Bài đăng nổi bật

Việt Nam nhìn từ Chủ thuyết phát triển

Thứ Hai, 10 tháng 9, 2018

"Tiếng Việt", "Giáo dục" - Nhìn từ đâu?





Gần tháng nay, trên facebook tràn ngập các tranh luận về việc Cải Cách Tiếng Việt; Tiếng Việt Cải Cách; Công Nghệ Giáo Dục.

Mở face là đập vào mắt hai luồng ý kiến: hoặc ủng hộ GS Hồ Ngọc Đại hoặc phản đối, chửi rủa, kèm thêm cả PGS Bùi Hiền. Và điều rõ ràng nhìn thấy phe phản đối là đa số, bao gồm cả các học giả và tầng lớp bình dân; trong khi phe ủng hộ chỉ một số ít học giả và một số rất ít các ông bố/bà mẹ bỉm sữa có con đã qua thử nghiệm giáo dục. (P/s: Đa số hay thiểu số cụ thể là bao nhiêu thì tiếc rằng không thể làm được một cuộc trưng cầu dân ý hay thăm dò dư luận để có thể có định lượng bằng con số nên đành "phán" theo cảm tính vậy).

Mình thì vốn không giỏi về khoa học ngôn ngữ nên đành "tựa cột" nghe thiên hạ bàn, không dám tham gia vì sợ bị "ăn chửi".

Bởi vậy Ai đúng, Ai sai? Ai vì tiếng Việt giàu đẹp? Ai cố tình chỉ vì lợi ích cá nhân mà phá đám/phá hoại? mình cũng chưa đủ trình để phán xét.

Chỉ việc duy nhất mình hiểu tại sao việc cải tiến tiếng Việt lại bị cộng đồng "ném đá" không thương tiếc như vậy.
Giáo dục lâu nay đang bị chỉ trích là quản lý yếu kém, nhiều tiêu cực xảy ra, giáo dục thiếu triết lý căn bản. Mà mạnh miệng ra có thể nói đó là sự yếu kém của toàn bộ hệ thống giáo dục.
Trong giáo dục xã hội đang vừa sôi sục lên vì những vấn nạn như: bạo lực học đường (bạo lực hay ứng xử thiếu kiềm chế giữa thầy cô với trò, giữa phụ huynh với thầy cô, giữa trò với trò); chạy trường, chạy điểm (điển hình là ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình kỳ thi PTTH vừa qua); rồi tiền đóng học đầu năm cao ngất ngưỡng ngoài sức chịu đựng của không ít phụ huynh.v.v... Các vấn nạn này đang chờ đợi xử lý, chờ đợi câu trả lời.
Vậy mà các quan chức giáo dục và những người liên quan lại đưa việc cải tiến tiếng Việt ra để trêu ngươi - "chọc vào cái đang yên đang lành" (được cho là "giàu đẹp"). Vì vậy, cải tiến đúng đâu, hay đâu chưa biết, nhưng không bị "ném đá" cho bằng chết mới là lạ.

Theo dõi face, lắng nghe, cố gắng hiểu rồi mình cũng đọc được bài viết trên facebook của Nguyễn Huy Cường dẫn lại của Bác sỹ Lê Bá Vận, Cựu Hiệu trưởng trường Đại học Y khoa Huế.
Xin được đưa lên tường nhà mình!
Đọc xong bài này, mình tin là mọi người sẽ hiểu cần làm gì tiếp theo!

HÃY NGỒI LẠI, ĐỌC, SUY NGẪM ĐỂ MẠNH HƠN
(tiêu đề do Nguyễn Huy Cường đặt)

Đơn giản hóa, là trở thành nghèo hơn. Một ngôn ngữ giàu và đẹp chính nhờ nó phức tạp.
(To simplify, is to become poorer. A language is rich and beautiful precisely because it is complex)
Chữ quốc ngữ được ký tự theo bảng chữ cái Latin.

I) Bảng Chữ Cái Latin.
Bảng chữ cái (alphabet) Latin gồm 26 chữ cái: abcde...vwxyz được đa số rộng rãi nhiều nước sử dụng như Anh/Mỹ, Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha, Bồ...
Mỗi chữ cái là ký tự của một âm vị (đơn vị âm, phoneme), abcde...vwxyz.
Điều xảo diệu của bảng chữ cái Latin là với một số lượng chữ cái giới hạn, đã tập hợp chúng hợp lý để tạo ra nhiều âm vị hơn, đáp ứng nhu cầu mỗi ngôn ngữ.
Ví dụ tiếng Anh có các ký tự kép: “br, ch, cr, dr, sch, fr, gl, gr, kr ... pl, phr, ps, sp, str, sw, tw, wh”, phong phú, mỹ quan, hoặc nguyên âm đôi như là “oo” đọc là “u” (moon=trăng)...

II) Phát Âm và Chính Tả.
Chính tả là cách viết chữ được coi là đúng, chuẩn.
Chính tả hoàn hảo là bám sát phát âm; viết đọc dễ dàng nhờ các qui định cụ thể.
Tuy nhiên có 2 điều khiến chính tả không thể luôn bám sát phát âm để được toàn hảo.

1)Phương âm.
Người miền Bắc phát âm là “Lê Văn Chương” để chỉ nhà văn Lê Văn Trương.
Người miền Trung và Nam phát âm là “Tiếng quâng ca” để chỉ bài Tiến quân ca,

2)Đồng âm.
Người Việt phát âm “dày” nhưng viết có thể là dày (mỏng) hoặc giày (dép).
Người Anh: “see” (thấy) và “sea” (biển) đều đọc là “xi”.
Người Pháp thì “je” (tôi) và “jeu” (trò chơi) đọc là “jơ”, giống nhau.
Trong tiếng Anh và Pháp 2 phụ âm f và ph đều phát âm tương tự (for, phone).
Tiếng Trung
立栗厉例荔历沥利力痢đều đọc là “lì” (lập, lật, lệ, lệ, lệ, lịch, lịch, lợi, lực, lỵ”).

III) Các Nguyên Tắc Về Cải Tiến.
1) Hòa đồng với phát âm chung của đại gia đình sử dụng bảng chữ cái Latin.
Tránh sửa
đổi phát âm các chữ cái tiếng Việt thành riêng biệt, lạc lõng.

2) Tiện dụng in ấn và bàn phím. Các chữ cái “đ ă â ê ô ơ ư” bất tiện, nên thay đổi.
Tuy nhiên hiện tại là thời đại của máy điện toán computer, có những phần mềm giúp gõ tiếng Việt dễ dàng (vd. Unicode) nên các chữ cái nói trên không còn là trở ngại.

3) Phong phú hóa, phân biệt, thay vì bần hóa, đánh đồng, gộp chung.
Chính tả phải phân biệt các dấu thanh hỏi/ngã, các phụ âm “d/gi/r, s/x, tr/ch” ở đâu từ, “n/ng, n/nh, t/c” ở cuối từ...

4) Không Dùng Phương Ngữ. Ở Việt Nam không có phương ngữ nào có số đông áp đảo về số người sử dụng để có thể chọn làm phương ngữ chuẩn cho chính tả.

IV) Tiến Trình Cải Tiến.
Chữ quốc ngữ đã được hình thành từ đầu thế kỷ 17, trưởng thành từ giữa thế kỷ 19.
Gia Định báo (
嘉定報) được cho là tờ báo đầu tiên bằng tiếng Việt mới (chữ Quốc ngữ)[a], được ra mắt vào ngày 15 tháng 4 năm 1865 tại Sài Gòn.[b][2] (1865 -1910)
Ngày 22 tháng 2 năm 1869 Phó Đề đốc Marie Gustave Hector Ohier ký nghị định bắt buộc dùng
chữ Quốc ngữ tha
y thế chữ Nho trong các công văn ở Nam Kỳ.[37]
Nghị định số 82 ngày 6/4/1878 của Thống đốc Nam Kỳ Lafont, đại lược như sau:
“Kể từ mồng một tháng giêng năm 1882 , tất cả văn kiện chánh thức, nghị định, quyết định, lịnh, án tòa, chỉ thị … sẽ viết, ký tên và công bố bằng chữ quốc ngữ; nhân viên nào không thể viết thơ từ bằng chữ quốc ngữ, sẽ không được bổ nhậm và thăng thưởng trong ngạch phủ, huyện và tổng”[23].
Chính tả chữ quốc ngữ thời đó xem ra đã được hoàn chỉnh, giống chính tả hiện tại.
+ Một số đề xuất cải tiến chữ viết.

1) Thế Kỷ 20
- Đầu thế kỷ XX, tại Hội nghị Quốc tế khảo cứu về Viễn Đông, đã có người đề xuất phương án thay một số con chữ như K thay cho C, Q; Z thay cho Đ, J thay cho GI.
- Quãng năm 1919, một số học giả như Dương Tự Nguyên, Nguyễn Văn Vĩnh cũng có các đề xuất cải tiến, chẳng hạn viết AA thay cho Â, EE thay cho Ê.
- Năm 1949, nhà ngôn ngữ học Nguyễn Bạt Tụy đề nghị thay đổi hệ thống chữ Quốc ngữ, thêm một số ký tự mới (Chữ và văn Việt khoa học). (1)
- Năm 1960, Gs Hoàng Phê đưa ra đề án đề xuất bỏ H trong GH, NGH; dùng F thay PH, dùng D thay Đ thay Y trong I trong hầu hết các từ trừ AY, ÂY, thêm W, vd. Qui thì viết là Kwi.
- Quyết định của bộ GD năm 1984 trong đó có qui định cách dùng " i và y " .

2) Thế Kỷ 21-
"Bài viết về cải tiến chữ quốc ngữ" của PGS TS Bùi Hiền được Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) cấp chứng nhận đăng ký bản quyền tác giả ngày 29/12/2017.
Điều đáng quí là Gs Bùi Hiền cho hay ông đã mất 40 năm nghiên cứu công trình khoa học này.
Công trình của ông dựa trên 2 nguyên tắc:

2.1- Dùng giọng Hà Nội là giọng chuẩn phát âm tiếng Việt.
Đặc trưng của giọng Hà Nội là phát âm tôn trọng 2 dấu thanh hỏi, ngã đồng thời không phân biệt các phụ âm s và x; ch và tr; d, gi và r.

2.2- Tối giản bảng chữ cái tiếng Việt.
Hợp lý hóa tuyệt đối chính tả.
Mỗi chữ cái chỉ biểu đạt một âm vị và mỗi âm vị chỉ có một chữ cái biểu đạt.
Hệ luận là tiếng Việt sẽ vắng bóng các phụ âm kép: ch, gh, gi, kh, ng, ngh, nh, ph, th, tr.
Số phụ âm đơn cần dùng để thay thế được tùy tiện lấy nguồn từ:
- các phụ âm dự trữ: f j w z.
-các phụ âm thặng dư do nhập âm: c/k/q đều đọc là “k” nên dư ra “c,q”.
- các phụ âm thặng dư nhờ dùng giọng Hà nội: s/x đều đọc là “s” nên dư ra phụ âm “x”, “ch/tr” đọc tương tự được thay bởi “c”; “d/gi/r” đọc giống nhau, được thay bởi “z”.
-thêm ký tự mới: n’ để thay thế nh. Bỏ chữ cái đ, thay thế bởi “d”.
Kết quả thu hoạch: c=ch,tr; g=g,gh; z=gi,d,r; x=kh; q=ng,ngh; n’=nh, f=ph; w=th. (1)
Ts Bùi Hiển cho rằng chữ quốc ngữ cải tiến của ông loại được các điểm bất hợp lý trong chính tả, đơn giản, dễ học, tiết kiệm công sức, tiền bạc khiến chi phí in ấn rút lại chỉ còn 80%.
Ví dụ: Tiếq Việt là qôn qữ cín’ wứk zùq coq n’à cườq và kơ sở záo zụk xák.
Tiếng Việt là ngôn ngữ chính thức dùng trong nhà trường và cơ sở giáo dục khác.

+ Lời Bàn: Đề xuất của Ts Bùi Hiển đối với các nguyên tắc cải tiến.

1)Tác giả sửa đổi âm vị các chữ cái, x w q... rất khác lạ, vi phạm điều 1.
Chữ “xák”, chúng ta có khuynh hướng đọc là “xác” song nay đọc là “khác”.
Chữ “coq” đáng đọc là “cóc” thì lại đọc là “trong”, sự đảo lộn là toàn vẹn.
Chính tả các nước Anh/Mỹ, Pháp, Đức, Ý.. có hàng chục ký tự ghép, br, ch, pr, sch, sw...
Giá các nước đó cũng có một học giả tài ba giúp thanh lý các điểm phi lý trong chính tả, tồn tại đã quá lâu, trải nhiều thế kỷ!
Tuy vậy, như tiếng Anh từ “straight” có 6 ký tự phụ âm mà họ lại thấy là đẹp và cố giữ.
Người Anh viết “straight=thẳng” vì họ có tư duy phân biệt, với từ đồng âm “strait=eo biển”.
Chúng ta thì từ “thẳng” cũng có các ký tự kép “th” và “ng” đẹp chẳng kém, nếu ta không viết sửa lại “thẳng=wẳq”, ngỡ phải đọc là “oắc”, cụt lủn.

2)Thêm ký tự n’ vào bảng chữ cái vì “nh” bị gạt bỏ. Các ký tự “f w x z” không dùng nhiều ở tiếng nước ngoài thì không ngờ nay được dùng thường xuyên ở tiếng Việt cải tiến của Ts Bùi Hiển vì thay thế cho “ph th kh, gi/d” năng xẩy; riêng w x thì thay đổi hoàn toàn âm vị.

3)Thiếu ý thức về sự tương quan giữa các từ đồng âm hoặc đồng chính tả
Học hỏi từ 2 ngoại ngữ Anh, Pháp sử dụng bảng chữ cái Latin cho thấy những điều lý thú:
--Đồng âm không bắt buộc đồng chính tả (đọc giống, viết khác):
Pháp: ci, scie, si, s’y (đây, lưỡi cưa, nếu, đấy) đều đọc “xi”.
Anh: to, too, two (đến, quá, 2) đều đọc “tu”. Sew, so, sow (may, vậy, gieo) đều đọc “xơu”.
-- Đồng chính tả không bắt buộc đồng âm (viết giống, đọc khác):
Anh: tear (nước mắt) đọc là “tir”, tear (xé) đọc là “ter”.
Close (gần) đọc “clos”, close (đóng) đọc “cloz”.
Người Pháp và Anh có lý do để tự hào về sự phân biệt, phong phú và đa dạng này.
Tiếng Việt thì “quốc” và “quấc” đồng nghĩa, viết khác, đọc giống.
Có lẽ chúng ta nên viết “cau có, quả cău”, “tâ, tôi tớ”, “khóe mắt vả mánh khúe...”
Áp đặt nguyên tắc “mỗi chữ cái chỉ biểu đạt một âm vị và mỗi âm vị chỉ có một chữ cái biểu đạt”là gượng ép, thậm chí bất khả thi toàn vẹn (nếu số ký tự kép nhiều hàng chục).
“Tăng đa chúc thiểu”, sư nhiều cháo ít, mỗi ngôn ngữ đều có số lượng âm vị nhiều gấp bội số ký tự (chữ cái). Giải pháp ghép hai, ba ký tự để biểu đạt một âm vị là hợp lý, tài tình, đẹp mắt, là một tiến bộ mầu nhiệm to lớn được toàn thể cộng đồng chấp thuận, không cứ khư khư đòi hỏi tư duy “một ký tự, một âm vị”, hạn hẹp, chậm tiến, lạc hậu, đi ngược trào lưu chung.
Tiếng Việt chỉ có một số ít ký tự kép mà đã phải dùng w=th, x=kh, q=ngh... là vơ quàng, rất mất tự nhiên, tưởng như chữ viết, tiếng nói của một bộ lạc dân tộc thiểu số. .
Không còn các ký tự kép: ch, kh, tr... chúng ta như đánh mất một di sản văn hóa quí báu.

4)Sử dụng giọng Hà Nội hoặc giọng Bắc làm phát âm chuẩn để viết chính tả mặc dù giọng Bắc không có đa số áp đảo người nói là vi phạm điều 4.
Người Huề, Sài Gòn nói “lũy tre, sa tràng”, phát âm đúng, chuẩn.
Người Hà Nội nói “lũy che, xa chàng” là lỗi rất nặng về phát âm, gây lẫn lộn, song nếu không nhờ vậy thì giọng Hà Nội đâu còn trang trọng, quí phái!
Cũng cần phân biệt “d,gi, r”.
“Gi” phát âm bật lưỡi mạnh hơn “d”, vd: “ối giời ôi! “r” bật lưỡi nhẹ như “d”, vd: “ngoài ra/da”.
Người miền Trung và Nam phát âm “d” là “d” và “r” thì như “j”, rất khác biệt.
Lợi điểm về kinh tế được Gs Bùi Hiển cho là rất to lớn song các chi phí để sửa đổi các tài liệu, văn kiện cũ là khổng lồ.
Quan trọng hơn là sau cắt xẻ các nơi dư thừa, chữ quốc ngữ trông khẳng khiu, xương xẩu.
Chính tả trở nên nghèo và gây nhầm lẫn.
“Giày đế dày” thì nay viết: “Zày dế zày”, “xổ số” thì nay viết “sổ số”...
Hiện tại chúng ta đánh vần ”ca că câ” song không có “ce cê ci”, đổi là “ke kê ki”.
Sự phân biệt này là có cơ sở. Trong tiếng Pháp, Anh đại diện cho bảng chữ cái Latin, “c” đứng trước “a,o,u” đọc như “k” vd: car (xe), cut (cắt), và đứng trước “e,i” thì đọc như “x” vd: cent (xu), city (thành phố).
Chúng ta hiện viết “cua, qua” phân biệt. Gs Bùi Hiển dùng “k” thay thế “c,k,q”, sẽ viết “kua” chung cho “cua” và “qua”. “Xe qua cua” viết là “se kua kua”.
“Toàn kuốc” là “toàn cuốc” hoặc “toàn quốc”. 

Từ thế kỷ 20 tuy chữ quốc ngữ đã hoàn chỉnh song các ý kiến cải tiến vẫn được đưa ra.
-Đề xuất hiện diện thường xuyên là ký tự “đ” nên loại bỏ, lấy “d” thay thế để phù hợp với bảng ký tự Latin và bàn phím. Điều này xem ra bức thiết và hữu lý, song hiện tại thì không cần thiết vì đã có các phần mềm Unicode gõ tiếng Việt.
Nếu vẫn muốn loại bỏ “đ” thì có thể thay thế bằng “d” hoặc bằng phụ âm kép ”dt”. Ví dụ “đông du” thì viết “dông zu” hoặc “dtông du”.
-Đề xuất gây tai hại nhất là loại bỏ các ký tự ghép nhân danh mỗi âm vị chỉ một chữ cái.

Chữ quốc ngữ đang có nhiều ưu điểm:

1)Hòa đồng tốt với phát âm của bảng chữ cái Latin.

2)Chính tả bám sát tốt phát âm. Mỗi ký tự đơn hoặc kép nói chung tương ứng với 1 âm vị.
Tiếng Pháp thì “t” và “th” đều đọc là “t”, (thé=trà), tiếng Anh thì “th” đọc là “d’ (they=chúng) hoặc là “th” (think=nghĩ). Cả tiếng Anh lẫn tiếng Pháp “f” và “ph” phát âm tương tự.

3)Các nguyên âm đôi có thể đánh vần để phát âm.
Vd: tiếng Việt “a+i” đọc thành “ai” trong khi tiếng Pháp qui định đọc là “e” (mai=tháng năm), “o+i” tiếng Việt đánh vần đọc là “oi”, rất hợp lý, tiếnp Pháp “o+i” qui định đọc là “oa” (moi=tôi). Tiếng Anh “ee” qui định đọc là “i” (meet=gặp), “oo” đọc là “u” (foot=chân).
Nếu nói chính tả bất hợp lý thì chữ quốc ngữ so với tiếng Pháp, nhất là tiếng Anh là kém xa. Nhưng người ta không sửa đổi vì đó là gia tài tinh hoa văn hóa mà họ hãnh diện.
Ở Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, phương án giản hoá chữ Hán lần thứ hai (để tiếp tục giản hóa các chữ Hán phồn thể), được ban hành vào ngày 20 tháng 12 năm 1977 nhưng đã thất bại.
Sau khi vấp phải sự lộn xộn và phản đối rộng rãi, vòng hai của phương án giản hoá đã được Quốc vụ viện Trung Quốc hủy bỏ vào ngày 24 tháng 6 năm 1986.
Chữ quốc ngữ của chúng ta hiện tại đã chuyển tải đầy đủ ý nghĩa của tiếng Việt, nên thật sự không cần lập dị cải tiến thay đổi, có chăng những bổ túc, điều chỉnh thận trọng, khéo quá hóa vụng.
Lê Bá Vận.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét