Bài đăng nổi bật

Việt Nam nhìn từ Chủ thuyết phát triển

Thứ Tư, 18 tháng 7, 2018

Xã hội Nhường nhịn: nhận thức nội hàm khái niệm



Trong cuộc sống con người luôn phải tranh đấu, ganh đua vì mưu cầu sự tồn tại bản năng sơ cấp nhất cho đến sự tồn tại cao cấp, do đó ở người nọ người kia, ở nơi này nơi khác, từng công việc cụ thể nó không kém phần khốc liệt. Trong cái quay cuồng tranh giành, đấu tranh đó, khi mình bước ra khỏi một cách nhẹ nhàng giải thoát, mình đã đạt đến sự nhường nhịn.
Nhường nhịn là một đức tính quý, nó hóa giải được mọi tình huống phức tạp và tôn vinh giá trị cao đẹp của con người; nhường nhịn chính là một mỹ đức, là cái mỹ trong cái chân - thiện - mỹ.
Nếu có ai đó cho rằng sự nhường nhịn là nhục nhã thì đó là một suy nghĩ thiếu tích cực, thậm chí sai lệch. Người biết nhường lợi ích khi hợp tác, không phải vì người đó ngu mà vì họ hiểu thế nào là sẻ chia. Trên thực tế biết bao người đã phải trả giá đắt do cố chấp nhau không đáng, có khi đánh đổi cả sinh mạng để học được một kinh nghiệm của sự nhường nhịn và tha thứ; nhiều người cũng đã phải hối tiếc vì những hậu quả để lại do thiếu nhường nhịn (ví dụ những vụ xô xát sau va chạm giao thông; những vụ thanh toán bằng cả tính mạng chỉ vì bị cho là "nhìn đểu").
Đối lập với sự nhường nhịn là sự thiếu nhường nhịn qua biểu hiện tranh giành, tranh cướp. Khi chưa có quyền lợi thì sống với nhau vui vẻ, nhưng khi ai đưa ra đó một chức gì đó, một mối lợi nào đó thì lao vào tranh giành, tranh cướp.
Nhà văn Tạ Duy Anh cho rằng "Nhường cái gì, trước hết phải có sự thừa thãi về cái đó. Kẻ muốn có luôn luôn là kẻ chưa có. Nhường được, tức là biết được cái lẽ mênh mông của tạo hóa trước cái nhỏ nhặt, đáng thương và do đó thảm hại của lòng tham con người. Nhường là cho đi, là cúi thấp xuống, là dung thứ... Nhưng tất cả những yếu tố đó lại mặc nhiên - và vĩnh viễn - làm cao lớn con người"[1].
Bởi vậy, nhường nhịn không có nghĩa là đầu hàng, thua thiệt mà trái lại nhường nhịn và tha thứ cho nhau, thì mới có thể thành công trong cuộc sống, nhất là trong đối nhân, xử thế.
Trong quá trình thu thập, nghiên cứu, chúng tôi đã tập hợp một số quan niệm về nhường nhịn như sau:
Nhường nhịn là nhận phần thiệt thòi về mình;
Nhường nhịn là luôn nhường cho người khác phần hơn;
Nhường nhịn là chia sẻ lợi ích của mình cho người khác;
Nhường nhịn là dành quyền lợi tốt đẹp cho người khác;
Nhường nhịn là bao dung, độ lượng với những lỗi lầm của người khác;
Nhường nhịn là để tránh những xung đột không đáng có;
Nhường nhịn là chấp nhận thua thiệt hoàn toàn;
Nhường nhịn không có nghĩa là bị thua thiệt mà là muốn điều tốt đẹp cho tất cả mọi người;
Nhường nhịn là an phận, nhún nhường trước cái xấu;
Nhường nhịn là thể hiện mình hơn hẳn người mình nhường;
Nhường nhịn là thái độ sống tích cực cần có trong mỗi con người;
Nhường nhịn là cho đối thủ một cơ hội nhận ra lỗi lầm để sửa sai;
Nhường nhịn là không làm tận, làm tuyệt, đưa người khác vào bước đường cùng;
Nhường nhịn là để tu nhân tích đức cho bản thân và con cháu.
Như vậy có thể hiểu:
- Nhường và nhịn sẽ rèn luyện con người một thói quen tốt, biết định vị bản thân trong các quan hệ xã hội,...
- Nhường nhịn không làm cho mình thiệt thòi và yếu hèn, mà là để tránh xảy ra những hậu quả thiếu nhân đạo.
- Ở một khía cạnh nào đó, "nhường nhịn" tức là đã ít nhiều liên quan đến cái thiệt/ hơn, được mất trước mắt của một cá nhân/ một tổ chức/ cộng đồng/ quốc gia nào đó. 
* Người nhường nhịn và người thiếu nhường nhịn:
+ Người nhường nhịn luôn nghĩ đến người khác, giành quyền lợi tốt đẹp cho người khác; biết tha thứ cho người khác, giữ lòng thanh thản khi gặp điều trái ý nghịch lòng.
Trong tâm thế của một người nhường nhịn, họ sẵn sàng hi sinh lợi ích, hạnh phúc của cá nhân mình vì người khác. Người nhường nhịn sẽ coi sự hy sinh, thiệt thòi đó là bình thường, đôi khi còn "vui vẻ" coi đó là việc tích phúc, tích đức, thể hiện sự cao quý của bản thân.
Người nhường nhịn không có nghĩa là không cạnh tranh, thi đua trong công việc và trong cuộc sống. Người nhường nhịn cũng phải là người biết cạnh tranh vươn đến "cái đẹp"*, phải là người biết xấu hổ với cái sai do mình hay tổ chức mình gây ra, biết thông cảm, chia sẻ, biết dung hòa trong quan hệ; lấy tình thương, trách nhiệm và lòng vị tha để thay thế cho sự tức giận, bốc đồng.
Người biết nhường nhịn bao giờ cũng cao hơn về mặt văn hóa so với kẻ hưởng cái sự nhường ấy, bởi người nhường là người có, người muốn là người chưa có.
+ Người Thiếu Nhường nhịn là người không thể tự kiểm soát được mình trước những kích thích từ môi trường bên ngoài, là người có tâm thế bốc đồng, kích động, sẵn sàng tranh cướp lợi ích khi có cơ hội.
M. Gottfredson và T. Hirschi khi bàn về hiện tượng tội phạm đã đưa ra khái niệm “tự kiểm soát bản thân kém” (tạm dịch từ chữ low-self control) để giải thích về những người rất bốc đồng, rất kích động trong khi hành động... Những người này luôn tìm cách đối nghịch lại với những người thận trọng, biết suy trước tính sau trước khi hành động. Do không được giáo dục để có cái nhìn xa trước khi hành động nên họ luôn muốn đáp trả tức thì những kích thích từ bên ngoài. Bên cạnh đó, người tự kiểm soát bản thân kém cũng là người thích đi tìm những giải pháp dễ dàng để giải quyết vấn đề (ví dụ dùng vũ lực), dù những giải pháp ấy có thể gây ra hậu quả cực kỳ nghiêm trọng. Quả vậy, để giải quyết mâu thuẫn một cách hợp thức thì người ta phải biết thương lượng đúng sai với nhau (tức là những giải pháp khó), trong khi cách dễ dàng là "dùng thịt đè người", xử lý đối phương cho nhanh, gọn hơn.
Hai ông cho rằng “tự kiểm soát bản thân kém” xuất phát từ việc cá nhân không được giáo dục một cách đúng đắn khi còn nhỏ từ trong gia đình lẫn trường học, cộng với những hình ảnh bạo lực từ xã hội, phim ảnh, game online... khiến họ không thể tự kiểm soát được mình trước những kích thích, những thất bại từ môi trường bên ngoài (xem thêm Lê Minh Tiến, 2004)[2].
* Xã hội nhường nhịn:
Xã hội nhường nhịn là xã hội mà ở đó mỗi cá nhân tự định vị được bản thân trong tổ chức, nhóm xã hội của mình; mỗi tổ chức, nhóm xã hội được xây dựng vì một xã hội trách nhiệm, dân chủ, minh bạch; con người biết điều tiết hài hòa lợi ích giữa cá nhân và cộng đồng.
Tuy nhiên, trong quá trình tự định vị bản thân để tạo thành cái bản gốc ổn định, chúng ta cần hiểu rằng cái gốc của nhường nhịn là sự hiểu biết và cơ sở để cho sự nhường nhịn tồn tại phải là sự công bằng. Do vậy, nhường nhịn là cái cao quý, nhưng ẩn chứa sau đó bất kể ai trong tâm thế cũng mong muốn có sự công bằng nhất định; đây là cái mà chính thể cần lưu tâm.
Trong xã hội nhường nhịn, dù đối tượng được thụ hưởng giá trị của sự nhường nhịn là ai thì sự nhường nhịn hoặc những mất mát/ thiệt thòi (trong ngắn hạn) của người nhường nhịn cũng cần được xã hội hoặc đối tác ghi nhận. Người được nhường nhịn chính là đang thụ hưởng giá trị của hạnh phúc; người nhường nhịn thì đương nhiên là hạnh phúc... vì hạnh phúc là cho đi.
Xã hội nhường nhịn là xã hội mà ở đó mỗi người dân, mỗi người lãnh đạo quản lý phải chịu trách nhiệm của mình trước những hành vi thiếu chuẩn; cần có những thay đổi bắt đầu từ những cá nhân đơn lẻ thay vì chờ đợi sự thay đổi từ phương diện vĩ mô của toàn bộ cấu trúc. Xã hội nhường nhịn là xã hội mà ở đó, Văn hóa xấu hổ, Văn hóa chịu trách nhiệm, và cả Văn hóa từ chức được thể hiện như một lẽ sống bên cạnh những giá trị văn hóa đời thường khác.


Một số cặp phạm trù xung quanh thuật ngữ Nhường nhịn:
* Nhường nhịn / Nhẫn nhục:
Theo cách hiểu từ ngữ thông thường thì Nhẫn nhục ở mức độ nào đó mang nghĩa tiêu cực, triệt tiêu tính phát triển. Tuy nhiên, cần hiểu một cách đúng đắn rằng nhẫn không phải là sự cam chịu bằng mọi giá, không phải là phải gồng mình ôm nhục, là luồn cúi để mong đạt được mục đích.
Nhẫn nhục là giữ lòng bình thản khi gặp những điều trái ý, nghịch lòng. Giống với Nhường nhịn là bỏ qua, tha thứ cho hành động lỗi lầm có thể gây hại cho cá nhân mình ở một mức độ có thể chấp nhận được với mong muốn đối thủ sẽ lớn lên, biết sống tốt hơn sau khi làm điều lỗi lầm mà nhận được sự nhường nhịn này.
* Nhường nhịn / Cạnh tranh: 
Cạnh tranh là sự ganh đua nhằm giành lấy những điều kiện thuận lợi trong sản xuất, tiêu thụ hoặc
tiêu dùng hàng hoá để từ đó thu được nhiều lợi ích nhất cho mình. 
Cạnh tranh được coi là môi trường, động lực của sự phát triển nói chung, thúc đẩy sản xuất kinh 
doanh phát triển và tăng năng suất lao động, hiệu quả của các doanh nghiệp nói riêng, đồng thời
là yếu tố quan trọng làm lành mạnh hoá các quan hệ xã hội. Sản phẩm của cạnh tranh là sự tối
 ưu hóa của quá trình, và người hưởng lợi sản phẩm đó chính là nhân loại. Tuy nhiên, trong cạnh 
tranh cũng có tính khốc liệt của nó, do vậy trong nhiều trường hợp hậu quả của cạnh 
tranh là sự triệt tiêu, phá sản một doanh nghiệp, tổ chức nào đó.
* Nhường nhịn / Tranh cướp:
Tranh cướp là hành vi dùng tất cả phương tiện, năng lực hiện có (kể cả bạo lực) để giành bằng được vật phẩm hoặc món lợi nào đó từ ngoài vào cho mình hoặc vật phẩm, món lợi có giá trị cao hơn. Tranh cướp mang tính công khai, chưa dẫn đến trách nhiệm hình sự nhưng mang ý nghĩa tiêu cực ở mức cao.
Nhường nhịn có phần đồng hành với nhẫn nhục, cạnh tranh nhưng lại đối lập hoàn toàn với sự tranh cướp. Nhường nhịn nếu gắn với bối cảnh tranh cướp có nghĩa là sự nhường của chúng ta đã thuộc tuyệt đối về người khác cả về ý nghĩa vật chất lẫn tinh thần; người khác đã tranh cướp mất phần và chúng ta sẽ không còn phần nữa; và sự nhường nhịn này có phần ở tâm thế bị động.
Cặp phạm trù Nhường nhịn / Tranh cướp được xem là cặp phạm trù cơ bản nhất, thể hiện sự đối lập mang tính triệt tiêu. Đã nhường nhịn thì không còn tranh cướp, đã tranh cướp thì không còn nhường nhịn. Vì vậy, khi nhìn nhận một sự kiện xã hội, một hành động xã hội có thể đánh giá nó qua phân tích các chỉ báo hoặc tranh cướp, hoặc nhường nhịn. Ở đây không có cách hiểu trung dung nhường nhịn hoặc/và tranh cướp.
Có hai thuật ngữ ở cấp độ nhẹ hơn so với thuật ngữ tranh cướp đó là Tranh giành và Chụp giựt.
Chụp giựt:
Trong hai từ tố, chụp và giựt, giựt quan trọng hơn, đóng vai trò trung tâm. Chụp giựt giống giựt (hay giật) ở chỗ: giằng lấy cái gì đó từ trong tay người khác một cách chóng vánh và mạnh mẽ. Nhưng ngoài hai sắc thái chóng vánh và mạnh mẽ, có khi một cách thô bạo ấy, chụp giựt còn hai sắc thái khác mà chữ giựt đứng một mình không có: sự tham lam và nhếch nhác. Chụp thường chỉ động tác từ trên xuống dưới. Điều đó có nghĩa là vật thể được/bị chụp giựt phần lớn nằm dưới thấp. Từ thấp về vị trí đến thấp về giá trị: Điều người ta chụp giựt thường là những món lợi nho nhỏ. Đây là sự khác biệt giữa hai chữ giành giựt và chụp giựt: Trong chữ chụp giựt có chút gì như bỉ thử. Bởi vậy, trong khi chụp hay giựt chỉ là những động tác, thuần tuý là những động tác, chụp giựt lại là một động tác mang ý nghĩa đạo đức. Bao giờ nó cũng xuất phát từ một động cơ mang tính cá nhân, ít nhiều chà đạp lên những nguyên tắc cơ bản về sự công bằng và tinh thần tập thể.
Nhường nhịn / Tranh giành:
Tranh giành là giành giật, vơ vét lấy công sức, thành quả lao động của người khác. Tranh giành thể hiện sự tham lam, lối sống ích kỷ, vun vén cho lợi ích cá nhân, làm xấu đi các mối quan hệ xã hội. Trong khi đó, Nhường nhịn là cho, là chia sẻ công sức, thành quả lao động của mình với người khác. Nhường nhịn thể hiện tình thương, lối sống mình vì mọi người, làm con người hoàn thiện hơn về nhân cách.
Chỉ biết tranh giành mà không biết cho, biết nhường sẽ tự giết chết mình trong sự cô lập cộng đồng, xã hội. Mỗi người phải học cách nhường nhịn, cách chia sẻ và yêu thương con người; sống nhường nhịn, không tranh giành là lẽ sống cao đẹp.
* Xã hội nhường nhịn và Văn hóa nhường nhịn
Văn hóa nhường nhịn vốn được nhắc đến và phần nào thể hiện trong đời sống xã hội của chúng ta từ rất xa xưa.
Ở cấp độ nhận thức tôi cho rằng Văn hóa nhường nhịn ở cấp độ cao hơn Xã hội nhường nhịn. Như tôi nói Văn hóa nhường nhịn vốn đã có nhưng vì nó không được xây dựng trên nền tảng căn bản nên dễ bị biến đổi, dễ bị mất đi. Xã hội nhường nhịn chính là hồn cốt, là căn bản của Văn hóa nhường nhịn. Văn hóa nhường nhịn không từ một Xã hội nhường nhịn thì sẽ có Văn hóa nhường nhịn rỗng. Như vậy, để có cái gì đó trở thành văn hóa thì cần phải có những giá trị căn bản được xây dựng nên cho nó; để có Văn hóa nhường nhịn trước hết phải có Xã hội nhường nhịn làm giá trị căn cốt.




[1] Tạ Duy Anh, 2016, Những giấc mơ của tôi, Nxb Hội nhà văn, tr. 153-154.
* Cái đẹp ở đây theo nghĩa rộng, là tất cả những gì có giá trị; những mặt hàng sản xuất có tiện ích giá trị, những hành động đẹp...
[2]Lê Minh Tiến, 2004, Sự tự kiểm soát yếu kém, https://tuoitre.vn/su-tu-kiem-soat-yeu-kem-418791.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét