Bài đăng nổi bật

Việt Nam nhìn từ Chủ thuyết phát triển

Thứ Bảy, 30 tháng 3, 2019

Báo cáo khuyến nghị đề tài: Bàn về Xã hội nhường nhịn


I. Nhận thức vấn đề
Trong cuộc sống, con người luôn phải tranh đấu, ganh đua vì mưu cầu sự tồn tại bản năng sơ cấp nhất cho đến sự tồn tại cao cấp. Do đó ở người nọ người kia, ở nơi này nơi khác, từng công việc cụ thể sẽ có những sự tranh đấu ở các mức độ khác nhau. Trong cái quay cuồng tranh giành, đấu tranh đó, nếu con người bước ra khỏi một cách nhẹ nhàng giải thoát, từ là họ đã đạt đến sự nhường nhịn.
Nhường nhịn là một đức tính quý, nó hóa giải được mọi tình huống phức tạp và tôn vinh giá trị cao đẹp của con người; nhường nhịn chính là một mỹ đức, là cái mỹ trong cái chân - thiện - mỹ.
Nếu có ai đó cho rằng sự nhường nhịn là hèn kém, nhục nhã, phải chịu "thua thiệt" thì đó là một suy nghĩ thiếu tích cực, thậm chí sai lệch. Người biết nhường lợi ích khi hợp tác không phải là người "ngu" mà đó là người hiểu thế nào là sẻ chia. Trên thực tế biết bao người đã phải trả giá đắt do cố chấp nhau không đáng, có khi đánh đổi cả sinh mạng chỉ bởi thiếu nhường nhịn và tha thứ; nhiều người cũng đã phải hối tiếc vì những hậu quả để lại do thiếu nhường nhịn (ví dụ những vụ xô xát sau va chạm giao thông; những vụ thanh toán đến đoạt cả tính mạng chỉ vì bị cho là "nhìn đểu").
Đối lập với sự nhường nhịn là sự thiếu nhường nhịn qua biểu hiện tranh giành, tranh cướp. Khi chưa có quyền lợi thì sống với nhau vui vẻ, nhưng khi ai đưa ra đó một chức gì đó, một mối lợi nào đó thì lao vào tranh giành, tranh cướp.
+ Người nhường nhịn luôn nghĩ đến người khác, giành quyền lợi tốt đẹp cho người khác; biết tha thứ cho người khác, giữ lòng thanh thản khi gặp điều trái ý nghịch lòng.
Trong tâm thế của một người nhường nhịn, họ sẵn sàng hi sinh lợi ích, hạnh phúc của cá nhân mình vì người khác. Người nhường nhịn sẽ coi sự hi sinh, thiệt thòi đó là bình thường, đôi khi còn "vui vẻ" coi đó là việc tích phúc, tích đức, thể hiện sự cao quý của bản thân.
Người nhường nhịn không có nghĩa là không cạnh tranh, thi đua trong công việc và trong cuộc sống. Người nhường nhịn cũng phải là người biết cạnh tranh vươn đến "cái đẹp"*, phải là người biết xấu hổ với cái sai do mình hay tổ chức mình gây ra, biết thông cảm, chia sẻ, biết dung hòa trong quan hệ; lấy tình thương, trách nhiệm và lòng vị tha để thay thế cho sự tức giận, bốc đồng. Người biết nhường nhịn bao giờ cũng cao hơn về mặt văn hóa so với kẻ hưởng cái sự nhường ấy, bởi người nhường là người có, người muốn là người chưa có.
+ Người thiếu nhường nhịn là người không thể tự kiểm soát được mình trước những tác động từ môi trường bên ngoài, là người có tâm thế bốc đồng, kích động, sẵn sàng tranh cướp lợi ích khi có cơ hội.
M. Gottfredson và T. Hirschi khi bàn về hiện tượng tội phạm đã đưa ra khái niệm “tự kiểm soát bản thân kém” (tạm dịch từ chữ low-self control) để giải thích về những người rất bốc đồng, rất kích động trong khi hành động... Những người này luôn tìm cách đối nghịch lại với những người thận trọng, biết suy trước tính sau trước khi hành động. Do không được giáo dục để có cái nhìn xa trước khi hành động nên họ luôn muốn đáp trả tức thì những tác động từ bên ngoài. Bên cạnh đó, người tự kiểm soát bản thân kém cũng là người thích đi tìm những giải pháp dễ dàng để giải quyết vấn đề (ví dụ dùng vũ lực), dù những giải pháp ấy có thể gây ra hậu quả cực kỳ nghiêm trọng. Quả vậy, để giải quyết mâu thuẫn một cách hợp thức thì người ta phải biết thương lượng đúng sai với nhau (tức là những giải pháp khó), trong khi cách dễ dàng là "dùng thịt đè người", xử lý đối phương cho nhanh, gọn hơn.
Gottfredson và Hirschi cho rằng “tự kiểm soát bản thân kém” xuất phát từ việc cá nhân không được giáo dục một cách đúng đắn khi còn nhỏ từ trong gia đình lẫn trường học, cộng với những hình ảnh bạo lực từ xã hội, phim ảnh, game online... khiến họ không thể tự kiểm soát được mình trước những kích thích, những thất bại từ môi trường bên ngoài[1].
* Xã hội nhường nhịn:
Xã hội nhường nhịn là xã hội mà ở đó mỗi cá nhân tự định vị được bản thân trong tổ chức, nhóm xã hội của mình; mỗi tổ chức, nhóm xã hội được xây dựng vì một xã hội trách nhiệm, dân chủ, minh bạch; con người biết điều tiết hài hòa lợi ích giữa cá nhân và cộng đồng.
Tuy nhiên, trong quá trình tự định vị bản thân để tạo thành cái bản gốc ổn định, chúng ta cần hiểu rằng cái gốc của nhường nhịn là sự hiểu biết và cơ sở để cho sự nhường nhịn tồn tại phải là sự công bằng. Do vậy, nhường nhịn là cái cao quý, nhưng ẩn chứa sau đó bất kể ai trong tâm thế cũng mong muốn có sự công bằng nhất định; đây là cái mà chính thể cần lưu tâm.
Trong xã hội nhường nhịn, dù đối tượng được thụ hưởng giá trị của sự nhường nhịn là ai thì sự nhường nhịn hoặc những mất mát/ thiệt thòi (trong ngắn hạn) của người nhường nhịn cũng cần được xã hội hoặc đối tác ghi nhận. Người được nhường nhịn chính là đang thụ hưởng giá trị của hạnh phúc; người nhường nhịn thì đương nhiên là hạnh phúc... vì hạnh phúc là cho đi.
Xã hội nhường nhịn là xã hội mà ở đó mỗi người dân, mỗi người lãnh đạo, quản lý phải chịu trách nhiệm trước những hành vi thiếu chuẩn; là xã hội mà ở đó, văn hóa xấu hổ, văn hóa chịu trách nhiệm, và cả văn hóa từ chức được thể hiện như một lẽ sống bên cạnh những giá trị văn hóa đời thường khác.

II. Những kiến giải từ kết quả nghiên cứu
Những sự kiện, hiện tượng thiếu nhường nhịn trong thời gian qua đã khiến nhiều người lo ngại. Không ít bài viết, nghiên cứu đã than phiền về sự “suy thoái văn hóa”, về “đạo đức đang suy đồi”, về một “xã hội tranh giành”... Cũng từ đó, có sự suy diễn: Ngày hôm qua hơn hôm nay! Cuộc sống hôm qua yên bình hơn hôm nay, thời buổi bây giờ nhiều xáo trộn quá! Bây giờ, người ta không còn nhường nhịn gì nữa! Phải chăng vì vậy, bây giờ cần xây dựng một xã hội nhường nhịn?
Chúng tôi đã khái lược về những hành động nhường nhịn và thiếu nhường nhịn trong lịch sử của dân tộc. Dòng chủ đạo chính mà chúng tôi nhận thấy trong quan hệ ứng xử vẫn là sự nhường nhịn. Đồng thời qua phân tích, đánh giá thực trạng thiếu nhường nhịn đã và đang diễn ra những năm gần đây trong xã hội Việt Nam qua sự mô tả của báo chí và sự đánh giá của người dân (từ nhận thức, thái độ, hành vi của họ) chúng tôi nhận thấy rằng cần phải xác định rõ những yếu tố cơ bản cấu thành xã hội nhường nhịn cụ thể:
1) Thượng tôn pháp luật, tuân thủ các giá trị đạo đức xã hội
Mỗi hành vi nhường nhịn hoặc/và thiếu nhường nhịn xảy ra đều có quan hệ mật thiết với nền tảng đạo đức hoặc/và luật pháp. Luật pháp và con người của cơ quan công quyền không thể giám sát hết tất cả các khoảng không xã hội, mọi quan hệ xảy ra, vì vậy, bện cạnh luật pháp, chính đạo đức trong mỗi con người phải tự điều chỉnh để không vi phạm luật pháp và không vi phạm đạo đức xã hội.
Để có được ý thức đạo đức, ý thức pháp luật, cần phải tuyên truyền, giáo dục thường xuyên; pháp luật phải được thượng tôn bằng việc áp dụng nghiêm khắc hình phạt với các vi phạm, "luật pháp bất vị thân".
2) Xây dựng Đức tin - yếu tố quan trọng trong xây dựng Xã hội nhường nhịn
Một số người cho rằng sở dĩ người ta trở nên hung hãn như vậy là vì thiếu đức tin. Bởi vậy, đức tin cần phải được định hướng và xây dựng trong mỗi con người, bởi khi không có đức tin, con người ta có thể bất chấp thủ đoạn, tàn ác với nhau, dễ dàng ra tay tàn độc với đồng loại không cần suy nghĩ gì đến hậu quả do hành động bạo lực của mình gây ra, không sợ bị trả giá.
3) Trước tình trạng trong xã hội ngày càng nhiều các hiện tượng hành xử trái với đạo đức, trái với truyền thống văn hóa tốt đẹp cần có nền tảng hệ giá trị cho giáo dục ở cả nhà trường và xã hội; và xác định lại phương hướng, cách thức giáo dục. Thay đổi phương hướng, cách thức giáo dục cần chú trọng một số triết lý trọng tâm:
+ Tôn trọng quyền cá nhân thay cho chạy đua thành tích tập thể;
+ Tôn trọng sự khác biệt thay cho đồng đội bạn cùng tiến;
+ Học sinh là trung tâm thay cho giáo viên là trung tâm;
+ Phát triển toàn diện thay cho học chuyên, "luyện gà chọi";
+ Đọc hiểu phê phán thay cho đọc chép, nhắc lại;
+ Học ít mà chất, hài lòng thay cho học nhồi nhét không biết ứng dụng;
+ Đối thoại thầy trò thay cho truyền thụ một chiều.
Các giải pháp đưa ra phải hướng đến giá trị bền vững về sự nhường nhịn qua các quan hệ xã hội, ứng xử xã hội, hành động xã hội; đồng thời, hướng đến nhận thức nhường nhịn, thái độ nhường nhịn, hành vi nhường nhịn thông qua các hình thức giáo dục/tự giáo dục, tuyên truyền/tự tuyên truyền.
Đồng thời với xây dựng, củng cố những yếu cơ bản, căn cốt cho một xã hội nhường nhịn, cần xác định rằng nhường nhịn là một trạng thái ứng xử mà chúng ta phải đối diện trong giao tiếp hàng ngày, chúng ta phải làm hàng ngày chứ không phải là mục tiêu đặt ra để giải quyết. Do vậy, trước mắt cần có các hành động xã hội tức thời, đó là:
- Xây dựng xã hội nhường nhịn từ những sự kiện, hành động làm gương, noi gương từ những hành động tốt, sự kiện tốt.
- Xây dựng các trang mạng xã hội chuyên đưa tin, lên án những vụ việc thiếu nhường nhịn, tạo áp lực dư luận đánh mạnh vào tâm lý xã hội, cảnh tỉnh người dân, tạo thành phong trào "không thể chấp nhận".
- Cần thiết phải có phong trào đánh động về "văn hóa xấu hổ", "văn hóa tự chịu trách nhiệm"; làm cho con người thấy xấu hổ, tự nhục, tự vấn...mà trước hết là định vị bản thân, biết mình, biết người, biết cái sai, cái xấu, cái thiếu nhường nhịn của người khác thì cũng phải tự biết được cái sai, cái xấu, cái thiếu nhường nhịn của bản thân mình. Xây dựng văn hóa xấu hổ, kiềm chế sự thiếu nhường nhịn; Xây dựng văn hóa xin lỗi, văn hóa tự chịu trách nhiệm giải tỏa bức xúc, hướng đến xã hội văn minh.
III. Khuyến nghị với các cơ quan chức năng, cá nhân, cộng đồng
1. Đối với các cơ quan quản lý và nghiên cứu khoa học xã hội
Nghiên cứu về nhường nhịn, sự nhường nhịn, văn hóa nhường nhịn và xã hội nhường nhịn đang là những nghiên cứu khởi đầu đơn lẻ. Nghiên cứu xã hội nhường nhịn cần xác định vừa là nghiên cứu cơ bản, vừa nghiên cứu ứng dụng; vừa nghiên cứu lý thuyết, vừa nghiên cứu triên khai. Do vậy, các cơ quan quản lý khoa học cần tiếp tục cho triển khai các nghiên cứu về chủ đề này một cách cơ bản; nghiên cứu chuyên biệt trên nhiều lĩnh vực như: giáo dục, y tế, giao thông...
Các nghiên cứu cơ bản được định hướng và đạt theo một khung quan điểm, lý thuyết về sự nhường nhịn theo Nguyên tắc 3 bước:
(1)- Thấu hiểu và vận dụng các quan điểm, lý thuyết sẵn có một cách sáng tạo phù hợp với mục tiêu xây dựng xã hội nhường nhịn;
(2)- Tiến tới sáng tạo trong vận dụng các quan điểm, lý thuyết về sự nhường nhịn, phù hợp với bản sắc văn hóa Việt Nam và với đặc thù kinh tế & xã hội Việt nam trong thời kỳ đẩy mạnh đổi mới và hội nhập quốc tế;
(3)- Tiến tới sáng tạo hoàn toàn mới, góp phần lập thuyết, luận thuyết, và dụng thuyết về xây dựng xã hội nhường nhịn tại Việt Nam và trên thế giới ngày nay.
2. Đối với mỗi người dân, nhóm, mỗi tổ chức xã hội
- Mỗi cá nhân phải được nhận thức một cách căn bản từ văn hóa truyền thống, đến những hành động hay, những hành động đẹp, từ đó tường bước có những bước chuyển hợp lý về nhận thức, thái độ, hành vi nhường nhịn trong cuộc sống.
- Trong giáo dục, nhà trường cần tăng thời lượng bài học về văn hóa giao tiếp, chú trọng kỷ năng ứng xử vì mục tiêu "học để cùng sống với nhau".
- Trong gia đình, bản thân cha mẹ phải làm gương; mỗi hành động, mỗi hành vi của con trẻ phải được định hướng trong một khuôn mẫu nhất định hướng tới sự hoàn thiện nhân cách đúng ngay từ đầu đời./.




* Cái đẹp ở đây theo nghĩa rộng, là tất cả những gì có giá trị; những mặt hàng sản xuất có tiện ích giá trị, những hành động đẹp...
[1] Dẫn theo: Lê Minh Tiến (2004), "Sự tự kiểm soát yếu kém", https://tuoitre.vn/su-tu-kiem-soat-yeu-kem-418791.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét