Bài đăng nổi bật

Việt Nam nhìn từ Chủ thuyết phát triển

Thứ Bảy, 30 tháng 3, 2019

Báo cáo chắt lọc đề tài: Xã hội nhường nhịn


                                        Kết thúc đề tài cũng lâu lâu, đang chuẩn bị xuất bản Quyển 2, 
                                        bận quá nhưng hôm nay cũng cố đưa lên vài nội dung 
                                  tóm lược trước vốn là quy định của QLKH

BÁO CÁO CHẮT LỌC
1- Về cách tiếp cận, khung lý thuyết, phương pháp nghiên cứu, tài liệu tham khảo:
+ Đề tài đã tiếp cận liên ngành khoa học gồm: Xã hội học, Tâm lý học, Văn hóa học, Lịch sử... vào nghiên cứu quan điểm nhường nhịn, sự nhường nhịn, văn hóa nhường nhịn, xã hội nhường nhịn ở Việt Nam trong lịch sử, truyền thống và hiện đại.
+ Đề tài đã vận dụng các lý thuyết, quan điểm liên quan như lý thuyết Nhu cầu, lý thuyết Xã hội hóa, Đồng thuận xã hội, Xã hội hài hòa, Xã hội lành mạnh, Phát triển bền vững, thuyết Khinh - Trọng... trong mối quan hệ với quan điểm Xã hội nhường nhịn.
+ Các phương pháp nghiên cứu của Xã hội học, Sử học, Tâm lý học... đã được kết hợp vận dụng để nghiên cứu trên cả phân tích tư liệu và khảo sát thực địa. Đặc biệt, hệ các phương pháp của xã hội học như: Phỏng vấn bảng hỏi, Thảo luận nhóm... đã được sử dụng để làm rõ các quan hệ xã hội, các biến đổi xã hội và tính toán đến những dự báo phát triển nhất định để đưa ra các giải pháp quản lý xã hội phù hợp, khả thi.
2- Về nội dung khoa học:
+ Hệ thống hóa quan niệm, quan điểm về nhường nhịn trong đời sống xã hội Việt Nam
+ Làm rõ hệ thuật ngữ: nhường nhịn/thiếu nhường nhịn, con người nhường nhịn/thiếu nhường nhịn, xã hội nhường nhịn. Thuật ngữ xã hội nhường nhịn được hiểu như sau:
Xã hội nhường nhịn là xã hội mà ở đó mỗi cá nhân tự định vị được bản thân trong tổ chức, nhóm xã hội của mình; mỗi tổ chức, nhóm xã hội được xây dựng vì một xã hội trách nhiệm, dân chủ, minh bạch; con người biết điều tiết hài hòa lợi ích giữa cá nhân và cộng đồng.
Tuy nhiên, trong quá trình tự định vị bản thân để tạo thành cái bản gốc ổn định, chúng ta cần hiểu rằng cái gốc của nhường nhịn là sự hiểu biết và cơ sở để cho sự nhường nhịn tồn tại phải là sự công bằng. Do vậy, nhường nhịn là cái cao quý, nhưng ẩn chứa sau đó bất kể ai trong tâm thế cũng mong muốn có sự công bằng nhất định; đây là cái mà chính thể cần lưu tâm.
Trong xã hội nhường nhịn, dù đối tượng được thụ hưởng giá trị của sự nhường nhịn là ai thì sự nhường nhịn hoặc những mất mát/ thiệt thòi (trong ngắn hạn) của người nhường nhịn cũng cần được xã hội hoặc đối tác ghi nhận. Người được nhường nhịn chính là đang thụ hưởng giá trị của hạnh phúc; người nhường nhịn thì đương nhiên là hạnh phúc... vì hạnh phúc là cho đi.
Xã hội nhường nhịn là xã hội mà ở đó mỗi người dân, mỗi người lãnh đạo, quản lý phải chịu trách nhiệm trước những hành vi thiếu chuẩn; là xã hội mà ở đó, văn hóa xấu hổ, văn hóa chịu trách nhiệm, và cả văn hóa từ chức được thể hiện như một lẽ sống bên cạnh những giá trị văn hóa đời thường khác.
+ Qua khảo cứu tài liệu, triển khai khảo sát trên thực địa nhận thức, thái độ, hành vi của người dân về sự nhường trong xã hội hiện nay, đề tài đã rút ra một số kết luận như sau:
1) Sự nhường nhịn, văn hóa nhường nhịn và các cặp phạm trù tương hợp như bao dung, khiêm cung, khiêm nhường... vốn đã tồn tại và được thể hiện qua những hành động cụ thể trong truyền thống lịch sử của người Việt, nó đã tồn tại trong tâm thức con người Việt... Đặc biệt, sự nhường nhịn đã được thể hiện qua giáo lý của các hệ phái tôn giáo như: Phật giáo, Kitô giáo, Nho giáo... Nhường nhịn là một mỹ đức của con người và nó được khẳng định bằng những giá trị cơ bản, nhất định. Tuy nhiên, để có một văn hóa nhường nhịn, cần thiết phải có một căn bản xã hội nhường nhịn. Cái căn bản của xã hội nhường nhịn đó chính là sự định vị trách nhiệm của cá nhân, nhóm xã hội với tâm thế thiệt mà hơn; thiệt/mất với cái trước mắt cá nhân nhưng hơn với toàn thể, hơn của sự trưởng thành, hạnh phúc, vì một xã hội văn minh.
Trong một xã hội phát triển đa cộng đồng, đa văn hóa, hội nhập, các mối quan hệ xã hội ngày càng đa dạng, phức tạp thì quan điểm Xã hội nhường nhịn bên cạnh các quan điểm Xã hội lành mạnh, Đồng thuận xã hội, Xã hội hài hòa... sẽ tạo ra một sự hoàn chỉnh trong nhận thức và giải quyết các mối quan hệ đó.
2) Sự thiếu nhường nhịn hay những hành vi phản cảm, những hành vi không đẹp... liên quan đến sự nhường nhịn đã và đang xảy ra trong xã hội hiện nay là một thực tế có thực. Những hành vi thiếu nhường nhịn này xuất hiện ở hầu khắp các mặt, các lĩnh vực trong quan hệ của đời sống xã hội; gây ra những hậu quả tiêu cực trong xã hội, đi ngược lại những giá trị nhân văn, những chuẩn mực truyền thống của dân tộc.
Người dân vẫn thừa nhận giá trị của sự nhường nhịn và những hành vi liên quan sự nhường nhịn là những hành động đẹp, là lẽ phải. Ý thức về sự chính xác, khoa học (trật tự và lần lượt sẽ đi nhanh hơn là chen lấn), niềm tin vào sự công bằng (người vi phạm sẽ bị xử phạt không bỏ sót) và thái độ chia sẻ (đồng cam cộng khổ, sẵn sàng nhường nhịn với người xung quanh)... vẫn tồn tại trong tâm thức người dân.
Sự thiếu ý thức trách nhiệm (không tôn trọng luật lệ, vô trách nhiệm với sự đảm bảo an toàn cho mình và người xung quanh…), thái độ bàng quan kiểu “sống chết mặc bay", thói ích kỷ chỉ muốn hơn người, muốn được việc cho riêng mình là những hành vi xấu không phải người dân không biết, nhưng những hành vi xấu vẫn xảy ra, chỉ đơn giản bởi suy nghĩ “người khác vượt dại gì mình không vượt”, và bởi tư duy "không đúng nhưng đôi lúc có thể chấp nhận được"…
Không ai là không biết rằng càng thiếu trật tự thì càng chậm trễ, như giao thông càng chen lấn càng ách tắc, chỉ có trật tự mới có thể di chuyển được. Và rằng trong những chuyện như thế này, thủ phạm cũng chính là nạn nhân. Nhưng tại sao vẫn không thể trật tự, vẫn cứ chen lấn, tự làm khó mình và làm khó người xung quanh, như một thứ bệnh không chữa được.
Xã hội đã lên tiếng, nhiều cá nhân và tổ chức đã có các hành động cụ thể cả trực tiếp và gián tiếp để phản ứng lại với hành động thiếu nhường nhịn đó, nhưng xu hướng thiếu nhường nhịn có vẻ không giảm. Tại sao vậy? Đây chính là vấn đề cần được đặt ra để giải quyết.
3) Nhường nhịn, sự nhường nhịn, văn hóa nhường nhịn là những giá trị của văn hóa ứng xử từng song hành cùng sự phát triển của dân tộc trên tất cả các mặt, các lĩnh vực của đời sống xã hội. Từ xa xưa trong truyền thống lịch sử, từ thượng tầng kiến trúc (triều đình phong kiến) cho đến hạ tầng cơ sở (dân gian) đã thấm đẫm những câu chuyện về nhường nhịn, những hành động nhường nhịn từ các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc đến những hành vi đẹp về nhường nhịn trong gia đình, trong cộng đồng làng xóm, thậm chí sự nhường nhịn, văn hóa nhướng nhịn còn được dân gian hình tượng hóa trong cả hoạt động sống của các sinh vật, cả những vật tưởng chừng vô tri vô giác.
Sự nhường nhịn đó là sự kết tinh của văn hóa phương Đông, là sự kết tinh tinh hoa của Phật giáo, Đạo giáo, Nho giáo và cả Kitô giáo, được người Việt chắt lọc, vận dụng, sáng tạo trở thành văn hóa Việt bền vững mà không ít thế lực đã tưởng như rằng họ sẽ hóa được cái dân tộc này theo một văn hóa khác.
Sự nhường nhịn mang truyền thống đẹp của cả lịch sử chiều dài dân tộc là vậy, nhưng có những lúc, những nơi, từng con người cụ thể vẫn có sự thiếu nhường nhịn nhất định trong những hành động cụ thể.
Lịch sử từng có những con người thiếu nhường nhịn mà phải chịu cảnh vong quốc; lịch sử từng phải chứng kiến những giai đoạn do áp dụng sai hành động cách mạng (như cải cách ruộng đất; quan liêu bao cấp...) mà làm chao đảo đi cả dân tộc, phá vỡ đi phần nào những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, trong đó có văn hóa nhường nhịn. Sự phá vỡ này đã để lại di chứng nặng nề cho cả dân tộc và kéo dài cả một giai đoạn mà tha nhân người Việt đã chịu hệ lụy không đáng có. Bên cạnh sự phá vỡ trên, một số hành động xã hội phục vụ phát triển (đó là những lựa chọn triết lý trong giáo dục, trong kinh tế, trong du lịch và cả trong tổ chức thể chế) đã khơi mầm cho những quan điểm lệch lạc về lợi ích, thiếu tính nhân bản.
Do vậy, ở chỗ này chỗ kia, ở thời điểm này thời điểm kia, ở những lĩnh vực này lĩnh vực khác, chúng ta phải chứng kiến những hành vi không đẹp, những hành vi thiếu nhường nhịn xảy ra gây bức xúc trong dư luận xã hội; nó xảy ra từ trong gia đình, đến trường học, công sở, ra cả ngoài xã hội.
Thiếu nhường nhịn xảy ra từ những nhu cầu đơn giản nhất, sơ khai nhất trong ăn, ở, đi lại, công việc cho đến thưởng thức văn hóa nghệ thuật và cả sự thiếu nhường nhịn trong quan hệ tranh đoạt quyền lực...
Những hành động thiếu nhường nhịn đã tạo cho chúng ta có cảm giác như xã hội đã rối loạn; Tham - Sân - Si - Hỉ - Nộ - Ái - Ố... đã lên đến đỉnh điểm; các giá trị bị phá vỡ, tôn ti trật tự không còn; văn hóa dân tộc đã đến đường cùng của sự gãy vỡ.
Thế nhưng, hạnh phúc thay cho dân tộc, khi đi vào đời sống thực tế, nhận thức của người dân vẫn đánh giá sáng suốt thế nào là cái đẹp, thế nào là cái Chân - Thiện - Mỹ... Dân gian (từng người dân cụ thể) vẫn nhận thức được giá trị của sự nhường nhịn: là lối sống tích cực, là mong muốn sự tốt đẹp cho tất cả mọi người, là tránh xung đột, là cách ứng xử nhân văn giữa con người với nhau, thậm chí nhân văn với cả đối thủ của mình.
Người dân đã có thái độ rõ ràng với những cái xấu, cái đi ngược lại với giá trị, truyền thống của dân tộc; không chấp nhận được với những hành vi thiếu nhường nhịn.
Một xã hội văn minh là xã hội ở đó con người phải đạt được các quan hệ minh bạch, con người ý thức được vai trò của cá nhân và trách nhiệm với xã hội (định vị cá nhân); trách nhiệm cá nhân và cộng đồng càng cao thì xã hội càng văn minh; trong xã hội không có chỗ cho tư tưởng mạnh được yếu thua, không có chổ cho các hành xử kiểu luật rừng...
Để đạt được cấp độ xã hội đó, cần thiết phải có những nhìn nhận nghiêm túc thực tại xã hội; có phân tích, đánh giá thực tại xã hội. Trong xã hội Việt Nam hiện nay, giữa sự thiếu nhường nhịn và nhận thức về nhường nhịn đang là cả một khoảng cách lớn.
Xây dựng một xã hội nhường nhịn, không phải chỉ dừng lại ở thuật ngữ: nhường nhịn, sự nhường nhịn, ứng xử nhường nhịn, hay văn hóa nhường nhịn... vốn như chúng ta đã biết từ văn hóa truyền thống để lại; không chỉ là lời kêu gọi mà là vấn đề của từng con người. Mỗi con người phải xác định lại cá nhân mình, phải tự định vị lại mình. Từ vị trí của cá nhân mỗi con người, trong công việc, trong ứng xử, trong quan hệ... phải ý thức được vai trò của mình; phải tự thay đổi, phải có những thay đổi bắt đầu từ cá nhân đơn lẻ thay vì chờ đợi sự thay đổi trên phương diện toàn bộ cấu trúc. Từ mỗi cá nhân cho đến xã hội phải thượng tôn pháp luật, tuân thủ các giá trị đạo đức xã hội; xây dựng các triết lý đúng; các hành động đúng, có sự làm gương, noi gương.
Xã hội nhường nhịn là xã hội mà ở đó mỗi cá nhân tự định vị được bản thân trong tổ chức, nhóm xã hội của mình; mỗi tổ chức, nhóm xã hội được xây dựng vì một xã hội trách nhiệm, dân chủ, minh bạch; con người biết điều tiết hài hòa lợi ích giữa cá nhân và cộng đồng.
Xã hội nhường nhịn là xã hội mà ở đó mỗi người dân, mỗi người lãnh đạo, quản lý phải biết chịu trách nhiệm trước những hành vi thiếu chuẩn; là xã hội mà ở đó, Văn hóa xấu hổ, Văn hóa chịu trách nhiệm, và cả Văn hóa từ chức được thể hiện như một lẽ sống bên cạnh những giá trị văn hóa đời thường khác./.
3- Về khả năng ứng dụng trong thực tiễn:
Trong xã hội Việt Nam hiện nay, giữa sự thiếu nhường nhịn và nhận thức về nhường nhịn đang là cả một khoảng cách lớn; xây dựng một xã hội nhường nhịn, không phải chỉ dừng lại ở thuật ngữ. Do vậy, cần thiết phải có sự lan tỏa quan điểm nghiên cứu, đánh động, đánh thức tâm lý của người dân về vấn đề.
Chủ trương kêu gọi xây dựng một xã hội nhường nhịn trên căn bản, căn cốt văn hóa nhường nhịn đã có là một vấn đề cần thiết, cấp bách. Bên cạnh đó, cần tiếp tục triển khai các nghiên cứu tiếp theo một cách hệ thống bài bản về xã hội nhường nhịn ở tất cả các lĩnh vực./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét