Bài đăng nổi bật

Việt Nam nhìn từ Chủ thuyết phát triển

Chủ Nhật, 8 tháng 7, 2018

HƠN NỬA CUỘC ĐỜI: Lời tự vấn sớm

                                      Có tổ chức đề nghị mình viết vài dòng về con đường nghiên cứu
                                  của cá nhân. Ừ thì viết ra một ít khi còn tỉnh kẻo sau này lẫn lại 
                                  ăn nói linh tinh!

1- Tuổi thơ và định mệnh nghiên cứu
Tuổi thơ tôi sinh ra và lớn lên ở vùng đất Hưng Nguyên (Nghệ An) đầy truyền thống...; tuổi thơ tôi cũng gắn liền với thời kỳ mà đất nước đang phải oằn mình hàn gắn vết thương chiến tranh và tìm kiếm lối ra cho nền kinh tế đang trên đà rơi vào đáy của khủng hoảng (1972-1989).
Sinh ra trong gia đình nông dân nhưng có ảnh hưởng khá nhiều di sản của tầng lớp trung nông thời kỳ phong kiến mà ông bà, tổ tiên để lại; nên trong ý thức của cá nhân vẫn muốn giữ gìn cái truyền thống của gia đình, và muốn vươn lên kế nghiệp truyền thống khoa bảng và di sản đồ nho của tổ tiên để lại.
Do vậy, những buổi đến trường, những khóa học của tuổi thơ mà cho đến nay vẫn mang đậm dấu ấn sự nghiêm túc, cầu thị. Trong 12 năm học phổ thông, không một buổi nghỉ học, không một lần thầy cô khiển trách vì không thuộc bài.
Thế nhưng, những năm 1989-1990, trong bối cảnh kinh tế cả nước rơi vào khủng hoảng trầm trọng; con đường đi vào đại học khi đó đã không còn là sự lựa chọn của học trò ở các vùng quê nghèo. Tốt nghiệp phổ thông tôi không tham gia dự thi vào đại học mà đi lên các vùng rừng núi Đakrông (Quảng Trị), A Lưới (Thừa Thiên - Huế), Quỳ Hợp, Quỳ Châu (Nghệ An) hay vào vùng Bà Rịa - Vũng Tàu để kiếm sống bằng nhiều nghề khác nhau. Dấu chân tôi đã in đậm trên những vùng đất đãi Vàng rừng thiêng nước độc Tà Rụt, A Lưới, vùng đất dữ Đá Đỏ Quỳ Hợp, Quỳ Châu, hay những đầm nuôi tôm vùng Xuyên Mộc, Vũng Tàu... Những trận sốt rét nơi rừng thiêng nước độc; những trận chiến kinh hoàng tranh giành lãnh địa khai thác vàng, đá đỏ vẫn in đậm trên thân thể cả dấu vết và tâm lý...
Nhưng rồi cuộc mưu sinh cũng chỉ để lại những sự trải nghiệm vô định, không nhìn thấy tương lai vốn luôn được định hình một mục tiêu vươn tới đang chảy trong huyết quản.
Giã từ sự thăng trầm từ đời sống thực tế với tương lai mịt mờ của những người lao động ở đáy cùng từng chia ngọt sẻ bùi; tôi trở về quê gia nhập Quân đội (1993) với ước nguyện sẽ phấn đấu đi học sĩ quan. Nhưng rồi cánh cửa vào các trường sĩ quan cũng không được mở ra cho cá nhân. Và lúc này mục tiêu vào đại học lại thôi thúc bản thân phải đạt để chứng minh bản thân và thỏa ước vọng có thể làm cái gì đó.
Mục tiêu vào Đại học Luật và Đại học Tổng hợp như là một nguồn động viên cho ý chí tự ôn luyện thi trong những ngày quân ngũ. Trong cái rủi có cái may, âu cũng là số phận. Ở vùng rừng núi Nghĩa Đàn (Nghệ An), mà cũng có hồ sơ giả đăng ký thi đại học, để rồi ước vọng làm luật sư không thành (hồ sơ giả đã không được gửi đến trường, quá hạn tuyển sinh không nhận hồ sơ bổ sung), nhưng lại như là số phận. Những ngày cuối cùng chuẩn bị thi đại học, Trường Đại học Sư phạm 1 Hà Nội và Đại học Tuyên Giáo (Học viện Báo chí và Tuyên truyền ngày nay) vẫn còn ưu ái nhận hồ sơ cuối cùng bởi ưu tiên cho "cháu bộ đội" từ rừng núi ra thi. Kết quả thi cả Khoa Tâm lý giáo dục (Đại học Sư phạm 1) và Khoa Xã hội học (Khóa đầu tiên, Đại học Tuyên giáo) đều trúng tuyển. Ngày nhận giấy báo từ các trường đại học cũng là những ngày không quên ở Đại đội 3 (C3, kho Quân khí 812). Việc ra quân khi chưa hết hạn nghĩa vụ quân sự là một sự gian nan, để rồi phải nhập học muộn hơn một tháng so với các bạn sinh viên khác.
Việc chọn ngành Xã hội học có lẽ là một sự chỉ định của số phận, từ cậu sinh viên Xã hội học (10/1994), Học viên cao học Xã hội học và rồi Nghiên cứu sinh Xã hội học (kết thúc tháng 8/2008), là một đường thẳng tiến vừa học vừa làm với niềm đam mê khoa học thực sự, niềm đam mê Xã hội học thực sự - Số phận đã cho tôi một lựa chọn đúng đắn từ ngày bước chân vào giảng đường đại học.
2- Những lựa chọn nghiên cứu như quy định cho số phận
Những tháng năm công tác ở Bộ Công an (1999-2009), run rủi có ông anh từ Công an Nghệ An ra tìm hiểu nghiên cứu bước đầu về Xung đột xã hội, mà thời điểm những năm 1999-2000 nhắc đến những từ xung đột xã hội, mâu thuẫn nội bộ, mâu thuẫn chính trị như là những điều tối kỵ. Hội thảo đầu tiên lý luận và thực tiễn về xung đột xã hội đã được đưa vào tổ chức tại trụ sở Bộ Công an 44 Yết Kiêu, và từ đó thuật ngữ Xung đột như một ma lực để tôi dốc toàn tâm toàn ý nghiên cứu cả lý luận và cả trên thực tiễn. Những vụ tranh chấp đất đai của người Khmer vùng Đồng bằng sông Cửu Long; những xung đột (bạo loạn) vì đất đai của đồng bào người Thượng vùng Tây Nguyên (2001 và 2004); những trận "rào làng chiến đấu" giữa dân với chính quyền cơ sở, những tranh chấp giữa dân với doanh nghiệp ở mảnh đất Hà Tây (cũ)... đều được mô tả, bình luận trong luận văn thạc sĩ và luận án tiến sĩ. Hai cuốn sách về chủ đề xung đột và quá trình ra đời của chúng như một minh chứng cho quá trình nhận thức, thừa nhận vấn đề của cá nhân và xã hội.
Cuốn thứ nhất Xung đột xã hội về đất đai ở nông thôn thời kỳ đổi mới (trường hợp tỉnh Hà Tây), ra đời năm 2008, đã phải đưa vào Nxb Công an nhân dân xuất bản dưới "phán quyết" Lưu hành nội bộ; đến cuốn thứ hai Xung đột xã hội từ lý luận đến thực tiễn nông thôn Việt Nam, ra đời năm 2013, cũng Nxb Công an nhân dân nhưng đã không còn phải Lưu hành nội bộ, âu cũng là một sự thắng lợi của chuyển biến nhận thức vấn đề.
Tiếp đến là sự dang tay chào đón của Viện Nghiên cứu dư luận xã hội (Ban Tuyên giáo Trung ương), tiếp thêm mạch tư duy cho Xung đột xã hội; nghiên cứu Dư luận xã hội nó được xem như là một chỉ báo bước đầu của xung đột xảy ra phải tính đến, và như là một kết quả, hệ quả mà xung đột mang đến. Để rồi đề tài nghiên cứu cơ bản Dư luận xã hội được tài trợ bởi Quỹ Nafosted và cuối cùng là cuốn sách Dư luận xã hội: lý luận và thực tiễn, ra đời 2015, đánh dấu sự trưởng thành thực sự về sự nghiệp nghiên cứu. Cái thành công của nó không chỉ đơn thuần là cuốn sách được ra đời, mà thông qua các bài giảng, cá nhân đã có cơ hội trình bày kết quả nghiên cứu, và nhận thức về nó đến các bạn sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh.
Tuy nhiên, những vấn đề xã hội bức xúc dẫn đến xung đột xã hội, hình thành dư luận xã hội, hay ngược lại xung đột xã hội, dư luận xã hội giải quyết những vấn đề xã hội bức xúc đó dù gì thì vẫn để lại những dấu ấn không mong muốn cho phần đông thành viên trong cộng đồng/nhóm. Đi tìm lời giải bền vững cho xã hội đầy rẫy những vấn đề xã hội bức xúc, đó mới là điều trăn trở của cá nhân bản thân.
Sáu lần đi ra nước ngoài, đặt chân đến các quốc gia: Pháp, Hà Lan, Bỉ, Đức, Nhật, Úc, Hoa Kỳ... trong đó 3 lần đi nghiên cứu Chủ thuyết phát triển của Việt Nam[1], những câu hỏi thường trực đặt ra trong đầu tôi suốt quá trình tiếp cận: Tại sao đất nước họ phát triển như vậy? Tại sao con người và sự vật ở các quốc gia đó có sự trật tự hợp lý như vậy? Tại sao sự trật tự, nền nếp và kỷ cương bên cạnh sự thân thiện, đầy trách nhiệm có mặt ở từng con người, nhóm người ở đất nước họ như vậy? Một sự trật tự trước sau, trên dưới đến từng chi tiết nhỏ; một sự tôn trọng đối thủ/đối tác; một cái gì đó thật khó mô tả trong cuộc sống thể hiện ở đẳng cấp văn minh cao... Nói như vậy, không phải tất cả ở họ, ở các quốc gia đó đều là sự hoàn hảo tuyệt đối mà có nơi này nơi kia, còn bạo lực, còn tệ nạn, còn tham nhũng, quan liêu... nhưng đó không thực sự để lại nhiều dấu ấn.
Trong khi đó, nhìn về Tổ quốc mình cứ có cảm giác một sự lộn xộn khó tả, trong khi đang thừa hưởng một truyền thống hàng ngàn năm lẫy lừng với những chiến thắng oanh liệt; trong khi đang thừa hưởng một nền văn hóa riêng, đậm đà bản sắc mà cả ngàn năm đô hộ của người Hán đã trụ vững và không thể Hán hóa.
Chúng ta đang thiếu hay đã mất cái gì chăng?
Sự nhường nhịn, xây dựng một xã hội nhường nhịn đặt nền tảng cho văn hóa nhường nhịn - ý tưởng đã xuất hiện sau một ngày đi dã ngoại được chứng kiến nhiều hành động xã hội đẹp ở Washington DC (10/2014).
Xây dựng Xã hội nhường nhịn là xã hội mà ở đó:
Có con người Nhường nhịn: là người biết cạnh tranh vươn đến "cái đẹp", phải là người biết xấu hổ với cái sai do mình hay tổ chức mình gây ra, biết thông cảm, chia sẻ, biết dung hòa trong quan hệ; lấy tình thương, trách nhiệm và lòng vị tha để thay thế cho sự tức giận, bốc đồng. Con người nhường nhịn không phải cứ là người hiền lành, không phải là người không cạnh tranh trong hoạt động sống.
Xã hội nhường nhịn: là xã hội mà ở đó mỗi cá nhân tự định vị được bản thân trong tổ chức, nhóm xã hội của mình; mỗi tổ chức, nhóm xã hội được xây dựng vì một xã hội trách nhiệm, dân chủ, minh bạch; con người biết điều tiết hài hòa lợi ích giữa cá nhân và cộng đồng.
Tuy nhiên, trong quá trình tự định vị bản thân để tạo thành cái bản gốc ổn định, chúng ta cần hiểu rằng cái gốc của nhường nhịn là sự hiểu biết và cơ sở để cho sự nhường nhịn tồn tại phải là sự công bằng. Do vậy, nhường nhịn là cái cao quý, nhưng ẩn chứa sau đó bất kể ai trong tâm thế cũng mong muốn có sự công bằng nhất định; đây là cái mà chính thể cần lưu tâm.
Trong xã hội nhường nhịn, đối tượng nào được thụ hưởng giá trị của sự nhường nhịn cũng quan trọng... nhưng dù sao sự nhường nhịn hoặc những mất mát/ thiệt thòi (trong ngắn hạn) của mình phải được xã hội hoặc đối tác ghi nhận. Do vậy, người được nhường nhịn chính là đang thụ hưởng giá trị của hạnh phúc; người nhường nhịn thì đương nhiên là hạnh phúc... vì hạnh phúc là cho đi.
Xã hội nhường nhịn là xã hội mà ở đó mỗi người dân, mỗi người lãnh đạo quản lý phải chịu trách nhiệm của mình trước những hành vi thiếu chuẩn; cần có những thay đổi bắt đầu từ những cá nhân đơn lẻ thay vì chờ đợi sự thay đổi từ phương diện vĩ mô của toàn bộ cấu trúc.
Xã hội nhường nhịn là xã hội mà ở đó, Văn hóa xấu hổ, Văn hóa chịu trách nhiệm, và cả Văn hóa từ chức được thể hiện như một lẽ sống bên cạnh những giá trị văn hóa đời thường khác.
Cuối cùng về Xã hội nhường nhịn và Văn hóa nhường nhịn:Văn hóa nhường nhịn vốn được nhắc đến và phần nào thể hiện trong đời sống xã hội của chúng ta từ rất xa xưa.
Ở cấp độ nhận thức, Văn hóa nhường nhịn có cấp độ cao hơn Xã hội nhường nhịn. Văn hóa nhường nhịn vốn đã có nhưng vì nó không được xây dựng trên nền tảng căn bản nên dễ bị biến đổi, dễ bị mất đi. Xã hội nhường nhịn chính là hồn cốt, là căn bản của Văn hóa nhường nhịn. Văn hóa nhường nhịn không từ một Xã hội nhường nhịn thì sẽ có Văn hóa nhường nhịn rỗng. Như vậy, để có cái gì đó trở thành văn hóa thì cần phải có những giá trị căn bản được xây dựng nên cho nó; để có Văn hóa nhường nhịn trước hết phải có Xã hội nhường nhịn làm giá trị căn cốt.
Quyển 1 cuốn sách Xây dựng xã hội nhường nhịn ra đời trên tâm thế chưa sẵn sàng, nhưng lại là yêu cầu bức thiết của thực tiễn xã hội; một số nhận định đưa ra còn phiến diện, bi quan hoặc đánh giá còn quá mạnh mẽ, nhưng tất cả đều muốn đánh động vào tâm lý, tình cảm của người Việt trước các hành vi, hành động còn "thiếu nhường nhịn" để góp phần xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn.
Quyển 2 đang hoàn thành với tham vọng Xã hội nhường nhịn phải được tiếp cận với tư cách là một lý thuyết, với đầy đủ bộ các khái niệm, các cặp phạm trù, phương pháp tiếp cận... Dù có đạt được tham vọng đó hay không thì nó cũng sẽ được ra đời vào đầu năm 2019, bởi chờ đợi một sự hoàn hảo là không thể. Thời gian còn dài cho sự hoàn thiện tiếp theo, nếu nó là một định mệnh.
Lời bạt cuối cùng cho lời tự vấn sớm là khi ngẫm nghĩ những gì đã trải qua, hình như định mệnh số phận trời đã sắp đặt sẵn trước cho mình, tất cả như là có sự chuẩn bị. Hy vọng những bước tiếp cuộc đời mình sẽ hoàn thành Theory of Nhường Nhịn Society.
Hy vọng lắm thay!!!
                                                                                                       Phan Tân




[1] Đề tài độc lập cấp nhà nước, mã số ĐTĐL.2008 G/09, do Hội đồng Lý luận Trung ương chủ trì.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét