xóa đói giảm nghèo. Từ một nước thiếu lương thực, thu nhập trung bình thập, Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, vượt khỏi nước nghèo. Rồi phong trào hiến máu nhân đạo, được sự  hưởng ứng của đông đảo các tầng lớp nhân dân, nhất là thanh niên. Có người đã thực hiện hiến máu hàng chục lần; có người vượt hơn 200 km để hiến máu. Những tin tức đó thể hiện sự sẻ chia của cả cộng đồng, làm ấm lòng nhiều người.
Trong cuộc sống hàng ngày, bên cạnh những tin vui tốt lành thì chúng ta cũng thấy có những tin phản ánh về sự xô bồ trong các lễ hội (chen lấn để nhận ấn ở đền Trân, cướp Phết ở Phú Thọ), không nhường nhịn khi tham gia giáo thông…Sở dĩ vẫn còn những cảnh đó là  vì chúng ta vẫn còn đó những suy nghĩ và ứng xử theo cách cũ. Chúng ta chen lấn trong các lễ hội vì chúng ta cho rằng “trâu chậm uống nước đục”còn đó những hiện tượng bon chen, vì vẫn còn đó suy nghĩ “con gà tức nhau tiếng gáy” Do cách suy nghĩ như vậy của một số người, nên  nhiều khi đứng trước một sự việc  rất đơn gỉan cũng có thể dẫn đến xung đột, án mạng.
Việt Nam là dân tộc không cố chấp, mà rất khoan dung. Hàng ngàn năm dưới ách đô hộ của kẻ thù phương Bắc, họ tìm mọi cách để khuất phục dân tộc ta., nhưng khi họ bại trận, người Việt Nam giúp họ về nước một cách an toàn. Đối diện với kẻ thù, người Việt Nam quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, chiến đấu đến hơi thởi cuối cùng, còn cái lai quần cũng đánh, nhưng cũng rất khoan dung. Trong những năm chiến tranh chống Mỹ, binh lính Hàn Quốc đã trực tiếp  tham chiến và gây nhiều tang tóc, đau thương cho nhân dân ta, chúng ta từng thề không đội trời chung với quân đội Hàn Quốc, được thể hiện là các chiến sỹ ra trận đều đội khăn tang để tưởng nhớ những đồng bào vô tội bị lính Hàn Quốc sát hại. Nhưng cách nay mấy ngày có những công dân Hàn Quốc gồm các thành phần tổ chức xã hội đã có chuyến trở lại tỉnh Quảng Nam, nơi mà trong những năm 1968-1971, lính Hàn Quốc đã sát hại đồng bào một cách tàn bạo. Mặc dù những người Hàn Quốc này không liên quan gì với lính Hàn Quốc, nhưng họ vẫn mang một thái độ e ngại. Nhưng những người dân Quảng Nam nơi đây với thái độ vị tha đã không kỳ thị, mà còn nêu khảu hiệu “Hãy trở lại, chúng tôi đã tha thứ”. Chỉ có những dân tộc cao thượng với lòng vị tha, khoan dung mới có cách ứng xử như thế.
Ở đây cần phải phân định một thái độ rõ ràng trong nhận diện bạn-thù.. Khi kẻ thù  dùng bất kỳ một hình thức nào xâm phạm  đến sự toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích quốc gia-dân tộc, thỉ cả dân tộc Việt Nam sẽ kết lại thành một khối thống nhất chiến đấu vì sự tồn vong của dân tộc. Cách nay đúng 30 năm những chiến sỹ Hải quân nhân dân đã chiến đấu không sợ hy sinh để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam. Trong trận chiến không cân sức 64 chiến sỹ Hải quan đã hy sinh, máu của họ đã hòa vào biển cả, nhưng tinh thần hy sinh cao cả đó mãi là nguồn động viên các thế hệ người Việt trong công cuộc bảo vệ chủ quyền đất nước.
Nhân dân Quảng Nam ứng xử rất văn hóa với những người Hàn Quốc, khi họ đến vùng đất này, vào dịp 50 năm ngày xảy ra vụ thảm sát dã man tại quê hương. Những người dân nơi đây vẫn ghi lòng tạc dạ nỗi đau để  truyền lại cho các thế hệ người. Qua cách ứng xử của người dân Quảng Nam cho thấy một tinh thần khép lại quá khứ hướng tới tương lai. Một sự kiện đã xảy ra cách nay 50 năm, làm đau lòng bao người Việt, nhưng vì tương lai còn tìm một lời giải, thì mọi việc khác của đời sống đều có thể giải quyết con đường hòa giải.
4. Kết luận
Dân tộc Việt Nam đã có một nền văn hóa thể hiện một tinh thần khoan dung và nhường nhịn. Nhờ nền văn hóa đó dân tộc ta đã huy động được các nguồn lực tại các cộng đồng để có sức mạnh chống kẻ thù xâm lược. Dân tộc ta có sức mạnh là vì chúng ta biết đoàn kết. Đã đến lúc cả cộng đồng chung tay xây dựng một nền văn  hoá khoan dung và nhường nhịn trong bối cảnh mới. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập và phát triển cùng một lúc chúng ta phải tiếp nhận và ứng xử với các giá trị văn hóa, đòi hỏi chúng ta phải khoan dung và nhường nhịn;, một thái độ đúng mức sẽ giúp chúng ta tỉnh táo trong xử.. Muốn vậy mỗi chúng ta bằng hành động khoan dung và nhường nhịn góp phần làm nên nét văn hóa của Việt Nam./.
GS.TS Ngô Văn Lệ, bài viết dành cho Hội thảo TRUYỀN THỐNG VIỆT NAM, VĂN HÓA VIỆT NAM VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ THỰC TIỄN ĐẶT RA YÊU CẦU XÂY DỰNG XÃ HỘI NHƯỜNG NHỊN Ở VIỆT NAM HIỆN NAY

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét