Bài đăng nổi bật

Việt Nam nhìn từ Chủ thuyết phát triển

Thứ Sáu, 20 tháng 7, 2018

Các loại biểu hiện của nhường nhịn - loại hình nhường nhịn



1- Các biểu hiện của nhường nhịn
1) Nhường nhịn trong phạm vi điều chỉnh bởi các điều luật, các quy định.
Khi đề cập đến khía cạnh luật pháp với sự nhường nhịn, nhiều ý kiến cho rằng đã có hành vi vi phạm pháp luật thì cần phải điểu chỉnh bằng pháp luật, không thể kêu gọi sự nhường nhịn. Tuy nhiên, luật pháp cũng như lực lượng công quyền không thể với tay đến hết mọi hoạt động hàng ngày của con người. Ví dụ, đám đông đánh chết người trộm chó; biểu tình đập phá cơ sở vật chất, vượt đèn đỏ, leo lề lấn vạch... xét về luật pháp họ đã vi phạm Luật Hình sự, Luật Giao thông đường bộ, nhưng cơ quan công quyền chỉ có thể bắt và xử lý được một vài cá nhân trong số đó, thậm chí có những vụ việc không thể xử lý được bất cứ  một cá nhân nào bởi đám đông khó xác định. Luật pháp không có chỗ trong một đám đông hỗn loạn mạnh ai nấy đánh, mạnh ai nấy chạy. Cho nên, xây dựng một tổng thể xã hội nhường nhịn là kêu gọi bản tính người, sự tự ý thức, kêu gọi sự kiềm chế, kêu gọi sự bao dung, độ lượng trong mỗi con người ở những đám đông ấy, từ đó hạn chế được những hậu quả đáng tiếc.
Đối với những trường hợp cần đến sự can thiệp của luật pháp, vẫn có những quy định khoan hồng, tình tiết giảm nhẹ. Đó cũng là một khía cạnh của sự nhường nhịn. Và ở chừng mực nào đó xét trên mọi mặt quan hệ đời sống, danh dự, nhân phẩm, tình người và tương lai có thể có nhiều hy vọng hơn cho đối tượng lệch chuẩn đó thì người bị hại và xã hội có thể sẽ không đòi hỏi hình phạt cao nhất. Bởi nhường nhịn là không làm tận, làm tuyệt, dồn người khác vào con đường cùng mà cho họ cơ hội nhận ra sai lầm của bản thân để sống tốt hơn khi có cơ hội.
2) Nhường nhịn tự nguyện trong phạm trù truyền thống, đạo đức
Sự nhường nhịn diễn ra trong các quan hệ thường ngày ở gia đình, công sở. Sự nhường nhịn này tuân theo sự quy định bất thành văn từ truyền thống để lại, từ giá trị đạo đức quy định, từ quan niệm theo lẽ thường. Ví dụ: trẻ không hỗn mà kính già, con cháu không hỗn mà kính bố mẹ ông bà - kính trên, nhường dưới; nơi công cộng phải nhường người già, trẻ nhỏ, phụ nữ có thai, người tàn tật...
Sự nhường nhịn kiểu này diễn ra trong một trật tự, tự nguyện và thường được giám sát bởi dư luận, bởi chuẩn mực đạo đức xã hội.
3) Nhường nhịn tích cực
Nhường nhịn tích cực thể hiện khi chúng ta sẵn sàng chia sẻ lợi ích của mình cho người khác; bao dung, độ lượng với người khác, khi họ có lỗi lầm, mong muốn điều tốt đẹp cho tất cả mọi người, tránh những xung đột không đáng có; không làm tận, làm tuyệt, đưa người khác vào bước đường cùng.
Mục đích của nhường nhịn này là cảnh tỉnh, giúp đối thủ nhận ra lỗi lầm để sửa chữa và cũng để cả hai bên tự định vị được bản thân và thực sự lớn lên sau sự việc thiếu nhường nhịn đã diễn ra cùng sống tốt đẹp hơn.
Sự nhường này diễn ra trong những giới hạn nhất định, con người chỉ chấp nhận nhường nhịn để cả hai bên cũng lớn lên, cùng nhìn nhận lại những hành vi thiếu nhường nhịn của mình để sửa chữa. Khi một bên không tự nhìn nhận lại, vẫn lặp lại sai lầm, thì sự nhường nhịn lúc đó sẽ không còn, thay vào đó là sự công bằng, theo đó pháp luật sẽ phải được thiết lập.
4) Nhường nhịn tiêu cực
Nhường nhịn này thể hiện qua sự nhẫn nhục, vì sự an toàn cho cá nhân mà chấp nhận nhường, chấp nhận thua thiệt hoàn toàn. Ví dụ, bản thân xứng đáng giữ vị trí lãnh đạo nào đó có thể giúp cho phát triển hơn, nhưng trước sự tranh giành của người khác lại sẵn sàng nhường vị trí đó và kết quả là người được nhường có thể gây hại cho cá nhân khác và tập thể, kìm hãm sự phát triển.
Nhường nhịn tiêu cực thể hiện qua cách sống vo tròn, co lại, cố thủ, an toàn... của mỗi cá nhân. Sự nhường nhịn này luôn dẫn đến sự thiệt thòi cho một phía. Nhường nhịn trước cái ác, cái xấu chỉ sẽ làm cho xã hội rối loạn hơn. Nhường nhịn mà thiếu tinh thần cạnh tranh để vươn lên thì chỉ khiến cho xã hội ngày càng tụt hậu.

2- Một số cặp loại hình nhường nhịn
1) Nhường nhịn có điều kiện hoặc/và Nhường nhịn vô điều kiện;
2) Nhường nhịn một phần hoặc/và Nhường nhịn hoàn toàn;
3) Nhường nhịn tạm thời hoặc/và Nhường nhịn lâu dài;
4) Nhường nhịn chủ động, tự nguyện hoặc/và Nhường nhịn thụ động, bị ép buộc;
5) Nhường nhịn công khai, minh bạch hoặc/và Nhường nhịn kín đạo, che đậy;
6) Nhường nhịn trong đối nội hoặc/và Nhường nhịn trong đối ngoại.
(P/s: Cũng cần thời gian để nghiên cứu kỹ về các cặp loại hình nhường nhịn này)



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét